Hà Nội: Xây dựng hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thống nhất với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc khai quật và bảo tồn khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Chú thích ảnh Hố thám sát của các nhà khảo cổ khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối năm 2019. Ảnh tư liệu: Mạnh Khánh/TTXVN

Theo đó, Cục thống nhất thực hiện nghiên cứu bảo tồn khu vực phía Đông di chỉ khảo cổ Vườn Chuối với diện tích khoảng 6.000 m2, để đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội. Đồng thời, thực hiện phương án khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương tiến hành lập danh mục, xây dựng hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối theo quy định, để bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá và các quy định khác có liên quan. Sở căn cứ vào quy mô diện tích để xây dựng phương án khai quật di dời di tích, di vật ở khu vực phía Tây, xin ý kiến các nhà khoa học và cơ quan quản lý liên quan, đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân địa phương trước khi triển khai thực hiện.

 
 

Trước đó, trong hai năm 2020-2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại nửa phía Đông khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Đợt khai quật đã làm phát lộ nhiều di tích, di vật có niên đại trải dài và liên tục từ giai đoạn văn hoá Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là nguồn tư liệu quý góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giai đoạn văn hoá thời đại Kim khí ở Hà Nội nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung.

Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ, đưa vào danh mục di tích của thành phố, từ đó xây dựng các bước để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía Tây khu di chỉ trước khi giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vàng đai 3,5 của thành phố Hà Nội.