Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 6

Tướng Phú cầm bộ đàm gọi:

-A lô, tôi Tướng Phú đây, cho tôi gặp chỉ huy Liên đoàn biệt động 21.

-Chào Thiếu tướng, tôi đây.

-Tôi ra lệnh cho ngài đem Liên đoàn từ Kon Tum đến Buôn Mê Thuột bằng trực thăng, phối hợp với Trung đoàn 53 lấy bằng được căn cứ Cẩm Ga cứu nguy cho Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên, rõ chưa?

-Dạ, rõ, thưa Thiếu tướng.

Nhưng sau đó tin tức báo về Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 thất bại trong việc lấy lại Cẩm Ga.

Đêm 8 rạng ngày 9 tháng 3, Sư đoàn 10 Quân giải phóng tấn công căn cứ Đức Lập. Đức Lập và căn cứ Núi Lửa chìm trong lửa khói, không gian vang rền những tiếng nổ rung trời Tây Nguyên bởi trận đánh ác liệt. Qua nhiều giờ chiến đấu, cuối cùng căn cứ Cẩm Ga và Núi Lửa là căn cứ Tiểu đoàn biệt động quân 23 bị mất, 2.400 lính bị tiêu diệt trong đó ngoài Liên đoàn biệt động quân 23 còn có một Tiểu đoàn và hai Đại đội bảo an, 18 Trung đội dân vệ, một Trung đội cảnh sát, một Chi đội xe tăng, một khẩu pháo. Ngày 10 tháng 3, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ căn cứ Đức Lập.

  Trong khi đó, ngày 9 tháng 3, Tướng Phú họp với Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Đại tá Vũ Thế Quang, Đại tá Nguyễn Trọng Luật tại sân bay Buôn Mê Thuột. Sau một lượt rượu vang, tướng Phú nói:

-Tình hình Đức Lập không thể cứu vãn được nữa nên không cần tăng viện, bây giờ chúng ta nghĩ cách tăng cường phòng thủ Buôn Mê Thuột. Tôi ra lệnh rút Liên đoàn 21 biệt động quân từ Buôn Hồ về tăng cường cho thị xã ở phía bắc. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 53 phải cố giữ ngã ba Đắc Sắc, chờ thời cơ phản công lấy lại Đức Lập. Tăng viện một Chi đoàn thiết giáp cho thị xã. Rút Tiểu đoàn bảo an từ Bản Đôn về tăng cường cho thị xã. Tôi bổ nhiệm Đại tá Vũ Thế Quang làm Tư lệnh phòng thủ Buôn Mê Thuột.

Đại tá Nguyễn Trọng Luật hỏi:

-Thưa Thiếu tướng, phải chăng như vậy Cộng quân sẽ tấn công vào Buôn Mê Thuột là chính?

Đại tá Vũ Thế Quang phán đoán:

-Qua chiến sự từ đầu tháng 3 đến nay thì Cộng quân đang bao vây cô lập Buôn Mê Thuột. Khả năng họ đánh thị xã này đã ngày càng rõ ràng.

Tướng Phú đáp:

-Họ bao vây như vậy không chỉ cô lập Buôn Mê Thuột mà cô lập toàn bộ Tây Nguyên ta. Họ đánh Đức Lập, uy hiếp Buôn Mê Thuột chỉ là nghi binh. Hướng chính của họ là tấn công bắc Tây Nguyên, trước mắt là Pleiku và Kon Tum. Theo tình báo thì các Sư đoàn chủ lực mạnh của họ vẫn ở bắc Tây Nguyên, không có dấu hiệu di chuyển về Buôn Mê Thuột.

Tướng Phú rót ra ba ly rượu nữa nâng ly và nói:

-Chúc các ngài thành công trong sứ mệnh bảo vệ được Cao Nguyên.

Hai Đại tá Quang và Luật còn định nói gì nữa nhưng đành nâng ly:

-Cảm ơn Thiếu tướng, chúc Thiếu tướng và Quân đoàn II thành công.

                                               *     *

                                                  *

  Quân giải phóng đã và đang dùng chiến thuật nghi binh, chặn các con đường giao thông, cô lập Tây Nguyên với đồng bằng ven biển miền Trung, chia cắt Quân đoàn II, cô lập thị xã Buôn Mê Thuột với các tỉnh chung quanh, đặc biệt là với bắc Tây Nguyên thành công. Ngày 9 tháng 3 năm 1975, trong Tổng hành dinh Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên nóng lên từng giờ, từng phút dù không khí cao nguyên đang mùa khô mát mẻ. Trong cuộc họp với các tướng lĩnh, sau khi nghe báo cáo kế hoạch nghi binh đánh lừa địch và bao vậy chia cắt Tây Nguyên, chia cắt Buôn Mê Thuột đã hoàn thành, Trung tướng Hoàng Minh Thảo nói:

-Nay chúng ta bước sang giai đoạn tấn công, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột. Tôi ra lệnh sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 bắt đầu tấn công từ 4 hướng. Trung đoàn 198 đặc công đánh chiếm sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế với sự hỗ trợ của các hỏa tiễn tầm ngắn DKB và H-12.

-Hướng Tây-Nam, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 174 có một Đại đội xe tăng yểm trợ đánh chiếm các cứ điểm Chi Lăng, Chư Di.

-Hướng Tây Bắc, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 148 có một Đại đội xe tăng yểm trợ đánh vào Sở chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc, dùng một Tiểu đoàn tấn công chiếm ấp Châu Sơn.

-Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 95B tấn công vào khu vực Ngã Sáu.

-Hướng Đông Nam, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 149 tấn công Chư Pông và điểm cao 491, đánh thẳng vào trung tâm thị xã.

-Phía Đông, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 10, có một Đại đội xe tăng đi cùng, cùng Tiểu đoàn 149 ( Sư đoàn 316) cùng đánh chiếm sân bay Hòa Bình, phối hợp với cánh quân từ đông bắc, tây nam khép lại.

-Tôi ra lệnh cho Trung đoàn 2 (Sư đoàn 10) đánh chiếm cứ điểm Phước An.

-Tất cả các hướng, tất cả cán bộ chiến sĩ các đơn vị phải tuyệt đối hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí còn ý kiến gì không?

Tất cả đồng thanh đáp:

-Xin tuân lệnh đồng chí Trung tướng Tư lệnh.

Trung tướng Hoàng Minh Thảo gọi cho Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng:

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây, tôi ra lệnh cho Lữ đoàn đồng chí 2 giờ sáng ngày 10-3-1975 tấn công vào thị xã Buôn Mê Thuột từ hướng tây. Các đồng chí đang tập kết ở đâu rồi.

-Chúng tôi cách thị xã Buôn Mê Thuột 20 km.

-Tốt, các đồng chí cho xe húc đổ cây mà vào. Cây rừng đã được bộ đội Trường Sơn cưa 2/3 thân cây rồi.

-Tuân lệnh đồng chí Trung tướng.

  2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 cuộc tấn công của Quân giải phóng vào Buôn Mê Thuột bắt đầu, bốn phương trời pháo các cỡ nổ vang như sấm, hàng nghìn viên đạn lửa đỏ lừ bay vào các vị trí của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hỏa tiễn tầm ngắn DKB và H-12 giáng xuống gây kinh hoàng cho quân của Tướng Phú. Đến 3 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 198 đã vào đường Phan Chu Trinh và đánh chiếm phía nam của sân bay Hòa Bình, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 198) đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế. Hỏa lực  của   DKB, H-12 và tất cả các pháo của xe tăng tiếp tục dội lửa xuống các mục tiêu trong thị xã, gây sát thương và kinh hoàng cho lính giặc. Không gian thị xã chìm ngập trong khói lửa sấm sét. Đạn đã bay vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23, sở chỉ huy Tiểu khu, Trung tâm thông tin, doanh trại thiết giáp, khống chế hỏa lực của đối phương. Trong khi đó cả khu rừng bao quanh thị xã rùng rùng chuyển động, từng tốp xe tăng húc đổ những thân cây cưa sẵn, con đường lộ ra và xe tăng ùn ùn vào thành phố. Lúc 5 giờ sáng, từ các hướng đông bắc, tây bắc, tây nam, các Đại đội xe tăng đi đầu, bật đèn pha sáng trưng lóa mắt, bộ binh Quân giải phóng đi sau có pháo binh yểm trợ xông thẳng vào trung tâm thị xã. Đại tá thiết giáp ngụy Nguyễn Trọng Luật quá kinh hãi hoang mang vì tận mắt thấy xe tăng Quân giải phóng trên đường phố và ở ngã sáu. Nguyễn Trọng Luật gọi cho Vũ Thế Quang:

-A lô, Cộng quân đưa xe tăng vào Tây Nguyên khi nào mà chúng đang tham chiến tiến vào thị xã Buôn Mê Thuột.

Vũ Thế Quang kinh hãi:

-Thật vậy sao?

Vũ Thế Quang mất bình tĩnh thất thần gọi cho Tướng Phú:

-A lô, xe tăng Cộng quân đã vào thị xã Buôn Mê Thuột.

Tướng Phú cũng vô cùng kinh ngạc gọi điện cho Thiệu:

-A lô, trình Tổng thống, xe tăng Cộng quân đã vào thị xã Buôn Mê Thuột.

Nguyễn Văn Thiệu cũng kinh ngạc không kém Tướng Phú:

-Có đúng vậy không?

-Trình Tổng thống, hoàn toàn đúng.

Tổng thống Thiệu tức giận Đại tá Lê Văn Lương, Trưởng phòng tình báo Bộ Tham mưu:

-A lô, hệ thống tình báo các anh làm ăn kiểu gì vậy, báo là Cộng quân đánh bắc Tây Nguyên, bây giờ họ tấn công nam Tây Nguyên, thị xã Buôn Mê Thuột sắp mất. Bảo xe tăng Cộng quân không vào được Tây Nguyên, bây giờ chúng đang đánh phá thị xã Buôn Mê Thuột. Các anh muốn ra tòa án binh không?

Đại tá Lê Văn Lương nói nhỏ run run:

-Dạ, xin lỗi Tổng thống.

(Còn nữa)

CVL