Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

PGS TS Cao Văn Liên

30/03/2024 06:02

Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 7

Thiệu gọi cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú:

-A lô tôi Thiệu đây, tôi ra lệnh cho ngài điều quân ở Kon Tum và Pleiku về phòng thủ tăng cường thị xã Buôn Mê Thuột.

-Tuân lệnh Tổng thống.

  Hướng tây nam, Trung đoàn 174 chiếm các cứ điểm Chi Lăng, Chư Di, khu kho Mai Hắc Đế. Hướng tây bắc, Trung đoàn 148 đánh chiếm Sở chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc, một Tiểu đoàn tấn công chiếm ấp Châu Sơn. Ở hướng tây, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) và hai Đại đội xe tăng đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Hướng đông bắc Trung đoàn 149, dùng một Tiểu đoàn có xe tăng yểm trợ đánh chiếm Chư Blom, chiếm cứ điểm 582, một Tiểu đoàn đánh chiếm cứ điểm Ba Lê và cao điểm 491, đánh thốc vào trung tâm thị xã. Phía đông, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 10) cùng Tiểu đoàn 149 (Sư đoàn 316) có Đại đội xe tăng yểm trợ đánh chiếm sân bay Hòa Bình cùng các cánh quân hướng bắc và tây nam khép lại. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 10) tiêu diệt hoàn toàn địch ở căn cứ Phước An. Trong tình cảnh tuyệt vọng, Tướng Phú gọi cho Tướng Sang, Tư lệnh 6 không quân:

-A lô, tình hình thị xã Buôn Mê Thuột rất nguy ngập, yêu cầu cho máy bay A-37 dội bom xuống thị xã để ngăn chặn đà tiến của Cộng quân.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

  Vậy là các đơn vị Quân giải phóng tiến dưới mưa bom dữ dội của các máy bay địch. Quân đội của Tướng Phú ngoài chịu trận đạn tấn công của Quân giải phóng còn trúng bom như mưa của không quân của chính mình. Bom rơi đạn nổ, xác lính bị xé tan hoang thành mảnh bay lên không trung, hòa với lửa khói mù mịt.

  Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Chỉ huy phòng thủ thị xã Buôn Mê Thuột gọi từ hầm chỉ huy Sư đoàn 23:

-A lô, tôi Đại tá Luật đây, cho 2 Chi đội thiết giáp M-113 ra tăng viện để giữ cho được Ngã Sáu.

-Tuân lệnh Đại tá.

Cũng từ hầm Sở chỉ huy này, Đại tá Luật nhận được điện báo:

-A lô, báo cáo Đại tá, Ngã Sáu đã lọt vào tay Cộng quân rồi ạ.

17 giờ 30 lại có điện báo:

-A lô, Tiểu đoàn biệt động quân đánh bại 6 cuộc tấn công của Trung đoàn 9B nhưng cuối cùng Sở chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc cũng thất thủ rồi ạ.

   - A lô, thưa Đại tá, tại hướng đông bắc thị xã, Tiểu đoàn 9, Liên đoàn 21 biệt động giữ được đến 11 giờ thì bị đánh bật ra khỏi thị xã, các khu pháo binh, thiết giáp và căn cứ của Trung đoàn 45 đã mất.

    - A lô, tôi Đại tá Vũ Thế Quang đây, báo cáo Đại tá, tôi đã tung hết lực lượng phản kích để mong chiếm lại khu Mai Hắc Đế nhưng không thành công.

   -A lô, thưa Đại tá, Sở chỉ huy Sư đoàn 23 đã bị Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 Cộng quân đánh chiếm.

    Tại tổng hành dinh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nhận được điện:

    -A lô, thưa Trung tướng, ở hướng đông nam các tiểu đoàn 7 và 8 Trung đoàn 149 của ta bị máy bay A-37 oanh tạc gây nhiều thương vong nhưng họ vẫn đẩy lùi được lực lượng của Sư đoàn 53 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, khu cư xá sĩ quan, khu tiếp vận, Sở thú y, Sở ngân khố, nhà lao K5 đã bị trung đoàn 9B chiếm.

    14 giờ ngày 10 tháng 3 năm 1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú nhận được điện:

    -A lô, tôi Đại tá Trịnh Tiếu đây, Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn II, thưa Thiếu tướng đã phát hiện Sư đoàn 968 Cộng quân từ Lào về và đang di chuyển về hướng thị xã Buôn Mê Thuột.

    Tướng Phú đáp:

    -Đại tá theo dõi sát tình hình và có gì mới báo ngay cho tôi.

    -Tuân lệnh Thiếu tướng.

     Tướng Phú lập tức gọi điện cho Đại tá Vũ Thế Quang:

    -A lô, Đại tá cho phá tất cả những chiếc cầu trên đoạn đường 14 để ngăn chặn sư đoàn 968 Cộng quân đang từ Lào về Buôn Mê Thuột.

    Vũ Thế Quang đáp:

    -Thưa Thiếu tướng đã quá muộn rồi, Sư đoàn 968 đã vào thị xã Buôn Mê thuột và đang tham chiến lúc 10 giờ rồi ạ.

  Tướng Phú tức giận:

  -Phòng Quân báo Quân đoàn II là đồ ăn hại, một tin tức quan trọng như vậy mà bây giờ mới báo về.

  Trung tướng Hoàng Minh Thảo lại nhận được điện:

  -Báo cáo Trung tướng, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 149) phối hợp với đơn vị đặc công 198 đánh chiếm Sở chỉ huy sân bay Hòa Bình nhưng không chiếm được, vẫn nằm trong tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa ạ.

   -Báo cáo Trung tướng, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 149) đã đánh chiếm được Khu Tham mưu và Khu Truyền tin ạ.

   Đêm 10 tháng 3 năm 1975, chiến sự hai bên tạm thời ngừng lại. Thị xã Buôn Mê Thuột đã bị Sư đoàn 316, Sư đoàn 968 và các đơn vị khác chiếm giữ. Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ còn lại nhà ga sân bay Hòa Bình và Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Đại tá Vũ Thế Quang điện cho Chuẩn tướng Lê Trung Tường:

   -A lô, tôi Vũ Thế Quang đây, tôi đề nghị Chuẩn tướng tiếp viện cho thị xã, nếu không sẽ mất hoàn toàn Buôn Mê Thuột.

   Lê Trung Tường đáp:

   -Bộ Chỉ huy đang bận đối phó trên hướng Pleiku và Kon tum. Đại tá hãy cố giữ vững nhà ga sân bay Hòa Bình và Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Cộng quân có đánh lớn thì cũng chỉ vài ngày rồi rút đi như thời kỳ Mậu Thân 1968.

    Sáng 11 tháng 3 năm 1975, Quân giải phóng lại mở cuộc tấn công đánh chiếm các căn cứ còn lại. Dưới  đất là các loại pháo và súng nhỏ nổ vang, trên trời thì máy bay A-37 của giặc trút bom xuống. Thị xã Buôn Mê Thuột chìm trong mưa bom bão đạn. Máy bay Sài Gòn ném nhầm bom xuống hầm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và hầm Chỉ huy truyền tin.  Bộ tư lệnh Quân đoàn II Sài Gòn mất hoàn toàn liên lạc với Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 từ lúc đó. Tướng Phú tức giận thét lên trong máy:

   -Bọn A-37 mù hả, mất hoàn toàn liên lạc với mặt trận vào lúc nước sôi lửa bỏng thế này.

   Mất sự chỉ huy, Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Buôn Mê Thuột chiến đấu trong tuyệt vọng. Chỉ còn Liên đoàn biệt động 21 và một số lính sống sót của Trung đoàn 53 cố giữ chốt cuối cùng là nhà ga sân bay Hòa Bình. Toàn bộ thị xã Buôn Mê Thuột đã mất. Trung tá Võ Ấn, chỉ huy tàn quân Sài Gòn ở sân bay Hòa Bình gọi cho Tướng Phú:

    -A lô, chào Thiếu tướng, tôi Trung tá Võ Ấn, chỉ huy tạm thời số quân còn lại ở phi trường Hòa Bình vì hai Đại tá Vũ thế Quang và Nguyễn Trọng Luật đã bị Cộng quân bắt làm tù binh rồi ạ.

   Tướng Phú kinh hãi:

    -Thật hả? Vậy mà không ai báo cho tôi cả. Thôi được, Trung tá là chỉ huy trưởng mặt trận Buôn Mê Thuột, cố mà giữ vững. Tổng thống đang có kế hoạch phản công chiếm lại thị xã.

   -Tuân lệnh Thiếu tướng. Tôi sẽ cố gắng.

  *      *

                                           *

     Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điện  cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú:

    -A lô, tôi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đây.

   -Xin chào Tổng thống, tôi Phạm Văn Phú xin nghe.

   - Thiếu tướng phải cho giữ bằng được những vị trí còn lại ở phía đông Buôn Mê Thuột để làm bàn đạp phản kích chiếm lại thị xã.

   - Thứ hai Thiếu tướng gửi ngay bản kế hoạch giải tỏa Buôn Mê Thuột về Sài Gòn cho tôi.

  -Tuân lệnh Tổng thống.

 Rạng sáng ngày 12 tháng 3 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại gọi cho Tướng Phú.

-A lô, chào Tổng thống, tôi Tướng Phú xin nghe.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn