Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

16/04/2024 06:05

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 24

Cùng hướng đó Trung đoàn 28 tiến vào trại huấn luyện Quang Trung, theo đường Trương Vĩnh Ký, qua lăng Cha Cả. Địch trên các nhà cao tầng bắn xuống như mưa, đạn bay chát chúa. Sư đoàn phó Sư 320A Vũ Khắc Phụng và Trung đoàn phó Trung đoàn 28 ra lệnh cho xe tăng vừa đánh trả vừa tiến vào Bộ Tổng tham mưu. Ngụy quân từ cổng chính và các nhà cao tầng đánh trả kịch liệt, một lực lượng phía nam xung phong phản kích. Lính ngụy tử trận vô kể, Quân giải phóng cũng hy sinh ngã xuống giữa trận tiền không ít. 10 giờ, Tham mưu trưởng Trung đoàn Lê  Ngọc chỉ huy Tiểu đoàn 3 có xe tăng yểm trợ đánh thẳng vào cổng chính. Xe tăng 815 do Đại đội phó Đỗ Kỳ chỉ huy bắn cháy 1 xe tăng và 3 xe bọc thép, 1 chiếc M113. Bộ binh ngụy giữ cổng bị tử trận, số còn lại đầu hàng, một số tháo chạy. Trung đoàn cho hai mũi tấn công, mũi thứ nhất, một trung đội bộ binh, một xe tăng, hai xe K63 tấn công vào cửa đông-nam Bộ Tổng tham mưu. Mũi thứ hai gồm Đại đội 10 bộ binh, ba xe tăng, năm xe K63 từ cổng chính đánh vào. Xe tăng 982 của Chính trị viên Đại đội Nguyễn Hữu Thìn và xe tăng 815 của Đỗ Hồng Kỳ dẫn đầu tiến thẳng vào trung tâm. Quân địch còn lại hoảng loạn tháo chạy. Quân Giải phóng tiến vào chiếm tòa nhà chính 3 tầng, nơi trung tâm chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Các tòa nhà xung quanh cũng bị chiếm giữ. Trong gian phòng rộng lớn của tòa nhà chính là Trung tâm chỉ huy có tấm bản đồ tác chiến to rộng treo trên tường. Trên bản đồ chằng chịt ngang dọc những mũi tên đỏ to đậm bao quanh Sài Gòn. Trên những bàn rộng, đầy sổ sách giấy tờ la liệt. Những chiếc máy vô tuyến điện đang phát ra tiếng kêu cứu, đòi tăng viện của ngụy quân ở khắp nơi. Chủ nhân của ngôi nhà này, Tổng tham mưu trưởng Đại tướng Cao Văn Viên đã đem gia đình chạy sang Đài Loan ngày 28-4-1975 rồi.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 ra lệnh:

-Đồng chí Trung đội phó Trần Lựu.

-Có tôi.

-Đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Tân.

-Có tôi.

-Hai đồng chí lên tầng thượng hạ lá cờ của địch xuống, cắm lá cờ của ta vào nóc ngôi nhà chính giữa sở chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

-Xin tuân lệnh.

Lá cờ xanh đỏ có sao vàng 5 cánh tung bay phấp phới, thay thế cho lá cờ ba sọc đã bay trên bầu trời ở đây  21 năm ròng, báo hiệu mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa đã bị diệt. Bấy giờ là 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.

                                         *        *

    *

                                                         

Tháng tư mùa khô nên trời trong xanh, nắng chan hòa chiếu xuống sông. Dòng sông Vàm Cỏ Đông lững lờ trôi mênh mang, nước chan hòa lấp lánh. Những con thuyền khua sóng nước dào dạt đưa những người con của đồng bằng Cửu Long, của Binh đoàn 232 vượt sông tiến vào Sài Gòn tham gia chiến dịch  Hồ Chí Minh. Đây coi như là Quân đoàn thứ 5 tiến quân từ hướng tây-nam. Cánh quân phía nam này do Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu, Tư lệnh đoàn 232 có điện gọi:

-A lô, tôi Nguyễn Minh Châu xin nghe.

-Tôi Lê Đức Anh đây, tôi ra lệnh cho đồng chí tiến vào Sài Gòn nhanh chóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh sát đô thành.

-Tuân lệnh đồng chí Trung tướng.

Nguyễn Minh Châu gọi:

-A lô, tôi Nguyễn Minh Châu đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn 9 tiến nhanh và mạnh, nhanh chóng đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 gọi cho Trung đoàn bộ binh 1:

-A lô, tôi Sư trưởng Sư đoàn 9 đây, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 1 hành quân đánh vào Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô từ hướng bắc.

-Tuân lệnh đồng chí Đại tá.

-A lô, tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 đây, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 3 đánh vào Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô từ hướng nam.

-Tuân lệnh đồng chí Đại tá.

-A lô tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 đây, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 2 hành quân lên hướng bắc, hỗ trợ cho Trung đoàn 1 đánh Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, sau đó phát triển đánh vào Dinh Độc Lập cùng các Quân đoàn khác.

-Tuân lệnh Đại tá.

Nhận được lệnh, Trung đoàn 1 bộ binh ra trận do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Long chỉ huy. Trung đoàn được tăng cường sáu xe tăng PT85, hai khẩu pháo 85mm, một Tiểu đoàn pháo cao xạ. Trung đoàn giao chiến với ngụy quân, đánh chiếm cầu Bà Lác, Cầu Lớn, vượt qua ngã 5 Vĩnh Lộc, tiến vào ngã tư Bảy Hiền, vào đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đánh chiếm Biệt khu Thủ đô từ hướng bắc-đông bắc.

Trong khi đó trục thứ hai của Sư đoàn 9 là Trung đoàn 3 do Trung đoàn trưởng Hoàng Chuẩn và Chính ủy Hồ Giao chỉ huy. Trung đoàn được tăng cường xe tăng T54, sáu xe bọc thép PTR60, hai khẩu pháo 85mm, một Tiểu đoàn cao xạ. Trung đoàn 3 sang lộ, qua cầu An Hà, Bà Lác. Trung đoàn đánh chiếm nhiều cứ điểm của địch trên đường tiến quân, đánh tan một Tiểu đoàn biệt động ở đường 10, đánh chiếm Trường đua Phú Thọ, tiến vào đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2), tấn công Biệt khu Thủ đô từ hướng nam-đông nam.

Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Lê Tấn Cẩm, Chính ủy Lê Giao chỉ huy tạo nên trục thứ ba trong cuộc tấn công. Trung đoàn được tăng cường bảy xe tăng T54, một xe bọc thép PTR 60, hai xe M113, bốn khẩu pháo 85mm, hai Tiểu đoàn cao xạ. Trung đoàn giao chiến kịch liệt với quân ngụy trên đường từ An Ninh đến Mỹ Hạnh, sau đó theo trục của Trung đoàn 1 lên hướng bắc đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, rồi phát triển đánh sang Dinh Độc Lập.

Ba trung đoàn 1, 2, 3 của Sư đoàn 9 Binh đoàn 232 tiến quân khi khắp Sài Gòn 4 Quân đoàn Quân Giải phóng đang tiến vào tác chiến đánh chiếm các mục tiêu Dinh Độc Lập, Bộ tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Đài phát thanh, súng nổ vang bốn phương trời, quân ngụy khắp nơi tan tác chạy trốn như lá khô trước cơn bão táp, như kiến nằm trong chảo nóng. Tất cả mang lại khí thế hùng mạnh cho Sư đoàn 9 Binh đoàn Phương Nam. 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 đánh chiếm xong Bộ Tư lệnh Cảnh sát, giải phóng quận 5, 6. Các trung đoàn 1,2,3 của Sư đoàn 9 cũng đã chiếm xong Biệt khu Thủ đô, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Thiếu tướng Lâm Bá Phát ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan binh lính dưới quyền hạ vũ khí. Đoàn 10 đặc công *đã đánh chiếm Quân cảng hải quân và kho xăng Nhà Bè, giải phóng quận Tân Bình, Bình Chánh, Đặc khu rừng Sát. 11 giờ Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu điện về Hành dinh cho Trung tướng Lê Đức Anh:

-A lô, tôi Nguyễn Minh Châu báo cáo Trung tướng, cánh quân phương Nam đã hoàn thành đánh chiếm tất cả các mục tiêu được giao phó.

Lê Đức Anh nói:

-Tốt lắm, gửi lời Ban chỉ huy cánh quân Phương Nam chúc mừng tất cả cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 232.

-Cảm ơn Trung tướng.

11 giờ khi Trung đoàn 66, Sư đoàn 303, Quân đoàn II bắt sống toàn bộ Nội các Sài Gòn thì các Tiểu đoàn 1, 2 của Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 Binh đoàn 232 cũng có mặt ở Dinh Độc Lập, tăng thêm khí thế áp đảo, hùng mạnh của Quân Giải phóng. Trong khi đó, Sư đoàn 5 của Binh đoàn 232 được lệnh của Bộ chỉ huy cánh quân Tây-Nam chốt chặt đường số 4 từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, không cho quân ngụy tháo chạy về đồng bằng sông Cửu Long để kéo dài sự kháng cự. Lực lượng vũ trang Mỹ Tho và Quân khu 8 đã chiến đấu chốt chặn đoạn đường từ Trung Lương đến bắc Mỹ Thuận, hỗ trợ cho cánh quân Phương Nam làm tốt nhiệm vụ.

  Quân đoàn I (Binh đoàn Quyết Thắng) do Thiếu tướng Nguyễn Hòa là Tư lệnh trưởng, Chính ủy Thiếu tướng Hoàng Minh Thi chỉ huy, hành quân thần tốc từ Thạch Thành, Thanh Hóa chỉ 10 ngày đã vào đến nơi, được giao mở cuộc tấn công từ hướng bắc. Quân đoàn với quân số 31.227 người, 778 xe vận tải, 44 xe tăng, 36 pháo 130mm, 105mm và 75mm, 120 pháo cao xạ 57mm và 37mm, 12 xe công binh, 9 xuồng máy, 2 ca nô. Vừa vào đến nơi, Thiếu tướng Nguyễn Hòa nhận được lệnh:

-A lô, tôi Văn Tiến Dũng đây, Quân đoàn đồng chí nổ súng chậm hơn so với 4 quân đoàn một ngày. Tại hướng bắc các đồng chí có nhiệm vụ bao vây tiêu diệt địch ở Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên, ngăn chặn không cho Sư đoàn 5 ngụy quân rút về tăng cường cho nội đô, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hợp điểm với các Quân đoàn khác tấn công chiếm Dinh Độc Lập.

*-Tuân lệnh đồng chí Đại tướng.

Thiếu tướng Nguyễn Hòa gọi cho Sư trưởng Sư đoàn 320B Đại tá Nguyễn Hòa:

-A lô tôi Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I đây, tôi ra lệnh cho Sư đoàn đồng chí tiến đánh tiêu diệt cứ điểm Tân Uyên của địch, mở đường cho Quân đoàn I tiến vào nội đô.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

-A lô tôi Tư lênh Quân đoàn I Nguyễn Hòa đây, cho tôi gặp Sư trưởng Sư đoàn 312.

-A lô tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 Thiếu tướng Nguyễn Chuông xin nghe.

-Tôi ra lệnh cho Sư đoàn đồng chí cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 141 cho xe tăng pháo binh yểm trợ cho quân đoàn tấn công. Sư đoàn 312 phải tấn công vào cứ điểm Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát mở đường tiến vào nội đô đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu và Dinh Độc Lập.

-Tuân lệnh đồng chí Thiếu tướng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn