Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phan Thế Huy, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ngô Duy Đông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hoàng Mạnh Du, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo tình hình phát triển kinh tế 9 tháng năm 2024. Báo cáo nêu rõ: mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong 9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt được những kết quả quan trọng.
Quý III năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có nhiểu khởi sắc, ước tính tăng trưởng đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc (cao nhất từ đầu năm đến nay).
Tốc độ tăng GRDP 9 tháng đã qua của năm 2024 ước tính đạt 7,95% so với cùng kỳ (đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024). Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản ước tính tăng 2,16%; khu vực công nghiệp xây dựng ước tính tăng 11,69%; khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,21%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) ước tính tăng 2,41%.
Chín tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58%, nhập khẩu hàng hóa đạt 13,55 tỷ USD tăng 26,37% so với cùng kỳ. (Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…).
Trong 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Vĩnh Phúc ước đón khoảng 8,72 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82,3% kế hoạch năm đề ra, trong đó khách quốc tế ước đạt 65 nghìn lượt khách, khách nội địa ước đạt 8,6 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt 3,23 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 80,8% so với kế hoạch năm. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 50% đến 55%.
Tổng thu ngân sách của tỉnh trong 9 tháng qua đạt 20.535 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 16.860 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước; thu xuất, nhập khẩu ước thực hiện 3.675 tỷ đồng, đạt 62% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tính tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2024 là 12.268 tỷ đồng (chưa bao gồm chi tạm ứng của các dự án, xây dựng cơ bản…), đạt 57,3% dự toán, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2024, công tác quốc phòng an ninh được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 đạt năm 2024 đạt 4.457,2 tỷ đồng tỷ đồng, bằng 57,3% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 47,29%); xếp thứ 13/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong 3 tháng cuối năm, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trong đó, trọng tâm là triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch.
Ban hành hồ sơ Quy hoạch tỉnh Vĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.
Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc. Duy trì tốt việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử, phấn đấu đạt tỷ lệ đăng ký qua mạng cao nằm trong tốp đầu của cả nước.
Tăng cường mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý quy hoạch, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao; tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục và đào tạo…
Tại buổi họp báo, đại diện các sở, ngành đã trả lời, cung cấp thông tin về một số nội dung liên quan đến những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua như vấn đề xử lý vi phạm Luật Đất đai; Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc; tình trạng khan hiếm đất san lấp trên địa bàn; tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải; đảm bảo an toàn cho cư dân tập thể Cơ khí 2 tại thành phố Phúc Yên...
Trước các ý kiến phản ánh của phóng viên các cơ quan báo chí, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phan Thế Huy đề nghị đại diện các sở, ban, ngành tham dự họp báo có những thông tin trả lời, giải đáp thắc mắc của dư luận.
Đối với các câu hỏi chưa được thông tin cụ thể tại buổi họp báo, Văn phòng UBND tỉnh sẽ có văn bản đôn đốc các cơ quan chuyên môn để kịp thời cung cấp thông tin đến các nhà báo.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng bày tỏ mong muốn phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.