Vợ bộ đội thời chiến tranh

Đã là vợ bộ đội, thì hầu hết thời nào cũng chịu những thiệt thòi, hy sinh nhất định, điều mà những người không ở trong hoàn cảnh ấy khó lòng thấu hiểu hết được.
275169741-1151984508902608-8722176680954887090-n-1646620781.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Trong thời chiến, chỉ trừ những quân nhân công tác ở cơ quan quân sự địa phương, họ thường ở gần nhà, hay điều kiện ít biến động, thì vợ của họ đỡ chịu những thiếu thốn về mọi mặt, nhất là về mặt tinh thần, tình cảm. Những người làm vợ bộ đội ở nông thôn, lại càng trải qua những khó khăn, thiếu thốn trăm bề..

Thời chiến tranh, ở miền núi chúng tôi, tập quán canh tác lạc hậu, năng suất lao động không cao. Các bà, các chị vợ bộ đội, lại càng là những người chịu khó khăn nhất. Cơ chế quản lý kinh tế lúc ấy, lại thực hiện hình thức quan liêu, bao cấp, “đánh trống ghi công”, không phát huy được tư duy tính toán làm ăn, sự nỗ lực của từng người, mỗi gia đình, hay từng nhóm người lao động. Phân chia hưởng thụ sản phẩm bình quân theo đầu người. Vì vậy, dù cho nhiều người rất muốn tăng năng suất lao động, họ cũng không được mức thu nhập cao hơn... Do vậy đã kìm hãm mọi nỗ lực phát triển kinh tế của đội sản xuất, hợp tác xã, hay nói chung là của toàn xã hội.

Quê hương chúng tôi, dù đất rộng, người thưa, nhưng Nghị quyết của Hợp tác xã chỉ cho mỗi gia đình trông 200 gốc sắn một năm. Dù đất thừa thãi, cũng không ai được tranh thủ trồng thêm sắn, ngô khoai, hay các cây lương thực khác. Hậu quả, mùa màng thất bát, tập thể hợp tác xã không đủ năng lực cung cấp lương thực cho các gia đình xã viên. Về lúa, mỗi nhân khẩu chỉ được chia 6 đến 8 kg/tháng, sắn khoai cũng chẳng được chia là bao, vì có năng suất đâu, lại bị thú rừng phá hoại... Thật là người nông dân chịu đói ngay trên mảnh đất rộng rãi của mình! Nếu cơ chế quản lý thông thoáng, cởi mở, người nông dân được tranh thủ làm ngoài giờ, (cùng với huy động sức lao động của người già, trẻ em, tận dụng đất dai quanh nhà) chắc rằng đời sống của người nông dân miền núi lúc ấy không quá khổ sở đến như thế. Tôi còn nhớ, ngoài việc lao động tập thể theo nghĩa vụ ngày công, mỗi người nông dân trong độ tuổi lao động, còn chịu bao nhiêu nghĩa vụ khác nữa...

Tôi kể một chuyện này, ngày nay các bạn trẻ 30, 40 tuổi trở xuống, nhất là ở thành thị chắc là không biết. Mỗi gia đình ở nông thôn quê chúng tôi, mỗi năm phải có nghĩa vụ bán cho nhà nước 20 kg lợn hơi. Chỉ có vậy thôi, nhưng nhiều nhà không chăn nuôi nổi để hoàn thành nghĩa vụ. Ngày ấy, ý thức người dân trong việc chấp hành thuế má, nghĩa vụ với nhà nước là cao lắm. Nó là thể hiện ý thức danh dự của mỗi công dân, mỗi gia đình với xã hội. Các bạn có biết, vì sao, nhiều nhà không thực hiện được nghĩa vụ tưởng như là nhỏ nhặt này không? Xin thưa là, lúc ấy thị trường miền núi (và cả nước ta) làm gì có bán cám chăn nuôi chế biến sẵn như bây giờ. Ngô khoai sắn cũng không được tự do , buôn bán ngoài chợ búa (vì cũng không có để bán), hay giao lưu giữa các vùng miền. Ở mỗi gia đình chỉ được phân chia mấy cân thóc một tháng cho con người ăn, để mà sống, như trên tôi đã nói; vậy thì lấy gì cho lợn ăn để cho nó sống và cho nó còn lớn được!?

Ngày vợ tôi nuôi con còn bé. Có lần khi tôi về phép, vợ tôi kể chuyện . Nhiều đêm, con quấy khóc vì bú mà mẹ không có sữa... Mẹ bụng cũng đói cồn cào, làm sao có sữa! Thương con khát sữa, lại lo lắng cho chồng vào nơi bom đạn... Không biết làm thé nào, vợ tôi ôm con vào lòng cùng khóc!... Chị em nông dân, lao động quần quật trên đồng ruộng, hai sương một nắng, quần áo bùn đất, nhưng tiêu chuẩn phân phối vải lại chỉ có 3 met/năm, ít nhất trong những người được phân phối. Hàng hóa thiết yếu, cái gì cũng phân phối, người nông dân chỉ là người được nhận phân phốicuối cùng. Vì hàng hóa xã hội khan hiếm, cửa hàng gọi là “Bách hóa tổng hợp” ngày ấy, làm gì có được số lượng và chủng loại mặt hàng phong phú, bằng một chủ tiệm bán hàng nhỏ ở chợ thôn quê như bây giờ, chứ chưa nói gì đến gian hàng của tiểu thương ở phố huyện hay thị xã, thành phố. Chỉ nói đến mặt hàng nhỏ, là xà phòng để giặt quần áo, cả năm chưa chắc mỗi gia đình được phân phối 1 hay hai bánh xà phòng. Chị em đang tuổi sinh nở, kỳ kinh hàng tháng, phải dùng vải xô, giặt đi, giặt lại dùng nhiều lần... chứ đâu có băng vệ sinh dùng một lần, tiện lợi như hiện nay. Không có xà phòng, chị em đã phải ngâm nước giải, hay tẩy bằng những loai cây có bọt khác... Thật khổ hết chỗ nói!

Biết bao nhiêu người vợ bộ đội của đất nước mình, đi qua các cuộc chiến tranh, giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, khi kẻ thù xâm phạm biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đều chịu chung hoàn cảnh xa cách. Một hay mấy năm mới được về một đợt phép. Khi người vợ sinh con, không mấy khi được bầu bạn bên cạnh vợ của mình. Các cụ ta từ ngày xưa, vẫn lưu truyền lại câu ca: “người chửa cửa mả”... Ý nói sự nguy hiểm, rủi do không thể lường trước được, khi người phụ nữ “vượt cạn”. Đấy là chưa kể sự động viên, an ủi tinh thần của người chồng trong những giờ phút đặc biệt ấy.

Vợ chồng chúng tôi sinh bốn mặt con, thế nhưng cả bốn lần tôi đều không được về phép, cùng vợ đón niềm vui con ra đời, và cũng chia sẻ những đau đớn “mạng nặng đẻ đau” của người vợ, cũng như những rủi do có thể gặp phải. Những lần sinh con trước đây, ở miền Nam xa xôi, còn chiến tranh căng thẳng đã đành. Nhưng đến lần có đứa con sau cùng, tôi đóng quân ở biên giới phía Bắc, cả năm trước tôi đã đăng ký với thủ trưởng đơn vị, tôi xin lùi thời hạn về phép vào dịp vợ tôi dự kiến sinh con (khoảng đầu năm sau). Tôi trình bày lí do: vì các lần vợ tôi sinh con trước đây đều ở xa, còn chiến tranh đã đành; nay ở gần ngoài Bắc này, mong đơn vị cố gắng tạo điều kiện thuận lợi. Là người lính, bảo tôi hy sinh chịu đựng sao cũng được, nhưng với người vợ ở hậu phương... Tôi sẽ cảm thấy không phải với người vợ của mình!... Vậy nhưng, dự tính ngày sinh con của vợ tôi lại đúng vào dịp tết Nguyên đán. Vì điều kiện căng thẳng trên biên giới, để nâng cấp tình trạng “sẵn sàng chiến đấu” với quân bành trướng Trung Quốc... trên toàn tuyến có lệnh không ai được về phép... (Năm ấy, vợ tôi sinh con đúng chiều 30 tết Nguyên đán). Thế là, tôi lỡ hẹn, không thể nào thực hiện được về cùng vợ đón ngày sinh con...

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm nay (08/3/2022), tình hình thế giới có những biến đổi hết sức phức tạp và khó lường. Cuộc xung đột giứa Nga và U crai na đang diễn ra ác liệt. Các nước trung Đông, chây Phi cũng chưa hề bình yên. Tôi kể lại đôi câu chuyện này của mình, hay của những người xung quanh, về một thời chiến tranh đã đi qua, để chúng ta cùng nhau suy ngẫm. Chúng ta phấn khởi trước những quyết định sáng suốt, kiên định của Đảng cộng sản Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tự lực cánh sinh, độc lập xây dựng và bảo về đất nước phù hợp với tình hình đặc điểm của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta thu được những thành tựu hết sức quan trọng và to lớn, trên con đường Đổi mới, thoát khỏi đói nghèo. Thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được loài người ghi nhận. Chúng ta chủ động hội nhập và làm bạn với tất cả các nước, trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và cùng có lợi. Cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ta chưa bao giờ có được như ngay nay... như Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã nhiều lần khẳng đình..

Để bảo vệ thành quả cách mạng của cả dân tộc ta, hòa bình, độc lập, được lâu dài; chúng ta hãy tin tưởng và đoàn kết xung quanh Đảng cộng sản Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, độc lập tự chủ. Có thực hiện được như thế, đất nước mới bình yên, và những người phụ nữ mới được hưởng hạnh phúc trọn ven, bên gia đình thân yêu của mình... Để những người phụ nữ chúng ta từ nay trở đi, không phải chịu cảnh: chồng, con, là những người lính bị thương, chết chóc ngoài chiến trường... như các nước bạn gần xa!

 

Ngày 04/3/2022 - ĐQB -  Chuyện Làng quê