Tôi được nhà thơ Chử Văn Long tặng tập thơ “Thơ và Mộng”- thơ chọn 1967- 2020, NXB Hội Nhà văn năm 2020. Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu nhận ông làm em nuôi, vì thế tôi có mối quan hệ gần gũi ông. Năm 2016, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Xuân Diệu, Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học và tôn vinh “Ông hoàng thơ tình”, vợ chồng và thơ Chử Văn Long dự cả 2 hoạt động này.
Thơ chọn của cả giai đoạn dài đến 53 năm nhưng tập thơ lại rất mỏng: chỉ 25 bài với 40 trang in. Vị chi: 2 năm chọn 1 bài. Không sao, ít mà tinh. Ngay lời dẫn ở đầu trang 5 nhà thơ Chử Văn Long dụng ý khi dẫn câu thơ: “Tập sách mỏng tưởng chừng như rất nhẹ/ Trái tim anh anh trĩu nặng đồng cân” của nhà thơ Tây Ban Nha, Nadim Hikmek.
25 bài trong tập thơ “Thơ và mộng”- thơ chọn cho cả giai đoạn 1967 - 2020, có thể nói là quá đỗi khiêm nhường. Thế nhưng thế sự vẫn ngồn ngộn. Nhiều bài thơ thế sự của ông, đặt ra nhiều câu hỏi và nghĩ suy đau đớn.
Tôi ra thành phố làm việc mỗi ngày
Nhập vào dòng người, dòng xe bất tận, ruổi rong, bám riết
Như kẻ bị đuổi săn mải miết
...
Tôi bỗng hiểu vì sao người ta phải bọc kín những ngôi nhà
...
Nhưng cả ở trong
Ý nghĩ vẫn bị đuổi săn
(Hàng ngày)
Tôi ngồi trong phòng họp
Giữa những tiếng lao chao
Tai nghe mà chẳng rõ
Hồn đang ở nơi nào
...
Và ngoài kia thế giới
Đang lửa bỏng dầu sôi
Kẻ bới ăn trong rác
Người mua được cả trời
...
Hỡi con người lao khổ
Nghìn năm rồi vạn năm
Một khi còn sự sống
Phải tìm lẽ công bằng
(Trong phòng họp)
Cứ thế, ông luôn luôn trăn trở với dân tộc và thời đại, với nhân loại và nhân dân. Khi dân số thế giới đạt 7 tỷ người, ông viết:
Nhân loại lớn sớm nay xin chào nhé
Người là số đông của bảy tỷ con người
Với sức mạnh dời non lấp bể
Đã thay đổi được gì kiếp sống nhỏ nhoi
Hay vẫn rạp mình trước miếng cơm manh áo
Vẫn vòng tay vâng, dạ tôi đòi
(Nhân loại lớn)
Thế giới như bàn cờ
Bày ra đập, phá
Những bàn tay đeo găng trắng muốt
Chơi cờ trên số phận nhân dân
(Thế giới)
Thưa ông, mãi thế thôi. Không khác được, thậm chí con người đang phải trả giá sự hủy hoại không gian sống vì “miếng cơm manh áo”. Biết bao nhiêu “nhân tai” đang ập lên con người, ngay cả Covid-19 đang ám ảnh nhân loại. Vì Covid-19, TP. HCM và 18 tỉnh/ thành phía Nam phải cách ly nghiêm ngặt nên rất nhiều người phải chạy “trốn dịch”. Cuộc chay trốn ban đầu là tự phát, thật sự nằm ngoài suy nghĩ của các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, gây ra nhiều hệ lụy: không kiểm soát được nguồn lây bệnh, tai nạn thương tâm, chết người đã xảy ra.
Rất ngẫu nhiên, nhà thơ Nguyễn Thành Phong trong tập thơ vừa xuất bản “Đêm ngồi ngã ba sông” vừa xuất bản có bài thơ “Sao người Việt vẫn ra đi” nhức nhối. Trong “Thơ và Mộng”, nhà thơ Chử Văn Long có bài thơ “Nghĩ về đất nước buồn vui” cũng nhức nhối thế sự, nhức nhối thời cuộc, dù bài thơ viết năm 2016. Nhà thơ Chử Văn Long đau đớn khi người Việt cứ phải bỏ xứ mà đi:
...
Nhìn đoàn người lìa quê xa xứ
Đi gồng thuê gánh mướn khắp Tây, Đông
Ai không thấy bùi ngùi thao thiết
Kiếp gánh mướn làm thuê mà làm chủ núi sông
Ông còn có nhiều bài thơ đáng đọc như “Pasternak”: “Thiên tài là một cái gì không chịu nổi / Vì lẽ ấy / Thường phải lấy tính mạng mình ra đổi”...Phải nói, những bài thơ thế sự trong tập thơ “Thơ và Mộng” của Chử Văn Long tạo ra vóc dáng của tập thơ. Mỏng nhưng vạm vỡ, bề thế, rất đời, không “mộng” chút nào. Diện mạo, tư thế, trách nhiệm của “kẻ sỹ Bắc Hà” Chử Văn Long, hiên ngang trong “Thơ và Mộng”.
Chử Văn Long từng tâm sự, thơ cũng như đời có sâu, nông, cao, thấp. Có thứ thơ dễ thuộc dễ nhớ. Có thứ thơ có thể thấm đến tận cùng xương tuỷ qua những cơn đau…Thơ hay đâu chỉ vì nhớ và thuộc. Nhớ thuộc thơ mới chỉ là lời, là chữ. Những sợi dây vô hình đằng sau mỗi chữ, mỗi lời mới giằng buộc xoắn quyện hồn ta cùng với buồn vui mơ hồ xa xăm không dứt. Theo ông, người cầm bút làm thơ nào cũng hiểu đời buồn có thơ buồn, đời vui có thơ vui, nhạy cảm với nỗi khổ đau nếu không là tiêu chuẩn hàng đầu, tiêu chuẩn số một để viết được thơ hay, để nhìn ra được thơ hay, có lẽ nào vì nhạy cảm đau khổ mà tôi nhìn thơ dở ra thơ hay được.
“Nhìn lại đời thơ Chử Văn Long thấy như anh sinh ra để hát về những buồn vui thắc thỏm đời thường, những nổ chìm phận số, để vươn lên khát vọng làm người”, (Nguyễn Thiết).
7/8/2021
NĐH
Nguyên văn bài thơ:
Chử Văn Long
NGHĨ VỀ ĐẤT NƯỚC BUỒN VUI
Mỗi khi nghĩ về đất nước buồn vui
Anh cứ thấy như mình đang mắc lỗi
Trước trang giấy anh chưa từng gian dối
Chưa từng tụng ca những xu nịnh thấp hèn
Nhưng đã ngây thơ đem đặt niềm tin
Vào những thứ ngây thơ cùng gian dối
Mới nhận ra sự sống đã muôn đời
Hết giặc giã đau thương lại kẻ khóc người cười
Bao khát vọng công bằng từng đổ vỡ
Bao ước mơ tương lai thành nhăng nhố
Chỉ tình người còn lại giữa bon chen
Phải có ánh mắt thật trong tấm lòng rộng mở
Biết tha thứ lỗi lầm biết nhìn ra thật giả
Mác rượu quý nhiều khi đóng chai nước lã
Kẻ rao giảng tình người lại thành kẻ bất nhân
Biết tin vào đâu kể cả thánh thần
Thường lấp bóng cho tà ma quỷ ám
Chỉ còn những câu thơ an ủi anh
Thơ đã thành trò chơi mua bán
Không chi sẻ cùng ai, không đau xót vì ai
Thà cứ xé phăng đi cho chó gặm rác vùi
Thơ như nắm xương khô
Thơ nhờ nhờ xác ướp
Nói như vậy các nhà thơ sẽ nhìn anh căm ghét
Còn hơn lời khen cách tân đổi mới không hồn
Câu chữ tối mù ngôn từ vặn vẹo
Trong khi ngoài kia những cánh đồng khô héo
Những dòng sông cạn kiệt từ lâu
Biển đang chết như một niềm oan khuất
Rừng tan hoang treo tai họa trên đầu
Anh đứng chỗ nào mà nhân danh Tổ quốc
Nhân danh nhân dân vĩ đại với anh hùng
Nhìn đoàn người lìa quê xa xứ
Đi gồng thuê gánh mướn khắp Tây, Đông
Ai không thấy bùi ngùi thao thiết
Kiếp gánh mướn làm thuê mà làm chủ núi sông
Có lẽ anh đã trách nhầm thơ
Khi lắng lại lòng mình bao cảnh đời tan nát
Con từ bỏ mẹ cha chồng vợ dối gian nhau
Anh em chia lìa bạn bè lừa gạt
Kẻ quyền bính thì lừa dân hại nước
Cuộc sống trong lành thơ mộng có còn đâu!
Tháng 10/2016
CVL
PASTERNAK
Thiên tài là một cái gì không chịu nổi
Vì lẽ ấy
Thường phải lấy tính mạng mình ra đổi
Pasternak đến sau
Exenhin
Và Puskin...
đã đổi
Tôi nghe như tiếng thở dài
Những thế kỷ đi cùng bóng tối
Từ đây đã mọc lên
Những mặt trời Puskin, Exenhin...
Lịch sử sao mà nghiệt ngã
Luôn chứa trong mình dối trá
Đã ở đâu có được công bằng
Ai nói rằng lịch sử của nhân dân
Nhân dân ở nơi nào được tự tay cầm lấy
Pasteknak đến sau
Liệu đã là người cuối cùng nhận lấy nỗi đau?
Ở nước Nga xa xôi mà lòng nghe buốt nhức
Cùng dịu êm rừng dương đang tấu bản nhạc ngày.
CVL
Ps: B.L.Pasteknak là nhà thơ Liên xô cũ, được Giải thưởng Nobel văn học 1958 (bị ép từ chối nhận giải); số phận ông trở thành bi kịch dưới chế độ Xô viết. Ông mất năm 1960. Sau khi mất, ông được tôn vinh là “Hiệp sỹ của thi ca Nga”.
.