Xây mộ tổ

Bùi Ngọc Phúc

25/12/2021 23:10

Theo dõi trên

Chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết, để có tiền sắm sửa đồ dùng cho một cái tết đủ đầy, dạo này tôi phải chở khách đến 21 giờ mới về nghỉ, nhưng mọi việc lại không được như dự tính.

mo-to-1640448681.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Hầu như ngày nào ông trưởng họ cũng réo điện thoại bắt tôi sang họp họ. Các cụ nói “phú quý sinh lễ nghĩa” quả không sai, từ ngày có thằng con nối dõi tông đường, ông trưởng họ bắt đầu cho sửa sang nhà thờ tổ, sắm sanh nhiều đồ thờ cúng đắt tiền. Quan trọng hơn, như lời ông tuyên bố sẽ tìm và cất bốc mộ cụ tổ từ thời nhà Lê về xây lăng để con cháu sớm tối hương khói thờ phụng. Ăn xong bữa cơm, dù buồn ngủ díp mắt vì cả ngày chạy xe, tôi vẫn phải sang họp họ lần thứ ba chỉ trong một tuần.

Ngay khi đông đủ mọi người, ông trưởng họ tuyên bố:

-Tôi đã xác định được chỗ gò cao phía cuối xóm là nơi ngày xưa cụ tổ được táng ở đó.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông đưa ra nhiều giấy tờ mà chữ viết đã mờ tịt theo thời gian.

Ngồi ngay hàng đầu, bà cô ruột năm nay gần 80 phát biểu:

-Cụ tổ mất bao đời nay, mộ phần nếu có cũng đã chìm sâu dưới đất, bây giờ nhà cửa mọc lên san sát làm sao mà tìm được, không khéo cả họ lại mắc phải cảnh; mồ cha không khóc, đi khóc tổ mối.

Ông cả Thanh nói ngay:

-Xưa dân từ Thái Bình, Nam Định trôi dạt về chết đói ngay đầu xóm nhiều lắm, cái gò đó có khi là mả ăn mày cũng nên, thôi dẹp.

Nhằm thể hiện quyết tâm và khiến cả họ tâm phục khẩu phục, ông trưởng họ chậm rãi phân tích:

-Tôi sẽ mời Cậu Thiện, một nhà ngoại cảm tâm linh rất nổi tiếng từ Bắc Giang xuống để giúp tìm mộ cụ tổ, cậu Thiện đã tìm được khá nhiều mộ cho hàng trăm gia đình khắp trong Nam ngoài Bắc.

Nghe đến tên cậu Thiện, các cụ trong họ nhà tôi gật gù thán phục. Buổi họp nghe chừng xuôi xuôi, đến lúc bàn chuyện đóng góp, mọi người lần lượt xin phép ra về. Thấy tôi vẫn ngồi như ông phỗng, vì chỗ thân tình nên ông trưởng họ vỗ vai nói.

-Anh biết chú không có tiền, nên mọi khoản đóng góp sẽ được miễn, nhưng đây là việc hệ trọng của dòng họ là tâm nguyện cả đời, nên chú chịu khó bỏ công ra giúp anh.

Khác với mấy vị bói toán đồng cốt linh tinh, cậu Thiện là nhà ngoại cảm có tiếng trên cả nước, báo đài từng đưa tin, cậu chưa đến 40 nên còn khá trẻ. Không ề à như mấy ông thầy già, ngay khi đến gặp ông trưởng họ, cậu xin bắt tay vào việc ngay. Ngồi thiền trên chiếc sập kê giữa nhà, cậu Thiện nhắm mắt và lẩm nhẩm gi đó, sau 30 phút, cậu bắt đầu phán:

-Do cụ tổ nhà các vị mất lâu rồi, con cháu không rõ ở cụ ở đâu, nên cậu phải nhờ mấy chỗ thân quen sống cùng thời đi dò la tin tức, khi nào có tin, cậu sẽ bắt đầu tìm ngay.

