Xuân nói chuyện xuân:  Chuyện tình Xuân Hương và bài thơ viếng tổng cóc

Trong rừng Trường Sơn, lính có nhời, cóc nhái ễnh ương vào mồm được tất. Đến như nòng nọc cũng vớt xơi. Dân Hòa Bình ăn thế mãi còn gì. Nhất là mùa xuân, nòng nọc được cả tạ. Còn bảo nữ sĩ Xuân Hương có bài về con cóc đấy. Hay phết.

Bạn Liên Đỉnh (Những người bạn yêu Hà Nội) cho rằng nói đến thơ Xuân Hương không thể không nhắc Khóc Tổng Cóc, dù không được xếp vào những bài thơ hay nhất của nữ sĩ. Một trong những điểm khiến bài thơ dễ đi vào lòng người, nhất là lớp trẻ, bởi trong đó có “cả lò nhà cóc” như trẻ vẫn nói. Thậm chí được coi là còn ấn tượng hơn cả bài Rắn đầu, cũng có dấu ấn của nhà thơ. Chỉ tiếc, đây nào phải chuyện vui, đúng ra, một chuyện đắng lòng.

chuyen-xuan-1643937890.jpg

Như đã kể trong Lai lịch một câu đố xuân, sau khi giải câu đối của nữ sĩ Tổng Kình đã đưa được Xuân Hương về dinh. Tổng Kình là gọi tắt, do chàng có tên thường gọi Nguyễn Bình Kình, từng làm phó tổng. Lai lịch chàng không nhỏ, con cháu ông nghè làng Gáp Nguyễn Quang Thành. Trong mắt dân Tứ Xã, chàng là người hào hoa phong nhã, văn võ toàn tài, là ước mơ của mọi cô gái trong cả tổng.

Nhưng từ lâu chàng đem lòng ngưỡng mộ một người con gái kinh kì, đã đẹp giỏi, lại thông minh. Chàng quen Xuân Hương dịp cùng Tú Điếc và Nho Trâm tới Thăng Long thi hương. Nghe đồn, chàng chính là người gợi ý mời cụ Đồ Xứ lên Xuân Dương, gần quê chàng dạy học. Sau khi lấy nhau, biết nàng từng sống ở Tây Hồ, chàng đã làm cho nàng một cái chòi to, gọi là thủy đình, giữa sao sen rộng. Còn làm một cây cầu, để nàng tiện dạy học và tiếp bạn, cùng khách thơ vọng nguyệt, bình thơ. Nghe bảo trong số bạn thơ có ông phủ Vĩnh Tường, sau đã cùng nàng.

chuyen-xuan1-1643937890.jpg
 

Chàng đưa nàng du ngoạn khắp đó đây. Nhiều bài ngâm vịnh nổi tiếng của Xuân Hương đã ra đời trong bối cảnh như thế. Mà đâu cứ phải du ngoạn, những công việc sự vật thường ngày thoắt cũng thành thơ. Mà lạ, từ chuyện ăn chơi như đánh đu, ăn mít, ăn ốc, tới những công việc miệt mài vất vả của riêng các chị các bà như dệt vải, dưới ngòi bút Xuân Hương bỗng đậm sức xuân, tràn phấn hứng. Cười muốn đứt hơi. Có nhẽ vì thế, không ngẫu nhiên khi còn đó mối ngờ, bao nhiêu trong số những bài thơ đầy xuân phơi phới của nàng đã nảy sinh trong đoạn đời này. Đoạn đời đẹp như tên nàng, đầy sức trẻ, yêu và được yêu.

Thơ mới ra trẻ già làng Gáp đã thuộc lòng, thích thú. Chính còn bởi cái hóm hỉnh, đa nghĩa, đủ ỡm ờ. Dân Tứ Xã vốn phóng khoáng ham vui. Trong vùng, đến cả trẻ con, ai chẳng dắt lưng dăm chuyện, thanh đấy mà tục đấy. Chỉ để cười. Nên nhớ, Tứ Xã vốn là nơi còn lưu giữ Linh tinh tình phộc, một lễ hội mùa xuân, mùa của sinh sôi nảy nở. Để cầu mùa màng bội thu, con cái đầy đàn. Trong có trò tháo khoán, lửa đèn tắt hết, gái trai thả sức cùng nhau. Ai chửa còn được làng thưởng vải vóc lụa là, vì là minh chứng cho lễ cầu ứng nghiệm. Trên vùng đất hồn nhiên yêu đời như thế, làm gì thơ Xuân Hương chẳng dễ truyền tai. Nàng đã trở thành nữ sĩ của vùng.

