Xóm than

Trương Thành Sơn

02/10/2021 16:52

Theo dõi trên

Ngõ phố ấy có tên xóm Than, chữ “xóm” chưa viết hoa như sau này, cái tên ấy có xuất xứ do xóm vốn là một bãi đất trống rộng mênh mông, đúng chỗ con sông uốn nên thường bị lụt, lở đất. Ban đầu người ta dùng làm bến tàu thuyền, sau này làm chỗ đổ than đá, để chế tạo than tổ ong cấp cho cả thành phố.

243017175-10220363457418916-6627941095743982427-n-1633148256.jpg
Ảnh minh họa - Nguồn internet

Khi không ai nấu ăn bằng than nữa, thì bãi Than để hoang, rồi từ khi nào đó mọi người đâu đến tự cắm mốc dựng nhà, người hẹp thì chiều ngang 10 mét, sâu 30 mét, người rộng vì đông con thì chiếm 30-40 mét, sâu 30-50 mét, cũng để khoảng trống làm đường đi rộng rãi. Chẳng ai tranh chấp gì cả. Sau này chính quyền cấp giấy chủ quyền theo thực tế chiếm hữu. Xóm phố cứ yên lành như thế mấy chục năm qua. Ở đây không ai nợ ai gì đáng kể, chỉ là lon gạo thì mượn, quả chanh thì xin nhau. Mà có ai có của ăn của để đâu, toàn “bóc ngắn cắn dài” thôi. Có lẽ vì thế mọi người đều sòng phẳng, rõ ràng với nhau, chẳng bao giờ có tranh chấp gì. Nhưng khi gia đình nào đó gặp sự cố như ốm đau hay có công việc như cưới, tang thì mọi người xúm lại giúp mỗi người một tay, nên ai cũng coi xóm nhà mình như ruột thịt vậy.

Bỗng nhiên ông Kiêu chuyển gia đình vào Sài Gòn với con, nên bán nhà và đất, sau lại đến ông Khơi xẻ bớt đất bán, thế là có hai hộ mới chuyển đến. Anh Huê mua 180 mét vuông đất của ông Khơi, làm ngay một biệt thự đẹp. Vợ chồng Huê - Yến kín tiếng, ít ai biết về họ, được cái mọi quy định của xóm, vợ chồng này đều chấp hành đúng, rất thân thiện với xóm giềng. Chỉ từ ngày có cô Mến làm ô-sin cho nhà Huê, hay la cà sang hàng xóm buôn dưa lê thì mọi người mới hóng hớt được chuyện của nhà Huê. Hóa ra đây là đôi đã dứt gia đình cũ để dẫn nhau đến đây theo tiếng gọi trái tim. Đứa con chung của họ đã học lớp 6, trước họ lang thang đi làm ăn nhiều nơi nay mới cập bến phố này. Nghe nói vợ cũ Huê là người sắc nước hương trời, làm ăn rất giỏi, thế mà Huê bỏ để theo Yến đủ biết Yến “siêu” thế nào. Còn Yến cũng đã từng gia đình đuề huề, chồng giỏi kiếm tiền thế mà bỏ theo Huê. Anh Yên thì khác, ngay khi mua nhà ông Kiêu trúng khi ngõ phố tổ chức cúng Thành Hoàng xóm Than anh đã đề nghị tài trợ toàn bộ chi phí. Không ai đồng ý điều ấy, vì xưa nay mọi người đóng góp như nhau, thời trước là 2 hào và 1 lon gạo, sau tăng dần lên, đến năm ngoái là 100 nghìn đồng mỗi hộ. Chỉ gia đình nào có sự kiện mới xin được góp một thùng bia lon để mọi người chia vui. Mấy năm qua các quán cafe, gội đầu,... cũng góp thêm để cuộc liên hoan “xôm” hơn như tài trợ karaoke, tài trợ đồ uống,... Sau khi thảo luận chán chê, mọi người cũng đồng ý mỗi hộ góp mức 50 nghìn đồng, còn thiếu anh Yên tài trợ. Một cuộc vui chưa từng có vì cả ngõ phố kê kín bàn tiệc, bia chất thành đống, karaoke màn hình led rộn vui,... Tự nhiên, một ngày kia từ đâu người ta đưa đến dựng lên một bảng quy hoạch, con đường hẻm rộng 3,5 mét không vỉa hè được mở rộng thành đường 10,5 mét vỉa hè mỗi bên 5 mét. Đương nhiên bà con náo nức vì sẽ ra mặt đường lớn dù bị giải tỏa thu hồi khá nhiều. Có vài người phải tái định cư nơi khác nhưng đa số mất vài chục đến hành trăm mét vuông. Họp hành thương lượng mãi rồi mọi người cũng phải thực hiện. Cái biệt thự nhà Huê bị xẻo 30 mét vuông đất bên cạnh nhưng vẫn nguyên lành và càng đẹp hơn. Cái nhà cấp 4 Yên mua của ông Kiêu bị mất một nửa kèm mất 150 mét vuông đất, nhưng trở thành nhà có mặt tiền lớn nhất là 30 mét, sâu 25 mét. Một cuộc tổng chỉnh trang bắt đầu sau khi người ta giải tỏa và bắt đầu làm đường, nhà ít nhất cũng làm lại hàng rào, cổng, đa số xẻ đất bán lấy tiền làm nhà. Thêm gần chục hộ nữa xuất hiện, họ làm nhà cao tầng theo kiểu mới. Mọi lề thói của ngõ phố cũ bị phá vỡ. Ngay sau bữa tiệc, anh Yên đập bỏ triệt để nhà cũ, từ hàng rào đến mảnh sân được phá chở đi hết, lộ ra khuôn viên 600 mét vuông cực đẹp. Con chó vàng ông Kiêu không mang đi được, anh Yên nuôi tiếp, giờ mất chỗ nương thân cứ len lét nằm một xó, thật tội nghiệp. Rồi máy móc kéo đến rầm rầm, người ta làm móng bằng khoan nhồi. Đến 6-7 tháng tiếng máy cứ ình ình mà khu đất nhà anh Yên vẫn nằm ì ra, mãi gần 1 năm mới thấy cái khách sạn tương lai nhô lên, nhưng như Phù Đổng, mỗi tháng người ta đổ bê tông mấy tầng, chỉ 6 tháng đã ra dáng cái khách sạn cao tầng. Hơn một năm sau tòa nhà đã có vẻ tráng lệ cao 24 tầng. Công cuộc chỉnh trang sang giai đoạn hoàn thiện, những cây cổ thụ từ đâu đó người ta đưa tới, cây dừa đã cao vút người ta chở về trồng.

Cái quán bún vịt bỗng hóa thân thành quán cafe đẹp; tiệm cắt tóc ông Xoăn thành quán cắt tóc gội đầu cao cấp;... tất cả đều thay đổi. Lão Dụ chuyên mài dao ở góc phố giờ ngồi vểnh râu nhấp cafe vì nhà lão đã được cải tử hoàn đồng từ cấp 4 với chục tấm tôn thành ngôi nhà 5 tầng, có gì đâu, lão tách bán 200 mét vuông đất được chục tỷ, đủ làm nhà, cho thuê văn phòng ở tầng 1, thuê phòng ở tầng 3, 4, 5, chỉ để lại 3 phòng tầng 2 để ở. Xóm Than bỗng chốc đổi đời, lão Dụ bảo:

- Tỷ phú ở đâu chẳng biết, người xóm Than giờ 100% là triệu phú đô-la vì đất đai nhà cửa đều trị giá trên 20 tỷ đồng cả rồi.

Giờ xóm Than không vay lon gạo, xin quả chanh nữa, nói chuyện toàn tỷ tỷ đồng, nghe ê cả tai. Cuộc đời chẳng tươi rói như thế cả đâu, đầu tiên là nghiện hút chẳng biết từ đâu đến, bắt đầu từ nhà Thạo, ông ta bán đất chia cho 4 đứa con. Vốn quen làm thuê, tự nhiên có cả tỷ đồng, chẳng biết tiêu gì, thế là ăn chơi xả láng, làm thì khó chứ ăn chơi cũng nhanh thạo, thế là tiền đội nón ra đi, HIV và ma túy theo về. Mấy tỷ đồng bay đi không trở lại. Cái quán cắt tóc lão Xoăn giờ thành tiệm cắt tóc, gội đầu, nhưng kinh doanh chính là thân xác phụ nữ. Vậy là giàu có, văn minh, lịch sự vụt đến thì cũng mang theo tệ nạn xã hội, từ những cô gái mắt xanh mỏ đỏ đứng ở cửa những quán bí hiểm mời chào khách kìn kìn đến những đống kim tiêm để lại mỗi sáng ven đường,... Tình làng nghĩa xóm đã mãi đi không trở lại nữa, chỉ còn mỗi cái tên Xóm Than vẫn còn nhưng chữ “Xóm” giờ đã viết hoa, chẳng ai còn nhớ xuất xứ. Có điều chữ “Xóm Than” giờ đã có mặt trên chứng minh thư, trên căn cước công dân rồi. Có bao nhiêu ngõ phố chất chứa kỷ niệm thuở đói nghèo mà đẫm tình thương yêu, giờ chỉ còn trong nỗi niềm khắc khoải của những cư dân bản địa?

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Xóm than" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn