Vĩnh Phúc: Văn hóa Tam Đảo danh thắng và tâm linh (bài cuối): Cội nguồn tin ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong tổng thể nền văn hoá chung, thể hiện khát vọng về sự che chở, bao bọc và yêu thương vô bờ bến về tình mẫu tử của người Việt. Người dân Đại Việt xưa đều thờ: Tam toà Thánh Mẫu.

Tục thờ Mẫu của người Việt ra đời trên cơ sở tục thờ nữ Thần; các vị được thờ trong các đền, chùa, miếu, điện, đặc biệt có vị được thờ trong một loại hình kiến trúc riêng (Phủ) như việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

van-hoa-dao-tao13-1651784378.jpg
Di tích cự thạch ở Đông Hội

 

Trải qua chiều dài lịch sử lâu đời ở nước ta, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển trở thành hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ. Từ xa xưa, trong các làng xã và đô thị ở miền Bắc đều thấy có hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ, trong đó đều thờ các Thánh Mẫu rất tôn nghiêm. Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là Mẫu Đệ Nhất) cai quản miền trời và làm chủ mây mưa, sấm chớp; trong điện thờ thường được đặt ở chính giữa, mặc áo màu đỏ hoặc hồng. Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị) cai quản miền rừng núi, cây cối; trong điện thờ thường đặt ở bên trái, mặc áo màu xanh. Mẫu Thoải (còn gọi là Mẫu Thủy, gọi chệch là Mẫu Thoại – Mẫu Đệ Tam) cai quản miền sông nước; trong điện thờ thường đặt ở bên phải Mẫu Thượng Thiên, mặc áo màu trắng.

Trong tâm thức dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, theo xu hướng nhân thần hóa tự nhiên đã luôn coi núi Tam Đảo là núi Mẹ và Ba Vì là núi Cha. Việc thờ thần núi Tam Đảo đã diễn ra quá trình tích hợp văn hóa lâu dài. Vốn là việc thờ thần tự nhiên, núi sông, mang lưỡng tính, thần núi Tam Đảo được nhân thần hóa, nữ tính hóa, thành vị nữ thần. Một cách đối sánh tương đồng, khi mà ở phía bên kia, núi Tản Viên là nam thần, đó cũng là sự phù hợp với tâm thức dân gian. Quá trình nhân thần hóa này có lẽ diễn ra từ thời Lê, thế kỷ XV, với việc phong thần "Trụ Mẫu Quốc”. Việc thờ thần núi Tam Đảo là nữ thần nó có cơ sở tự nhiên và văn hóa của nó. Thứ nhất, đây là ngọn núi phía tây, mà phương tây là biểu tượng của âm tính, tương truyền là ngọn núi có quần Tiên trên trời xuống ngao du, đàn hát, là nơi tu tiên của các đạo sỹ, theo kiểu : Ai người tu tiên đắc đạo, Lên Tây Thiên Tam Đảo mà tu [7, 8]. 

Không có gì khó khăn lắm khi chúng ta đi tìm khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở tục thờ núi, mà thường biểu tượng của nó là thờ đá thiêng. Các dấu tích về tín thờ hòn đá dựng - Lập Thạch, một thứ văn hóa Cự thạch nguyên thủy, rồi tục thờ Tam Triệt Thạch, gọi là Đá ba roi. Tương truyền, một thày phù thủy dùng phù phép quất roi vào hòn đá, khiến nó phải "mở miệng” ra ngậm láy các phép thuật của thày Phù thủy vì không muôn truyền cho ai, sau đó quất roi tiếp để đá ngậm miệng lại.

Cũng chính tại địa phận thôn Đông Hội, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đầu tháng 5/2009, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Đại học Văn hóa Hà Nội đã phát hiện được 1 di tích cự thạch ở mạn tây nam chân núi Tam Đảo.

Di tích này nằm trong một thung lũng rộng, trải dài theo hướng tây - đông, hiện đang canh tác trồng lúa. Cách di tích khoảng hơn 100m về phía nam là dòng suối lớn chảy dọc thung lũng. Di tích gồm một tấm đá phiến (gọi là tấm trần), có hình khối giống một con thuyền, với hai bề mặt khá phẳng, chiều dài từ 3,1m - 3,15m, rộng từ 1,05m - 1,10m, dày từ 0,40m- 0,45m, được đặt nằm trên bốn hòn kê và hướng theo trục bắc – nam.

Mặc dù, trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá đã bị lớp phong hóa bao phủ rất dày, nhưng hình dáng của hai đầu tấm đá với đầu phía bắc thu nhỏ hình mũi thuyền và đầu phía nam khá phẳng như đuôi thuyền cho thấy chúng đã được gia công tạo dáng có chủ đích. Ở mỗi một đầu tấm đá được kê cao trên 2 tảng đá to, hình nêm chôn rất sâu trong lòng đất. Cả 4 tảng đá kê phía dưới có cùng chất liệu với tấm trần bên trên. Hiện tại, tấm đá lớn được kê cao hơn mặt đất là 0,5m. Theo bà con địa phương cho biết, còn có một di tích tương tự như vậy nhưng kích thước lớn hơn, cùng nằm trong thung lũng cách đó gần 800m về phía đông, trong một khu đồng trũng. Hiện di tích thứ hai này đã bị bùn lấp phủ.

Kết quả điều tra dân tộc học quanh vùng cho thấy đồng bào dân tộc Sán Dìu ở đây đã có lịch sử cư trú hơn 600 năm. Họ có tục thờ thần đá ở trên ngọn núi lớn gần đó, nhưng tuyệt nhiên không hay biết gì về những di tích cự thạch trên. Cũng không có truyền thuyết dân gian nào liên quan đến di tích trên. Qua khảo sát và điều tra dân tộc học tại địa phương, đoàn khảo sát cho rằng đây chính là loại hình di tích Dolmel, một trong những loại hình của văn hóa Cự thạch...Nhiều nguồn tài liệu cho rằng, đó thường là chỗ tưởng nhớ những nhân vật lỗi lạc, là mộ của thủ lĩnh cộng đồng, hoặc có thể là khu đất thiêng, thần thánh của thị tộc hay bộ lạc, hoặc là chỗ tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, di tích cự thạch Tam Đảo, Vĩnh Phúc có thể là bằng chứng về tục thờ Thần đá của các cư dân tiền sử nơi đây. So sánh các di tích đồng loại trong khu vực, các nhà nghiên cứu xác định di tích cự thạch Vĩnh Phúc có niên đại khoảng đầu Công nguyên, cách nay gần 2.000 năm. Tương tự, chúng ta còn thấy tục thờ ở một số nơi khác quanh quanh vùng Tam Đảo, Như tục thờ ba hòn đá trắng (Bạch Thạch) ở Tam Dương, được xem như là dấu tích hóa của ba vị đại vương : Cả Nhạc, hai Nhạc, Ba Nhạc thời Triệu Đà…Di tích cự thạch ở Thiện Kế, di tích cự Thạch ở Đồng Dò, ở Sóc Sơn…

Theo sách Việt Điện U linh. trước khi được nhân thần hóa và nữ tính hóa, thần núi Tam Đảo đã được gọi với cái tên là “Thanh Sơn Đại Vương” (Đại Vương thần núi xanh), Thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) đã có tục cầu đảo - cầu mưa ở núi Tam Đảo. thời Lê Nhân Tông (1451) cũng đã lặp lại tục cầu đảo này. Cũng từ thời Lê trở đi, triều đình phong cho thần núi Tam Đảo là Trụ Quốc Mẫu. Như vậy, từ vị thần đá, thần rừng lưỡng tính, một nhiên thần, từ thời Lê trở đi vị thần núi Tam Đảo đã vừa được nhân hóa, vừa nữ tính hóa. Chính truyền thuyết dân gian nêu trên là dấu vết của quá trình chuyển hóa này.

Trong không gian của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, hai ngọn núi ở tả hữu trục sông Hồng là Tam Đảo và Ba Vì ở thời lập quốc Văn Lang - Âu Lạc cũng như sau này kinh đô rời về Thăng Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của dân chúng và triều đình. Trước nhất, về địa lý học, đó là hai ngọn núi cao nhất nằm ngay hai rìa của tam giác châu thổ Bắc Bộ, ngày trời quang mây tạnh, không chỉ ở Phong Châu mà cả Thăng Long - Hà Nội nữa đều nhìn thấy. Theo quan điểm sơn thủy, dù ở Phong Châu hay Thăng Long - Hà Nội thì đó là hai ngọn núi trấn giữ bên tả và hữu, "tả Thanh Long hữu Bạch Hổ”, trở thành hai ngọn núi bảo trợ cho kinh thành. Vì vậy, nhanh chóng vị thàn núi Tam Đảo và núi Ba Vì sớm gia nhập vào hàng thượng đẳng thần trong hệ thống điện thần Việt. Việc từ thời Nhà Trần đến nhà Lê sau này đều có nghi lễ cầu đảo - cầu mưa trên hai ngọn núi này là những chỉ báo.

Như vậy, với quan niệm "vạn vạt hữu linh"  từ tục thờ cúng các nhiên thần, như: thần núi, thần rừng, thần sông... trải qua quá trình nhân thần hóa, nữ tính hóa cùng quá trình hội nhập vào hệ thống huyền thoại hình thành quốc gia, dân tộc và hội nhập tôn giáo tín ngưỡng đã dần hình thành nên tin ngưỡng thờ Mẫu với những nét văn hóa bản địa đặc trưng, như là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn vinh và thờ phụng những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, sinh ra, bảo trợ và che chở cho cuộc sống của con người như: trời, đất, sông, nước, rừng núi …Ngoài ra, nhân dân ta còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa, những người mẹ khi còn sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất về phù hộ cho người an, vật thịnh. Như vây, với sự hiện diện của các di tích văn hóa Cự thạch, tục thờ đá núi, thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, chúng ta có thể hiểu rằng Tam Đảo (Tây Thiên) cũng là một nơi khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Hết.