Vĩnh Phúc: Người “thổi tù và hàng tổng” trước cổng trường học

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi liên tục được nghe những hiệu lệnh dứt khoát, những câu nhắc nhở mọi người đi lại an toàn; xen kẽ với đó là tiếng nhạc rộn ràng.

“Xe máy vào trong đi!”

“0980 lên hết đường đi, đừng đỗ lâu”

“5582 lên nữa đi”

“7850 lên nhanh đi cho xe máy người ta vào với”

“Ô tô vào sâu bên trong thì quay đầu giúp đi ạ”

“Bình tĩnh, bình tĩnh không đi đâu mà vội các bố các mẹ ơi”

“Khẩu trang của con đâu ?”

“Đi cẩn thận đi các anh chị ơi, xe mà có va chạm là con cái mất đi học”

…..

Những âm thanh đó, mọi sáng sớm và cuối buổi chiều - khoảng thời gian con trẻ đi học và tan trường - đều vang lên tại cổng trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

ong-nam-angt1-1636513126.jpeg

Ông Nguyễn Tiến Nam trước cổng trường Tiểu học Liên Bảo làm công tác bảo đảm an toàn giao thông.

 

Có mặt tại cổng trường Tiểu học Liên Bảo từ khá sớm, chúng tôi lặng lẽ quan sát một người đàn ông dáng người cao ráo, mạnh khỏe và rất nhanh nhẹn; mặc bộ quần áo bộ đội, đầu đội mũ cối có sao vàng; một tay cầm chiếc gậy chỉ huy giao thông, một tay cầm micro, miệng liên tục đưa ra những hiệu lệnh giao thông, có lúc ông rời vị trí, dắt tay một hai em học sinh đưa vào tận cổng trường… Công việc ấy chỉ kết thúc khi đứa trẻ cuối cùng vào trường an toàn, bắt đầu buổi học mới. Tiếng trống vào lớp vang lên cũng là lúc ông nhanh tay chân xếp gọn những biển báo hướng dẫn an toàn giao thông. Sau đó vào ba rưỡi mỗi buổi chiều, những biển báo ấy lại được ông xếp ra đường để thực hiện các công việc quen thuộc đã làm vào buổi sáng sớm. Đó là ông Nguyễn Tiến Nam - một người “thổi tù và hàng tổng” trước cổng trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Tiến Nam sinh năm 1954 tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1972, ông Nam đi bộ đội, nhập ngũ tại Quân chủng Phòng không Không quân. Sau gần chục năm chiến đấu, ông ra quân, về quê hương lập gia đình và gây dựng kinh tế. Để nâng cao trình độ, ông quyết tâm học tập, thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa, trở thành một kỹ sư điện. Sau nhiều năm công tác tại một số tỉnh thành trên cả nước, hiện tại ông Nam cùng gia đình sống tại số nhà 10A, ngõ 12, đường Trần Phú, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Là người lính trở về đời thường, Ông Nam hiện là một cựu chiến binh xông xáo của Hội Cựu chiến binh phường Liên Bảo, tham gia rất nhiều hoạt động với mong muốn góp phần nhỏ bé vào những việc có ích cho đời.

cong-truong-lien-bao-1636539005.jpeg

Trò chuyện mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết, đó có thể là bởi những năm tháng  tuổi trẻ, ông  Nam hoạt động hết sức sôi nổi trong các hoạt động Đoàn của trường Đại học Bách Khoa. Giọng nói xen lẫn chút niềm vui, ông Nam kể với chúng tôi về “cơ duyên” đến với việc “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” góp sức bảo đảm an toàn giao thông tại cổng trường Tiểu học Liên Bảo: Xuất phát điểm tôi là một cựu chiến binh, một tuyên truyền viên của địa phương, trong tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng của phường Liên Bảo. Khi trường Tiểu học Liên Bảo xây dựng “Cổng trường trật tự an toàn giao thông” có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Hội Cựu chiến binh. Hội Cựu chiến binh phường chúng tôi sẵn sàng tham gia góp phần đảm bảo an toàn giao thông ở trường Tiểu học Liên Bảo bởi đây là trục đường nhỏ, nơi có dân cư đông và có thêm một trường THPT bên cạnh. Phát huy tinh thần người lính, tinh thần anh bộ đội cụ Hồ, tôi xung phong ra để hỗ trợ nhà trường trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tôi đồng hành cùng nhà trường từ năm 2019 cho đến nay. Hàng ngày, tôi khoác bộ quần áo bộ đội, đầu đội mũ gắn sao vàng, đem theo chiếc xe máy buộc loa thùng, âm ly, góp sức lực nhỏ bé cùng nhà trường đảm bảo an toàn giao thông cho các con. Có một điều ít nhiều tôi luôn tự nhủ: Mình đã là một người lính, khi nhận một việc gì đó với bất cứ ai kể cả việc tư hay việc công, tôi đều cố gắng làm “tròn vai” của mình.

ong-nam-angt4-1636513216.jpeg

Công việc hàng ngày của ông Nam trước cổng trường Tiểu học Liên Bảo

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà - Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Liên Bảo trao đổi: Cổng trường An toàn giao thông của chúng tôi bắt đầu triển khai từ năm 2019, trở thành cổng trường an toàn về nhiều mặt cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh; được nhiều đơn vị đến tìm hiểu học tập kinh nghiệm. Cổng trường an toàn giao thông nhà trường chúng tôi có được sự giúp đỡ rất lớn từ phía phường Liên Bảo, lực lượng công an phường, sự phối hợp chặt chẽ của trường THPT Trần Phú trên cùng trục đường, sự tạo điều kiện của tổ dân phố trên địa bàn trường đóng. Ngoài ra là sự nỗ lực cố gắng của Ban Giám hiệu, Liên đội, giáo viên và các em học sinh. Bên cạnh đó là sự ủng hộ rất lớn từ phía các bậc phụ huynh, tất cả vì mục tiêu chung xây dựng Cổng trường an toàn giao thông đem lại sự an toàn tuyệt đối, đem đến niềm vui cho trẻ khi đến trường. Và một điều đặc biệt, cổng trường an toàn giao thông của nhà trường có sự giúp sức, điều tiết giao thông từ bác Nguyễn Tiến Nam, một cựu chiến binh sinh sống gần khu vực trường. Bác Nguyễn Tiến Nam đã giúp nhà trường đến năm nay là năm thứ ba, bác làm việc với lòng tự nguyện, chân thành, thật tâm giúp đỡ, không có một mưu cầu gì. Hàng ngày bác dành trước khoảng một tiếng đồng hồ vào mỗi sáng và sau giờ tan học để làm công tác phân luồng, hướng dẫn phụ huynh học sinh đi lại đảm bảo an toàn giao thông. Bác Nam là người rất nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm cao, tận tình hướng dẫn phụ huynh và các em học sinh nền nếp, trật tự. Nhà trường luôn ghi nhận và đánh giá rất cao những việc bác Nam đã làm để góp phần cùng chúng tôi xây dựng hình ảnh đẹp tại cổng trường an toàn giao thông, tạo nên nét đẹp văn hóa giao thông.

Khi được hỏi về lý do gắn bó với công việc “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” này, ông Nam chỉ chiêm nghiệm: Tôi có gần chục năm là bộ đội, trong chiến tranh, tận mắt chứng kiến sự hy sinh mất mát của đồng đội, rồi trong suốt mấy chục năm làm việc trên các công trường, nghề điện của chúng tôi nếu đóng cắt điện không an toàn, đóng nhầm cầu dao, sai lệch điện cao thế 22 kV…hay nếu người thợ coi thường, không tuân thủ quy định sẽ xảy ra những tai nạn rất thương tâm. Tai nạn giao thông cũng tương tự như thế, khi có chuyện xấu sẽ rất đau lòng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì lẽ đó, tôi là người dân địa phương, sinh sống ngay gần trường, ít nhiều mình có phương tiện là chiếc xe máy cũ, bộ loa cũ nên tôi xung phong ra giúp đỡ nhà trường, cùng với giáo viên đảm bảo an toàn cho con trẻ và phụ huynh khi đón đưa các con đi học. Mục đích tôi ra đây chủ yếu hỗ trợ nhà trường tạo ra một sự ổn định, sự thống nhất trật tự về giao thông, làm sao không để xảy ra một chút va chạm nào, đem đến sự an toàn tuyệt đối cho các con. Việc tôi làm nhận được rất nhiều sự ủng hộ của nhà trường, của các bậc phụ huynh, tôi cũng rất phấn khởi. Mình đã bỏ công sức ra đây cùng nhà trường cùng đại đa số các bậc phụ huynh, mình mong muốn làm sao thật hiệu quả chứ nói về thành tích, tôi không quan tâm. Tôi chỉ mong góp sức nhỏ bé đảm bảo sự an toàn cho học sinh. Năm nay tôi gần 70 tuổi rồi, tôi tham gia được bao nhiêu nữa thì sẽ tham gia hết mình.

Chị Nguyễn Thị Tuyến, kinh doanh nhỏ gần cổng trường Tiểu học Liên Bảo cho biết: Mấy năm nay, ngày nào trẻ con đến trường cũng đều thấy bác Nam làm việc phân luồng, hướng dẫn bố mẹ học sinh đi đúng Luật giao thông. Bác đi từ rất sớm; ngày mưa gió, nắng nóng hay rét mướt, bác cũng đều rất đúng giờ. Bác nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mệnh lệnh rất cương quyết nên dù có đông, cổng trường không bị tắc đường, không bị va chạm ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh và phụ huynh.

ong-nam-angt2-1636513174.jpeg
Chiếc xe máy cũ đồng hành cùng ông Nam

Đồng hành cùng ông Nam trong những buổi “điều khiển an toàn giao thông” là chiếc xe máy cũ dựng gọn ghẽ nơi góc vỉa hè, cùng bộ loa và một chiếc Ipad trong đó có nhiều thông tin về an toàn giao thông, về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và cả dự báo thời tiết cùng nhiều thông tin hữu ích cho cha mẹ và học sinh…Ông Nam chia sẻ thêm: nhà tôi ba đời gắn bó với trường Tiểu học Liên Bảo, ngày còn chiến tranh, trường có khi đào hầm học tại làng Bầu, máy bay địch ném bom ngoài ga Vĩnh Yên đì đùng, tôi và chúng bạn vẫn cắp sách tới trường. Sau đó, con trai con gái tôi đều học trường Liên Bảo, đến đời cháu tôi cũng học tập dưới mái trường này. Trước kia, ngày ngày tôi chở cháu đi học nhưng từ ngày đảm nhiệm việc điều tiết giao thông tại cổng trường, xe máy buộc loa thùng phía đằng sau nên tôi động viên cháu đi bộ vừa rèn luyện sức khỏe vừa để ông nội còn làm việc. Trên chiếc xe máy cũ buộc gọn gàng bộ thùng âm ly phía sau xe, trong giỏ xe là những giấy tờ tuyên truyền, bên trên buộc chiếc loa. Ngoài ra, ông Nam còn treo những chiếc túi mà hỏi ra chúng tôi mới biết ông còn cẩn thận chuẩn bị cả bông băng, oxy già, thuốc sát khuẩn và một số vật dụng y tế để có thể sơ cứu ban đầu khi xảy ra chuyện không may. Khi dịch Covid-19 ập đến, trên chiếc xe máy cũ còn không khi nào thiếu những hộp khẩu trang để có thể phát ngay cho học sinh hay phụ huynh nào vì vội vàng mà lỡ quên. Từ chiếc loa thùng trên xe máy cũ ấy, nhiều thông tin được tuyên truyền hết sức tự nhiên gần gũi. Trong lúc phụ huynh chờ, đưa đón học sinh có thể nắm bắt thêm được thông tin về tình hình phát triển của tỉnh, của thành phố hoặc phường Liên Bảo, thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông, về phòng chống dịch bệnh Covid-19, về tình hình thời tiết nắng mưa vào ngày mai để phụ huynh chuẩn bị sẵn đón con cho an toàn…

Chia tay ông Nam - người “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” trước cổng trường an toàn giao thông, chúng tôi nhớ mãi điệu cười khà khà đầy sảng khoái của ông, nhớ câu nói thật tâm: “Thấy các con an toàn sau một buổi đến trường không xảy ra việc gì, về nhà tôi thấy mình ăn ngon hơn, buổi tối ngủ ngon hơn”. Câu nói nhẹ nhàng mà đầy trách nhiệm ấy là của ông Nguyễn Tiến Nam - người không muốn nói đến thành tích dù khi tới thăm nhà, chúng tôi thấy cựu chiến binh ấy vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên tặng Giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2021.