Suốt mấy ngày đợi tin từ thế giới bên kia, ngày nào cỗ bàn cao chất ngất được bày ra mời cậu xơi, vì ông trưởng họ từ ngày về hưu sinh ra lắm bệnh, từ tiểu đường, mỡ máu đến gout do hậu quả của những trận nhậu triền miên khi xưa, nên tôi được phái sang để hầu rượu cậu Thiện. Đúng ngày thứ ba kể từ hôm khấn vái, cụ tổ nhà tôi đã hiển linh và nhập vào cậu Thiện, cụ khóc lóc trách móc lũ con cháu bất hiếu không xây nhà, gửi đồ xuống cho cụ, khiến bao lâu nay cụ vất vưởng tha phương khắp nơi. Khóc chán cụ lại chửi um khiến cả họ nhà tôi được phen kinh động, mọi người khấn vái xin cụ lượng thứ và chỉ đường dẫn lối để đưa cụ về. Khóc và chửi chán chê mê tơi, cụ tổ hẹn sáng mai sẽ chỉ lối. Vong cụ vừa đi, cậu Thiện vật ngay ra với vẻ mệt mỏi, ông trưởng họ vội dúi ngay vào tay cậu một phong bì dầy cộp và mong cậu hết sức giúp đỡ.

-----

Sáng hôm sau khi vừa cúng xong, cụ tổ nhà tôi đã hiển linh nhập ngay vào cậu Thiện, cụ tổ vừa khóc vừa đi phăm phăm ra cổng, đám con cháu họ Đái cong đít chạy theo lạy cụ như tế sao. Cụ tổ đi chân đất nên hơn 20 chiếu cạp điều được các bà, các mợ trong họ chạy theo rải để cụ êm chân. Đi được vài chục mét, cụ tổ lại ngồi khóc, vợ chồng ông trưởng họ và các cụ phải vái lạy và không quên nhét tiền vào túi cụ tổ, tức túi cậu Thiện, nhìn cảnh này đúng như câu “chiều như chiều vong”. Tôi chỉ băn khoăn, cụ mất thời Lê Trịnh, đáng ra phải tiêu tiền xu ngày xưa, sao tiền Polyme cụ vẫn cầm, thôi kệ, nói ra sẽ bị các cụ trong họ mắng cho là đồ vô thần.

Khóc mãi cũng chán, chửi mãi mỏi miệng, tiền đã đầy túi,  cụ Tổ đưa cả họ nhà tôi ra cái gò cách nhà hơn 800 mét. Theo như mấy cụ trong họ phán, ngày xưa táng cụ tổ vào đây là đúng kiểu đầu tựa núi, chân hướng biển. Tôi nghe thấy có vẻ sai sai, núi gần nhất  ở mãi tận Ba Vì, còn hướng biển thì theo thế của gò, chắc chân cụ tổ hướng ra biển Quất Lâm, làm gi có cá tôm hay vượng khí, toàn ba ba trên 40 cân và âm khí ngút trời. Hì hục đào thông trưa, cuối cùng tôi và mấy trai tráng trong họ cũng chạm tới được một cái vại sành, lúc này cụ tổ vẫn chưa thăng, cụ khóc và nói:

-Do ngày xưa chạy loạn nên gia cảnh đã suy giảm, khi mất ta không được táng “trong quan ngoài quách” cũng chẳng có vàng nhét miệng, bạc dắt lưng, xương cốt vì thế hóa thành đất rồi.

Sau vài phút hội ý, ông trưởng họ quyết định bê cái vại sành về để ngay gian nhà thờ tổ rồi làm  100 mâm cúng giỗ linh đình, trước khi rước cụ sang nhà mới.

