Xuân nói chuyện xuân: Bài thơ đánh đu

Một lần hành quân xuống miền Đông, suốt ngày dài những tre là tre. Thấy mấy ngọn tre cao vút có anh buột miệng, làm cái đu chơi xuân thì tuyệt.
danh-du-1643859925.png

 

Vâng, mùa xuân nói chuyện xuân. Xin bàn về một trong những trò chơi xuân, đánh đu. Một thú chơi tuyệt vời khi có cả trai và gái. Bài thơ đẹp tả chẳng sai cái thú chơi ấy, và còn hơn thế, khó quên do cái nghĩa thứ hai, đầy hứng thú, ỡm ờ.

Tương truyền, Đánh đu là một bài thơ điển hình cho phong cách của Xuân Hương Hồ Thị Mai, được thi nhân đời sau Xuân Diệu tôn lên thành Bà chúa thơ Nôm. Tài tình ở chỗ bài thơ tả được cả cái mùa xuân lẫn cái xuân tình. Tả trai gái đánh đu thực đến từng chi tiết. Mà vẫn câu chữ ấy lại là đặc tả trai gái mây mưa. Văn phong ấy, câu chữ ấy rõ ràng đặc sản của Xuân Hương rồi.

Song đâu ít phản bác. Chẳng hạn, có ý cho rằng bài thơ hẳn của nam nhân. Đàn bà sao dám tả khom khom cật với lại ngửa ngửa lòng. Chả hạn thế. Tranh cãi mãi không thôi, ai cũng có cái lí của mình. Đã có nhiều bàn luận, phân tích về cái sự dí dỏm, bỡn đùa đầy chất xuân của bài thơ. Chỉ xin đi sâu vào vấn đề, đó là bài thơ của Bà chúa thơ Nôm hay của ai đó khác.

Số là trong tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập có từ thời Lê Thánh Tông ba thế kỉ trước đó cũng có một bài thơ Đánh đu. Hai bài gần như y hệt. Chỉ khác đó là thơ sáu chữ, một biến thể từ đồng dao tam tự, thể thơ nôm phổ biến bấy giờ. Câu chữ dường như chỉ đôi chỗ không đồng nhất. Thí dụ, hành động xem nhìn trong Hồng Đức dùng chữ ngong, một biểu đạt cổ. Còn trong thơ cho là của Xuân Hương dùng chữ trông, như cách nói bây giờ.

Như thế, Đánh đu của người sau rõ ràng là một kế thừa. Chỉ thêm đôi chữ, bổ túc. Cũng đủ biến bài thơ có phần dung dị thoắt đã đầy hóm hỉnh. Chẳng hạn, hai câu trong Hồng Đức:

Trai du gối khom khom cật

Gái uốn lưng ngửa ngửa lòng

Đến phiên bản thất ngôn, chỉ thêm đôi chữ bỗng thành:

Trai co gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Chẳng hạn, cái gối chỉ đầu gối là kể, song gối hạc đã gợi lắm. Cũng vậy, lưng chỉ là kể cái lưng, song lưng ong ám chỉ cái con gái đẹp mới có. Thêm một chữ câu thơ bất giác thành sống động.

Có điều, đến nay vẫn tranh cãi người đời sau ấy đích thực là ai. Vẫn biết, trên đời mỗi người mỗi tạng, hồ dễ có thể sao chép khẩu khí, văn phong, dễ đâu ngụy tạo cả bài. Tưởng như một bài thơ mới. Mỗi câu chỉ thêm một chữ, cả bài chỉ chữa đôi từ. Thế mà bài thơ xưa đã trở nên khác hẳn, như qua điểm nhãn hóa rồng. Vả chăng cái tục tục thanh thanh ấy, ngoài Xuân Hương hồ dễ mấy ai. Thế nên, phần nhiều vẫn cho rằng, chỉnh thơ như thế chỉ có thể là Bà chúa thơ Nôm.

Dưới đây xin giới thiệu lại cả hai bài Đánh đu.

Bản thời Hồng Đức

Bốn cột khen ai khéo trồng

Người lên đánh kẻ ngồi ngong

Trai du gối khom khom cật

Gái uốn lưng ngửa ngửa long

Bốn ảnh quần bay phấp phới

Hai hàng chân duỗi song song

Chơi xuân biết xuân chăng tá

Cọc nhổ rồi lỗ bỏ không

Bản tương truyền của Hồ Xuân Hương

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng

Người thì lên đánh kẻ ngồi ngong

Trai co gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa long

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song

Chơi xuân đã biết xuân chăng tá

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

 

Trái Tim Người Lính