Xin giống

Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước ở nông thôn gia đình nào cũng nuôi gà, ít thì chục con, nhiều thì vài chục con để cải thiện cuộc sống (chủ yếu để bán).
xin-giong-1639021654.jpg
Ảnh tác giả sưu tầm trên mạng

 

Nhà tôi cũng nuôi một đàn trống mái đủ cả, thường thì chọn một con trống chân cao da vàng, lông đỏ, mào cờ đỏ tươi để làm giống và gáy chuồng.

Năm nào cũng vậy cứ chuẩn bị vào năm học mới là U tôi lại trói vài con mang ra chợ bán lấy tiền mua sách vở, bút mực cho mấy chị em tôi.

Năm ấy chú gà trống nhà tôi đi chơi hàng xóm bị bắt mất, thế là lũ gà mái thiếu trống cứ gọi trống “óc…óc..”.

Tôi được Thầy tôi giao nhiệm vụ mỗi buổi sáng ôm một con gà mái đi xin giống (nhà bác Vi xóm ngoài có con gà trống mã đẹp, chân vàng, lông đỏ, mào cờ), khi đi mang theo nưng bơ thóc bồi dưỡng cho gà trống, nếu không thì chủ gà trống sẽ không thả gà ra.

Tôi làm được hai buổi kết quả tốt, đến buổi thứ ba tôi lại ôm con gà mái cuối cùng đi xin giống (nhà tôi có ba mái đẻ). Tôi ôm gà đi được nữa đường thì bất ngờ từ trong bờ rào có chú gà trống nhà nào chạy ra, thấy vậy tôi liền thả gà mái của tôi ra, gà trống thấy mái thì “đạp lấy, đạp để…”, xong việc tôi ôm gà về.

Thầy tôi hỏi sao nhanh thế? Tôi thuật lại chuyện gặp may…Thầy tôi chửi (Mày ngu! Giống ấy sau bán ai mua).

Quả thật khi ba ổ gà nở, lớn lên thành một đàn gà, những con của hai mái trước U tôi đem ra chợ bán đắt như tôm tươi, còn gần chục con của mái sau U tôi bán chả ai mua, họ chê (mào sít, chân chì). Nhờ vậy mà chị em tôi được chén thịt.                                      

Tôi được Hội Phụ nữ huyện mời đi phối hợp tuyên truyền “Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ & trẻ em”. Tôi nhớ có lần đến một xã để tuyên truyền có gần 100 chị em đền dự, có cả Bí thư, Chủ tịch, trưởng các ban ngành của xã dự động viên.

Sau lời tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu của chị Tâm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, tôi bước lên bục chào mọi người và bắt đầu buổi tuyên truyền của mình.

Tôi không có tướng mạo của Nhà giáo, nhưng được cái khéo nói lên chị em cũng chú ý nghe lắm. Tôi lược qua tình hình trong nước, trong tỉnh, trong huyện, trong xã…hậu quả, tác hại, biện pháp phòng ngừa tội phạm như giáo trình đã soạn.

Để buổi tuyên truyền có không khí, tôi vận dụng giữa pháp luật với thực tế, tôi nói quyền của Phụ nữ là “được làm vợ, làm mẹ”…kể cả những chị em không có chồng vì nhiều lý do, xong vẫn có thể làm mẹ đơn thân.

Phía cuối Hội trường có một chị mặc áo hoa chấm nhìn lên bục ý muốn phát biểu, thấy vậy tôi mời chị đứng lên, tôi động viên: Chị có điều gì cần hỏi, mời chị? Ngập ngừng chị nói “cán bộ ơi chúng tôi biết quyền của chúng tôi, nhưng ai cho?”.

Một thoáng bối rối, tôi nhìn xuống hàng ghế đầu nơi có các cán bộ chủ chốt ngồi dự, tôi thong thả trả lời “thì đi xin thôi!”.

Có nhiều tiếng cười phía dưới, thấy vậy tôi vận dụng kể luôn chuyện “xin giống gà của tôi”, cả hội nghị vỗ tay tán thưởng.

Trên bục tôi quan sát hàng ghế đầu các cán bộ chủ chốt của xã liếc nhìn tôi với nhiều ánh mắt. Người thì e ngại ý “muốn cho lắm, nhưng không biết làm cách nào”. Người thì tự tin hãnh diện “tôi cho lâu rồi ông H ạ”.

Theo Chuyện quê