Vui buồn râm ran chuyện bán ấn quý

Vũ Hảo

13/11/2022 17:39

Theo dõi trên

Gần đây, cả tháng rồi chuyện “ấn kiếm” nhà Nguyễn đã choán không biết bao nhiêu trang giấy của báo in. Lại còn tốn hao thời lượng của báo hình (tivi) và trang mạng xã hội nữa.

 

1-an-quy-1668335611.jpg
Hình chiếc ấn quý bị đem bán đấu giá tại Pháp

Thật là đáng tiếc! Nếu như nhà tổ chức đấu giá ấn và kiếm ấy, đem nó ra đúng lúc dịch covid- 19 bùng và toang, chắc cũng sẽ mua vui- quên lo buồn cho mọi người được vài trống canh. Nếu không phải ở vào thời đại bùng nổ thông tin, chỉ một cái c.lick chuột thì mọi chuyện vui buồn, nóng lạnh trên thế giới ai ai đều biết, như thời nay, chú bé chăn bò quê tôi cũng có 1 cái điện thoại thông minh 4G, chị bán hàng tạp hóa trong chợ xép cũng có một trang fb với cái tên xinh đẹp: My My mộng mơ… thì cái ấn kiếm đó lọt vào tay ai cũng chẳng mấy người quan tâm. Dân chỉ quan tâm xăng gạo giá bao nhiêu, vì sao mua xăng chạy xe máy đi làm, khó như thời bao cấp phải xếp hàng rồng rắn, mua gạo, mua thịt, mua củi đốt...

2-chu-tren-an-1668335720.jpg
Hình chụp chữ khắc trên chiếc ấn quý sắp bị bán

Theo nhà báo Phangxi Pang biết nhiều, hiểu rộng thì :

- Vương triều Nguyễn có hệ thống ấn triện dành cho hoàng đế, phần nhiều thuộc “đồ thư văn bảo”. Ấn triện quý nhất, được các vị hoàng đế sử dụng gồm 20 chiếc chế tác từ vua Gia Long trở về sau, phân 2 loại căn cứ chất liệu, gồm:

+ 14 kim bảo / 金寶

+ 6 ngọc tỉ / 玉璽

Kim bảo, còn gọi kim bửu, là ấn bằng kim loại, gồm vàng, hoặc bạc mạ vàng,

Ngọc tỉ là ấn bằng đá quý, chủ yếu 2 thứ ngọc là ngọc trắng / bạch ngọc và ngọc xanh. Lần giở sách “大南寔錄 / Đại Nam thực lục” được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, do Viện Sử học phiên dịch và hiệu đính bởi Đào Duy Anh (ghi chú của nhà báo Phanxipăng) như sau:

“Năm Quý Mùi, năm [niên hiệu] Minh Mệnh thứ IV. Ngày Giáp Thìn, đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (nuốm [còn gọi núm] là hình [chính xác thì tượng] rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lạng [lượng] 9 đồng [chỉ] 2 phân).” Vậy ấn vàng này chào đời ngày mùng 4 tháng 2 năm Quý Mùi, niên hiệu Minh Mạng IV, nhằm thứ bảy 14/3/1823. Từ Minh Mạng, ấn “Hoàng đế chi bảo” được trao truyền cho các vị vua kế tiếp, đến vị vua thứ 13 là Bảo Đại.

Ấn “皇帝之寶 / Hoàng đế chi bảo” bằng vàng được chế tác vào niên hiệu Minh Mạng thứ IV, nhằm năm Quý Mão 1823, tại Huế. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của Nội các triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, Huế năm 1993) cho hậu thế biết rằng Nam triều từng sở hữu rất nhiều ấn triện bằng vàng và bằng ngọc, nhưng hầu hết là “đồ thư văn bảo” sử dụng trong việc văn thư. Chỉ 20 chiếc ấn – gồm 14 ấn vàng và 6 ấn ngọc – được xếp vào hàng bảo tỉ.

3-ba-qua-phu-bao-dai-dung-ben-bia-mo-cua-ong-1668335746.jpg
 

Như vậy mỗi chiếc ấn có công dụng cùng ý nghĩa riêng. Theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cái ấn “Hoàng đế chi bảo” là 1 trong 20 bảo tỉ chỉ đem ra sử dụng trong trường hợp “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cùng là cáo dụ thân huân đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho nước ngoài.” Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, còn ghi nhận: “Ngày Giáp Thìn (tức 15/3/1823), đúc ấn “Hoàng đế chi bảo”, núm làm rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng 10 tuổi.” ..

Tại Pháp, vua Bảo Đại đã đưa bà Monique Baudot ra Tòa Đốc lý quận 16- Paris đăng ký kết hôn vào ngày 19-1-1982. Hoàng hậu Nam Phương cưới Bảo Đại (năm 1934) nhưng không làm giấy kết hôn. Các bà “thứ phi” khác cũng như vậy. Theo luật pháp nước Pháp, chỉ người có giấy kết hôn mới được công nhận là vợ chính thức. Sau khi bà quả phụ Monique Baudot mất ngày 27/9/2021, hậu duệ của bà ấy muốn bán ấn “Hoàng đế chi bảo” kiếm 60-70 tỷ đồng VN là lẽ đương nhiên. Mặt khác, Việt Nam tìm biện pháp đưa ấn quý trở về cố quốc là việc làm hết sức cần thiết.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vui buồn râm ran chuyện bán ấn quý" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn