Kỳ 15
Ngày 24 tháng 3, súng đại bác các cỡ, pháo trên xe tăng, pháo cao xạ, các loại súng nhỏ bộ binh nổ vang trời bốn hướng tám phương quanh thành phố Đà Nẵng, đạn đỏ rực bay vào các căn cứ phòng thủ của Quân đoàn I Sài Gòn, phá hủy công sự, hàng nghìn xác lính tung lên trời rơi xuống đất, khỏi lửa mù mịt đất trời. Thành phố đang bị Quân giải phóng tấn công. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng ra sức phòng thủ. Sư đoàn 325 Quân Giải phóng tấn công vào Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến và Liên đoàn bảo an 914 ở bắc Hải Vân, đánh chiếm đèo Phước Tương, Nước Ngọt, Thổ Sơn, ga Thừa Lưu, các cứ điểm Phú Già. Trên trời hàng trăm máy bay A-37 từ sân bay Đà Nẵng bay tới dội không tiếc bom, pháo binh ngụy từ Lăng Cô bắn như mưa. Tuy hỏa lực mạnh nhưng sau 5 giờ chiến đấu, Liên đoàn 258 thủy quân lục chiến và Liên đoàn bảo an 914 bị tiêu diệt. Thừa thắng, Sư đoàn 325 Quân giải phóng đánh thốc sang các cứ điểm Sơn Hải, Loan Lý, An Bảo, Lăng Cô dưới sự yểm trợ của 30 khẩu pháo các cỡ của Trung đoàn pháo binh 84, 164.
Tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu, pháo binh các cỡ cũng nhả đạn trực tiếp vào thành phố Đà Nẵng.
-Hướng tây-nam, Sư đoàn 304 Quân đoàn II ép lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến bỏ cứ điểm Núi Gà chạy vào thành phố. Ngày 28 tháng 3, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) chiếm cứ điểm Hòa Cẩm và Tòa Thị chính. Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến tháo chạy về An Đồng-Mỹ Khê bị Sư đoàn 2 Quân khu 5 vây chặt. Tại trại huấn luyện Hòa Cẩm 3.000 tân binh hoảng loạn bắn giết sĩ quan chỉ huy, ra đầu hàng Quân giải phóng.
6 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3, các cứ điểm chỉ huy của ngụy quân ở đèo Hải Vân bị mất. Sư đoàn 325 Quân giải phóng tràn xuống đánh chiếm Liên Chiểu, cầu Nam Ô, cầu Trịnh Minh Thế, xe tăng tràn ra bán đảo Sơn Trà, quân cảng.
Ở hướng tây-bắc lúc 12 giờ 30 ngày 29 tháng 3, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 Quân giải phóng có một tiểu đoàn xe tăng yểm trợ đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tràn ra chiếm toàn bộ khu Phước Tường-Hòa Khánh.
Ở hướng nam Sư đoàn 2 Quân khu 5, có một Trung đoàn xe tăng, một Trung đoàn pháo binh yểm trợ đánh chiếm khu vực Bà Rén. Lúc 9 giờ ngày 28 tháng 3, Ngô Quang Trưởng gọi điện cho tướng Khánh, Tư lệnh sư đoàn 1 không quân:
-A lô, Chuẩn tướng hãy dùng bốn phi đội máy bay A-37 đánh sập cầu Bà Rén và cầu Câu Làu để ngặn chặn quân địch.
-Tuân lệnh Trung tướng.
Hai cầu bị phá nhưng Sư đoàn 2 Quân khu 5 đã dùng bè, xuồng, ghe, mảng vượt qua sông. Trong khi đó Vĩnh Điện, cứ điểm phòng ngự cuối cùng của ngụy quân ở phía nam Đà Nẵng thất thủ. 12 giờ trưa 24 tháng 3 năm 1975, Sở chỉ huy Quân đoàn I của Tướng Ngô Quang Trưởng bị đánh chiếm. Ngày 25 tháng 3 Cụm trưởng CIA tại Đà Nẵng, ông Francis gọi cho cấp trên là Dolga tại Sài Gòn cho lập cầu hàng không Đà Nẵng-Sài Gòn để di tản người Mỹ và nhân viên người Việt. Ngoài máy bay người Mỹ còn huy động các tàu của Hải quân vùng I, vùng 2 để di tản. Tướng Smith cho 5 tàu kéo sà lan, 6 tàu khách, 3 tàu hàng ra Đà Nẵng giúp cho việc di tản. Quân lực Việt Nam Cộng hòa sống sót cũng đem gia đình tràn ra các tàu và các sà lan làm tình hình di tản càng thêm hỗn loạn. Bờ biển Đà Nẵng đông đặc người chen nhau lên tàu và lên sà lan. Biển vẫn vô tình đưa sóng trắng xóa vào bờ. Tiếng người la hét, kêu khóc hòa với tiếng sóng rì rầm. Tướng Ngô Quang Trưởng và các Chỉ huy thuộc cấp tại Quân khu I được trực thăng bốc chở chạy ra tàu HQ-404 từ 9 giờ 30 phút sáng. Từ chiều 28 tháng 3, binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đà Nẵng trở nên hỗn loạn, không còn chỉ huy và không chỉ huy được nữa. Sư đoàn 3 tan rã chạy lúc 5 giờ chiều 28-3 và bị Quân giải phóng đánh vu hồi. 6.000 quân Sư đoàn 3 tan rã đào ngũ.
Ngày 28 tháng 3 thành phố chìm trong hỗn loạn, một tờ báo Phương Tây viết: “Binh lính rã ngũ nổi loạn, cố thoát ra hoặc vơ vét cái gì có thể kiếm được trong khoái lạc bắn giết và cướp bóc. Các tướng tá thì trù tính những cuộc bay bí mật để trốn thoát. Suốt đêm sự hủy hoại, vơ vét, trộm cướp, hãm hiếp tiếp diễn. Tòa nhà Lãnh sự Mỹ mang hình con voi trắng bị cướp phá chỉ còn trơ cái vỏ”.
12 giờ 30 ngày 29 tháng 3 năm 1975 tất cả các mục tiêu quan trọng trong thành phố như Tòa Thị chính, Sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty cảnh sát, Ngân hàng Quốc gia, Trụ sở tiếp vụ bị Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ. Cùng với đó là các đơn vị Quân Giải phóng 304, 324, 325 Sư đoàn 2, Lữ đoàn thiết giáp 203 vào Đà Nẵng kiên quyết lập lại trật tự đưa thành phố trở lại yên bình.
9 vạn sĩ quan, binh lính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và nhân viên dân sự ra trình diện Quân giải phóng. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc thắng lợi.
Một ngày cuối tháng 3 năm 1975, trong không khí tấp nập gấp gáp, công viêc ngập đầu của một thành phố vừa được giải phóng, Ban Chỉ huy chiến dịch Huế-Đà Nẵng đang ngồi trong hành dinh của Quân đoàn II tại Đà Nẵng, người cần vụ đem nước lên. Sau khi mỗi người cạn ly nước xong, Trung tướng Lê Trọng Tấn bảo cần vụ:
-Gọi phòng tham mưu Quân đoàn II đưa bản tổng kết Chiến dịch Huế-Đà Nẵng lên đây.
-Dạ.
Một lát sau người của Phòng Tham mưu đem văn bản trình lên:
-Báo cáo Trung tướng, đây là Bản báo cáo sơ bộ về Chiến dịch ạ.
Lê Trọng Tấn cầm xem, báo cáo viết: “ Chiến dịch Huế-Đà Nẵng” là gọi chung tất cả các trận đánh từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, được tiến hành từ ngày 5 tháng 3 năm 1975 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975. Chúng ta đã huy động khối lượng lớn quân binh chủng hợp thành, trong đó 4 Sư đoàn bộ binh, khoảng 6 vạn chiến sĩ, còn nhiều binh đoàn xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, xe vận tải. Về phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa khoảng 140.000 quân chủ lực và địa phương quân, nhiều binh đoàn xe tăng thiết giáp, hàng nghìn pháo các cỡ, đặc biệt có sự yểm trợ của máy bay ở sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn. Kết quả thiệt hại trong chiến dịch, phía ta, 9.000 chiến sĩ hy sinh và bị thương. Phía quân ngụy, bị tiêu diệt, bị bắt sống, đầu hàng gần như toàn bộ 140.000 tên, 8.000 tên xuống tàu chạy thoát. Toàn bộ vũ khí hạng nặng và nhẹ đều bị ta phá hủy hoặc thu hồi. Ta đã xóa sổ được Quân đoàn I, một trong số Quân đoàn tinh nhuệ của Quân lực ngụy. Ta đã giải phóng được Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đó là thắng lợi cực kỳ to lớn của Chiến dịch Huế-Đà Nẵng”.
Lê Trọng Tấn xem xong đưa cho Nguyễn Hữu An và nói:
-Đồng chí Thiếu tướng xem đi. Nguyễn Hữu An đặt ly nước xuống bàn và nói:
-Cảm ơn Trung tướng.
Nguyễn Hữu An đang xem thì có điện gọi cho Lê Trọng Tấn:
-A lô, tôi Chu Huy Mân đây, tôi báo cho các đồng chí tin chiến thắng.
-Tin mừng gì đồng chí.
-Cuộc đấu tranh của quân và dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa diễn ra từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 năm 1975 thì ba tỉnh đã được giải phóng, chính quyền cách mạng đã được xác lập.
-Vui quá, chúc mừng chiến thắng của quân và dân Liên khu 5 và quân dân ba tỉnh, chúc mừng các đồng chí.
-Cảm ơn đồng chí Trung tướng.
Lê Trọng Tấn lại nhận điện:
-A lô, tôi Võ Nguyên Giáp đây.
-Xin chào đồng chí Đại tướng, tôi đang định gửi báo cáo về Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và cho đồng chí.
-Chúng tôi đã biết qua về chiến thắng của các đồng chí, đồng chí cứ báo cáo về. Trước mắt đồng chí ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Hữu An đem Quân đoàn II thần tốc tiến về tấn công Sài Gòn. Bộ Chỉ huy chiến dịch Giải phóng Sài Gòn đã được thành lập do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh. Đồng chí cũng là Phó Tư lệnh chiến dịch lịch sử này.
-Cảm ơn đồng chí Đại tướng.
Sau một ngày chuẩn bị, hôm sau Lê Trọng Tấn cùng Nguyễn Hữu An dẫn Quân đoàn II Nam tiến. Xe chở bộ binh, xe chở pháo, xe tăng, xe thiết giáp tạm biệt thành phố Đà Nẵng thân yêu vừa giải phóng tiến vào Nam. Bụi cuốn mù trời đất. Quân đi trong bụi nắng và gió của miền Trung đã được giải phóng. Dọc đường, cờ đỏ sao vàng tung bay trên những đô thị, trên những làng mạc xác xơ nghèo đói trong chiến tranh nhưng vô cùng anh hùng, oanh liệt. Quân đoàn II hành quân trong một khí thế và sức mạnh của đoàn quân chiến thắng, quyết tâm vô bờ bến về ý chí thống nhất non sông.
(Còn nữa)
CVL