Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xác định mục tiêu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới…
Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cùng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để “xây dựng, phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Vĩnh Phúc phấn đấu đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm; phấn đấu dành từ 8 - 10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh cho đầu tư phát triển văn hóa.Đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 92%; 100% các khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy định văn hóa công sở. 100% di sản văn hóa đã xếp hạng, công nhận và hiện vật bảo tàng đã kiểm kê được số hóa.
Vĩnh Phúc hoàn thành cơ bản hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên trình UNESCO ghi danh. 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học phổ thông được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử. Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin của các phương tiện thông tin và truyền thông đạt trên 96%; tỷ lệ người sử dụng internet đạt trên 60% dân số; 100% xã, phường, thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, internet và điểm đọc sách.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 95%; Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên 55%; các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng được trùng tu, tôn tạo; Hoàn thiện quy hoạch, tôn tạo, phục dựng và phát huy giá trị các di tích: di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, di tích lịch sử cách mạng chiến khu Ngọc Thanh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng tại Tam Đảo. 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao với quy mô tiên tiến, hiện đại; Trên 90% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa, khu luyện tập thể thao cơ bản đạt tiêu chí theo quy định; 100% các khu công nghiệp có quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân và người lao động.
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt tuyên truyền và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án triển khai thực hiện cụ thể, với các hạng mục, dự án công trình cụ thể cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể để văn hóa Vĩnh Phúc phát triển bền vững với bản sắc riêng, là điểm tựa, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.