Vượt định mệnh nghiệt ngã

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tuân

07/01/2022 12:58

Theo dõi trên

Cách đây đúng 7 năm, vụ tai nạn máy bay ở xã Bình Yên (Thạch Thất, TP Hà Nội) khiến 20 thành viên tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hy sinh.

Trên chuyến bay ấy, duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót. Vụ tai nạn thảm khốc làm anh vĩnh viễn mất đi đôi chân, đôi bàn tay lành lặn, toàn thân bị bỏng nặng, dị dạng, mất 99% sức khỏe. Nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thương binh Đinh Văn Dương đã vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, tự tin vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi.

vuot-len-nghiet-nga-1641535047.jpg
Thương binh Đinh Văn Dương hướng dẫn con học bài

 

Vượt cửa tử

Thương binh Đinh Văn Dương tiếp chúng tôi trong căn hộ nhỏ, gọn gàng, đầm ấm của khu chung cư nằm trên phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội. Khi được hỏi về những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời, bất chợt những vết sẹo trên khuôn mặt dị dạng vì bỏng của anh Dương co lại, ánh mắt chùng xuống, giọng anh lạc đi vì xúc động. Anh kể: “Trước hôm đơn vị có buổi nhảy dù định mệnh ấy, tôi dự định về thăm vợ con, vì chỉ còn ít ngày nữa là vợ tôi sinh cháu thứ hai. Mọi đồ đạc đã chuẩn bị đầy đủ để ngày hôm sau hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ xin đơn vị cho nghỉ phép, nhưng không ngờ...”.

Vụ tai nạn đã lấy đi vĩnh viễn 99% sức khỏe, toàn thân bỏng nặng nhiễm khuẩn, chỉ còn duy nhất 1% để anh Dương giành giật sự sống với tử thần. Nhiều cuộc hội chẩn của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đều tiên lượng anh rất khó qua... Thiếu tá Nguyễn Văn Hiểu, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết: “Khi đó, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ ở lại bệnh viện chăm sóc các đồng chí bị thương. Trường hợp của anh Dương là người nặng nhất, các bác sĩ đều tiên lượng không qua khỏi. Tôi gọi điện về đơn vị báo cáo để làm mọi công tác chuẩn bị”. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, anh kiên cường trải qua 24 cuộc phẫu thuật với 29 tháng điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, vượt qua "lưỡi hái tử thần" trở lại với cuộc sống.

Dù di chứng của vụ tai nạn rất thảm khốc khiến anh không còn lành lặn nhưng trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của anh không bị ảnh hưởng nhiều, dần trở về trạng thái bình thường.

Càng tìm hiểu về hoàn cảnh của thương binh Đinh Văn Dương, chúng tôi càng khâm phục bản lĩnh, ý chí, nghị lực, khắc phục khó khăn của người lính Cụ Hồ, vươn lên làm chủ cuộc sống. Bố anh mất sớm, mẹ anh đã ngoài 70 tuổi, vợ còn trẻ, hai con còn nhỏ.

Khi anh bị tai nạn, cháu đầu Đinh Thị Hải Yến mới 4 tuổi, cháu thứ hai là Đinh Hải Anh còn chưa sinh ra, gia đình đang thuê trọ ở phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai). Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Dương, trước đây là công nhân viên hợp đồng, nay được làm công nhân viên chính thức ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Căn hộ có diện tích gần 70m2 vợ chồng anh đang ở tại phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) được Nhà nước, quân đội cấp. Đó là sự tri ân kịp thời của Nhà nước đối với những mất mát của anh.

Trở về cuộc sống đời thường, phương tiện chính để anh kết nối với thế giới bên ngoài là điện thoại di động, máy tính. Những việc tưởng chừng đơn giản như đọc sách, báo, pha trà, sử dụng điện thoại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, đối với anh đều rất khó khăn, phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng gian khổ với sự nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể làm được. Còn những việc nặng hơn như nấu cơm, giặt quần áo, anh phải nhờ sự giúp đỡ từ mẹ già hoặc vợ con.

Cũng may, nhờ những nhà hảo tâm tặng anh cặp chân giả, đôi tay giả và những vật dụng thiết yếu hằng ngày nên giúp anh đi lại, tiếp xúc với mọi người và hòa nhập cuộc sống. Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng úy Đinh Văn Dương nhiều lần nhắc đến tấm lòng của đồng đội, nhất là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, những người luôn ở bên khích lệ, động viên anh trong lúc “thập tử nhất sinh” cũng như trong cuộc sống hiện tại. Đó chính là động lực, niềm tin giúp anh tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. 

Con chăm ngoan học giỏi, gia đình văn hóa

Người dân tại khu chung cư quân đội Thạch Bàn rất khâm phục, quý mến và coi Thượng úy Đinh Văn Dương là tấm gương sáng không chỉ vươn lên để chiến thắng số phận mà còn kính trọng anh trong cách nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, sống đoàn kết, hòa thuận trong khu dân cư. Từ một người bị tàn phế, anh Dương đã vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy hai con chăm ngoan, học giỏi. Cháu Đinh Thị Hải Yến hiện là học sinh giỏi lớp 5 và cháu Đinh Hải Anh là học sinh giỏi lớp 2. Anh Dương chia sẻ: “Mình không may thương tật, sức khỏe có hạn, không chăm lo cho các con được nhiều.

So với bạn bè cùng trang lứa, con mình thiệt thòi hơn rất nhiều nên mình nghĩ phải đầu tư cho con cái học tập mới bù đắp được phần nào đó và mong các con có một tương lai vững chắc”. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh đã nỗ lực không ngừng, ngày đêm khuya sớm tảo tần để nuôi hai con ăn học. Với sự quyết tâm và tấm lòng của người cha, anh luôn hướng con đến những điều tốt đẹp, động viên con cố gắng học tập, rèn luyện. Vào những dịp các con ôn thi, phải học khuya, nhiều đêm anh Dương cùng thức với các con để động viên, khuyến khích. Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các cháu đều cố gắng, đạt thành tích cao trong học tập, phụ giúp bố mẹ việc nhà, đùm bọc thương yêu nhau, noi gương cha mẹ sống hiếu thảo, kính trên nhường dưới.

Con gái lớn của anh sinh năm 2010, từ năm lớp 1 đến lớp 5, năm nào cũng xếp loại học sinh giỏi, được nhà trường ghi nhận. Bé trai thứ hai năm nay mới học lớp 2 nhưng thành tích học tập của cháu cũng đáng khen ngợi. Từ năm học lớp 1 đến nay, cháu đều là học sinh giỏi của trường. Anh trân trọng thành tích học tập của các con nên giấy khen của con luôn được anh cho vào khung treo trang trọng, như để nhắc nhở các con cố gắng. Đó cũng là niềm tự hào của vợ chồng anh, giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Không chỉ quan tâm đến gia đình, anh Dương còn luôn nhiệt tình với các phong trào của khu phố, tích cực vận động các thành viên trong gia đình và bà con trong tổ dân phố chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Vợ anh, ngoài công việc ở cơ quan, còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như: Sinh hoạt chi hội phụ nữ ở tổ dân phố nơi gia đình sinh sống, vận động chị em xây dựng gia đình hạnh phúc, thường xuyên giúp đỡ hội viên phụ nữ trong tổ dân phố tiếp cận những kiến thức mới về nuôi dạy con cái, chăm lo tổ ấm gia đình, chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong sinh hoạt, công tác hội phụ nữ.

Với những cố gắng và nỗ lực nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình Thượng úy Đinh Văn Dương được phường Thạch Bàn tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, bà con khối phố yêu mến.

Nói về những hy sinh, mất mát của thương binh Đinh Văn Dương, Trung tá Đào Ngọc Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết: “Được sống trong tự do, hòa bình, chúng ta càng trân trọng, biết ơn những mất mát, hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước. May mắn trở về với đời thường, tuy cơ thể không còn lành lặn nhưng những nỗ lực vượt khó vươn lên của Thượng úy Đinh Văn Dương là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn học tập và noi theo”.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Vượt định mệnh nghiệt ngã" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn