Vực nghé

Nguyễn Hộp

26/11/2021 15:53

Theo dõi trên

“Bé ăn chơi, lớn phải đi cày

vuc-nghe-1637916735.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Chân sau bước theo chân trước

Chân trước bước quá vai

Tại nghe, dạ nhớ lấy!

Nhẹ kéo, nặng cũng kéo

Choãi chân ra, kéo lấy!

Kéo mũi này thì giật bước sang bên

Đập thừng vào lưng thì giật bước vào!

Đến đầu bờ..! Thì đâm bắp, ray gót kéo lại cho tròn”.

Đây là câu nói vần như hát của các bác thợ cày mỗi khi vực nghé.

Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông. Nhưng để có con trâu cày tốt thì phải huấn luyện từ khi nó còn là con nghé (người nhà quê gọi là vực).

Vực nghé là một việc hệ trọng của nhà nông, không phải ai cũng làm được, người được chọn phải là người có tay cày chắc, tính cách hiền lành, trung thực, kiên trì chịu khó.

Vực nghé thường thực hiện vào sau vụ gặt lúa chiêm, ruộng vực phải là chân ruộng đất nhẹ, không sụt đã được bừa ngả cho nhũn đất.

Nghé nuôi được khoảng từ 1,5 đến 2 năm thì vực được, nếu quá 2 năm thì khó vực. Trước khi vực phải chọn ngày tốt (ngày Sát Cống là tốt nhất).

Buổi sáng trước khi vực, cho nghé ăn cỏ non rồi dắt ra ruộng. Đầu tiên là mắc khoẳm (nhiều nơi gọi là ách), sau khi mắc được khoẳm phải có một người đi trước dắt nghé đi thẳng cho quen đường cày.

Ông thợ cày, tay cầm cày; miệng nói to chậm rãi, giọng truyền cảm:

Bé ăn chơi, lớn phải đi cày!

Người phía trước dắt nghé đi.

Ông thợ cày vừa điều khiển chiếc cày vừa nói như hát:

Chân sau bước theo chân trước

Chân trước bước quá vai

Tại nghe, dạ nhớ lấy!

Nhẹ kéo, nặng cũng kéo

Choãi chân ra kéo lấy!

Ông thợ cày muốn điều khiển sang trái thì nói:

Kéo mũi này, thì giật bước sang bên.

Điều khiển sang phải thì nói:

Đập thừng vào lưng, thì giật bước vào.

Vừa nói vừa kết hợp kéo dây thừng mũi và đập thừng nhịp nhàng.

Khi đến sát bờ ruộng là hết một xá cày.

Người cầm cày nhấc cày lên, kéo sang trái miệng nói:

Đến đầu bờ..! Thì đâm bắp, ray gót kéo lại cho tròn.

Người dắt nghé, dắt nghé quay lại.

Người cầm cày hát nối:

Hết xá ấy! Thì đi sang xá khác.  Xá sau dựa xá trước mà đi.

Sau đó lại nói, hát lần lượt như trên.

Nếu hết một luống cày (sáu xá) thì hát nối:

Hết luống ấy! Thì đi sang luống khác.

Cứ như vậy người cầm cày và người dắt nghé phối hợp nhịp nhàng cho đến khi con nghé quen với đường cày, tự đi được mới thôi.

Tuỳ theo từng con nghé, có con chỉ một buổi sáng là đã tự cày được, có con một ngày, có con 2-3 ngày mới tự cày được. Khi vực nghé thường cho 1-2 con trâu cày hoặc bừa ở ruộng bên cạnh thì dễ vực hơn, khoảng hơn một giờ thì cho nghỉ giải lao một lần. Hết một buổi vực thì tắm mát, cho ăn no, bóp vai bằng lá ngải cứu giã nhỏ để chống vỡ vai.

Nghé vực được rồi, vụ đầu chỉ cho cày lại hoặc bừa ruộng nhũn cho quen vai, vụ sau mới cho cày vỡ.

Đấy là chuyện ngày xưa, bây giờ làm ruộng đã có máy cày, không ai dùng trâu, nên chẳng ai vực nghé nữa.

Ôn lại chuyện vực nghé, để người làng quê cùng nhớ lại một thời:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Vực nghé" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn