Xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài.
ao-dai-hue-1629643251.jpg
Áo dài Huế. Ảnh internet

Nguồn tin từ báo Thừa Thiên Huế, cho biết, ngày 19/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài như: Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế; Tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo áo dài Huế phát triển; Hình thành Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài; Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; Xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế; Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc áo dài trong các không gian lễ hội, lễ nghi truyền thống, hình thành trang phục truyền thống các ngành nghề...

Theo tác giả Giang Thanh (báo Nhân dân), áo dài là trang phục mà người Việt Nam từ lâu đã luôn coi là quốc phục trong tâm thức, dù chưa có một văn bản chính thức nào quy định. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử ra đời của chiếc áo dài bắt nguồn từ năm 1744 sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chính vì thế chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thăng trầm. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài đàng trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó, và ai cũng có ít nhất ba bộ áo dài cho riêng mình. Thói quen này được duy trì đến tận hôm nay. Ở Huế, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tà áo dài trên phố, khi thì bảng lảng mơ mộng, lúc lại hồn nhiên gắn với hình bóng những thiếu nữ tung tăng nhịp bước làm rộn ràng một góc phố. Có khi ở giữa khu chợ Đông Ba nhộn nhịp, thấp thoáng tà áo dài của các chị, các mẹ đang gánh gồng hàng đi cho kịp buổi chợ sáng. Tà áo cứ đung đưa theo nhịp quang gánh mải miết, tảo tần…

Mầu tím không phải là mầu riêng của Huế, nhưng không hiểu sao cứ phải đến Huế mới thấy mầu tím đúng là tím nhất qua tà áo dài. Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế thính phòng từng lý giải rằng: Ở Huế phảng phất màu của kinh thành, của sự uy nghiêm, cho nên dường như điều này ảnh hưởng đến tính cách cũng như trang phục của cư dân nơi đây. Mầu tím chính là mầu được người Huế ưa thích cũng bởi câu ví “Lầu son, gác tía”. Tía chính là mầu tím. Mầu của bậc vương giả tôn quý. Mầu tím áo dài Huế chứa đựng trong ấy niềm sâu kín khiến người khác phải khám phá, phải ngẩn ngơ. Những tà áo tím của những cô gái Đồng Khánh một thời, đã trở thành nỗi ám ảnh dịu dàng và đi vào thơ ca, nhạc họa của các thế hệ nghệ sĩ xưa và nay.