Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022): Vũ Xuân Bân đi nhiều chiến trường, là phóng viên đầu tiên phát hiện nhà tù Toul Sleng “địa ngục trần gian” ở Thủ đô Nông Pênh

        Đoàn Việt

20/12/2022 06:34

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết của Đoàn Việt, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề " Vũ Xuân Bân đi nhiều chiến trường, là phóng viên đầu tiên phát hiện nhà tù Toul Sleng “địa ngục trần gian” ở Thủ đô Nông Pênh". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Trong khóa phóng viên chiến trường GP10, Vũ Xuân Bân là người duy nhất được cử làm Trưởng ban Biên tập tin Trong nước TTXVN và là người đi nhiều chiến trường nhất, đoạt Giải A báo chí toàn quốc, nay là Giải báo chí Quốc gia.

vxb1ab1-1671466234.jpg
Phóng viên Vũ Xuân Bân tranh thủ viết bài “Trên đường về Thủ đô Nông Pênh (Campuchia) giải phóng" ngày 8/1/1979 ngay trên đường hành quân điện về Tổng xã TTXVN và Tổng xã SPK (TTX Campchia trước đây, nay là AKP). Ảnh: Tư liệu.

 

Khi ở trong rừng chiến khu, anh đã cùng với các anh Lý Văn Tích, Kim Sơn, Quang Minh, Sỹ Thủy… đi chiến trường miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”. Nơi đây, anh có nhiều kỷ niệm với bạn bè và đã viết nhiều bài viết có giá trị ở chiến khu Minh Đạm (BR-VT) như “Dưới chân núi Minh Đạm”, “Trên vành  đai Úc hôm nay”, “Cuộc sống chiến đấu ở vùng ven Long Khánh”… Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975),  Vũ Xuân Bân được cử đi tiếp chiến trường biên giới Tây Nam, là đặc phái viên của TTXVN tại Biên giới Tây Nam,  là phóng viên đầu tiên của TTXVN thường trú tại Nông Pênh (Campuchia) từ ngày 8/1/1979, ngay sau ngày Nông Pênh  được giải phóng một ngày khỏỉ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

vxb2ab2-1671466733.jpg
 Xe đi sau mang biển kiểm soát BKS- 50B-7280 do Bùi Lương Duyên lái chở phóng viên Vũ Xuân Bân vượt qua ngầm sâu tại biên giới Tây Ninh tháng 10/1977 để chụp ảnh, đưa tin bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: Vũ Xuân Bân

 

Anh đồng thời là chuyên gia cho TTX SPK của Campuchia (nay là AKP) và là phóng viên đầu tiên phát hiện, viết tin về nhà tù Toul Sleng “địa ngục trần gian” ở Thủ đô Nông Pênh (bằng chứng vạch trần sự tàn bạo, của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol  pot cầm đầu) gây chấn động dư luận xã hội mang tính quốc tế khi đó. Ngoài viết những tin, bài thời sự có chất lượng, anh còn chụp được những tấm ảnh thời sự có giá trị về bộ đội ta truy kích lính Pol pot, pháo binh ta nổ súng  bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

vxb6ab6-1671467055.jpg
Cổng vào bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (Tuol Sleng genocide museum) ở Thủ đô Nông Pênh- Campuchia. Đây đã từng là trường phổ thông trung học trước khi trở thành trại tập trung của chế độ diệt chủng Kmmer Đỏ. Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (hay nhà tù an ninh S21) nằm khuất trong khu phố nhỏ Toul Svay Prey ở phía Nam thủ đô Phnom Penh, là một bảo tàng về tội ác diệt chủng của quân Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ năm 1975 đến 1979. Nguồn: Internet.

 

 Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi biên giới phía Bắc còn căng thẳng, Vũ Xuân Bân được lãnh đạo cơ quan TTXVN cử đi thường trú làm Trưởng phân xã tỉnh biên giới Hoàng Liên Sơn. Từ 1/10/1991, Hoàng Liên Sơn tách ra thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, anh làm Trưởng phân xã Yên Bái (nay gọi là Tưởng Cơ quan Đại diện TTXVN tại Yên Bái). Sau đó, anh được điều động về Ban biên tập Tin trong nước TTXVN tại Hà Nội. Đầu năm 2002, anh đang làm Trưởng phòng Quản lý Phân xã trong nước của TTXVN được điều động đột xuất làm Trưởng phân xã TTXVN tại Thái Bình. Đầu năm 2003, anh được điều động, bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Biên tập Tin trong nước TTXVN. Đến đầu năm 2005, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Ban biên tập Tin trong nước TTXVN.

vxb3ab3-1671467224.jpg
Pháo binh của ta bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9/1977. Ảnh: Vũ Xuân Bân

 

Đầu năm 2004, Tây Nguyên có bạo loạn, khi đó anh đang là Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước TTXVN được cử là đặc phái viên của TTXVN vào Tây Nguyên. Anh cùng với lãnh đạo Cơ quan thường trú TTXVN miền Trung – Tây Nguyên và  phóng viên các Cơ quan thường trú TTXVN tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai viết về điểm nóng đó. Chùm tin, bài về Tây Nguyên của nhóm phóng viên Tin trong nước TTXVN do anh chấp bút, đã phản ánh sự kiện thời sự này được nhiều cơ quan thông tin đại chúng khi đó đăng tải, đã đoạt Giải A báo chí toàn quốc về thể loại tin, bài phản ánh do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Anh là phóng viên duy nhất của khóa GP 10 đoạt Giải A báo chí toàn quốc năm 2004, nay là Giải báo chí Quốc gia.

vxb4ab4-1671467347.jpg
 Bộ đội ta truy kích lính Pol Pot bảo vệ biên giới Tây Nam, cuối năm 1978. Ảnh: Vũ Xuân Bân

 

Sau khi nghỉ hưu năm 2011, anh vẫn tham gia hoạt động báo chí, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (Vanhoavaphattrien.vn) cho đến nay (2022).

Tuy bận việc của một cán bộ quản lý tạp chí, anh vẫn không quên nghề phóng viên, vẫn là cây viết chủ lực có những bài viết vận dụng khá nhuần nhuyễn kiến thức lịch sử gắn với thế cuộc, nhất là lĩnh vự văn hóa xã hội. Anh em cùng khóa ít có ai còn say mê viết như vậy. Đặc biệt, anh không chỉ viết báo mà đã mạnh dạn viết tiểu thuyết  với đề tài “hot” về tham nhũng quyền lực, trong đó tác phẩm đầu tay “Tơ Vò” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2018 được công chúng mến mộ tìm đọc và dư luận xã hội quan tâm. Được biết, anh đang viết những tập tiểu thuyết tiếp theo về chủ đề chống tiêu cực, tham nhũng quyền lực.

 Không ít  người trong giới văn thơ, nhà báo xuất bản sách, nhất là thơ thường không bán được, dùng để tặng bạn bè, nhưng tiểu thuyết Tơ Vò của Vũ Xuân Bân xuất  bản đã  bán hết ngay. Sách  được bạn đọc  đua nhau tìm mua, đang đề nghị anh tái bản để phục vụ nhu cầu của độc giả.

 Đ.V