Nhưng cuộc đời nào chỉ có mùa xuân. Và nếu toàn xuân sao thi phả Xuân Hương còn để lại hình ảnh khác, trái ngược. Một người đàn bà bản lĩnh, đầy đắng cay, gai góc. Sau mới thấm, cái ấm êm của nàng khi ấy đổi bằng khổ đau của những người đàn bà khác. Hai bà  hai bà vợ đầu của chàng ứa gan, tìm mưu hãm hại. Họ bày kế trải lá sen dưới chiếu Xuân Hương nằm, bảo, là người thường tất lá sen nhàu nhĩ. Do cựa lắm lúc giấc nồng.

Song điều đó nào đúng với con người ý tứ, nhẹ nhàng từ lời nói như nàng. Rồi chuyện Xuân Hương lắm bạn, toàn đàn ông. Hai bà xúc xiểm thêm, gây lục đục với chồng. Họ còn nhỏ to đưa chuyện, khiến khắp làng bàn tán. Bất lực, chàng bỏ nhà đi, hàng tháng. Khi về, nàng đã theo người khác. Một bạn thơ, ông Phủ Vĩnh Tường.

Khi Tổng Kình hiểu ra thì đã muộn. Nghe kể, Xuân Hương có kiệu hoa đón rước. Người làng trân trọng, hiểu việc nàng ra đi là sự hi sinh. Thế Tổng Kình mới êm ấm cửa nhà. Nàng để lại bài thơ, khóc cuộc tình. Trẻ lại đem tán phát. Vì ngộ nghĩnh. Trong thơ lôi ra cả họ nhà cóc, từ nòng nọc, nhái bén, chẫu chàng, đến cái bôi vôi, tích chuyện ai chẳng biết.

chuyen-xuan2-1643937890.jpg
Ba hình ảnh trên tác giả sưu tầm mạng về hình ảnh Thầy đồ cóc, tranh Đông Hồ; hứng dừa, tình yêu trai gái, tranh Đông Hồ; Đánh ghen, tranh Đông Hồ

Tổng Kình từ đấy được gọi là Tổng Cóc. Cũng nhờ bài thơ, Tổng Cóc thành nổi danh. Nhưng do đa nghĩa, người ngoài nghĩ Tổng Cóc xấu xa. Đâu hay, Cóc vốn tên cha mẹ đặt, cho dễ nuôi. Cũng để nói cái gan cóc tía. Đến giờ, vẫn nghe kể nhiều chuyện can trường ấy quanh làng Gáp quê chàng.

Với nàng, cuộc tình mới nào êm. Vẫn làm lẽ. Đến nỗi buột miệng, chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Lại quá ngắn ngủi, đếm ngón tay, chỉ hăm bảy tháng. Phát khóc, trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi. Rồi Xuân Hương về lại Tây Hồ. Từ chốn này nàng đi đây đó, ngắm danh lam thắng cảnh, gặp gỡ khách văn chương, không ít người nổi tiếng.

Trong số có chàng Chiêu Hổ, với những xướng họa thơ Nôm mạnh bạo, vừa thân tình. Một thi nhân khác, cùng nàng phiêu lãng tới tận vùng đất nay nằm dưới đáy vịnh Hạ Long, để lại trong Xuân Hương những vần thơ chữ Hán. Đó là chàng Chiêu Bảy, hay Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Có điều, đâu như nàng không cùng ai nữa. Vì nhẽ gì, nào đã ai tìm hiểu ngọn nguồn.

Dưới đây là bài thơ Khóc Tổng Cóc (Khấp phu cai tổng Cóc), bản Xuân Hương thi vịnh:

Chàng cóc ôi chàng cóc ôi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

Theo Trái tim người lính