Phủ Vĩnh Tường trở thành tên địa danh hành chính cấp phủ trực thuộc nước Việt Nam bắt đầu từ tháng 2 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822). Sách Đại Nam thực lục chép: “Đổi phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương làm phủ Bình Giang, phủ Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang; lại đổi phủ Tam Đa, trấn Sơn Tây làm phủ Vĩnh Tường” . Cũng theo sách này, phủ Tam Đa mới được đổi từ phủ Tam Đới vào tháng 11 năm Tân Tỵ (1821) . Cả hai đoạn chép này chỉ đề cập đến việc đổi tên phủ mà không nói đến sự thay đổi gì về địa dư và duyên cách. Điều đó có nghĩa là, địa dư và duyên cách của phủ Vĩnh Tường vẫn giữ nguyên như của phủ Tam Đới trước đây. Căn cứ ghi chép của sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) thì phủ Tam Đới (trấn Sơn Tây) có 5 huyện, 52 tổng, 379 xã, thôn, phường, vạn, sở, châu, cụ thể như sau:
1. Huyện Bạch Hạc có 8 tổng, 61 xã, thôn: Tổng Đồng Phú có 12 xã, thôn; tổng Mộ Chu có 6 xã, thôn; tổng Nghĩa Yên có 5 xã, thôn; tổng Đồng Vệ có 5 xã; tổng Thượng Trưng có 8 xã, thôn; tổng Nhật Chiêu có 10 xã; tổng Tuân Lộ có 5 xã; tổng Kiên Cương có 9 xã.
2. Huyện Yên Lãng có 9 tổng, 62 xã, thôn: Tổng Yên Lãng có 9 xã, tổng Kim Đà có 5 xã, tổng Hạ Lôi có 8 xã, tổng Hương Canh có 8 xã, tổng Bạch Trữ có 8 xã, tổng Thiên Lộc có 7 xã, tổng Quải Mai có 5 xã, tổng Hải Bối có 8 xã, sở và tổng Võng La có 4 xã.
3. Huyện Yên Lạc có 15 tổng, 108 xã, thôn, châu: Tổng Lương Điền có 10 xã, tổng Đông Lỗ có 8 xã, tổng Đường Xá có 10 xã, tổng Hương Nhu có 9 xã thôn, tổng Thọ Lão có 9 xã thôn, tổng Xa Mạc có 4 xã, tổng Hoàng Xuyết có 6 xã, tổng Đạo Tú có 6 xã, tổng Quan Đài có 4 xã, tổng Hội Thượng có 7 xã, tổng Hội Hạ có 8 xã, tổng Đồng Hồn có 7 xã thôn, tổng Nguyễn Xá có 6 xã, tổng Bính Quán có 7 thôn châu và tổng Hưng Lục có 7 xã.
4. Huyện Lập Thạch có 11 tổng, 84 xã, phường: Tổng Cao Mật có 5 xã, tổng Sơn Tây có 7 xã phường, tổng Hạ Ích có 7 xã phường, tổng Bình Hòa có 7 xã, tổng Tĩnh Luyện có 6 xã, tổng Thượng Đạt có 5 xã, tổng Tử Du có 9 xã, tổng Yên Xa có 8 xã, tổng Đạo Kỷ có 13 xã, tổng Nhân Mục có 7 xã và tổng Bạch Lựu có 10 xã.
5. Huyện Phù Ninh có 9 tổng, 64 xã phường: Tổng Tử Đà có 8 xã, tổng Phù Lão có 6 xã, tổng Phượng Lâu có 8 xã, tổng Hạ Hoàng có 8 xã, tổng Lâu Thượng có 4 xã, tổng Minh Nông có 8 xã, tổng Khải Xuân có 5 xã, tổng Kim Lăng có 8 xã và tổng Trâm Nhĩ có 7 xã phường .
Về chức quan đứng đầu cấp phủ, liên quan trực tiếp đến phủ Tam Đới trước đây, tháng 11 năm Ất Hợi (1815), quan Bắc Thành tâu nói: “Phủ Tam Đới trấn Sơn Tây số đinh điền nhiều, một viên Tri phủ sợ làm không hết việc, xin đặt thêm một viên Tri phủ nữa để cùng làm việc phủ” . Vua Gia Long đã y cho. Tuy nhiên, đến tháng 11 năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mệnh cho định lại chức trật của phủ, huyện vì “Lệ trước, phủ đặt 2 Tri phủ, trật Chánh lục phẩm, huyện đặt 2 Tri huyện, trật Chánh thất phẩm, đến nay đều bớt đi một, phủ huyện nào trọng yếu thì đặt thêm phủ Đồng tri và Huyện thừa đều một người. Tri phủ trật đổi lên Tòng ngũ phẩm, phủ Đồng tri, trật Chánh lục phẩm, Tri huyện trật đổi lên Tòng lục phẩm, Huyện thừa, trật Chánh thất phẩm” . Theo đó, vì là nơi trọng yếu cho nên phủ Vĩnh Tường là một trong 13 phủ của Bắc Thành đều đặt thêm chức phủ Đồng tri và Yên Lãng là một trong 9 huyện ở Bắc Thành đều đặt chức Huyện thừa.
Tra cứu các nguồn tài liệu chính sử của triều Nguyễn cho biết, người giữ chức Tri phủ Tam Đới đầu triều Nguyễn là Trần Thiên Tải , sau đó người kế nghiệp chức vụ này là Trần Phúc Hiển . Khi đổi thành phủ Tam Đa, không rõ ai từng giữ chức vụ này, nhưng khi đổi thành phủ Vĩnh Tường, người giữ chức Tri phủ đầu tiên (có đoạn chép là Quản phủ) là Trần Đình Dy (Di), bởi tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1822), khi “Nguỵ tổng quản Thái họp đảng ở xã Cổ Biện, huyện Gia Lâm. Quan thành sai Phó vệ uý vệ Uy võ quân Thần sách là Nguyễn Văn Lễ đem quân vây bắt. Giặc trổ ra. Lễ xông lên trận trước, bị trúng đạn chết. Cai đội Lê Văn Thi và Ngô Ngọc Kim cố sức đánh, chém được mấy đầu giặc, cướp được khí giới. Thái bèn chạy sang Sơn Tây, hợp đảng với nguỵ Thống lĩnh là Phan Hố. Quản phủ Vĩnh Tường là Trần Đình Dy, Vệ uý vệ Trung võ là Nguyễn Đức Niên, Phó vệ uý vệ Hùng võ là Phạm Văn Lượng, Quản cơ cơ Tả định là Hoàng Văn Truyền đều đem binh và voi đuổi đến xã Bồng Mạc, huyện An Lạc, đánh chém được tên Thái, bắt sống được tên Hố cùng bè đảng hơn 50 người... thưởng bọn Trần Đình Dy 6 người mỗi người 10 lạng bạc và quân công cấp kỷ theo thứ bậc khác nhau” . Trần Đình Dy giữ chức quan ở đây tương đối lâu, đến tháng 12 năm Canh Dần (1830), khi vua Minh Mệnh lấy “Quản phủ Vĩnh Tường là Vũ Đình Di làm Phó thống thập cơ Uy thắng” của Hậu quân Bắc Thành. Sau này có nhiều người đã từng giữ chức vụ Tri phủ phủ Vĩnh Tường như: Nguyễn Duy Trữ, Lê Huy Trị, Lê Duy Trung, Đoàn Văn Hoán, Phạm Thanh Bạch, Bùi Sâm, Trần Đình Hanh, Trần Hữu Dực (còn có tên khác là Hữu Đức, Hữu Dy), Tống Duy Tân, Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Trung Khuyến, Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Kiểm, Vũ Dịch, Nguyễn Duy Tích, Phạm Đình Hồ (con trai Phạm Đình Hổ)... Bên cạnh đó, một số người từng giữ chức phủ Đồng tri (hay Đồng Tri phủ) là Nguyễn Trù, Ngô Lượng, Phạm Viết Lập, Nguyễn Phụng, Nguyễn Tích... và chức Giáo thụ phủ Vĩnh Tường là Nguyễn Văn Dư...
Với vị trí địa chính trị quan trọng, phủ thành Vĩnh Tường là một trong 9 phủ quan trọng của Bắc Thành được ưu tiên xây đắp phủ thành trước. Tháng Giêng năm Canh Dần (1830), Phan Văn Thuý được triều đình cử đi các phủ huyện xem xét hình thế để trù tính việc đắp thành, xin đắp trước ở 21 phủ, còn các huyện tạm đình hoãn. Đình thần bàn lại cho rằng: Công việc phủ nha so với huyện nha thì nặng hơn, thành ở phủ nên đắp trước huyện, nhưng nếu nhất luật cùng đắp cả thì công việc gấp mà sức chia ra, thực khó mong chắc chắn được. Huống chi địa thế các phủ có chỗ xung yếu, có chỗ không xung yếu lắm, quy mô xây đắp cũng nên xét chỗ gấp, chỗ hoãn, mà làm trước, làm sau khác nhau. Nói về hình thế thì phủ Ứng Hoà, phủ Khoái Châu ở Sơn Nam, phủ Kiến Xương, phủ Thái Bình ở Nam Định, phủ Vĩnh Tường, phủ Lâm Thao ở Sơn Tây, phủ Thuận An, phủ Lạng Giang ở Bắc Ninh, phủ Kinh Môn, phủ Ninh Giang ở Hải Dương, có phủ cách xa trấn lỵ, có phủ núi rừng ngăn cách thuỷ lục nhiều đường, xin theo cách thức thành phủ Lý Nhân mà đều cho đắp trước . Vua y lời tâu. Hạ lệnh cho đến sơ tuần tháng 3 khởi công đắp” .
Cũng trong năm này, địa giới của phủ Vĩnh Tường có sự điều chỉnh vào tháng 12, khi “cho huyện Tam Dương, trấn Sơn Tây đổi thuộc về phủ Vĩnh Tường, huyện Phù Ninh đổi thuộc về phủ Đoan Hùng. Huyện Tam Dương nguyên trước do phủ Đoan Hùng thống hạt, mà đất thì ở gần phủ Vĩnh Tường; huyện Phù Ninh, nguyên trước do phủ Vĩnh Tường thống hạt, mà đất thì ở gần phủ Đoan Hùng, vì đường sá cận tiện, nên đổi lệ như thế” .
Để đánh giá mức độ quan trọng của các địa bàn phủ huyện từ đó có những đánh giá công trạng quan lại một cách xác thực nhất, tháng 8 năm Tân Mão (1831), triều đình Phú Xuân cho “chia định phủ, huyện châu các địa phương làm 4 hạng khuyết (thiếu quan trị nhậm): 1. Tối yếu khuyết (khuyết ở nơi tối quan trọng), 2. Yếu khuyết (khuyết ở nơi quan trọng), 3. Trung khuyết (khuyết ở nơi công việc thường), 4. Giản khuyết (khuyết ở nơi ít việc)... Phàm phủ, huyện, châu nào có đủ 4 điều nói trên là Tối yếu khuyết, kiêm 3 điều ấy là Yếu khuyết, kiêm 2 điều ấy là Trung khuyết, chỉ có một hay không có điều nào thì là Giản khuyết... Tối yếu khuyết: Có 12 phủ: Yên Khánh, Thiên Trường, Kiến Xương, Ninh Giang, Kinh Môn, Nam Sách, Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lạng Giang, Từ Sơn, Thiên Phúc, Tiên Hưng" .
