Dù còn nhiều khó khăn, sáng ngày 5/9/2022, tại các điểm trường dọc theo dải Trường sơn của vùng cao Quảng Nam vẫn rộn ràng tiếng trống khai giảng chào đón năm học mới.
Đánh trống khai giảng năm học mới tại trường PTDTNT Nam Trà My - ảnh: Mai Thi
Trong ngày hội khai trường này, Văn hóa và Phát triển có dịp trao đổi ngắn với cô giáo Mai Thi, Uỷ viên BCH Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Nam Trà My (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Cô Mai Thi cho biết: Năm học 2022 – 2023 toàn trường có 325 học sinh với 10 lớp từ khối 9 đến khối 12. Toàn trường có gần 40 CB-CNV và năm nay trường đã sẵn sàng cho công tác giảng dạy của mình. Đây cũng là một năm học, một lễ khai giảng với rất nhiều cảm xúc khi mùa khai giảng của năm học trước cả nước phải đối phó với đại dịch Covid-19, không tổ chức khai giảng và nhiều nơi học sinh phải học trực tuyến.
Quảng Nam là một tỉnh có vị trí địa lý khá đặc biệt với địa hình nghiêng từ Tây sang Đông. Do có vị trí địa lý như trên, Quảng Nam có 3 kiểu cảnh quan sinh thái là núi cao ở phía Tây, vùng trung du ở giữa và dải đồng bằng ven biển nằm ở phía Đông. Là tỉnh có 72% diện tích tự nhiên là vùng đồi núi với nhiều ngọn núi cao, trong đó Núi Ngọc Linh cao 2.598m đã trở thành một thương hiệu của vùng đất này khi sở hữu những vườn sâm nổi tiếng.
Quảng Nam có đường biên dài 157km tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là vùng đất sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc với dân số hơn 140 ngàn người gồm các dân tộc như: Cơ tu, Xơ đăng, Kor, Giẻ triêng… phân bố dọc theo dải Trường sơn và trải dài qua 9 huyện miền núi gồm: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn.
Với địa lý hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt hai mùa gồm mùa mưa và mùa khô, đối với mùa mưa khí hậu vùng cao có nơi xuống dưới 12 độ C nên việc đưa con chữ đến với trẻ em vùng cao cũng như công tác dân vận cho việc toàn dân đưa trẻ đến trường là điều không dễ. Chưa kể, những năm gần đây thiên tai liên tiếp dội xuống vùng đất này khiến đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt bà con vùng cao, trở nên khó khăn hơn nhiều.
Dù khó khăn như vậy, sáng ngày 5/9/2022, tại các điểm trường dọc theo dải Trường sơn của vùng cao Quảng Nam vẫn rộn ràng tiếng trống khai giảng chào đón năm học mới. Trên các cung đường đồi núi là hình ảnh các em học sinh của các đồng bào dân tộc thiểu số trong những bộ trang phục truyền thống, nụ cười tươi trên môi cùng với chiếc cặp tung tăng đến trường. Có nhìn thấy hình ảnh đó, cảm nhận được nỗi khổ, sự vất vả của người dân vùng cao cũng như những khó khăn, thiếu thốn mà những người thầy với sứ mệnh vinh quang của người gieo chữ đã vượt qua khó khăn để “cõng” con chữ đến với những thế hệ học sinh nơi đây, mới thấy hết được cái cống hiến, cái hy sinh và cả những ước mơ, khát vọng của người thầy và học trò.
Học sinh vùng cao đến trường ngày khai giảng - ảnh: Pơloong Plênh chụp tại Xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam
Người thầy đến với với sứ mệnh gieo chữ ở vùng cao không chỉ là gieo con chữ, mà còn là những ngọn lửa thổi bùng nhiệt huyết, đam mê ở học sinh. Những ngọn lửa ấy đã giúp cho các em hiểu được học không chỉ là hoàn thiện bản thân, trau dồi nhân cách mà phải học để nâng cao kiến thức, học để tiếp cận, lĩnh hội sự tiến bộ, phát triển của khoa học, kỹ thuật từ đó mang những kiến thức ấy để cống hiến, phục vụ cho chính vùng đất của quê hương mình.
Có nhiều con đường dẫn đến thành công, những chắc chắn không có con đường nào cho sự thiếu kiến thức, và giáo dục chính là con đường của sự khai sáng, là sự truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò, đặc biệt là vùng cao nơi luôn được xem là “vùng trũng” của lĩnh vực này.
Học sinh con em đồng bào các dân tộc vùng cao Nam Trà My
tại lễ khai giảng năm học mới - Ảnh: Mai Thi
Nếu như hình ảnh ở các ngôi trường của vùng đồng bằng, ở các thành phố lớn là cờ hoa rợp tròi, là những chùm bóng bay chứa theo bao đam mê, khát vọng của thầy và trò bay vào không gian, thì ở những điểm trường vùng cao Quảng Nam là những giọt sương long lanh, tinh khiết đọng trên cành lá trên con đường đến thường của thầy và trò. Là tia nắng ban mai phía những ngọn đồi xa thẳm với đôi bàn chân đỏ quạch bởi bụi và bùn của đất đỏ bám theo nhưng phía trên cao là bầu trời xanh và những tầng mây trắng và một không gian mênh mông của một vùng đất đang ngày đêm chuyển mình.
Hình ảnh cười tươi của các em học sinh - ảnh: Mai Thi
Kết cho bài viết này, người viết cũng như tất cả bao nhiêu con người khác dù sống ở đồng bằng, thành thị hay những thành phố lớn thì trong trái tim của mỗi người luôn dành một góc nhìn ấm áp, một cái nhìn của sự sẻ chia, thông cảm và ngưỡng mộ đến với những người thầy, những em học sinh đang trên con đường tiếp cận với kiến thức ở nơi ấy những vùng cao!