Vĩnh Phúc: “Quán thơ” Hồ Xuân Hương - Con dâu "phủ Vĩnh Tường" sắp thành hiện thực

Trở lại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lần này thấy cảnh sắc và con người thay đổi khá nhiều.

Hồ Vực Xanh rộng hơn 3 ha, là trung tâm của huyện lỵ Vĩnh Tường đã được đầu tư xây kè bờ bằng đá, không chỉ có hàng rào tay vịn bảo vệ mà góc hồ phía đông có sân khấu thủy tạ để sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp tết đến xuân về tập nập, nhộn nhịp. Theo truyền thuyết hồ Vực Xanh có mạch thông với sông Hồng nên tát không bao giờ cạn. Đường giao thông quanh hồ Vực Xanh theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, có dải phân cách, có đèn chiếu sáng trông khá bắt mắt.

vt4a-1622713925.png
Tranh minh họa về nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương. Nguồn: Internet.

Dàn lãnh đạo huyện Vĩnh Tường khóa này so với khóa trước được trẻ hóa, thay đổi rất nhiều. Thạc sĩ Lê Nguyễn Thành Trung lần trước tiếp chúng tôi là Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng UBND huyện, sau đó được bổ sung vào Thường vụ Huyện ủy làm Phó Chủ tịch HĐND huyện rồi Chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện; khóa này là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường. Tuy làm công tác chính quyền nhưng Thạc sĩ Lê Nguyễn Thành Trung rất am tường về lĩnh vực văn hóa xã hội. Trong lần trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Thành Trung cho rằng trong tiến trình CNH, HĐH thì phải đặc biệt chú ý đến lĩnh vực văn hóa, vì phát triển văn hóa mới là trụ cột phát triển bền vững.

vt1a-1622714095.jpg
Hồ Vực Xanh - Trung tâm huyện lỵ Vĩnh Tường được kè đá có sân khấu thủy tạ hình bán nguyệt thơ mộng. Ảnh: Tiến Dũng.

Nói đến chiều sâu văn hóa “Vĩnh Tường” không thể không nhắc tới thi sỹ tài hoa Hồ Xuân Hương “Bà chúa thơ Nôm” cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, từng là con dâu của huyện nhà, trong áng thơ nổi tiếng từng than thân, trách phận khi chồng qua đời, góp phần để mọi người biết tới Vĩnh Tường, nhan đề “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường” :

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi

Cái nợ ba sinh đã trả rồi

Chôn chặt văn chương ba thước đất

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!

vt2a-1622714272.jpg
Trường THPT Lê Xoay - Nơi Phủ Vĩnh Tường xưa mà nữ sỹ Hồ Xuân Hương từng sinh sống cùng chồng 27 tháng. Ảnh: Tiến Dũng.

Thơ ca của Hồ Xuân Hương được viết bằng chữ Nôm với chất thơ vừa thanh, vừa tục, hầu hết nguồn từ cuộc sống đời thường, có tính chất úp mở hai mặt, nước đôi, nghĩa đen phô ra, nghĩa bóng nói về chuyện buồng the, tình yêu nam nữ. Hồ Xuân Hương đã đưa cuộc sống và ngôn ngữ trần tục vào thơ một cách điêu luyện. Các tác phẩm sót lại được cho là của Hồ Xuân Hương không nhiều, chỉ còn khoảng vài chục bài. Bà được nhà thơ hiện đại Việt Nam Xuân Diệu mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam và là một nhà thơ phá cách: Nhà thơ nữ viết về phụ nữ thời phong kiến.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ có thiên tài và giàu tình cảm, nhưng “vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong thơ của bà hoặc có ý lẳng lơ, hoặc có giọng mỉa mai, nhưng bài nào cũng chứa chan tình tự”

Thơ Hồ  Xuân Hương cũng rắc rối, phức tạp như chính cuộc đời bà. Số bài thơ còn lại cho đến nay chủ yếu nhờ vào sự lưu truyền, bảo vệ của nhân dân nên có nhiều dị bản.

vt3a-1622714422.jpg
Khu đất cạnh Hồ Vực Xanh - trung tâm thị trấn Vĩnh tường dành để xây dựng "Quán thơ" Hồ Xuân Hương bằng nguồn xã hội hóa sẽ khởi công vào đầu năm 2022.

