Ở thế đi mắc núi, trở lại mắc sông, chàng nghĩ ra một kế: Sử dụng bụi tre ở ngoài đường, gần ngõ nhà mình làm “vũ khí”. Cứ cây măng nào mới lên, vừa bóc bẹ là Phương dùng dao khắc tên mình với tên Nàng.
Thế là mỗi khi chơi dưới bóng mát bụi tre, lũ trẻ đều thấy chữ “ai đó” gán Phương với Hạnh. Chúng nó hùa theo, trêu gán Phương với Nàng, trúng âm mưu của kẻ khắc chữ. Nhưng rồi mấy hôm sau, xen vào chữ Phương + Hạnh ấy, lại có chữ X + Hạnh, hoá ra, còn có một kẻ thứ ba,… Cạnh tranh lành mạnh nhưng không cân bằng, vì chữ Phương xấu, mà chữ ai đó lại rất đẹp, lại còn vẽ thật khéo hai đứa cầm tay nhau, bên cạnh là chữ cái tên hai đứa ấy lồng vào nhau. Anh chàng cay cú nghĩ: “Hay là chính Nàng thích Hắn nên khắc chữ thế, để truyền đi một thông điệp không lời, với cả hai thằng, nhỉ?”. Nghĩ lại, chữ nàng đẹp, nhưng khắc lên đốt tre dễ gì, lại còn vẽ cực siêu nữa, hẳn có một người khác nữa. Mà không chỉ thế, chỉ sau một đêm, hôm sau tràn ngập mọi đốt tre đều có chữ Phương + Luyến, P+L và những hình vẽ lứa đôi tình tứ minh hoạ nữa.
Luyến là cô bé xinh nhất lớp, học giỏi văn và hát hay. Chính giỏi văn nên lũ bạn mới gán với Phương giỏi toán. Chẳng hiểu sao, lúc bị gán thế, Phương rất xấu hổ, thế mà bé Luyến lại nhí nhảnh cười tươi, dường như thích được gán, nên Phương ghét luôn cả bé Luyến. Cũng bởi trong lòng, chàng Phương chỉ ngầm thích Hạnh, song đó là một bí mật, chàng không thích mang chuyện tâm hồn sâu kín ra đùa cợt với mọi người. Bọn bạn quỷ sứ thấy Phương chối, né bị gán với Luyến thì lại càng trêu chọc, thế mới khổ. Tức phát khùng lên mà Phương không làm gì được, kẻ thứ hai, kẻ thứ ba, hay chính Nàng, kẻ thứ tư, hay kẻ thứ năm nào đã khắc những chữ ấy lên đốt tre đây?
Phương không biết một đứa “muốn ăn gắp bỏ cho người” nào đã gây chuyên, hay một âm mưu “giương đông kích tây” nhỉ? Đã thế, gần tối, bọn 4-5 đứa chăn trâu ở xóm ngoài đi qua lại bắt nhịp 2-3 rồi hô: “Phương cộng Luyến là Luyên cộng Phướng”, “Phương lấy Luyến là Luyên lấy Phướng”, “Phương Luyến chông vợ hài là hai vợ chồng”...
Nỗi ấm ức ấy theo Phương rất lâu, khi những cây tre ấy già đi, bọn trẻ hơn lại khắc tên chúng nó lên những cây tre non. Thế mà trời chẳng xe duyên cho ai, mỗi người một nẻo, dù hình ảnh đứa con gái buộc tóc đuôi gà, mặc áo nâu và quần phíp ấy vẫn hiển hiện trong tâm hồn, ý nghĩ chàng Phương. Vậy mà đến hơn 40 năm sau, họ gặp lại nhau cũng không thể nhận ra.
Chuyện ấy đã hơn gần 50 năm, lâu lắm rồi, bụi tre ấy không còn, đường xá làng quê đã đổ bê tông rộng rãi. Đúng giữa con đường bê-tông chính là chỗ bụi tre ngày xưa, mà người ấy ở tận đẩu đâu xa lắc. Ký ức chỉ còn làm lão Phương ngơ ngẩn nhớ mà không biết nhớ ai, nhớ điều gì.
Lão Phương chỉnh đốn trang phục để đi họp nhóm bạn lớp B thường cấp 2 Thu Khê 1972-1975, ở đấy có cả Hắn, cả nàng Hạnh, nàng Luyến, cùng tất cả những đứa là “nghi phạm” liên quan đến “vụ án” khắc tên lên đốt tre ngày xưa. Dù tất cả đã chìm vào ký ức, nhưng hôm nay phải nói điều ấm ức ấy ra, rồi nâng ly uống một bữa say.
Chuyện quê