Vĩnh Phúc: Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, xây dựng quê hương Vĩnh Tường ngày càng giàu mạnh

Nguyễn Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường

27/08/2021 22:34

Theo dõi trên

Nhân dân Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vốn có truyền thống cần cù, sáng tạo. Trong thời kỳ mới, truyền thống này tiếp tục được phát triển, góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường với khát vọng xây dựng quê hương Vĩnh Tường ngày càng giàu mạnh.

vinh-tuong-1630053208.jpg
Đô thị Vĩnh Tường ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh Khánh Linh

Ngược dòng thời gian, ngày 29/8/1938, tại làng Vũ Di, xã Vũ Di, Chi bộ Đảng Vĩnh Tường được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng. Từ chi bộ ban đầu với 3 đảng viên, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, đến nay, trải qua 83 năm xây dựng và phát triển, Chi bộ Đảng Vĩnh Tường (nay là Đảng bộ huyện Vĩnh Tường) đã không ngừng phát triển, lớn mạnh với 68 chi, đảng bộ cơ sở (28 đảng bộ xã, thị trấn, 3 đảng bộ cơ quan, 37 chi bộ cơ sở) và 9.472 đảng viên.

Trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã tuyên truyền, giác ngộ, lãnh đạo lực lượng quần chúng cách mạng trong huyện cùng với quân dân cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên bao thành tích vẻ vang, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng quê hương Vĩnh Tường ngày càng giàu mạnh.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Vĩnh Tường là địa bàn có tổ chức phong trào mạnh của tỉnh Vĩnh Yên đã nhanh chóng nắm bắt và triển khai nhiều hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng. Chỉ trong thời gian ngắn, Nông hội đỏ và các tổ chức quần chúng được thành lập, nhanh chóng hòa nhịp với cuộc đấu tranh của các địa phương, tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh với các hình thức rải truyền đơn, diễn thuyết đòi dân sinh dân chủ, tiêu biểu là các làng Bích Đại, Đồng Vệ (xã Đại Đồng), Dẫn Tự, Hòa Lạc (xã Tân Cương), Thượng Trưng, Vũ Di…

Từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng và sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Kiến (người xã Tân Cương), tháng 8/1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã về kiểm tra phong trào ở Vĩnh Tường. Nhận thấy đủ điều kiện, ngày 29/8/1938, đồng chí đã kết nạp 3 đoàn viên, thanh niên dân chủ xuất sắc vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đó là đồng chí Lê Xoay (người làng Vũ Di), Nguyễn Tráng (người làng Hòa Lạc) và Nguyễn Hành (người làng Dẫn Tự), đồng thời tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Vĩnh Tường.

Đồng chí Lê Xoay được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Sự ra đời Chi bộ Đảng Vĩnh Tường đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng của huyện nói riêng, của tỉnh Vĩnh Yên nói chung và mở ra thời kỳ phát triển mới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy, Chi bộ Vĩnh Tường có trách nhiệm lãnh đạo phong trào của các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Yên, trở thành hạt nhân của Ban cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên.

Tháng 4 năm 1941, khi Phủ ủy được thành lập, Vĩnh Tường trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh và các tỉnh của Khu ủy khu Đ có tổ chức đảng từ huyện đến xã. Dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, phong trào cách mạng trong huyện phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp. Nhiều tổ chức tự vệ được thành lập để tiến tới đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang.

Dù gặp nhiều khó khăn do sự phản kháng của chính quyền thực dân phong kiến, vỡ đê Quảng Cư, Diệm Xuân, lũ lụt, nạn đói xảy ra…, song, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, nhân dân Vĩnh Tường đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân vào 21/8/1945, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước làm Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau khi giành được chính quyền cách mạng, để tăng cường lãnh đạo, củng cố tổ chức Đảng từ huyện xuống cơ sở, tháng 6 năm 1946, Tỉnh ủy Vĩnh Yên đã quyết định thành lập Huyện ủy Vĩnh Tường. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Vĩnh Tường đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến kiến quốc, lãnh đạo nhân dân bám đất, bám làng, giặc đến là đánh, giặc đi lại tiếp tục sản xuất.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân dân Vĩnh Tường đã phối hợp đánh địch gần 200 trận, tiêu diệt gần 2.000 tên địch, bắt sống và gọi hàng gần 1.000 tên, thu nhiều vũ khí, phá hủy hàng chục xe cơ giới và phương tiện chiến tranh khác; đóng góp cho tiền tuyến hơn 3.000 tấn lương thực, đưa 4.200 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang và hơn 10.000 lượt dân công phục vụ chiến đấu.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Vĩnh Tường tiếp tục hưởng ứng và thực hiện tốt lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Toàn huyện đã lần lượt tiễn đưa 29.600 lượt người đi chiến đấu, 2.800 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (bằng ¼ số người tham gia chống Mỹ cứu nước của tỉnh Vĩnh Phúc và bằng 28% dân số của huyện khi đó). Toàn huyện đã đóng góp 380.000 tấn lương thực, 14.000 tấn thực phẩm, 12 triệu ngày công phục vụ chiến đấu (bằng 1/3 tổng số đóng góp của tỉnh Vĩnh Phúc).

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp” cho huyện và 14 xã, thị trấn thuộc huyện.

Nhiều người con quê hương Vĩnh Tường đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng được Đảng và Nhà nước trao tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như Chu Văn Khâm, Bùi Anh Tuấn, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Văn Thoa, Bùi Tiến Hợp; tiêu biểu là anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ với lời hô “Nhằm thẳng quân thù, bắn” đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, thôi thúc hàng triệu trái tim của tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến. 52 gia đình và 11 cá nhân được tặng Bằng có công với nước; gần 100 đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, cùng Bằng khen, Cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, Vĩnh Tường đã vượt lên các địa phương khác trong tỉnh và cả nước về thâm canh lúa. Các phong trào thi đua ở Vĩnh Tường diễn ra hết sức sôi nổi, trở thành điểm sáng của tỉnh và toàn miền Bắc về trồng cây, làm nông nghiệp, thủy lợi và vinh dự được Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng về thăm.

Vĩnh Tường tự hào là nơi thực hiện thành công thí điểm cơ chế khoán hộ của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc năm 1966; đến năm 1981 tiếp tục thực hiện thành công khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động, tạo cơ sở vững chắc để Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100-CT/TW về “Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, mang lại sức sống mới cho nền sản xuất.

vinh-tuong1-1630053208.jpg
Nông thôn mới Vĩnh Tường hôm nay. Ảnh: Khánh Linh

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ một huyện có nền kinh tế chậm phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp hầu như chưa có gì, thương mại là lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ nhưng quy mô nhỏ lẻ. Sau hơn 25 năm tái lập huyện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân, Vĩnh Tường đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu chi ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán giao. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên.

Vĩnh Tường luôn là điểm sáng của tỉnh về phát triển KT-XH; là đơn vị dẫn đầu về thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng và là huyện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh (26/112 xã); sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu của tỉnh.

An sinh xã hội được đặc biệt chú trọng, nhất là công tác chăm lo cho người nghèo; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hướng mạnh về cơ sở. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện Vĩnh Tường luôn là địa phương dẫn đầu các phong trào thi đua yêu nước...

Với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và phát triển bền vững”, Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã lãnh đạo, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay sau Đại hội, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt sâu sắc Nghị quyết được Đại hội thông qua; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể để đưa ngay nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện. Nổi bật là đã lãnh đạo, tổ chức thành công, an toàn Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao (đạt 99,76%).

Chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, trách nhiệm và quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Quyết định 117-QĐ/TU; trong đó, ban hành Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các chi, đảng bộ cơ sở, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn xã thực hiện các chỉ, tiêu nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, thần tốc nên dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả, không lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nhịp độ tăng giá trị sản xuất bình quân trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 12,56%; các hoạt động an sinh xã hội, nhất là việc chăm lo Tết cho người nghèo, người cận nghèo được đặc biệt quan tâm; sản xuất nông nghiệp được chỉ đạo kịp thời vụ; đời sống văn hoá tinh thần của người dân được nâng lên.

Công tác quản lý, cải tạo chỉnh trang đô thị, kết cấu hạ tầng được cải thiện; cải cách hành chính được tăng cường, huyện đã vươn lên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các huyện, thành phố năm 2020; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 54,5 triệu đồng.

Huyện đã triển khai, thực hiện tốt chủ trương xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước thải khắc phục ô nhiễm môi trường với chiều dài 138,26km. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Huyện có 2 lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Giáo dục đào tạo luôn ở vị trí tốp đầu của tỉnh, tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội. Cuộc vận động “Xây dựng huyện Vĩnh Tường Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Đáng sống giai đoạn 2020-2025” tiếp tục được triển khai hiệu quả...

Những kết quả đạt được và những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ hơn 83 năm qua, đã và đang tạo ra cho huyện Vĩnh Tường có một thế và lực mới. Đây là cơ sở vững chắc, là điều kiện để huyện Vĩnh Tường tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đưa huyện trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, xây dựng quê hương Vĩnh Tường ngày càng giàu mạnh" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn