Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 20 

2.Hướng đông-bắc do Quân đoàn IV (Binh đoàn Cửu Long) đảm nhiệm, tổng số quân 30.000 người, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy. Quân đoàn IV có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực các cứ điểm Trảng Bom, (Suối Đỉa, Long Đạt), Tiêu diệt Lữ đoàn dù 3, Tiêu diệt Lữ thủy quân lục chiến 468, tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy, đánh chiếm Hố Nai, Long Bình, Tam Hiệp, Tổng kho Long Bình, đánh chiếm sân bay Biên Hòa, Sở chỉ huy Quân lực Việt Cộng hòa, tiến vào nội đô giải phóng các quận 1, 2, 3, Đánh chiếm bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Đài phát thanh Sài Gòn, đặc biệt đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, tiến vào Dinh Độc Lập cùng các quân đoàn khác.

3. Hướng tây-bắc: Do Quân đoàn III (Binh đoàn Tây Nguyên) đảm nhiệm, tổng số quân là 47.400 người. Quân đoàn III do đồng chí Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Quân đoàn III có nhiệm vụ chặn đánh Sư đoàn 25 ngụy tại Dầu Tiếng, Trảng Bàng, cắt đường 1B không cho các đơn vị giặc từ tây-bắc Sài Gòn chạy về Đồng Dù, Củ Chi, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, Phú Nhuận, hợp điểm với các đơn vị khác, đánh chiếm  Dinh Độc Lập.

4. Hướng tây-tây-nam giao cho Đoàn 232 (tương đương 1 Quân đoàn) đảm nhiệm, quân số 42.000 người, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh, đồng chí Đại tá Trần Văn Phác làm Chính ủy. Đoàn 232 có  nhiệm vụ cắt đường số 4 ở Bến Lức, ngã ba Trung Lương, chiếm Tân An, Mỹ Tho, cắt Sài Gòn với miền Tây, không cho Chính quyền Sài Gòn và quân ngụy chạy về đồng bằng Cửu Long kéo dài cuộc chiến, đánh chiếm tỉnh lỵ Long An (Tân An), Kiến Tường, đánh chiếm căn cứ Nhà Bè, Khu Tân Tạo, khu Ra đa Phú Lâm, tiêu diệt Sư đoàn 5 và các Trung đoàn16, 24, 88 độc lập, tiêu diệt Sư đoàn 22. Khi vào nội đô Đoàn 232 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, chiếm cầu Nhị Thiên Đường, các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11.

5. Hướng bắc giao cho Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), tổng quân số 31.227 người. Thiếu tướng Nguyễn Hòa là Tư lệnh trưởng, Thiếu tướng Hoàng Minh Thi làm Chính ủy. Quân đoàn I có nhiệm vụ đánh chiếm Tân Uyên, Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, ngăn chặn Sư đoàn 5 ngụy tiến vào nội đô. Khi vào nội đô, Quân đoàn I đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, các bộ tư lệnh ở Gò Vấp, Bình Thành.

Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền dứt lời, Đại tướng Văn Tiến Dũng nói:

-Sài Gòn là một thành phố lớn đông dân, hiện nay dân số đã lên 3,5  triệu, rộng 1.000 km2 nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch lựa chọn 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm trong thời gian ngắn nhất. Các Quân đoàn có nhiều mục tiêu nhưng lấy một trong 5 mục tiêu này là trọng điểm quan trọng nhất:

1.  Quân đoàn II, Hướng đông-nam, ngoài những mục tiêu tiêu diệt địch, tiêu diệt các cứ điểm của địch trên đường tiến quân, trọng tâm là đánh chiếm Dinh Độc Lập (Phủ Tổng thống ngụy quyền).                                                      2. Quân đoàn I hướng bắc, ngoài những mục tiêu trên  thì trọng tâm là đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

3.Quân đoàn III hướng tây-bắc ngoài những mục tiêu trên, trọng tâm là đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

4. Đoàn 232 hướng tây-nam, ngoài những mục tiêu trên, trọng tâm là đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát đô thành.

5.Quân đoàn IV, hướng đông, ngoài những mục tiêu trên đường tiến quân, trọng tâm là đánh chiếm căn cứ Hải quân, Bộ Quốc phòng, Đài phát thanh Sài Gòn.   

Giao cho đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía đông bao gồm Quân đoàn II, Quân đoàn IV và Sư đoàn Sao Vàng.                                                   

-Giao cho Trung tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh cánh quân phía nam, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng là Chính ủy. Cánh quân phía nam và đoàn 232 còn thêm nhiệm vụ là bố trí lực lượng chặn đánh không cho quân ngụy rút lui về Đồng bằng Cửu Long tổ chức đề kháng lâu dài.

-Như vậy mọi mục tiêu thì cuối cùng các Quân đoàn cũng hợp binh tại mục tiêu lớn là Dinh Độc Lập.

-Các đồng chí còn ý kiến gì không?

Im lặng.

-Như vậy chúng ta đã thống nhất. Chúc các đồng chí thực hiện tốt và thu được thắng lợi lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để thống nhất non sông, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, của nhân dân cả nước.

Mọi người đồng thanh đáp lại:

-Cảm ơn đồng chí Đại tướng, chúc các Quân đoàn thắng lợi.

II.                                                 

Trong không khí hầm hập chiến tranh hối hả như vậy thì Chính quyền chóp bu Sài Gòn khủng hoảng. Do thất bại về quân sự, do Sài Gòn bị vây hãm, tình hình rất nguy cấp. Để cứu vãn tình hình, Lưỡng viện Sài Gòn, trong đó chủ chốt là các tướng như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Lời qua tiếng lại đối thoại gay gắt, cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 sau 10 năm cầm quyền.

Trước khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu lên Đài truyền hình Sài Gòn đọc bài diễn văn dài 3 giờ đồng hồ, cả ba giờ là bùng nổ sự tức giận của Thiệu đối với đồng minh là Mỹ. Ông nhấn mạnh:

-Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam Cộng hòa một mình thì đánh sao nổi.

Rồi ông thách thức:

-Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa.

Rồi ông trách cứ mạnh mẽ:

-Hoa Kỳ là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo.

Trong tuyên bố, Nguyễn Văn Thiệu vẫn kiên quyết không đàm phán với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông quyết chiến đến cùng:

-Việt Nam Cộng hòa dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng quân đội vẫn còn một Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi tình nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ.

Nguyễn Văn Thiệu nói với Lưỡng viện Sài Gòn:

-Tôi từ chức nhưng yêu cầu các ngài phải làm đúng Hiến pháp. Tổng thống từ chức thì Phó Tổng thống kế nhiệm.

Do yêu cầu đó của Nguyễn Văn Thiệu, ngày 21 tháng 4 năm 1975 khi ông rời ghế Tổng thống thì Phó Tổng thống là Trần Văn Hương lên thay. Khi đó Trần Văn Hương đã 72 tuổi.

Nguyễn Văn Thiệu thề sẽ chiến đấu bên cạnh binh sĩ nhưng đêm 25-4-1975, trong lúc chế độ hấp hối, ông bí mật ra đi khỏi Sài Gòn dưới sự sắp đặt của Thomas Polgal, Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn. Tổng thống Trần Văn Hương đành phải bào chữa cho Nguyễn Văn Thiệu:

-Tôi cử ông Thiệu sang Đài Loan để viếng Tổng thống Trung Hoa Cộng hòa Dân quốc vừa qua đời.

Thực ra Tưởng Giới Thạch qua đời từ ngày 5-4-1975, đã gần 20 ngày rồi.

Trong khi đó, sau khi ngồi vào ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Trần Văn Hương cho họp khẩn cấp Hội Đồng An ninh Quốc gia tại Dinh Độc Lập vì Sài Gòn đang trong hồi nguy cấp. Dự họp có Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Tổng tham mưu trưởng Đại tướng Cao Văn Viên, Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh Quân đoàn III Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Thiếu tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Quân đoàn IV Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Đại tướng Dương Văn Minh. Tổng thống Trần Văn Hương bê ly rượu vang đỏ thẫm, thơm nức và nói:

-Xin mời các quí vị.

Mọi người cùng nâng ly và nói:

-Xin kính mời Tổng thống.

(Còn nữa)

CVL