Vừa đi vừa lớn

Mười bảy tuổi hành quân dọc Trường Sơn/ Dép rộng rút quai, quần dài xén ống/ Những người lính vừa đi vừa lớn...
vua-di-vua-lon-1630921098.jpg

Toàn đi đêm. Màn đêm là đồng minh của tôi, muốn khóc thì khóc không phải giấu giếm thằng nào cả. Ấm ức vì mình không khoẻ bằng chúng nó, ấm ức vì đã ba lần bị cán bộ đề xuất gửi tôi lại trạm nghỉ.

Nhớ anh Đại đội trưởng huấn luyện : em chưa đủ sức khoẻ cho những ngày sắp tới đâu. Vừa thấy anh đúng, lại vừa cố chứng minh lựa chọn của mình đúng. Đêm hành quân nào cũng là sự cố gắng đến tận cùng.

Các khẩu lệnh luôn được truyền từ đầu hàng quân xuống: chuẩn bị leo dốc, qua cầu, vực sâu, đường sạt lở... để mà đi chậm lại chứ cả hàng quân dài như vô tận ấy mà bất ngờ dồn lại thì có mà nguy hiểm. Và khi lặng ngắt là tôi... ngủ, chân thì bước mà mắt ngủ rồi. Chả thế mà hôm ấy húc mặt vào đầu nòng súng thằng Bình đi trước khi nó dừng lại truyền lệnh: "bên trái có Hổ". Trời, xoa cục u trên trán mà nghe rụng rời, có Hổ sao? Thì ra là 1 hố bom to tướng cắt con đường mòn bên triền núi chênh vênh. Chắc ông kễnh nào cũng đang ngủ giật mình nghe thành Hổ. Vừa đau vừa mệt mà vẫn phải cười.

Nếu gọi nhà tù Côn Đảo là trường Đại học của các chiến sĩ Cách mạng, thì vượt Trường Sơn cũng là Đại học của lính chúng tôi. Giờ tôi chẳng sợ bị gửi lại giữa đường nữa. Đã qua hai tháng hành quân rồi.

Lũ Tân binh không còn ngơ ngác. Mà không dày dạn sao được với sự chăm lo chu đáo của quân đội. Trên đường có Thủ trưởng chỉ huy, giao liên dẫn đường. Vào trạm do Thủ trưởng trạm chỉ huy, chỉ dẫn chu đáo. Nhìn các anh cán bộ coi Trường Sơn như nhà mà kính phục.

Cứ khoảng bảy đêm hành quân là nghỉ một đêm. Ở trạm này chúng tôi có một ngày nghỉ. Nghe nói mai là trạm cuối.

Tranh thủ giặt quân trang, đã tám ngày chưa thay. Trường Sơn hùng vĩ trong trang sách, hôm nay tự hào tôi đi trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp. In dấu trong cánh rừng bạt ngàn ấy là chằng chịt nét khắc họ tên địa chỉ bao lớp người qua.

Ra đường xe chạy ngoằn ngoèo theo triền núi mới thấy được sức cha anh cống hiến, gian khổ làm đường, sửa đường. Tất cả về đêm. Những gương mặt hốc hác mất ngủ, sạm đen khói bom, thâm tái sốt rét. Các anh lái xe, các chị Thanh niên xung phong, và thương binh từ mặt trận trở về... chẳng quen biết mà như một nhà, rộn rã những cánh võng trải khắp rừng.

Gặp đoàn xe đi sớm đang chờ qua ngầm. Lạ là trên barxoc xe nào cũng có hai cây gỗ nhỏ được gia cố vững chắc đỡ những bó nứa,trông rất cồng kềnh. Đường xấu đi đêm nên xe đi chắc chỉ nhanh hơn chúng tôi một chút. Tay bắt mặt mừng các anh hỏi thăm đổi thay trên đất Bắc quê hương. Tôi đem thắc mắc việc những bó nứa trên nóc ca bin ra hỏi, đôi mắt anh lái xe sáng ánh tự hào: lá chắn mảnh bom, cả đạn 20 li của xe đấy - sáng kiến của Anh hùng Quân đội : lái xe Nguyễn Quang Hạnh.

Chuyện phong Anh hùng cho Nguyễn Quang Hạnh cũng khiến người ta tâm phục. Trên chiến trường xe chạy đêm nên chỉ dùng đèn gầm với quầng sáng khoảng ba mét. Đoàn xe của anh bị hai chiếc C 130 đuổi bắn. May là trong rừng khọoc cây rất thưa, vì chất khai quang của Mĩ nên thảm thực vật không còn. Anh bật đèn pha sáng trưng thu hút, liều lĩnh chạy lắt léo trong rừng, hai chiếc C130 đuổi theo bắn dữ dội, xa đoàn xe chừng 1km anh tắt đèn chui xuống gầm xe. Lạ là xe và người đều không sao, trở về anh là Anh hùng. Câu chuyện nơi sống chết cận kề mà nhẹ như hơi thở.

"Lính Tây nguyên không dùng giầy đâu, chăn thì chiến lợi phẩm có đầy", các anh thương binh đang trên đường ra Bắc nói thế. Và thế là chúng được sang tay cho những cô gái Lào, trang phục mềm mại như người Thái, cô nào cũng trắng và xinh. Đổi về là gà. Cuộc trao đổi thật thú vị mà giá cả là ngọt ngào câu nói, thích thì đổi thôi.

Cảm động khi anh An y tá hì hục bắc bếp, khéo léo để không lộ khói, nấu nồi cháo gà cho tôi. Đang nấu thì thằng OV10 vòng qua phá đám, tắt lửa xuống hầm và nồi cháo dở cơm ấy là thứ ngon nhất trên đời, làm tôi chảy nước mắt .

Ngày nghỉ qua thật nhanh. Sáng mai là đích rồi. Chắc là nhiều bất ngờ chờ đón. Thú thực sau trận ốm hôm bắt đầu vào rừng, giờ đây tôi mới thấy mình khoẻ hẳn. Đem cái kèn Acmonica ra thổi, trên đường tôi đã bỏ lại tất cả những gì có thể trừ cây kèn này, bâng khuâng nỗi nhớ, tôi ngủ thật ngon.

Theo Chuyện làng quê