 Số thơ Nôm lâu nay được coi là của nữ sĩ khoảng năm mươi bài. Ðây là tập thơ Nôm luật Ðường xuất sắc của nền văn học dân tộc (Tập thơ Xuân Hương thi tập). Ngoài tập thơ này còn có tập thơ  Lưu Hương ký mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và  những mối tình của mình  với những người bạn trai.

Có thế nói “Sự nghiệp của Hồ Xuân Hương là ngọn hải đăng” như lời đề tựa thứ hai của tuyển tập Hồ Xuân Hương bằng tiếng Pháp.

Đến nay và mãi mãi, Hồ Xuân Hương vẫn rất hiện đại. Nỗi đau tình ái, mãnh lực của dục vọng, tình yêu bị chia sẻ vẫn đồng hành trong nỗi cảm thông của nhân loại. Thế giới đánh giá cao về Hồ Xuân Hương, xem là nữ sĩ hàng đầu châu Á. Nhiều nước đã dịch toàn bộ thơ của bà và giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của bà.

Thạc sĩ Lê Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho rằng: Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ nổi tiếng trong lịch sử văn học dân tộc. Đối với người Việt Nam, tên tuổi của Hồ Xuân Hương quen thuộc không kém bất cứ một nhà thơ nào. Đáng tiếc là về cuộc đời của nữ sĩ, chúng ta được biết quá ít. "Bà  Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương là con của Hồ Phi Diễn (1706-1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và một người thiếp quê ở Hải Dương. Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, Ông Phủ Vĩnh  Tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiến).

Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

Là nười nổi tiếng như vậy nhưng đến nay chưa có công trình văn hóa ở nước ta tưởng nhớ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tuy làm dâu thời gian ngắn chỉ “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc” ở Vĩnh Tường nhưng nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã để lại ấn tượng sâu sắc và được người dân nơi đây mến mộ, tri ân và tôn vinh. Chính vì vậy, trong phương hướng phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đặc biệt chú ý đến phát triển kinh tế du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề. Trước mắt, Vĩnh Tường đã lập dự án xây dựng “Quán thơ” Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm”.  Lãnh đạo huyện Vĩnh Tường đã đặt vấn đề với Công ty tư vấn thiết kế phục hồi di tích văn hóa thiết kế trọn gói toàn bộ công trình “Quán thơ” Hồ Xuân Hương trên diện tích gần 8000 m2, gần Phủ Vĩnh Tường xưa (nay là trường Trung học phổ thông Lê Xoay), nơi nữ sĩ tài danh này từng sinh sống, gắn bó, sáng tác những áng thơ tuyệt vời. “Quán thơ” Hồ Xuân Hương dự định xây dựng tại thị trấn huyện lỵ Vĩnh Tường bên hồ Vực Xanh sẽ khởi công vào đầu năm 2022 và sẽ hoàn thành vào cuối năm đó.

Dự án xây dựng “Quán Thơ” Hồ Xuân Hương tiếp tục là công trình “Ý Đảng hợp lòng dân”. Nguồn lực đầu tư thực hiện dự án văn hóa tâm linh này dự toán khoảng 20 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa là chủ yếu.

Phác thảo  Dự án “Quán thơ” Hồ Xuân Hương gồm hai khu: Khu tâm linh (phần lễ) và Khu sinh hoạt văn hóa (phần hội).

Khu tâm linh tượng thờ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có hòn đá khắc thơ của bà  và có miếu thờ ông Phủ Vĩnh Tường là người cũng giỏi về văn chương, thơ phú, là chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Khu văn hóa là không gian sinh hoạt công cộng là nơi tổ chức các sự kiện như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, mít tinh, lễ kỷ niệm, trao giải thưởng văn học, văn hóa, câu lạc bộ văn học, trại sáng tác văn hoc, vườn tượng các danh nhân, vườn đá khắc những áng thơ của Hồ Xuân Hương, phân khu triển lãm ảnh, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, các phân khu trà đạo, giới thiệu văn hóa ẩm thực với các món đặc sản của địa phương và các vùng miền, thư viện, chòi nghỉ dưỡng (chòi thơ)...

Dự án đầu tư xây dựng “Quán thơ” Hồ Xuân Hương được thực hiện sẽ trở thành Trung tâm văn hóa tâm linh tín ngưỡng của khu vực gắn với tên tuổi “Bà chúa thơ nôm”. “Quán thơ” này sẽ góp phần khuyếch trương về thơ ca, ươm mần tài năng trẻ, mang tính giáo dục và tính kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương và đất nước.