- Đi chứ, nhưng kế hoạch ở đâu ra vậy? – tôi hỏi lại cho rõ
- Từ hôm gặp mặt Ngọc Dũng ở bia Hải Xồm, ông Chính mời mọi người lên thăm Vĩnh Yên, thăm bản doanh của “Đại học quân sự” – “Đại học quân sự” là tiền thân của “Học viện kỹ thuật quân sự” ngày nay.
- Tôi với cậu đi xe của Ninh à? Tôi sẽ đón xe ở đâu, mấy giờ?
- Cậu cứ ở nhà, Ninh sẽ lái xe qua đó đón cậu, tôi và Tấn Lộc. Tôi và Tấn Lộc sẽ đi xe máy đến nhà cậu – chắc thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì những lần đi chơi gần đây tôi thường đi xe bus hoặc taxi đến các điểm đón, Chi giải thích.
- Lần này ưu tiên cậu được xe đến nhà đón. Tôi sẽ mua bánh mì Hội An ở Cung văn hóa mang đến ăn sáng trên xe để đỡ phải dừng xe ăn sáng – tôi ngạc nhiên hơn vì sự chu đáo của ông bạn tôi.
Sáng 14 tháng 8, khoảng 7 giờ sáng, Phạm Hồng Chi và Tấn Lộc đã có mặt ở nhà tôi. Trong khi chờ xe, tôi và Chi ăn hết hai suất bánh mỳ, còn Tấn lộc chỉ ăn một nửa; vậy là còn suất rưỡi bánh mỳ Hội An dành cho Vũ An Ninh. Chi ăn xong thì chê bánh mỳ không ngon như tiếng đồn, chắc tại những người bán bánh mỳ Hội An ở Hà Nội đã làm hỏng danh tiếng của món quà ăn sáng nổi tiếng “bánh mỳ Hội An”. Tôi pha cho mỗi người một tách cà phê sữa, uống chưa hết thì thấy Vũ An Ninh bấm chuông cửa, bốn tên lên đường – hơi lạ là ông Ninh lần này không gọi điện thoại báo trước.
Lên xe rồi mới biết điện thoại ông Ninh bị khóa cả hai chiều do hết tiền nên không gọi cho ai được.
- Sao cậu không nạp tiền vào để gọi? – tôi hỏi Ninh vì thấy ông ấy vừa lái xe vừa bấm điện thoại, thời đại 4.0 nên con người thật khốn khổ khi điện thoại không còn kết nối mạng, nhất là đối với những người luôn cần kết nối như Vũ An Ninh.
- Không vào được mạng nên không vào được tài khoản để chuyển tiền thì chuyển bằng cách nào - cái sảy nảy cái ung là vậy.
- Để tôi nạp tiền điện thoại cho cậu rồi cậu dùng tiền đó mua gói cước mạng là ổn mà? – tôi nạp 100 nghìn vào số điện thoại của Ninh, ông ấy loay hoay một lúc thì cười tươi.
- Ổn rồi! té ra gói cước của mình hết hạn chiều hôm qua mà mình không biết – dân quản lý mạng 0903.. tệ thật, không báo trước cho người dùng để họ chủ động nạp tiền và gia hạn gói cước.
Tôi để ý thấy Chi xách theo một túi hoa quả, bánh và nén hương nên hỏi lý do và được biết quê ngoại của Phạm Hồng Chi là ở Vĩnh Yên, mộ bà ngoại anh đang nằm ở đó. Tôi đã hiểu vì sao Phạm Hồng Chi lại sốt sắng, náo nức với chuyến đi này đến vậy. Được về quê ai chẳng mong! Chi còn có 4 năm học ở Đại học quân sự tại Vĩnh Yên nữa – đầy ắp kỷ niệm xưa, là tôi nghĩ vậy.
Đoàn chúng tôi có 8 người, đi hai xe. Xe còn lại do nhạc sỹ Quý Lăng cầm lái, Quý Lăng gọi điện thoại cho tôi vì điện thoại của Vũ An Ninh lúc đó mất kết nối.
- Tôi dừng xe chờ các ông ở đường Võ Chí Công nhé, ngã tư Võ Chí Công – Xuân La.
- Ok! Đợi ở đấy nhé, bọn tôi sắp đến rồi – đến ngã tư Võ Chí Công – Xuân La, tìm mãi chẳng thấy xe của ông nhạc sỹ ở đâu, gọi lai cho ông ấy thì thấy ông ấy ú a ú ớ. Té ra ông nhạc sỹ đỗ xe ở ngã tư Võ Chí Công – Nguyễn Hoàng Tôn, thật chịu với sự lơ mơ của mấy ông nghệ sỹ. Lệnh mới được ban ra, “không phải chờ đợi nữa, cứ Vĩnh Yên thẳng tiến cho chủ động”.
Khi xe gần đến thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi thống nhất là sẽ lên mộ bà ngoại Phạm Hồng Chi thắp hương cho bà rồi mới quay trở lại điểm tập kết, nhà anh chị Phạm Văn Chính – Nguyễn Thị Minh sau. Mộ bà ngoại Phạm Hồng Chi nằm bên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần Nghĩa trang liệt sỹ xã Vân Hội. Một cây Sồi già tỏa bóng mát trên khu mộ có mộ bà ngoại bạn tôi gây ấn tượng mạnh với tôi. Phạm Hồng Chi giải thích.
- Bà tôi được chôn ở gò đất ấy mấy năm thì bỗng thấy một cây Sồi mọc lên, chắc có con chim nào mang quả sồi đến ăn rồi để rơi hạt nơi đó – ngẫu nhiên đến vậy ư?
- Việt Nam mình cũng có cây Sồi sao? – tôi hỏi lại Chi.
- Chắc chim mang hạt Sồi từ Tam Đảo đến. Pháp có mang Sồi từ Pháp sang trồng tại núi Tam Đảo – giải thích có lý. Khu mộ quay mặt ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, hướng Tây, nhờ có bóng mát của cây Sồi già trở nên uy nghiêm hơn. Tôi chụp mấy bức ảnh rồi vào trong khu mộ giúp Chi thắp hương. Bà ngoại Chi nằm trong khu tường xây, bên trái mộ của bà là mộ con trai cả của bà. Bà tên là Lê Thị Cả, sinh năm 1881, chết năm 1934 ở tuổi 53 do bệnh lao. Sau đó, tôi đã đề nghị Phạm Hồng Chi kể chuyện về bà và ngỡ ngàng về thân thế của bà và thân thế của bạn tôi.
Bà Lê Thị Cả vốn là vợ của một điền chủ nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc đầu thế kỷ 20, chồng bà mất sớm khi bà mới độ tuổi 40. Bà xinh đẹp lại giàu có nên vẫn có nhiều ông nhòm ngó, thả lời ong bướm. Để tránh thị phi và cần có một nơi nương tựa về tinh thần nên bà đã đồng ý làm lẽ cho ông Mai Du Lân, chủ nhiệm báo “Thực nghiệm dân báo” ở Hà Nội. “Thực nghiệm dân báo” là một tờ báo khá nổi tiếng của người Việt Nam thời kỳ 1920 – 1933. Tờ báo đã bị chính quyền Pháp đình chỉ xuất bản một lần chắc vì tuyên truyền ủng hộ thả cụ Phan Bội Châu. Ông Mai Du Lân là người giúp cụ Huỳnh Thúc Kháng mua máy in mới phục vụ cho việc in ấn báo chí yêu nước. Lấy bà Lê Thị Cả, ông Mai Du Lân cũng bị mang tiếng là tham tài sản của bà. Thật ra khi đó ông Mai Du Lân đã là một chủ báo giàu có, ông đã xây dựng cả một “Resort” tại Gia Lâm, Hà Nội và được đặt tên “Petit Samson”, tiểu Sầm Sơn. Ông thường đi ô tô riêng lên với bà Cả ở Vĩnh Yên vì bà phải ở trên đó để cai quản tá điền và gia tài của chồng cũ. Ông Mai Du Lân và bà Lê Thị Cả có 4 người con, mẹ của Phạm Hồng Chi là con thứ của hai ông bà. Hỏi sao mà mẹ bạn tôi có vẻ đẹp quý phái đến vậy và bạn tôi, Phạm Hồng Chi vừa giỏi toán lại rất giỏi văn.