Tôi được giao nhiệm vụ phi xe ra phố hàng Mắm mua tiểu sành và khắc bia đá thật to với dòng chữ “ Cao Quý Công Tổ Phụ Đái Tộc Chi Mộ”

-----

Sau hai ngày ăn uống linh đình, đích thân ông trưởng họ mời nhà ngoại cảm xem giờ Hoàng đạo để chuyển cốt cụ tổ sang nhà mới, thật ra là chuyển đám đất bùn từ cái vại sành sang cái tiểu tôi mới mua có lót thêm giấy trang kim và vải lụa đỏ. Đến giờ tốt, ông trưởng họ run run bốc từng nắm đất bùn nhão nhoét và có mùi thum thủm từ cái vại sành sang tiểu mới. Bốc được chừng già nửa, bỗng ông rú lên:

-Có cổ vật.

Không ai bảo ai, cả họ nhà tôi xúm lại, tay ông trưởng họ nhấc lên một chiếc bát mẻ dính đầy bùn, mấy cụ cao niên vẻ thông tỏ liền phán:

-Thôi đúng rồi, ngày xưa cải táng xong, cái bát để kê đầu cho cụ tổ, chắc có niên đại vài trăm năm, xương tan nhưng bát vẫn còn, đó là điềm may cho cả họ.

Các cụ quyết nhanh, đun nồi nước thơm lau rửa bát rồi để lên bàn thờ tổ coi như đồ gia bảo. Mọi người đều nhất trí cao, việc lau rửa cái bát quý được giao cho tôi. Với tất cả tấm lòng thành kính, tôi nhẹ nhàng cho chiếc bát vào nồi nước thơm vừa đun sôi và chế thêm nước lạnh cho ấm, tay tôi rửa đến đâu, chiếc bát quý sạch đến đó, lòng bát màu men vàng đục, có vết rạn, vẫn mấy cụ cao niên cho biết, đó là men rạn có từ thời nhà Lý, quý và hiếm lắm. Mặt ngoài của bát sau khi rửa có vài bông hoa cúc màu xanh cửu long với nét vẽ có phần cẩu thả, chắc thời xưa là thế. Khi tôi rửa sạch trôn bát, một dòng chữ hiện ra, dù mới học hết lớp bốn và không biết chữ Hán Nôm nhưng tôi vẫn đọc được, vì nó là chữ quốc ngữ: " HTX gốm sứ Hải Dương – 1965."

Đọc xong dòng chữ đó, các cụ cao niên trong họ, vốn luôn tự nhận mình thông kim bác cổ đều trợn mắt, á khẩu lỉnh đi mất.

-----

Cậu Thiện tức nhà ngoại cảm tâm linh đang ngồi trên chiếc ghế Thái sư kê ngay giữa sân, mặt ghế có lót đệm nhung đỏ với gối tựa màu tím, chiếc ghế nặng phải 2 người mới khiêng ra được, vốn dành riêng cho cậu ngồi. Mắt cậu đang lim dim, chắc đợi cơm chiều và món tiền cảm tạ của ông trưởng họ để rút về Bắc Giang.

Bà dâu trưởng, người vất vả nhất tuần này và phải chi ra không biết bao khoản tiền cỗ bàn lao ngày vào bếp rồi bê ra một chậu nhôm to vốn dùng để vặt lông gà vịt, trong chậu ngập nước đèn sì lẫn máu gà vịt, và từng đám lông gà trong đó. Bê chậu nước bẩn, bà trút lên người cậu Thiện tâm linh. Rùng mình vì hứng nguyên chậu nước, cậu Thiện người ướt nhẹp, đầu tóc, mặt mũi đầy lông gà vịt chưa kịp vuốt mặt đã thấy ngay đôi mắt vằn đỏ và loé lên những tia căm hờn của bà dâu trưởng.

Bà chỉ tay ra cổng và quát:

-Tiên sư thằng lừa đảo, cút xéo ngay không tao thiến.

----

Trích trong cuốn “HỒN QUÊ TRONG PHỐ” tập 1

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Xây mộ tổ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn