Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

PGS TS Cao Văn Liên

25/03/2024 06:10

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 2

Chúng ta còn có sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, giúp đỡ làm đường kéo pháo, phao tin giúp ta thực hiện kế hoạch nghi binh, các đơn vị vũ trang địa phương đã phối hợp với quân chủ lực phục kích tiêu diệt địch. Đồng bào còn biểu tình chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cho đến nay đã có 200 cuộc biểu tình với hàng vạn người tham gia. Binh vận ở Đắc Lắc lôi cuốn 1.000 lính Việt Nam Cộng hòa bỏ ngũ, làm sụp đổ 250 chính quyền cấp xã ở Gia Lai, Kon tum, Lâm Đồng, hàng chục đơn vị vũ trang của địch tan rã.

Nghe xong, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Thưa các đồng chí, căn cứ vào binh lực và tình hình bố trí binh lực của hai bên, xuất hiện 5 vấn đề lớn trong tác chiến: Hướng và khu vực tác chiến chính của ta là thị xã Buôn Mê Thuột, Đức Lập. Buôn Mê Thuột là mục tiêu quyết định. Chiến thuật đầu tiên là phải bao vây chia cắt Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên. Để bao vây chia cắt Buôn Mê Thuột thì phải đánh cắt đứt con đường 14, chia cắt lược lượng ngụy ở bắc Tây Nguyên là khu vực Kon Tum và Pleiku để chúng không thể ứng cứu cho Buôn Mê Thuột. Muốn vậy chúng ta phải đánh vào khu vực Cẩm Giang-Thuần Mẫn, Phú Bổn và Quảng Đức bao gồm cả thị xã Cheo Reo.

-Chúng ta cũng phải bao vây chia cắt đường 19 trên tuyến An Khê-Pleiku-đông Bích Khê, bao vây chia cắt đường 21 ở phía đông và tây Chư Cúc để chặn đánh quân ngụy từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lên cứu Tây Nguyên và để chặn đánh quân ngụy ở Tây Nguyên khi bại trận chạy về đồng bằng ven biển các tỉnh trên.

-Chiến thuật thứ hai là phải tiến hành nghi binh, đánh lừa Thiếu tướng Phạm Văn Phú và Bộ tham mưu của ông ta. Thực chất chúng ta tấn công Buôn Mê Thuột nhưng phải làm cho tình báo và các phương tiện do thám của địch tưởng chúng ta sẽ tấn công Pleiku và Kont Tum để chúng tập trung khối chủ lực của Quân đoàn II, nhất là Sư đoàn 23 ngụy ở khu vực bắc Tây Nguyên, ở hai tỉnh Pleiku và Kon Tum, bảo đảm kiềm chân ở khu vực này 4 Trung đoàn bộ binh, 3 Thiết đoàn xe tăng thiết giáp, 5 Liên đoàn biệt động quân. Đó là phương án tác chiến một. Phương án tác chiến 2 là nghi binh không thành công, địch tăng cường phòng thủ Buôn Mê Thuột, như vậy cuộc chiến đấu sẽ giằng co và hết sức ác liệt.

-Để nghi binh, tôi ra lệnh làm hai trận địa pháo binh 130mm ở phía bắc Kon Tum, trong đó chỉ bố trí súng cối 120mm để đánh lừa địch. Cho một số xe tăng cũ, xe kéo pháo, xe vận tải đi lại suốt ngày đêm phía bắc Tây Nguyên. Cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A bí mật chuyển về gần Buôn Mê Thuột, mỗi Sư đoàn chỉ để lại một bộ phận nhỏ ở bắc Tây Nguyên. Bộ phận của Sư đoàn 10 dùng súng cối liên tục bắn vào thị xã Kon Tum và đào nhiều hầm hào phòng ngự. Bộ phận nhỏ nữa của Sư đoàn thì hoạt động ở phía bắc đường 19, phía tây bắc Pleiku, dùng súng cối bắn vào các cứ điểm địch ở La Sơn, Thanh An, Đồng Tằm. Trung đoàn 95 đẩy mạnh hoạt động ở đường 19 đông, chặn đánh các đoàn xe quân sự và đánh một số cứ điểm của địch ở đây. Trung đoàn đặc công 198 để lại 2 trung đội tập kích kho xăng Pleiku. Khi chủ lực của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A, các Trung đoàn 40, 234, 273, 675 đã về Buôn Mê Thuột thì hệ thống điện đài của các đơn vị này vẫn giữ nguyên vị trí liên tục phát đi các bức điện giả, các mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao. Sư đoàn 968 từ Lào bí mật về chuẩn bị tham gia đánh Buôn Mê Thuột vẫn sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến điện đã có tại Lào. Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên vẫn duy trì hoạt động của các bộ máy điện đài 15w chỉ dùng cho Sở chỉ huy Sư đoàn trở lên tại Kleng, bắc Võ Định, điểm cao 518 bên đường 19. Còn nữa, các lực lượng an ninh Quân giải phóng phải cử người vào bắc Tây Nguyên phao tin Quân giải phóng sắp đánh lớn ở Pleiku và Kon tum. Nhân dân ở khu vực do Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát cho làm nhiều cờ hoa và biểu ngữ: “Chào mừng Pleiku và Kon tum được giải phóng". Các Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A, Sư 316 phải giữ bí mật khi về Buôn Mê Thuột, tạm lui về phía tây, khi quân ngụy sục sạo thì không được giao chiến, không được có bất cứ hành động quân sự nào.

-Thưa các đồng chí, trong toàn bộ tuyến phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên khắp miền Nam, mạnh nhất là tuyến phòng thủ Quân khu I, từ Quảng Trị đến bắc đèo Hải Vân và tuyến phòng thủ Quân khu III, khu vực quanh Sài Gòn. Quân khu II bao gồm các tỉnh ven biển miền Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang và Tây Nguyên là khu vực phòng thủ tương đối yếu, trong đó Tây Nguyên là khâu yếu nhất. Tại Quân khu II này chỉ do một Quân đoàn II đóng giữ. Quân đoàn này bị chia đôi lực lượng, một nửa đóng ở đồng bằng ven biển, một nửa đóng ở Tây Nguyên, khi chiến đấu dễ bị chia cắt nên càng yếu. Ở Tây Nguyên thì lực lượng mạnh nhất tập trung ở phía bắc cao nguyên quanh Pleiku và Kon tum, lực lượng ở nam Tây Nguyên gần như để ngỏ, yếu nhất là thị xã Buôn Mê Thuột. Cho nên chúng ta tấn công vào điểm yếu nhất này, từ đó phát triển chiến dịch lấy toàn bộ Tây Nguyên. Từ Tây Nguyên, chúng ta sẽ uy hiếp toàn bộ Quân khu I, Quân khu II, tấn công Quân khu III và nếu có thể tấn công giải phóng Sài Gòn. Khi mất Tây Nguyên, địch không thể phản công chiếm lại vì phải điều động từ 5 đến 6 Sư đoàn mà lực lượng địch hiện nay thì không cho phép.

-Cho nên tôi ra lệnh chúng ta phải chiếm bằng được Buôn Mê Thuột, bấm vào tử huyệt của Việt Nam Cộng hòa, tạo thế đánh chiếm toàn bộ Tây Nguyên, tạo thế cho toàn quân đánh chiếm Quân khu I, Quân khu II, Quân khu III, đưa cuộc Tổng tấn công xuân 1975 đến toàn thắng.

Toàn hội nghị đồng thanh:

-Nhất trí với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Tư lệnh trưởng.

Các tướng lĩnh ra về. Đêm của Tây Nguyên trời hơi se lạnh. Các tướng lĩnh mang quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch và biến quyết tâm thành hiện thực trên chiến trường trong nay mai.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn