Vĩnh Phúc: Từ hương ước cũ góp phần xây dựng hương ước mới trên địa bàn huyện Vĩnh Tường

Sau đây là tham luận của ThS. Nguyễn Quỳnh Anh - Biên tập viên chuyên trang Trí thức trẻ của Báo Tổ quốc "Từ hương ước cũ góp phần xây dựng hương ước mới trên địa bàn huyện Vĩnh Tường" tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.
230407f0-5b40-4a11-98eb-727fd1f83c83-1625534257.jpeg
Đường hoa phụ nữ, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường

Hương ước là văn bản ghi về quy ước của mỗi làng, bao hàm các vấn đề về dân sự, hình sự, các quy tắc về giữ gìn đạo lý, về phong tục, tập quán... Hương ước ở nước ta ra đời từ lâu và trở thành công cụ quan trọng để quản lý và duy trì hoạt động tại làng xã. Hương ước của huyện Vĩnh Tường cũng không ngoài thông lệ này. Song do trải thời gian lâu dài với bao thăng trầm của lịch sử, hương ước của huyện còn lại đến nay không nhiều. Thực tế nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hương ước ở huyện Vĩnh Tường tồn tại đến nay bao gồm ba loại, là hương ước cổ, hương ước cải lương và hương ước ở thời kỳ đổi mới. 
    1. Hương ước cổ
    Hương ước cổ là hương ước viết bằng chữ Hán của các làng xã trên địa bàn của huyện. Loại hương ước này, qua điều tra tại nơi lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), cũng như quá trình điều tra, điền dã tại các thôn xã trên địa bàn của huyện, chúng tôi xác định có 2 bản hương ước khắc trên bia, đó là: 
    + Hương ước của xã Phù Lập, tổng Tuân Lộ, phủ Vĩnh Tường (nay là thôn Phù Lập, xã Tam Phúc).
     Hương ước này khắc chữ trên 2 mặt của một tấm bia dẹt có kích cỡ 69 x 46 cm. Mặt trước khắc tiêu đề Lập thạch bi 立 石 碑, mặt sau khắc dòng chữ lớn Truyền vạn đại 傳 萬 代, có nghĩa đây là bia khắc hương ước trên đá lưu truyền muôn đời. Bia dựng ngày tốt, năm Tân Tỵ, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), đời vua Lê Hy Tông (1676-1705).  
     Văn bia cho biết việc lập hương ước ở đây được coi là “minh văn, pháp ước”, do các vị quan viên, chức sắc, văn võ của xã Phù Lập, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, từ ông Tổng chính Nguyễn Đình Luyện, Xã tư kiêm Tổng suất Lê Phàn Long, Xã chính kiêm Tổng chính Nguyễn Quán Thông, cho đến Nguyễn Đạt Truyền, với khoảng 20 vị đứng ra đảm đương công việc. Họ cho rằng: “ Đế vương từ xưa sáng lập minh pháp bảo vệ dân mà vua là người đứng đầu thánh triều có đức độ hiền tài, văn võ kiêm toàn, thần thông biến hóa, cai trị đất nước trung hưng thịnh vượng, giúp mọi người dân hưởng cuộc sồng thái bình”.
     Sau đó khắc 2 điều khoản: Điều thứ nhất ghi: “Nguyên long mạch ở các xứ đồng của xã là nơi địa linh, sinh ra người tài giỏi, tạo thành danh lam, người nào đào phá ở những nơi đó phải lấy lễ tạ thổ địa, gồm một miếng thịt lợn, một mâm vàng mã, 1 vò rượu. Đối với các thế đất đột khởi có hình nghiên bút, bảng, ấn, cờ, trống cùng các gò đất tích cũ ở các đình phải được tu bổ hoàn nguyên”. 
    Điều 2 ghi: “ Nguyên quan viên, thôn trưởng đến tuổi 55 được miễn các loại lao động nặng nhọc, khi dân làng có ăn uống, mỗi vị được biếu một mâm cỗ” .
    Hương ước chỉ gồm 2 điều, trong đó đáng chú ý là tại Điều 1, quy định về các thế đất có hình bút, nghiên, ấn, tín… liên quan đến phát đạt nhân tài của làng sẽ cấm không ai được đào phá. Điều này chứng tỏ vào đầu thế kỷ XVIII, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã chú trọng đến yếu tố khuyến học, khuyến tài, vì theo quan niệm phong thủy đương thời, những thế đất đó có tác dụng sinh ra nhân tài. Đây là tấm bia khắc hương ước cổ nhất hiện được biết đến trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. 
    + Hương ước của thôn Môn Trì, xã Tang Đố, tổng Tang Đố, phủ Vĩnh Tường (nay là thôn Môn Trì, xã Vĩnh Thịnh).
     Hương ước khắc vào niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) cũng thuộc đời vua Lê Hy Tông, trên một tấm bia kích cỡ 88 x 50 cm. So với hương ước khắc trên bia của xã Phù Lập, hương ước của thôn Môn Trì bao gồm 12 điều, trong đó có 2 điều bị mất chữ, số điều còn đọc rõ chữ. Cụ thể như sau:
Điều 1  Hai giáp bản thôn hằng năm hễ vào các tiết nhập tịch, tàng quy, cầu phúc cùng lệ bốn quý thờ thần, các vị quan viên, chức dịch đến ứng tế tại đình […] .
Điều 4: Lệ người nào trong thôn thi đỗ Sinh đồ  vào khoa nào, năm nào thì viết họ tên người đó vào sổ của bản thôn, năm đó không phải chịu sai dịch.
Điều 5: Hễ trong thôn người nào theo đuổi việc học thì các phần việc như đắp đê, mở cửa cống cùng các việc khác đều được miễn trừ.
Điều 6: Các vị quan viên, xã thôn trưởng của bản thôn hễ đến ngày Đinh đầu tiên của tiết xuân thu hằng năm lấy đó là ngày tế tiên hiền [của Nho giáo].
Điều 7:  Lệ bầu Xã trưởng, từ nay về sau hễ bầu Xã trưởng, bản thôn […].
Điều 8: Lệ bầu Xã sử, dùng người là Nho sinh, Quan viên tử, Sinh đồ và người thông văn lý dự vào việc bầu. Người nào nổi trội trong số họ được ưu tiên, thứ đến người tiếp theo. Người nào được bầu không hoàn thành phận sự trong thời gian đảm chức thì khi mãn hạn không được tái bầu. Người đó lại không được miễn trừ công dịch khi mãn hạn. Người nào được bầu Xã sử như hạng Nho sinh, Quan viên tử nộp tiền 20 quan, còn rượu, cơm chuẩn thành tiền 5 quan.
Điều 9: Lệ đo châu thổ, theo lệ vào năm Kỷ Hợi, như người nào trong thôn đến tuổi 18 thì được ghi vào sổ và được dự chia phần […].
Điều 10: Lệ lan nhai của hai giáp bản thôn, nếu gả chồng cho người trong làng, nộp 5 quan tiền sử, nếu gả chồng cho người ngoài làng nộp tiền 10 quan. Ngoài ra còn nộp 6 bát rượu, 1 con gà, 1 gói trầu cau. Nếu người nào giàu có cũng cho mổ bò dê. Người nào có sự cố hoặc nhà nghèo sẽ không ở lệ này nhưng cho nộp thay bằng tiền gồm 2 quan tiền sử. Việc nộp nhai giai ở đình.
Điều 11: Lệ hễ bản thôn bầu cử Xã trưởng, Xã đương cùng các chức thì phải có đơn bầu cùng ký khoán để làm bằng […].
Điều 12: Lệ bản thôn như có người nào qua đời, vào ngày đưa tang nhưng có lời mời 4 giáp của thôn đến trợ táng, gia chủ có yêu cầu bao nhiêu phu dịch sẽ chia đều cho 4 giáp cùng lo liệu. Nếu gia chủ cần xe tang, nộp 2 quan tiền; không cần xe tang, nộp 1 quan tiền. Không có lời mời thì dừng.
 Còn rượu, thịt, cỗ bàn, cơm, canh do gia chủ tùy biện, hậu bạc mà khoản đãi, cũng chia đều cho 4 giáp cùng hưởng. Người nào có mặt hôm đó thì cùng ăn uống, nếu vắng mặt không được chia phần. Các lệ khác, người nào ở giáp nào về ăn uống ở giáp đó.
Các điều lệ trên đây được mọi người trên dưới trong bản thôn lập đàn minh thệ, được khắc trên bia đá, lưu truyền cùng sông núi, mong được lâu dài. Nếu người nào vi phạm bất cứ điều gì thì con cháu của họ sẽ tuyệt diệt vạn đời” .
Trong số 10 điều cho thấy hương ước của thôn Môn Trì đề cập khá nhiều vấn đề thuộc đời sống đương thời của người dân địa phương. Đó tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng (Điều 1); khuyến học, khuyến tài (Điều 4, Điều 5; Điều 6); cơ cấu tổ chức của làng (Điều 7, Điều 8, Điều 11); phong tục, tập quán (Điều 10, Điều 12).
Trong số những vấn đề được đề cập, vấn đề khuyến học, khuyến tài thông qua hình thức miễn sai dịch cho người đỗ Sinh đồ hoặc miễn lao động nặng nhọc cho người theo đuổi nghiệp học, hoặc tế Tiên hiền vào ngày Đinh đầu tiên của tiết xuân thu luôn được coi trọng, trở thành những vấn đề chính của dân làng.
+ Giao ước của xã Phong Doanh huyện Vĩnh Tường với xã Đồng Lạc huyện Yên Lac. 
Bản giao ước lập vào ngày 21 tháng 3, năm Giáp Thân, tức năm 1944, tồn tại dưới dạng là bản viết tay, trên giấy dó, chữ còn đọc rõ, hiện lưu trữ tại đền thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. Sở dĩ có giao ước này là do hai làng Phong Doanh và Đồng Lạc trước đây giao hảo với nhau mà người xưa thường gọi là “kết chạ”. Bản giao ước bao gồm 17 điều, ngoài phối hợp trong việc thờ Trương Hống và Trương Hát – hai vị thần có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống ở thời Lý, do hai làng thờ làm Thành hoàng, thể hiện từ Điều 1 đến Điều 5, số điều còn lại là những điều khoản liên quan đến phong tục của hai làng. Chẳng hạn như giao ước về Lan nhai - giao ước của con gái hai làng khi lấy chồng (ghi tại Điều 7); giao ước về sinh con trai (ghi tại Điều 8); giao ước của đinh nam khi đến tuổi 18 (ghi tại Điều 9); giao ước về chỗ ngồi trong đình (ghi tại Điều 11); giao ước về khuyến nông (ghi tại Điều 16)…
Qua đây cho thấy trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc trước đây có mối quan hệ làng xã thân thuộc, thể hiện tình làng nghĩa xóm cao thượng, mang bản chất tốt đẹp của dân tộc. 
2. Hương ước cải lương
Hương ước cải lương là hương ước được biên soạn trong giai đoạn từ năm 1921 đến trước 1945, theo Nghị định ban hành ngày 12 - 8 - 1921 của chính quyền thuộc địa Pháp.
    Hương ước cải lương được biên soạn theo một mẫu thống nhất, bắt đầu thực thi từ năm 1924, bằng cách nhà nước bảo hộ Pháp hướng dẫn cho các địa phương trong cả nước biên soạn: “Sổ hương ước cần phải làm rất giản dị, lời lẽ phải thích đáng và ý nghĩa phải phân minh để dân làng ai đọc cũng dễ hiểu, như thế thì chánh [tránh] khỏi được sự hàm hồ và chánh [tránh] khỏi được các việc kiện tụng lôi thôi về sau”. 
    Sau phần này là “bộ khung” của Hương ước cải lương được biên soạn sẵn, gồm 2 phần: “Phần thứ nhất” là Điều lệ tổng cục. Phần này bao gồm các Mục: Chính trị, Sổ chi thu, Bổ sưu thuế nhà nước, Sự kiện cáo…; “Phần thứ hai” là Tục lệ, bao gồm các Mục: Sự quân điền thổ (việc chia đều ruộng đất), Hôn lễ, Tang lễ, Tế tự… Dưới mỗi Mục trong cả hai phần được thể hiện bằng từng điều, ghi theo chữ số Ả Rập, từ Điều thứ nhất (trong Mục Chính trị của Phần thứ nhất) đến điều cuối cùng (trong Mục Các thuế của làng), tất cả là 82 điều. Trong số 82 điều, có một số điều còn để trống để địa phương tự điền vào, như Điều 73, Mục về Hôn lễ: “ Nói rõ thể lệ cưới xin và tiền nộp cheo là bao nhiêu ?:” .
    Đối với địa bàn huyện Vĩnh Tường, hương ước cải lương được thể hiện bằng 3 loại văn tự, là chữ quốc ngữ, chữ pháp và chữ Nôm. Tuy nhiên, chữ Nôm lại được chú trọng để biên soạn hương ước cải lương. Theo thống kê của chúng tôi, toàn huyện có 92 hương ước của các thôn xã viết hoàn toàn bằng chữ Nôm, số này hiện đăng ký trong Thư mục hương ước Việt Nam văn bản chữ Nôm, do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia xuất bản năm 1994.
    Hơn nữa số hương ước này có rất ít địa phương biên soạn đầy đủ thành 82 điều như “gợi ý” của chính quyền Thực Dân Pháp, mà trung bình mỗi làng chỉ gồm hơn chục điều. Chẳng hạn như hương ước của xã Hoàng Trung Hạ, tổng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường (nay là thôn Hoàng Trung, xã Kim Xá), ghi: “Ngày mùng 1 tháng 9 niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932), kỳ lý, sắc mục xã Hoàng Xá Trung, tổng Đồng Vệ, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên thừa mệnh kê khai phong tục với các điều như sau:
    Điều thứ 1: Trong dân có ba tiệc cả [tiệc lớn] là tháng giêng, tháng 9, tháng 10. Tháng giêng là ngày mùng 10; tháng 9 là ngày mùng 10; tháng 10 là ngày mùng 4. Các tiệc ấy lấy xôi, cân gà, lệ có hương ẩm. Làm lễ Thánh  xong rồi toàn dân hưởng huệ [hưởng lộc] ăn uống tại đình. Năm nào phong lễ [lễ thịnh] thì thịt lợn mua hết bao nhiêu tiền, quân bổ về hương ẩm.
     Điều thứ 2: Các tiệc lệ là ngày 25 tháng 5; tiệc Hạ điền là ngày 25 tháng 7; tiệc Thượng điền  mỗi tiệc 1 cân xôi, 1 con gà làm lễ Vua Thần Nông tại đình xong rồi, toàn dân hạ huệ [hưởng lộc] ăn uống.
    Điều thứ 3: Sóc vọng, cầu an, mỗi tháng cứ ngày mùng 1 và ngày 25, các hạng lão và người chức dịch cắt lợn, sửa lễ chay là 15 bát chè và 15 phẩm oản, cầm ra đình làm lễ Thánh.
     Điều thứ 4: Ai đến tuổi 52, mỗi năm phải nộp tiền vọng  là 1 đồng bạc thì dân thay nhận cho một nửa thuế đinh. Số tiền vọng để chi về tiệc tháng giêng.
     Điều thứ 5: Ai đến năm 61, mỗi năm phải nộp tiền vọng là 1 đồng bạc để chi về tiệc tháng giêng thì không phải xôi gà như hương ẩm nữa.
     Điều thứ 6: Mỗi năm vào ngày 12 tháng giêng có lệ cắt tuần phiên 6 người theo xã đoàn tuần phòng hương ấp, đồng điền. Cứ đến vụ thu sương công [cuối năm] cho mỗi sào được hưởng 1 đấu lúa, mỗi đấu là 3 bát đàn. Hoa màu cứ mười hàng cho thu một nắm. Nhưng của động sản hay bất động sản mất vật gì ở ngoài đồng, xã đoàn, tuần phiên phải bồi thường y giá. Ở trong làng, xã đoàn, tuần phiên phải đền một nửa. Đến năm sau cắt tuần phiên khác ra thay thì tuần phiên cũ được về.
     Điều thứ 7: Ai có con gái lấy chồng ở làng phải nộp tiền lan giai là 1 đồng bạc để chi việc công và 2 lễ xôi gà kính Thánh. Ai có con gái lấy chồng làng khác phải nộp tiền lan giai là 10 đồng bạc và 2 lễ kính Thánh tùy tâm. Số tiền ấy chi về việc tu sửa đình chùa. Còn lễ lan giai thì hàng chức dịch hạ huệ [hưởng lộc].
     Điều thứ 8: Việc hiếu có 3 hạng: Hạng thứ nhất ai có việc hiếu xin dân cử táng tế [hỗ trợ việc tang] phải nộp tiền, lệ là 1 đồng bạc; Hạng thứ hai ai xin dân cử táng nhưng không có tế lễ gì phải nộp tiền lệ là 5 hào bạc; Hạng thứ ba kẻ bần khó không xin dân cử táng, anh em cử  táng lấy thì không phải gì cả.
     Điều thứ 9: Trong làng có 3 mẫu công điền giao cho từ nhân  1 mẫu để chi đèn hương vào đình. Một năm giao cho tự nhân  2 mẫu để chi đèn hương vào chùa. Còn tiền thuế công điền thì toàn dân nộp thay.
     Điều thứ 10: Trong dân có 2 mẫu 1 sào công thổ [đất công], quân cấp không được bao nhiêu. Năm nào cũng giao cho 4 người trong thôn lấy 10 đồng bạc để chi về tiệc tháng 9. Còn tiền thuế công thổ ấy thì toàn dân cùng chịu.
    Điều 11: Việc cắt phu tráng, người là bạch đinh đi hai lần; người là chức dịch cũ phải đi một lần. Nếu người bạch đinh năm nào còn đương đi học thì dân cho làm nhiêu phu  của năm đó.
     Điều thứ 12: Người nào tháo nước ruộng lúa để đơm cá, tuần phiên bắt được trình hương lý làm phạt người ấy từ 1 hào cho đến 1 đồng bạc.
     Điều thứ 13: Ai có việc cải mộ phải tường trình hương lý biết và phải xin phép quan trên mới được làm. Hoặc ai gửi mộ cũng thế nhưng lại phải nộp tiền là 1 đồng bạc và lễ kính Thánh tùy tâm. Lễ ấy hương lý cùng mọi người trên dưới hưởng huệ [cùng ăn uống] tại đình”.
    Kỳ lão Trần Văn Đoan, ký.
    Kỳ lão Cao Văn Vĩ, ký.
    Kỳ lão Hoàng Văn Liễn, ký.
    Tộc biểu Cao Văn Trình, ký.
    Chánh hội Nguyễn Văn Tuất, ký tên đóng dấu.
    Thừa kê phong tục, Chưởng bạ Hoàng Văn Chiến, ký tên đóng dấu.
    Thừa sao y như bản chính, Tiên chỉ Nguyễn Văn Triền (đóng dấu).
    Lý trưởng Nguyễn Văn Tuất (đóng dấu)” .
  3. Hương ước ở thời kỳ đổi mới
    Hương ước ở thời kỳ đổi mới là hương ước được biên soạn từ năm 1986 đến nay. Nói là hương ước ở thời kỳ đổi mới là vì hương ước này được biên soạn trên quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 
     Qua điều tra điền dã trên địa bàn của huyện vào thời điểm hiện tại (năm 2022), toàn huyện Vĩnh Tường có 28 đơn vị hành chính (25 xã, 3 thị trấn), với tổng số 178 thôn, phường, tổ dân phố… đều có hương ước. Điều này đồng nghĩa toàn huyện có 178 bản hương ước được biên soạn, tu chỉnh trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2022.
    Về đại thể, mỗi hương ước của các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đều được biên soạn bằng chữ quốc ngữ, chế bản trên máy vi tính, với độ dài mỗi bản dao động từ 10 đến 15 trang A4. Kết cấu mỗi bản gồm các phần như “Lời nói đầu”, sau đến Chương 1, là “Quy định chung”, gồm khoảng 3-4 điều; Chương 2 là “ Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa”, gồm khoảng 14-17 điều; Chương 3 là “ Quản lý đời sống và xây dựng kinh tế”, gồm 5-6 điều; Chương 4 là “An ninh trật tự”, với khoảng 3-4 điều; Chương 5 là “Tổ chức thực hiện”, gồm khoảng 4-5 điều. Phần cuối là chữ ký của Trưởng thôn (hoặc trưởng khu), sau đến Ban công tác mặt trận và Bí thư chi bộ.
    Nhìn chung đây là những bản hương ước được xây dựng công phu, nghiêm túc, khẳng định được vai trò của hương ước đối với đời sống ở nông thôn, góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đề ra.

4. Sự vận dụng hương ước cũ trong xây dựng hương ước ở giai đoạn hiện tại 
    Ba loại hương ước như trình bày là sản phẩm trí tuệ của người dân trong huyện được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, tạo ra dấu ấn về văn hóa của mỗi làng xã. Song, trong quá trình sử dụng, cả ba loại hương ước không tránh khỏi những bất cập, trong khi việc xây dựng hương ước mới ở giai đoạn sau năm 2022 cần phải được tiếp thu từ những nhân tố tích cực, loại bỏ nhân tố tiêu cực, giúp cuộc sống cộng đồng ngày càng có chất lượng cao hơn. Theo tinh thần đó, trong khuôn khổ bài viết, bước đầu chúng tôi đưa ra một số gợi ý như sau:
    + Một là, về tên gọi
    Căn cứ theo khoản 4, Điều 5, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn và cấp tương đương có ghi:“ Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định”.  Hiện tại nhiều địa phương của huyện dùng bằng hai tên khác nhau để định danh cho hương ước, như Khu 9, thị trấn Tứ Trưng; thôn Vân Giang, thôn Bàn Mạch, thôn Văn Hà của xã Lý Nhân, cũng như một số địa phương khác của huyện (đều dùng bằng tên kép: hương ước, quy ước). Những bản hương ước có tên kép như vậy mới được xây dựng trong năm 2020, trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung từ hương ước cũ soạn trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2018. 
    Thực tế cho thấy, hương ước hoặc quy ước đều là danh từ, dùng một trong hai tên đều đáp ứng được tên gọi của loại hình văn bản này, không cần dùng song song cả hương ước và quy ước để đặt tên cho văn bản. Trước đây, vào năm 1921, trong nỗ lực chỉnh đốn phong tục của người Việt Nam, trình bày phần trên, chính quyền đô hộ của Pháp cũng chỉ dùng bằng một tên gọi là hương ước. Sản phẩm của nỗ lực đó còn lại đến nay là khoảng 5.000 văn bản mang tên “hương ước” hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội đã nói lên điều đó. 
    + Hai là, dịch hương ước cải lương chữ Nôm ra quốc ngữ làm tài liệu tham khảo
    Hương ước cải lương chữ Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, như nêu phần trên, gồm 92 văn bản của 92 làng xã trong huyện nhưng chưa được dịch ra quốc ngữ. Đây là nguồn tư liệu phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức hiện còn xa lạ với người dân trong huyện. Lý do là vì, hương ước cải lương viết bằng chữ Nôm, trên chất liệu giấy dó lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội đang tồn tại dưới dạng nguyên bản là chữ Nôm. Khi nguồn tài liệu này được dịch đồng nghĩa với hương ước của chính các địa phương đó sẽ trở về địa phương để người dân địa phương có nguồn tư liệu tham khảo phục vụ cho việc biên soạn hương ước ở giai đoạn tiếp theo được tốt hơn.
    + Ba là, chỉnh sử những chỗ chưa phù hợp với điểm 4 và điểm 5 trong Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn và cấp tương đương.
    Hiện tại, dù chưa có điều kiện rà soát toàn bộ 178 bản hương ước/quy ước  của huyện nhưng đã phát hiện hương ước vi phạm vào điểm 4 “ Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới” và điểm 5: “ Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt vật chất” thuộc Điều 4, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ban hành ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
     Cụ thể có hương ước ghi rằng: “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 02 con”, nêu tại Điều 12 của thôn Văn Hà, xã Lý Nhân. Trong khi “Luật hôn nhân và gia đình” không có điều khoản nào quy định cụ thể về số lượng con của mỗi cặp vợ chồng.
    Có nơi còn đặt ra lệ phí như quy định trong hương ước của thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân: “Trước khi đăng ký kết hôn, đại diện hộ gia đình phải đặt cược bằng tiền, mức 1.000.000 đ” (Điểm 5, Điều 4) và Mục 6, Điều 5: “ Trước khi cải táng, đại diện hộ gia đình phải nộp cược bằng tiền, mức 1.000.000 đ”.
    +  Bốn là, chỉnh sửa Lời nói đầu và lỗi chính tả trong hương ước
    Mỗi bản hương ước/quy ước của các thôn/khu phố/tổ dân phố trên địa bàn của huyện mặc dù được giao cho một tiểu ban biên soạn rất công phu, khi hoàn thành lại được người dân trong địa bàn góp ý và thông qua, sau đó trình xã/ phường hoặc thị trấn xem xét. Tiếp đến cấp huyện hoặc thành phố phê duyệt, đóng dấu giáp lai chuyển về địa phương làm căn cứ thi hành. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với hương ước của huyện, chúng tôi thấy khá nhiều bất cập, cụ thể như sau:
    Ở Lời nói đầu, tất cả hương ước/quy ước của huyện đều viết dài, trung bình 1 trang, nhiều thôn và phường viết hơn một trang, chiếm dung lượng khoảng 700 chữ. Điểm giống nhau ở chỗ trong Lời nói đầu của tất cả hương ước thường mở đầu bằng lịch sử của thôn/làng được thành lập từ bao giờ, vị trí địa lý tọa lạc tại đâu, làng có mấy thôn, diện tích bao nhiêu km2, dân số thế nào, đình chùa, miếu mạo ra sao. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng có bao nhiêu bộ đội tham gia nhập ngũ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng…, cuối cùng mới đề cập đến soạn hương ước/quy ước. Đoạn này lại viết rất ngắn, không nêu được mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn hương ước, quy ước. 
    Về lỗi chính tả, nhiều bản hương ước của huyện gặp vấn đề này, ở đây chỉ nêu một số ví dụ, như “sáp nhập” viết thành “sát nhập”; Truyền thống” viết thành “ Chuyền thống”; “sung vào công quỹ” viết thành “xung vào công quỹ”…

TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Nguyễn Quỳnh Anh (2017), Nghiên cứu văn bản tục lệ phủ Yên Lãng (Thuộc huyện Mê Linh, TP. Hà Nội), luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
    2. Cao Văn Biền (1998),“ Kho hương ước cải lương hương chính ở Bắc Kỳ”, Nghiên cứu lịch sử, số 3, tr.73-85.
    3. Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, NXB. Pháp lý, Hà Nội.
4. Đinh Thị Thùy Hiên (2012), “ Bước đầu tìm hiểu “Hương ước cải lương” ở Bắc Kỳ trước năm 1921”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học xã hội và Nhân văn, số 28,tr.104-116.
    5. Vũ Duy Mền (2010), Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
    6. Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Thông tin Khoa học xã hội (1994), Thư mục hương ước Việt Nam văn bản Hán Nôm, Hà Nội.
    7.Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Thông tin Khoa học xã hội (1991), Thư mục hương ước Việt Nam thời cận đại, Hà Nội.