Tháng 10 năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh "bắt đầu hạ lệnh cho từ Quảng Trị trở ra Bắc chia hạt, đặt quan". Theo đó, tỉnh Sơn Tây thống trị 5 phủ là Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Quảng Oai, Đoan Hùng; 22 huyện là Yên Sơn, Yên Lạc, Thạch Thất, Yên Lãng, Bạch Hạc, Lập Thạch, Mỹ Lương, Phù Ninh, Đan Phượng, Sơn Vi, Hoa Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Tiên Phong, Minh Nghĩa, Bất Bạt, Phúc Thọ, Tây Quan, Đăng Đạo, Tam Dương, Sơn Dương, Hùng Quan .
Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1832), “bắt đầu đặt 7 phân phủ ở các phủ địa phương (phàm những huyện trong phủ hạt thuộc Đồng Tri phủ kiêm lý hoặc thống hạt thì gọi là phân phủ)... Vậy xin phàm những phủ Tối yếu khuyết hoặc Yếu khuyết, phủ nào có 2 huyện thuộc hạt thì đặt một Tri phủ, kiêm lý 1 huyện, thống hạt 1 huyện; phủ nào có 3 huyện thuộc hạt, cũng đặt 1 Tri phủ kiêm lý 1 huyện, thống hạt 2 huyện; phủ nào có 4 huyện thuộc hạt thì đặt 1 Tri phủ, 1 Đồng Tri phủ mỗi người kiêm lý 1 huyện, thống hạt 1 huyện; phủ nào có 5, 6, 7 huyện thuộc hạt thì đặt Tri phủ và một Đồng Tri phủ, mỗi người kiêm lý một huyện, còn những huyện thống hạt nếu 5 huyện thì Tri phủ thống hạt 2 huyện, Đồng Tri phủ thống hạt 1 huyện; nếu 6 huyện thì Tri phủ và Đồng tri phủ mỗi người thống hạt 2 huyện. Nếu 7 huyện thì Tri phủ thống hạt 3 huyện, Đồng Tri phủ thống hạt 2 huyện. Phàm phủ nào thống hạt đến 2, 3 huyện thì mỗi huyện kiêm lý ấy đều đặt thêm 1 Huyện thừa, nếu thống hạt chỉ có một huyện thì không cần đặt thêm Huyện thừa nữa” . Theo quy định này, phủ Vĩnh Tường thuộc Tối yếu khuyết, lại có 5 huyện, cho nên “Tri phủ Vĩnh Tường kiêm lý huyện Bạch Hạc, thống hạt huyện Lập Thạch và huyện Tam Dương; Đồng Tri phủ kiêm lý huyện An Lãng thống hạt huyện An Lạc” .
Phủ Vĩnh Tường và các huyện thống thuộc không chỉ là nơi có địa thế quan trọng mà còn là nơi diễn ra nhiều cuộc nổi dậy, vì vậy tháng 7 năm Giáp Ngọ (1834), quan tỉnh Sơn Tây tâu nói: “5 phủ Quốc Oai, Quảng Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Đoan Hùng và 2 huyện Đan Phượng, Yên Lãng, địa thế rộng rãi, tiếp giáp nhiều ngả. Cũng có chỗ ở vào miền rừng rậm, quân gian dễ dàng ẩn hiện, cố nhiên không thể thiếu việc phòng ngự được. Trước giờ, số biền binh trú phòng, mỗi phủ có 204 nhân viên. Vậy xin nên cứ để như cũ. Duy mỗi huyện chỉ có 51 nhân viên, thì nên tăng thêm gấp đôi cho đủ số 102 nhân viên, đều lấy Hữu quân chia đến đóng giữ. Mỗi năm 1 lần đổi, hết lượt lại bắt đầu. Trong các hạt ấy, thì Quốc Oai, Quảng Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Đan Phượng đã xây thành trì rồi. Vậy xin tuân theo lời nghị của bộ, chia đặt các cỗ súng (mỗi phủ 4 cỗ hồng y cương pháo, 4 cỗ quá sơn đồng pháo; mỗi huyện 4 cỗ hồng y cương pháo, 2 cỗ quá sơn đồng pháo). Còn Đoan Hùng và Yên Lãng chưa xây đắp thành, cũng nên chuẩn bị trước, chia ra đặt sẵn các súng quá sơn đồng pháo để giúp việc đánh, giữ. Rồi sức cho các quan phủ, huyện điều bát dân chúng ở gần, mỗi phủ 70 người, mỗi huyện 50 người, miễn cho tạp dịch, đặt làm hương dõng, cho 1 người làm đầu mục, để cai quản đốc suất; lúc có việc thì điều động, khi vô sự thì cho về. Lại trích lấy lính trong đội pháo thủ của tỉnh, mỗi phủ 3 người, mỗi huyện 2 người phái đi coi giữ súng đạn; đợi phủ huyện mộ được người sung vào thì rút ngay về đội ngũ cũ. Còn 16 huyện khác không quan trọng mấy thì thôi. Vua chuẩn y lời tâu” .
Việc phân định phủ, huyện theo các hạng khuyết tiếp tục được vua Minh Mệnh quan tâm. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1838), “định khuyết hạng các phủ huyện châu đặt lại hay mới đặt ở các địa phương trong Kinh và tỉnh ngoài” thì “tỉnh Sơn Tây: Vĩnh Tường phân phủ đều là nơi nhiều việc nhất, phủ Quốc Oai là nơi nhiều việc, phân phủ là nơi nhiều việc vừa, phủ Quảng Oai là nơi nhiều việc vừa, phân phủ là nơi ít việc” . Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1839), vua sai bộ Lại xét các phủ ở Bắc Kỳ gần đây đặt thêm phân phủ chia nha riêng, công việc so với trước có đỡ bận, lại chuẩn cho châm chước nghĩ đổi định lại hạng khuyết, “tỉnh Sơn Tây: Phủ Vĩnh Tường nguyên trước là Tối yếu khuyết, đổi là Trung khuyết: phân phủ là yếu khuyết” .
Về số quan lại tại các phủ, huyện, theo quy định vào tháng 12 năm Mậu Thìn (1868), vua Tự Đức đã dụ sai các nha trong Kinh và tỉnh ngoài đều chiểu nơi nhiều việc, nơi ít việc, mà liệu giảm quan chức, từ đó “để lại có số nhất định, chi lương ngạch nhất định, cho đều xứng với công việc”. Riêng tỉnh Sơn Tây, để lại cả, nguyên trước đặt ở ty Phiên: Thông phán, Kinh lịch đều 1 người, 3 bát phẩm, 5 cửu phẩm, 30 vị nhập lưu; ty Niết: 1 Thông phán, 2 bát phẩm, 3 cửu phẩm, 20 vị nhập lưu; 1 Tự thừa Lễ sinh hiệu, 10 lễ sinh; ty Lương y: 1 y sinh, 6 y thuộc; ở phủ, huyện thuộc hạt: phủ Quốc Oai (nơi nhiều việc lắm), 2 phủ Quảng Oai, Lâm Thao và phân phủ Vĩnh Tường (đều nhiều việc), mỗi phủ 1 Lại mục, 5 Thông lại, 2 phủ Vĩnh Tường, Đoan Hùng (đều nhiều việc vừa) và 5 huyện Phúc Thọ, Bất Bạt, Thạch Thất, Mỹ Lương (đều nhiều việc), An Lạc (nơi nhiều việc lắm) mỗi nơi 1 Lại mục, 4 Thông lại; 9 huyện: Tòng Thiện, Đan Phượng, Lập Thạch, Tam Dương, Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba, Hạ Hoà (đều nhiều việc vừa), Sơn Dương (nơi ít việc), mỗi huyện 1 lại mục, 3 thông lại. Cộng 173 viên” .
Tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1882), vua Tự Đức tiếp tục cho “định lại lệ phủ, huyện nhiều việc và nhiều việc vừa ở trong Kinh và các tỉnh ngoài”, trong đó phủ Vĩnh Tường là một trong 8 phủ của cả nước được xếp vào phủ là nơi có nhiều việc nhất, còn huyện Lập Thạch là nơi nhiều việc .
Về địa giới và cương vực của phủ Vĩnh Tường và các huyện trực thuộc vào cuối thế kỷ XIX, sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh địa dư chí cung cấp nhiều thông tin có giá trị, cụ thể như:
Phủ, huyện Đại Nam nhất thống chí Đồng Khánh địa dư chí
Phủ Vĩnh Tường Thành phủ ở địa phận ba xã Bồ Điền, Huy Ngọc và Yên Nhiên của huyện Bạch Hạc. Trước ở xã Văn Trưng, năm 1831 dời đến chỗ hiện nay. Ở cách tỉnh thành 13 dặm về phía tây bắc, đông tây cách nhau 43 dặm, nam bắc cách nhau 50 dặm; phía đông đến địa giới huyện Yên Lạc thuộc phân phủ Vĩnh Tường 16 dặm, phía tây đến địa giới huyện Phù Ninh phủ Lâm Thao 27 dặm, phía nam đến sông Bạch Hạc đối ngạn với địa giới huyện Tiên Phong phủ Quảng Oai 5 dặm, phía bắc đến núi Tam Đảo giáp địa giới huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên 45 dặm Phủ thành đặt ở 3 xã Bồ Điền, Hoa Ngạc, An Nhiên huyện Bạch Hạc. Ở cách tỉnh thành 13 dặm về phía tây bắc. Phủ hạt phía nam giáp giới huyện Tiên Phong, phía bắc giáp giới huyện Sơn Dương và địa giới hai huyện Đại Từ, Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên, phía đông giáp các huyện Phúc Thọ, Yên Lạc, Yên Lãng và địa giới huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp giới hai huyện Sơn Dương, Phù Ninh
Huyện Bạch Hạc Đông tây cách nhau 33 dặm, nam bắc cách nhau 11 dặm, phía đông đến địa giới huyện Yên Lạc 16 dặm, phía tây đến sông Đáy đối ngạn với địa giới huyện Lập Thạch 16 dặm, phía nam đến sông Bạch Hạc đối ngạn địa giới huyện Tiên Phong phủ Quảng Oai 5 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Yên Lạc 6 dặm. Huyện này lĩnh 9 tổng 62 xã và thôn, phường, châu, vạn Nam bắc cách nhau 22 dặm, đông tây cách nhau 23 dặm. Huyện hạt phía nam giáp sông Hạc Giang, đối bờ là địa giới huyện Tiên Phong, phía bắc giáp địa giới hai huyện Tam Dương, Yên Lạc, phía đông giáp địa giới hai huyện Phúc Thọ, Yên Lạc, phía tây giáp giới hai huyện Phù Ninh, Lập Thạch. Huyện có 8 tổng 69 xã, thôn, phường
Huyện Lập Thạch: Lỵ sở huyện Lập Thạch ở xã Sơn Đông. Ở cách phủ Vĩnh Tường 21 dặm về phía tây bắc, đông tây cách nhau 16 dặm, nam bắc cách nhau 34 dặm, phía đông đến sông Đáy đối ngạn với địa giới hai huyện Bạch Hạc và Yên Lạc 5 dặm, phía tây đến địa giới huyện Phù Ninh 11 dặm, phía nam đến sông Đáy đối ngạn với địa giới huyện Bạch Hạc 5 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Tam Dương 25 dặm. Huyện này lĩnh 12 tổng, 82 xã, thôn, phường Huyện lỵ đặt ở xã Đông Sơn. Đông tây sách nhau 16 dặm, nam dắc cách nhau 34 dặm. Huyện hạt phía đông giáp sông Đáy, đối bờ là hai huyện Bạch Hạc, Yên Lạc, phía tây giáp địa giới huyện Phù Ninh, phía nam giáp sông Đáy, đối bờ là địa giới huyện Bạch Hạc, phía bắc giáp địa giới huyện Tam Dương, Sơn Dương. Huyện có 11 tổng, 82 xã, thôn, phường
Huyện Tam Dương Lỵ sở huyện Tam Dương: lũy đất, chu vi 52 trượng, ở địa phận xã Tích Sơn, trước là thành phủ Đoan Hùng, năm Gia Long thứ 7 (1808) dùng làm lỵ sở huyện Tam Dương, đến nay vẫn theo như thế. Ở cách phủ 24 dặm về phía tây, đông tây cách nhau 26 dặm, nam bắc cách nhau 27 dặm, phía đông đến địa giới huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên 14 dặm, phía tây đến địa giới huyện Lập Thạch 12 dặm, phía nam đến địa giới huyện Yên Lạc 3 dặm, phía bắc đến núi Tam Đảo giáp địa giới huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên 24 dặm. Huyện này trước lĩnh 7 tổng 61 xã thôn. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), trích lấy 19 xã của 3 tổng Hội Thượng, Đạo Tú và Hoàng Chuế huyện Yên Lạc sáp nhập vào huyện này. Nay lĩnh 10 tổng 80 xã
Huyện lỵ đặt ở xã Tiên Kha. Đông tay cách nhau 26 dặm, nam bắc cách nhau 27 dặm. Phía đông giáp địa giới ba huyện Đại Từ, Phổ Yên, Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp địa giới hai huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, phía nam giáp địa giới hai huyện Yên Lạc, Yên Lãng, phía bắc giáp địa giới hai huyện Lập Thạch, Sơn Dương. Huyện có 10 tổng, 81 xã, thôn, động
Phân phủ Vĩnh Tường Lỵ sở phân phủ Vĩnh Tường ở xã Trung Hậu huyện Yên Lãng, trước là lỵ sở của huyện và đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) đổi làm lỵ sở của phân phủ. ở cách tỉnh thành 45 dặm về phía đông, đông tây cách nhau 57 dặm, nam bắc cách nhau 31 dặm, phía đông đến địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh 2 dặm, phía tây đến địa giới hai huyện Bạch Hạc và Lập Thạch 55 dặm, phía nam đến địa giới huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội 11 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh 22 dặm Thành phủ đặt ở địa phận xã Trung Hậu huyện Yên Lãng. Đông tay cách nhau 57 dặm, nam bắc cách nhau 31 dặm. Phía đông giáp địa giới hai huyện Kim Anh, Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh, phía tây giáp địa giới hai huyện Bạch Hạc, Tam Dương, phía nam giáp địa giới huyện Bạch Hạc và huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội, phía bắc giáp địa giới huyện Tam Dương và Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên.
Huyện Yên Lãng Đông tây cách nhau 19 dặm, nam bắc cách nhau 31 dặm, phía đông đến địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh 2 dặm, phía tây đến địa giới huyện Yên Lạc 17 dặm, phía nam đến sông Bạch Hạc đối ngạn với địa giới huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội 11 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Kim Anh tỉnh Bắc Ninh 20 dặm. Huyện này lĩnh 9 tổng, 64 xã, thôn, phường, châu, bãi, vạn Đông tây cách nhau 19 dặm, nam bách cách nhau 31 dặm. Huyện hạt phía đông giáp địa giới hai huyện Kim Anh, Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh, phía tây giáp địa giới huyện Yên Lạc, phía nam giáp sông lớn, đối bờ là địa giới huyện Từ Liêm tỉnh Hà Nội, phía bắc giáp địa giới huyện Bình Xuyên tỉnh Thái Nguyên. Huyện có 9 tổng, 64 xã, thôn, phường, châu, sở (trong đó có hai nơi dân sống nay đây mai đó, không có đất ở là sở Xuân Canh và châu Tàm Xá
Huyện Yên Lạc Lỵ sở của huyện Yên Lạc ở xã Vĩnh Mỗ, trước ở xã Xa Mạc, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) dời đến chỗ hiện nay. Ở cách phân phủ 35 dặm về phía tây, đông tây cách nhau 29 dặm, nam bắc cách nhau 30 dặm, phía đông đến địa giới huyện Yên Lãng 17 dặm, phía tây đến địa giới hai huyện Bạch Hạc và Lập Thạch 22 dặm, phía nam đến địa giới huyện Phúc Thọ 8 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Tam Dương 22 dặm. Huyện này trước lãnh 15 tổng, 107 xã, thôn, phường, châu. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), trích lấy 19 xã thuộc 3 tổng Hội Thượng, Đạo Tú và Hoàng Chuế cho sáp vào huyện Tam Dương. Nay lĩnh 12 tổng, 88 xã, thôn, phường, bãi Huyện lỵ đặt ở xã Vĩnh Mỗ. Đông tây cách nhau 39 dặm, nam bắc cách nhau 30 dặm. Huyện hạt phía đông giáp địa giới huyện Yên Lãng, phía tây giáp địa giới hai huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, phía nam giáp giới địa giới huyện Phúc Thọ, phía bắc giáp địa giới huyện Tam Dương. Huyện có 12 tổng, 88 xã, thôn, phường, châu
Về số huyện và tổng cụ thể của phủ Vĩnh Tường cuối thế kỷ XIX, sách Đồng Khánh địa dư chí cho biết như sau:
+ Huyện Bạch Hạc có 8 tổng, 69 xã, thôn, phường: Tổng Đồng Vệ có 8 xã, thôn; tổng Nghĩa Yên có 6 xã, thôn; tổng Mộ Chu có 9 xã, thôn; tổng Đồng Phú có 12 xã, thôn; tổng Thượng Trưng có 8 xã; tổng Tuân Lộ có 6 xã; tổng Kiên Cương có 10 xã, phường; tổng Nhật Chiêu có 10 xã.
+ Huyện Lập Thạch có 11 tổng, 82 xã, thôn, phường: Đông Mật có 5 xã; tổng Sơn Bình có 7 xã, phường; tổng Hạ Ích có 6 xã; tổng Thượng Đạt có 5 xã; tổng Tĩnh Luyện có 6 xã; tổng Bình Hòa có 7 xã; tổng Tử Du có 12 xã; tổng Yên Xá có 8 xã; tổng Đạo Kỷ có 13 xã; tổng Nhân Mục có 7 xã; tổng Bạch Lựu có 6 xã.
+ Huyện Tam Dương có 10 tổng, 81 xã, thôn, động: Tổng Hội Thượng có 7 xã; tổng Đạo Tú có 6 xã; tổng Hoàng Xuyết có 6 xã; tổng Quyết Trung có 10 xã; tổng Tam Lộng có 10 xã, động; tổng Miêu Duệ có 7 xã; tổng Quan Ngoại có 10 xã; tổng Yên Dương có 6 xã; tổng Lữ Lương có 7 xã, thôn; tổng Hoàng Chỉ có 12 xã.
+ Huyện Yên Lãng có 9 tổng, 64 xã, thôn, phường, châu, sở: Tổng Yên Lãng có 9 xã; tổng Bạch Trữ có 8 xã; tổng Hương Canh có 8 xã; tổng Hạ Lôi có 8 xã, sở; tổng Kim Đà có 7 xã; tổng Đa Lộc có 7 xã, thôn; tổng Sáp Mai có 5 xã; tổng Võng La có 4 xã và tổng Hải Bối có 6 xã.
+ Huyện Yên Lạc có 12 tổng, 88 xã, thôn, phường, châu: Tổng Thọ Lão có 9 xã, thôn; tổng Hưng Lục có 6 xã; tổng Lương Điền có 10 xã; tổng Hội Hạ có 8 xã; tổng Đường Xá có 10 xã, thôn; tổng Đông Lỗ có 8 xã; tổng Đồng Hồn có 6 xã; tổng Hương Nha có 9 xã; tổng Quan Đài có 4 xã; tổng Lưỡng Quán có 7 châu, thôn; tổng Phương Quan có 4 xã và tổng Xa Mạc có 4 xã .
Cụ thể hơn về số tổng, xã của huyện Bạch Hạc cuối thế kỷ XIX, theo ghi chép của sách Vĩnh Tường phủ dư địa chí, có nhiều biến động: Năm Tự Đức thứ 29 (1876), tách tổng Lương Điền và Hưng Lục của huyện Yên Lạc, cho sáp nhập vào huyện Bạch Hạc và đến năm Tự Đức thứ 31 (1879), tiếp tục sáp nhập tổng Tang Đố của huyện Tiên Phong. Tính đến thời điểm này, huyện Bạch Hạc có 11 tổng, 90 xã, thôn, phường là: Nhật Chiêu có 9 xã, phường; tổng Kiên Cương có 10 xã, phường; tổng Tuân Lộ có 6 xã; tổng Đồng Phú có 12 xã; tổng Tang Đố có 12 xã, thôn; tổng Thượng Trưng có 9 xã; tổng Lương Điền có 10 xã; tổng Đồng Vệ có 4 xã; tổng Nghĩa Yên có 5 xã; tổng Mộ Chu có 7 xã, phường; tổng Hưng Lục có 6 xã .
Năm 1890, khi tỉnh, đạo Vĩnh Yên được thành lập trên cơ sở toàn bộ phủ Vĩnh Tường (với 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc và Yên Lãng), huyện Bình Xuyên và một phần huyện Kim Anh. Ngày 12/4/1891, đạo Vĩnh Yên bị bãi bỏ, toàn bộ địa bàn được sáp nhập trở lại tỉnh Sơn Tây. Ngày 29/12/1899, đặt lại tỉnh Vĩnh Yên, với một phủ Vĩnh Tường và 4 huyện là Tam Dương, Lập Thạch, Yên Lạc và Bình Xuyên. Phủ Vĩnh Tường trở thành một đơn vị hành chính độc lập, bao gồm gần như toàn bộ địa bàn và diện tích của huyện Bạch Hạc trước đó, với 8 tổng (là Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Tăng Đố, Thượng Trưng và Tuân Lộ) và 78 xã, thôn. Năm 1900, huyện Bạch Hạc chính thức bị bãi bỏ, 2 tổng còn lại là Mộ Chu và Nghĩa Yên (với 14 xã) sáp nhập vào phủ Vĩnh Tường .
Sang đầu thế kỷ XX, theo ghi chép của sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, phủ Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Yên) có 10 tổng, 85 xã . Năm 1939, theo sách Địa chí tỉnh Vĩnh Yên, phủ Vĩnh Tường 10 tổng, 86 xã là: Tổng Đồng Phú có 12 xã, tổng Thượng Trưng có 10 xã, tổng Kiên Cương có 9 xã, tổng Nghĩa Yên có 6 xã, tổng Đồng Vệ có 6 xã, tổng Mộ Chu có 9 xã, tổng Tuân Lộ có 6 xã, tổng Lương Điền có 9 xã, tổng Tang Đố có 12 xã, tổng Hưng Lục - Hưng Long có 7 xã.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 9/10/1945, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị, các kỳ, thành phố, tỉnh và phủ, huyện khắp nước Việt Nam được giữ nguyên. Đặc biệt, theo Sắc lệnh số 148-SL ngày 25/3/1948 của Chủ tịch Chính phủ, các đơn vị hành chính cấp phủ, châu, quận đều bị bãi bỏ; cấp trên cấp xã và cấp dưới cấp tỉnh nhất luật gọi là cấp huyện . Từ đây, phủ Vĩnh Tường được đổi thành huyện Vĩnh Tường. Trong khoảng thời gian này, huyện Vĩnh Tường có 22 xã và 95 thôn , cụ thể như sau: Xã An Tường có 5 thôn, xã Trưng Trắc (sau đổi thành Yên Lập) có 17 thôn, xã Thái Học (sau đổi thành Thổ Tang) có 3 thôn, xã Kim Xá có 5 thôn, xã Lũng Hòa có 2 thôn, xã Bình Dương có 4 thôn, xã Cao Đại có 3 thôn, xã Chấn Hưng có 4 thôn, xã Đại Đồng có 2 thôn, xã Đội Cấn (sau đổi thành Vũ Di) có 6 thôn, xã Lý Nhân có 4 thôn, xã Minh Đức (sau đổi thành Thượng Trưng) có 5 thôn, xã Ngũ Kiên có 5 thôn, xã Tân Cương có 3 thôn, xã Tứ Trưng có 4 thôn, xã Vĩnh Thịnh có 5 thôn, xã Yên Bình có 2 thôn, xã Phú Đa có 1 thôn, xã Phú Thịnh có 4 thôn, xã Tuân Chính có 6 thôn, xã Vĩnh Ninh có 4 thôn và xã Vân Xuân có 2 thôn .
Đáng chú ý, ngày 17/3/1950, Thủ hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 811-THP/NĐ về việc thành lập tại tỉnh Vĩnh Yên một quận hành chính mới, lấy tên là quận Vĩnh Tường và tạm xếp vào quận hạng nhì . Ngày 26/6/1951, Thủ hiến Bắc Việt ra Nghị định số 3219-PTH-NĐ về việc thành lập tại tỉnh Vĩnh Phúc Yên một bang mới, lấy tên là bang Bạch Hạc trên cơ sở hai tổng Mộ Chu và Nghĩa Yên tách ra từ quận Vĩnh Tường . Ngày 15/2/1952, quận Vĩnh Tường có sự điều chỉnh địa giới, khi tiếp nhận hai xã là Lực Điền và Hoàng Chuế của quận Tam Dương . Ngày 4/6/1953, bang Bạch Hạc thuộc quận Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc Yên) bị bãi bỏ để thành lập một bang mới, tên là Quảng Cư, bao gồm các xã thuộc ba tổng Tuân Lộ, Kiên Cương và Tang Đố .
Theo báo cáo của Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phúc gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/1957 thì huyện Vĩnh Tường khi đó có 29 xã, 92 thôn. Ngoài các xã cũ có từ trước, xuất hiện các xã mới được thành lập như: Xã Đoàn Kết (tách từ xã Trưng Trắc) có 3 thôn, xã Vĩnh Sơn (tách từ xã Thái Học) có 1 thôn, xã Tam Phúc (tách từ xã Tuân Chính) có 4 thôn, xã Bộ Lĩnh (một phần từ xã Trưng Trắc) có 3 thôn, xã Tân Tiến (tách từ xã Trưng Trắc) có 3 thôn, xã Nghĩa Hưng (một phần từ xã Trưng Trắc) và thị trấn Bạch Hạc (tách từ xã Trưng Trắc) có 2 thôn . Tính đến ngày 10/5/2003, huyện Vĩnh Tường có 29 đơn vị hành chính, trong đó có 3 thị trấn là Vĩnh Tường (trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Vũ Di và xã Tứ Trưng), Thổ Tang (trên cơ sở diện tích và dân số của xã Thổ Tang), Tứ Trưng (trên cơ sở diện tích và dân số của xã Tứ Trưng) và 26 xã (về cơ bản giữ nguyên tên các xã cũ, có điều chỉnh và xuất hiện tên một số xã mới như Bồ Sao, Việt Xuân...). Hiện nay, huyện Vĩnh Tường có 3 thị trấn và 25 xã (do xã Tân Cương và Tân Phú sáp nhập thành xã Tân Phú).
Một số nhận xét
Qua những nguồn tư liệu trình bày nêu trên, tác giả tham luận rút ra một số nhận xét sau đây:
Thứ nhất, việc đổi tên từ phủ Tam Đới/Đái thành phủ Tam Đa (năm 1821) và từ phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường (năm 1822) chưa có cứ liệu lịch sử rõ ràng để lý giải một cách thấu đáo. Việc đổi tên từ Tam Đới/Đái thành Tam Đa là “vì kiêng tên húy” , tuy nhiên khi đối chiếu với lệ kiêng húy dưới triều vua Gia Long và đầu triều vua Minh Mệnh thì chưa thấy có sự liên quan trực tiếp nào. Việc đổi tên thành phủ Vĩnh Tường cũng có một số người nêu ra lý do, trong đó có sự việc gắn bó mật thiết với nhân vật Trần Phúc Hiển, bởi ông vừa là người đã từng giữ chức Tri phủ phủ Tam Đới vừa đồng thời được cho là chồng của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thông qua bài thơ nổi tiếng Khóc ông phủ Vĩnh Tường .
Thứ hai, với tư cách là một đơn vị hành chính, phủ Vĩnh Tường tồn tại từ năm 1822, phân phủ Vĩnh Tường từ năm 1832, phủ Vĩnh Tường độc lập từ năm 1899, huyện Vĩnh Tường từ năm 1948, quận Vĩnh Tường từ năm 1950 và tiếp tục là huyện Vĩnh Tường khoảng từ năm 1957 trở lại đây… Sự thay đổi nêu trên là cả một quá trình của lịch sử 200 năm, không chỉ của phủ/huyện Vĩnh Tường mà của cả vùng đất Sơn Tây xưa, Vĩnh Phúc ngày nay. Hơn nữa, vị trí địa chính trị rất quan trọng của mình, triều Nguyễn luôn coi phủ Vĩnh Tường là địa bàn Tối yếu khuyết, có nhiều quan tâm, ưu đãi. Nơi đây cũng từng nổi tiếng với câu phương ngôn ngạn ngữ Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu để chỉ đề sự rộng rãi, dân cư đông đúc, người dân nơi đây ưa vũ dũng .
Thứ ba, địa giới và cương vực của Vĩnh Tường luôn có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn lịch sử. Đầu thế kỷ XIX, phủ Vĩnh Tường có 5 huyện, 52 tổng, 379 xã, thôn, phường, vạn, sở, châu; đến cuối thế kỷ XIX, phủ Vĩnh Tường có 5 huyện, 50 tổng, 384 xã, thôn, phường, động, châu, sở. Căn cứ số huyện, tổng trực thuộc, phủ Vĩnh Tường có địa giới rất rộng lớn, bao gồm cả địa giới của các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần của huyện Mê Linh, Đông Anh (thành phố Hà Nội); huyện Phù Ninh, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) ngày nay.
Riêng về huyện Bạch Hạc, đầu thế kỷ XIX có 8 tổng, 61 xã, thôn; đến cuối thế kỷ XIX vẫn có 8 tổng, nhưng tăng lên 69 xã, thôn, phường; đặc biệt tính đến năm 1879, huyện Bạch Hạc đã tăng lên 11 tổng và 90 xã, thôn, phường. Khi huyện Bạch Hạc bị bãi bỏ (năm 1900), toàn bộ số tổng, xã, thôn, phường… của huyện này sáp nhập vào phủ Vĩnh Tường (năm 1939 có 10 tổng, 86 xã). Khi cấp trung gian phủ không còn tồn tại thì huyện Vĩnh Tường chính thức được xác lập với 22 xã, 95 thôn (những năm 1948-1950); sau đó tăng lên thành 29 xã, 92 thôn (năm 1957) và hiện nay (tháng 6 năm 2022) có 3 thị trấn, 25 xã trực thuộc.
Nói tóm lại, danh xưng và duyên cách từ phủ Vĩnh Tường đến huyện Vĩnh Tường ngày nay luôn có sự biến động, khi thì đổi tên gọi (từ phủ Tam Đới/Đái thành Tam Đa, thành Vĩnh Tường; từ phủ Vĩnh Tường thống thuộc nhiều huyện đến phân phủ và phủ độc lập; từ huyện Vĩnh Tường đến quận Vĩnh Tường và trở lại huyện Vĩnh Tường) cho đến sự thay đổi về diên cách, cương vực (chia tách, sáp nhập, tăng giảm). Dù thay đổi, điều chỉnh hay biến động như thế nào, thì phủ Vĩnh Tường vẫn luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của trấn/tỉnh Sơn Tây trước đây, của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Không những vậy, huyện Vĩnh Tường hiện nay đã kế thừa và phát triển trên cơ sở địa dư và cương vực của huyện Bạch Hạc trước đây. Do đó, việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 200 năm xuất hiện danh xưng phủ Vĩnh Tường (1822-2022) là việc làm rất cần cần thiết, để cùng nhau ôn lại, trao truyền và phát huy những giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa của vùng đất và con người phủ Vĩnh Tường xưa, huyện Vĩnh Tường nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quang Ân: Việt Nam những thay đổi địa giới hành chính (1945-2002) NXB. Thông tấn, Hà Nội, 2003
2. Trúc Đài “Phủ Vĩnh Tường – mạch nguồn văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử”, vinhtuong.vinhphuc.gov.vn
3. Nghiêm Thị Hằng: “Ông Phủ Vĩnh Tường, chồng Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương là ai”, Báo Văn nghệ số 15 và 17+18/2020
4. Ngô Vi Liễn: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ, NXB. Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, 1999.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đồng Khánh địa dư chí, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2003
6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 4, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2006
7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 2, tái bản lần thứ hai, NXB. Hà Nội, Hà Nội, 2022.
8. Thạch Quý: “ Về bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương” Báo Văn nghệ, số 21/2018.
9. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XĨ (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, NXB. KHXH, Hà Nội, 1981
10. Khiếu Năng Tĩnh: Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí, Dương Văn Vượng dịch, bản lưu tại Phòng Địa chí- Thư mục, Thư viện tỉnh Nam Định.
11. Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc, NXB. KHXH, Hà Nội, 2012.
12. Huyện ủy- HĐND- UBND huyện Vĩnh Tường: Địa chí Vĩnh Tường, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2018.