Về đức độ của bà ngoại bạn tôi thì có một câu chuyện liên quan được bạn tôi kể lại.
- Một lần mẹ tôi và cậu tôi về thắp hương bà ngoại tôi thì thấy một ông trong làng chạy ra, ông ấy nhận ra mẹ và cậu tôi ngay và tự giới thiệu là tá điền cũ của bà tôi. Ông nói rất biết ơn bà nên sau khi bà mất ông thường ra chăm sóc phần mộ của bà, và xin phép gia đình cho ông tiếp tục làm công việc đó. Trước khi ông mất, ông xin gia đình tôi cho ông được chôn gần mộ bà để tiếp tục làm tá điền cho bà. Ngôi mộ của ông ấy hiện vẫn nằm sau mộ bà tôi – thật tình nghĩa.
Chúng tôi quay xe về nhà Minh – Chính, rồi cùng mọi người ra thăm “Bản doanh” Đại học quân sự theo kế hoạch của anh Chính. Đoàn chúng tôi có 4 cựu binh trước đây từng học Đại học quân sự. Tuy nhiên để được vào thăm ngôi trường này anh Chính phải liên hệ nhờ anh Phong, một Phó Giáo sư, trước dạy ở trường thì chúng tôi mới được bước vào khuôn viên của trường. Một trường đại học được xây dựng cách đây 50 năm mà quy hoạch và kiến trúc bề thế đến vậy, thế mới biết quân sự được ưu tiên đến mức nào trong chiến tranh. Ngôi trường cũng là địa chỉ tôi đã từng ghi trong 3 nguyện vọng trước khi thi đại học. Con đường nhựa phủ bóng mát của hai hàng sấu có lẽ là dấu vết xưa cũ. Hàng sấu hai bên con đường chính của trường có lẽ đẹp chỉ sau hàng sấu đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu ở Hà Nội. Trên bề mặt con đường còn những ô chữ nhật kẻ bằng sơn trắng với chiều rộng khoảng 60cm, dùng để luyện tập đội ngũ – chợt nhớ đến những tiếng còi báo động lúc nửa đêm, hoặc những ca gác trong đêm giá rét với những cái bụng lép kẹp.
Rời khỏi trường Đại học quân sự, chúng tôi được đến thăm nhà bác Kim Ngọc, nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, cha đẻ của khoán hộ trong nông nghiệp. Anh Chính là bạn của anh Kim Nam, con trai bác Kim Ngọc nên chúng tôi được gia đình anh Nam đón tiếp thân tình. Cái chất bác Kim Ngọc hình như còn đọng lại trong con cháu bác nên thấy gần gũi lạ. Vợ của anh Kim Nam, vốn là bộ đội nên “lệnh” cho chúng tôi đứng chụp ảnh bằng khẩu lệnh rất bộ đội.
- Các anh chị đứng đúng vị trí, nhìn vào điện thoại để em chụp. Nhớ là nhìn vào điện thoại chứ đừng nhìn vào em – tất cả cười và tất nhiên những bức ảnh cũng cười. Chị còn bắt cậu con trai, tuổi đôi mươi, kiểm tra mít trên cây và hái xuống một quả vừa chín tới để tặng đoàn. Năm 2020, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ Hội thảo “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – Chân dung một con người trong đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp”. Anh Kim Nam đã thay mặt gia đình nhận Kỷ niệm chương “Vì Giai cấp Nông dân Việt Nam” của Hội Nông dân Việt Nam truy tặng bác Kim Ngọc.
Chúng tôi quay lại nhà anh Chính để ăn trưa, một bữa tiệc đúng nghĩa với các món vịt quay, vịt hấp, ngan luộc, canh măng đắng nấu cổ cánh vịt và một món dân dã nhưng rất ngon là rau lang luộc… Bữa tiệc do một đồng nghiệp cũ của chị Minh chuẩn bị. Ngan, vịt, măng và các loại rau đều mang từ trang trại của anh đồng nghiệp ấy về chế biến. Đồng nghiệp cũ của chị Minh, anh Lộc nguyên là Trưởng phòng kinh tế của Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Yên. Sau buổi trưa, tôi mới có cơ hội ngồi nói chuyện với chị Minh, anh Lộc và ngộ ra nhiều điều. Tôi đã gặp vợ chồng anh chị Chính – Minh vài lần, đã cùng anh chị đi thăm Hà Giang trong đoàn của K15 vật lý, đại học tổng hợp Hà Nội cuối năm 2022. Vậy mà bây giờ tôi mới biết anh Chính nguyên là Trưởng phòng Giáo dục TP Vĩnh Yên, chị Minh nguyên là Trưởng phòng kinh tế của Ủy ban nhân dân TP Vĩnh Yên. Anh Chính là cựu chiến binh, sau chiến tranh anh về học tiếp đại học, học xong đại học anh về quê Vĩnh Yên để dạy học. Do cần cán bộ quản lý nên anh tình cờ được chọn về làm Phó Trưởng phòng Giáo dục của TP Vĩnh Yên, vì hội tụ đủ yếu tố cần thiết. Anh cần mẫn, trung thực làm việc nên được đề đạt lên làm Trưởng phòng Giáo dục mặc dù lãnh đạo thành phố cũng không hẳn đã đồng thuận vì cái tính quá thẳng của anh. Chị Minh trước khi lấy anh Chính thì đang làm giảng viên của đại học tài chính. Nếu chị tiếp tục giảng dạy ở trường thì có lẽ chị đã là phó Giáo sư và có hộ khẩu tại Hà Nội. Tuy nhiên sau khi lấy anh Chính, chị Minh đã xin chuyển công tác về Vĩnh Yên. Chị hy vọng xin được vào làm ở Sở tài chính Vĩnh Phúc, nhưng rồi không thuận. Chị đành xin vào làm kế toán cho một doanh nghiệp trong tỉnh, rồi sau đó được chuyển về phòng kinh tế của Ủy ban nhân dân TP Vĩnh Yên. Do năng lực và làm việc có trách nhiệm, chị Minh đã được đề bạt làm Trưởng phòng kinh tế của Ủy ban. Chị tâm sự.
- Năm 2003, phòng kinh tế có nhiệm vụ phân bổ hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân trong thành phố gặp khó khăn vì bão lũ. Hồi ấy các dự án có kinh phí do ngân sách cấp, khi giao cho các đơn vị thực hiện thường được “lại quả” từ 15 – 20 phần trăm số tiền được cấp. Riêng dự án chi hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân của phòng kinh tế, mình nói với anh chị em đi thực hiện dự án: “toàn bộ tiền của dự án này là mồ hôi công sức của nhân dân, tôi yêu cầu anh chị em không được xà xẻo dù chỉ một đồng. Nếu hộ nào được xét nhận 95.000 đồng, thì các anh các chị có thể làm tròn lên 100.000 đồng chứ tuyệt đối không được làm tròn thành 90.000 đồng”. Mọi người trong phòng kinh tế đã thực hiện đúng như tôi nói, vậy mà vẫn có chuyện xảy ra – cuộc đời là vậy, cây ngay hay bị tìm chặt. Một dự án chi hơn hai tỷ mà không có đồng nào lại quả cho cán bộ lãnh đạo là bị tiếng ra tiếng vào. Một đồng nghiệp trong phòng kinh tế vì bị truy hỏi về tiền lại quả gắt quá từ một cán bộ của phòng khác trong ủy ban đã nói đùa: “nhờ tiền lại quả của dự án nên tao mới xây được nhà đấy”. Câu trả lời đùa của đồng nghiệp phòng kinh tế được đưa đi đẩy lại, phóng to, thu nhỏ rồi cũng đến tai lãnh đạo Ủy ban TP. Một cuộc điều tra, kiểm toán nửa bí mật, nửa công khai diễn ra sau đó, chị Minh phải nhiều lần tường trình.
- Thật may, sau gần nửa năm thì có kết luận thanh kiểm tra là phòng kinh tế và cá nhân mình trong sạch trong dự án đó – chị Minh kết luận với nụ cười nửa miệng. Làm người thanh liêm đâu phải lúc nào cũng dễ. Chị Minh bổ sung thêm:
- Trước đấy, con gái của vị lãnh đạo đó, cũng là nhân viên làm việc trong Ủy ban đã nói vớ bố “Phòng Kinh tế họ làm việc nghiêm túc lắm bố ơi, sổ sách được ghi chép đầy đủ, không thất thoát được đâu”, nhưng ông bố quát lại “Mày đâu biết hết mọi chuyện mà dám bênh chúng nó?”. Đứa con gái đành im, còn ông bố tiếp tục chỉ đạo công an, thanh tra thực hiện thanh tra, kiểm toán dự án. Ông Lãnh đạo đó giờ đang ngồi tù vì tham nhũng rồi – giọng chị Minh trùng xuống, đúng là nhân quả. Anh Lộc cùng tôi ngồi nghe chị Minh kể chuyện và luôn gật đầu như khẳng định những điều chị kể là thật. Còn tôi thấy một đồng nghiệp, một nguyên trưởng phòng Kinh tế của Ủy ban, một người kế nghiệp chị Minh, vẫn thân thiết với chị Minh đến giờ, còn tôn trọng chị Minh đến vậy thì tôi tin ngay là chị Minh rất Minh – Chính.
Buổi chiều tối chúng tôi ghé qua nhà anh Khoa, anh trai của anh Chính để ăn tối trước khi quay về Hà Nội. Nhạc sỹ Quý Lăng trước đó tranh thủ rửa xe, nhưng rửa xe xong thì trời lại mưa, chắc về Hà Nội lại phải rửa lại. Anh Khoa đã ở tuổi 80, vậy mà trông vẫn trẻ trung, giống như một nghệ sỹ với dáng thanh mảnh, da trắng, mái tóc bạc để dài. Anh Khoa bắt tay, ôm tôi và nói.
- Nọi đây mà! em viết về Hà Giang hay lắm, anh đọc các bài viết của em nhiều lần mà vẫn thấy xúc động. Em đã nói hộ nỗi lòng mọi người – anh Khoa đã đi cùng đoàn K15 lên thăm Hà Giang, lần ấy tôi ít tiếp xúc với anh nên chưa biết nhiều về anh. Thật may là anh đã đọc các bài viết của tôi và vẫn nhớ tên tôi. Cả hai anh chị Khoa – Kim, chị Kim là vợ của anh Khoa, ra ngoài hiên nhà đón đoàn chúng tôi, rất trọng thị. Ngày hôm đó là sinh nhật chị Kim, đoàn đã mua tặng chị một bó hoa Hồng, chị Kim xúc động và kể các kỷ niệm về chuyến đi Tây Nguyên với đoàn K15. Chị nói.
- Đó là chuyến đi tuyệt vời nhất của vợ chồng chị, chị sẽ không bao giờ quên. Cám ơn các em nhiều lắm – K15 vật lý, đại học tổng hợp Hà Nội đã tổ chức được nhiều chuyến đi tuyệt vời, đã tổ chức được nhiều sự kiện đáng nhớ mà tôi đã được là khách mời vài lần. Xin cám ơn các anh các chị.
TP Vĩnh Yên đâu yên tĩnh, TP Vĩnh Yên đang tiến lên trong cái không yên tĩnh ấy. Tỉnh Vĩnh Phúc là 1 trong số không nhiều tỉnh có thể tự cân đối ngân sách nhà nước và có điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2022, tổng thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đạt 40.353 tỷ đồng.
Hà Nội, 22/8/2023 - N.V.N.
Trái tim người lính
Phạm văn Chính
12:50 24/08/2023
Một kí sự hay . Những nét chấm phá và chi tiết đan xen tạo bức tranh các cụ ngày xưa và các cụ ngày nay rất sinh động .Cám ơn tác giả nhiều !
Nguyễn Thị Hoàng Vân
09:01 24/08/2023
Bài viết hay lắm. Viết cho mọi người hiểu thêm về những người bạn của chúng ta.