Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 5)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 5

-Chào Thiếu tướng, tôi đây.

-Ngài cho tôi biết Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A của Cộng quân còn ở Pleiku hay đã chuyển về Buôn Mê Thuột?

-Báo cáo Thiếu tướng, hai Sư đoàn này còn ở nguyên tại Pleiku và Kon tum ạ.

-Chính xác không?

-Dạ chính xác ạ.

-Có gì mới phải báo ngay cho tôi, rõ chưa?

-Dạ rõ ạ.

Tướng Phú lại quay điện gọi Phòng 2 Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa thì cũng nhận được câu trả lời tương tự, vậy là ý định điều động Sư đoàn 23 về Buôn Mê Thuột của ông bị loại bỏ. Các tin tức của thám báo thường nhật báo về như là điện đài của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A của Cộng quân vẫn ở bắc Tây Nguyên, nào là xe và pháo được Cộng quân liên tục kéo vào bắc Tây Nguyên cả ngày và đêm, nào là dân cư  bắc Tây Nguyên đang chuẩn bị rời Thị xã Pleiku và Kon tum vì sắp đánh lớn ác liệt và dữ dội, nào là dân cư bắc Tây Nguyên, nơi do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát đang may cờ, băng rôn, khẩu hiệu trên ghi là chào mừng Pleiku và Kon Tum được giải phóng...tất cả đã củng cố niềm tin vào phán đoán của tướng Phú: Cộng quân sẽ tấn công đánh chiếm Kon Tum và Pleiku. Cho nên Sư đoàn 23 mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và nhiều binh lực khác tướng Phú vẫn để tại bắc Tây Nguyên.

II.

Sáng ngày 3 tháng 3 năm 1975 bắt đầu một ngày mới ở Tây Nguyên. Vẫn là núi non trùng điệp với hàng nghìn cây cao thấp xanh tán lá bạt ngàn vi vu theo gió, ánh nắng của mùa khô như lụa tuôn chảy khắp không gian. Trong căn nhà lợp lá dừa nước là Sở chỉ huy của Trung đoàn 95A Quân giải phóng, Trung đoàn trưởng đang ngồi nghiên cứu bản đồ tác chiến Tây Nguyên thì chuông điện thoại reo vang:

-Alô, tôi Hồ Đê Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95A nghe đây.

-Tôi Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn III đây. Được sự thống nhất của Bộ Chỉ huy chiến dịch, tôi ra lệnh cho Trung đoàn đồng chí tấn công tiêu diệt cứ điểm Ayun của địch trên km 20 đường 19 chặn ngã ba Pleibon đến Phú Yên và tây An Khê.

-Rõ, xin tuân lệnh Đại tá.

Tham mưu trưởng Quân đoàn lại cầm máy gọi tiếp:

-Alô, tôi Đại tá tham mưu trưởng Quân đoàn III đây, cho tôi gặp Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A.

-Chào Đại tá, tôi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 đây.

-Tôi thay mặt Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Trung đoàn đồng chí đêm nay tấn công chia cắt đường 14 ở Ea Hleo, bắc Cẩm Ga.

-Rõ, xin tuân lệnh Đại tá.

Cùng lúc máy bộ đàm của Sư đoàn trưởng Sư đoàn Sao Vàng Nguyễn Văn Lịch (Quân khu 5) rung lên. Ông cầm máy nghe:

-Alô, tôi Sư trưởng Sư đoàn  Sao Vàng đây.

-Alô, Tôi Hoàng Minh Thảo đây.

-Xin chào Trung tướng.

-Tôi ra lệnh cho Sư đoàn đồng chí tấn công chiếm đoạn đường 19 từ đèo Thượng An đến cầu số 13 đến đông An Khê.

-Rõ, xin tuân lệnh đồng chí.

Bắt đầu từ đêm 3 rạng ngày 4 tháng 3 năm 1975, khắp vùng nam Tây Nguyên, đặc biệt là ngoại vi Buôn Mê Thuột, các loại pháo to, pháo nhỏ phụt lửa và nổ vang trời như sấm sét. Trung đoàn 95A qua mấy giờ tấn công đã làm chủ căn cứ Ayun, tiêu diệt một số cứ điểm trên Km 20, xóa sổ 1 Tiểu đoàn bảo an và một số đơn vị của nó, chặn ngã ba giao thông Pleibon đi Phú Yên (tây An Khê). Trên đường 14 ở Ea Hleo (bắc Cẩm Ga) cũng bị Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A chia cắt và làm chủ. Ngày 4 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn  Sao Vàng (Quân khu 5) đã chiếm 11 cứ điểm do hai Đại đội bảo an đóng giữ, tiêu diệt 300 tên, làm chủ một đoạn đường 19 từ đèo Thượng An đến cầu số 13 ở đông An Khê. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3, Trung đoàn 25 phục kích đánh một đoàn xe vận tải của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Chư Cúc.

  Từ Tổng hành dinh Quân đoàn II ở Pleiku, tướng Phú gọi về Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn:

-A lô, tôi Tướng Phạm Văn Phú ở mặt trận Tây Nguyên đây, xin cho lực lượng tăng viện để giải tỏa đường 19 ở phía đông Pleiku, con đường này đã bị Cộng quân chiếm. Tây Nguyên đang có nguy cơ bị bao vây.

-A lô, tôi Đại tá Hoàng Ngọc Lung Trưởng phòng 2 Bộ Tổng tham mưu đây, chúng tôi đồng ý sẽ tăng viện Liên đoàn 4 biệt động quân lên Pleiku.

-Cảm ơn Đại tá.

Tướng Phú gọi tiếp cho Đại tá Nguyễn Văn Đồng, chỉ huy Thiết đoàn 2 đang tác chiến ở phía đông  Pleiku:

-A lô, chào Đại tá, tôi Tướng Phú đây, tôi đã xin Bộ Tổng tham mưu tăng viện Liên đoàn 4 biệt động quân đi bằng đường hàng không tăng viện cho Tây Nguyên. Yêu cầu Đại tá cùng Thiết đoàn 2 phản công tiêu diệt các cứ điểm của Trung đoàn 95A Cộng quân trên đường 19, giải vây cho Tây Nguyên.

Nguyễn Văn Đồng đáp:

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

  Phạm Văn Phú gọi tiếp cho Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 3 đang chi viện cho Quảng Đức:

-A lô, tôi Tướng Phú đây, Đại tá cho ngay Trung đoàn 53 hành quân gấp về Buôn Mê Thuột để bảo về thị xã. Đơn vị này do Đại tá trực tiếp chỉ huy.

-Rõ, tuân lệnh Thiếu tướng.

Hai ngày sau Đại tá Nguyễn Văn Đồng gọi cho tướng Phú:

-A lô, tôi đã tổ chức phản công nhằm diệt các cứ điểm của Trung đoàn 19A trên đường 19 nhưng không thành công. Tôi xin chịu quân luật.

Tướng Phú tức giận quát:

-Đại tá thật là bất tài bất lực. Đại tá có biết rằng như vậy Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng ven biển miền Trung và miền Nam Trung Bộ không và Quân đoàn II của chúng tôi bị cắt làm đôi không tiếp ứng được cho nhau không?

Nguyễn Văn Đồng run run đáp yếu ớt:

-Dạ.

Cuối ngày 5 tháng 3 năm 1975 Tướng Phú nghe điện thoại của Đại tá Quang:

-A lô, chào Thiếu tướng, tôi Đại tá Vũ Thế Quang đây.

-Chào Đại tá. Đại tá đã vào đến thị xã Buôn Mê Thuột chưa?

-Dạ, xin lỗi Thiếu tướng, Tiểu đoàn 53 cùng 14 xe hành quân về Buôn Mê Thuột nhưng bị Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A Cộng quân phục kích đánh tại Thuần Mẫn, 8 xe của ta bị bắn cháy, một nửa quân số Trung đoàn 53 tử trận, hai pháo 105mm bị đối phương lấy, 7 xe còn lại phải quay về Pleiku. Tôi phải bay về Buôn Mê Thuột bằng trực thăng.

-Đại tá bay về Buôn Mê Thuột nhưng không có quân tăng viện thì gay go rồi. Thôi được, Đại tá ở Buôn Mê Thuột tổ chức phòng ngự tốt thị xã khi bị tấn công.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Trong khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa mất các cứ điểm trên những đường giao thông quan trọng thì Quân giải phóng liên tục thắng lợi. Ngày 7 và ngày 8 tháng 3, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320A) có 9 Khẩu đội pháo 105mm và 3 pháo 85mm tấn công chiếm Chư Sê và Thuần Mẫn (Cẩm Ga), tiêu diệt một Tiểu đoàn bảo an, 121 lính bị bắt làm tù binh. Như vậy, Buôn Mê Thuột đã bị cô lập với bắc Tây Nguyên, với miền đông duyên hải miền Trung. Tin mất Cẩm Ga bay về Tổng hành dinh Quân đoàn, tướng Phú nói:

-Mất Cẩm Ga thì Buôn Mê Thuột bị cô lập hoàn toàn rồi, nguy to rồi.

(Còn nữa)

CVL