Xuân về với lễ rước kiệu làng Hoành Nha

Trời chưa sáng hẳn mà tiếng trống đã thúc liên hồi, kỳ trận như giục giã cả làng mau đi lễ hội. Bên nhà bác cả, mọi người hối thúc nhau thu xếp mọi việc để đi cho sớm.
272207566-1589813778022680-6285964679960140034-n-1642992522.jpg

Quế lần đầu tiên được về quê chồng, lại đúng năm làng rước kiệu nên háo hức lắm. Cô ăn ào bát cơm rồi vội thay quần áo, trang điểm nhẹ. Nhớ lời mẹ chồng dặn, cô đã chuẩn bị một xấp tiền lẻ mới cứng đưa đi. Hai đứa em con nhà cậu, nhà dì ở trong đội rước kiệu nên đã đi ra chùa từ lâu rồi.

Cô theo các anh chị con bác cả ra chùa chính. Vừa qua khỏi cầu, đã gặp dòng người nghìn nghịt kéo về làm tắc đường. Cả làng đều đi bộ. Người già, trẻ nhỏ mặt mũi ai cũng tươi như hoa. Tiếng cười, tiếng nói hòa lẫn tiếng trống, phèng la tạo thành một âm thanh sống động. Đã rằm tháng giêng nên tiết trời ấm áp, chỉ cần mặc áo khoác nhẹ là đủ. Ra tới đường chính, gặp ngay kiệu Mẫu. Những người phụ nữ ngày thường lam lũ mà nay mặc áo dài các màu, đầu đội mấn, trang điểm vào nhìn thật lung linh. Kiệu được trạm trổ đầu rồng tinh xảo, trên có ngai được buông rèm che kín, lúc gió thổi, Quế thấy có tượng Mẫu ngồi trong. Dưới kiệu có chăng một cái võng điều. Thấy mọi người hò nhau luồn qua kiệu và thả tiền lẻ vào võng, Quế cũng bắt chước theo chứ chưa hiểu gì cả. Đoàn rước kiệu cứ chen vai, thích cánh nhau đi trong hớn hở. Nhiều kiệu lắm, phải đến hơn chục kiệu. Người rước kiệu ăn mặc theo kiểu quan quân ngày xưa nhưng màu đỏ và thắt lưng vàng, xanh. Mải mê xem, Quế bước theo dòng người với niềm háo hức. Tiếng hát văn từ loa cứ rộn rã như mời chào. Chẳng nhìn thấy khuôn mặt nào quen cả nhưng Quế cứ đi theo đoàn rước kiệu. Cả đi, cô vừa hỏi chuyện mọi người xung quanh để biết sự tích lễ rước kiệu này. Chắp nối các lời kể lại, Quế cũng hiểu đôi chút. Vào thời vua Lê Nhân Tông, có ba anh em họ Nguyễn về vùng này quai đê, lấn biển, dần dần lập lên làng xã. Khi con cháu đông đúc dần lên, ba anh em chia nhau về ba thôn: Thuợng, Chính và Trung. Sau này, khi các ông mất đi, để tưởng nhớ tới người đã khai khẩn ra vùng đất này, dân đã lập đền thờ tôn các ông là Thành Hoàng làng. Theo thông lệ, vào các năm chẵn, làng sẽ tổ chức lễ rước kiệu từ đền Thượng, đền Trung về đền Chính. Con cháu các làng quanh năm đi làm ăn xa nhưng bao giờ cũng háo hức về trước tết cả tháng để chuẩn bị cho lễ rước kiệu. Những người được rước kiệu phải được tuyển chọn từ những gia đình không có tì vết, trong năm không có khăn tang và gia đình hiếu thuận. Đang đi, bỗng Quế thấy tiếng reo hò nổi lên, rồi kiệu xoay tròn, lúc tiến lên, khi lùi xuống, đoàn người xúm xít bên kiệu reo vang:

Kiệu nhờn! Kiệu nhờn!

Đó là khi các Thánh nhập về vui đùa đấy! Kiệu nặng vậy mà cứ lướt trên không nhẹ như lông hồng. Một bác trong đoàn rước kiệu Mẫu nhờ Quế khiêng kiệu hộ. Quế cười:

Em là khách thập phương đi xem hội chị ơi! Vả lại, em không mặc trang phục như các chị.

Không sao! Em cứ hộ chị đi.

Quế vui vẻ ghé vai vào kiệu. Ơ! Hay nhỉ! Không nghĩ là mình lại có duyên được rước kiệu Mẫu nhé! Quế cũng chẳng biết đoàn rước đi tới đâu. Chỉ biết rất lạ, ở quê chồng có nhiều nhà thờ họ, chi họ... nên mỗi khi kiệu qua một nhà thờ thì đều thấy hương án bày trước cổng và chủ nhà đều đưa lễ lộc ra trút vào lõng. Các gia đình hai bên đường cũng bày hương án trước cửa và dâng lên các Thánh rất nhiều lễ. Tiền ở lõng đầy được một người đi sau trút vào túi to.

Đám rước cứ đi, đi mãi và chiều mới về tới chùa Chính. Sân chùa ngày thường rộng mênh mông mà nay chật cứng bởi hơn chục cái kiệu và hàng ngàn người dự lễ. Tiếng hát chầu văn réo rắt, tiếng trống dồn giục giã, tiếng cười, tiếng nói xôn xao. Mặt người hớn hở như hoa. Màn trình diễn kiệu bay như múa võ. Tiếng kiệu cài vào nhau chan chát. Ấy là lúc ba anh em tạm biệt nhau để về nhà đấy. Các cụ lấy khăn chậm nước mắt vì cảm động trong khi lớp trẻ reo hò vì được xem màn múa kiệu đẹp. Rồi cuộc vui cũng đến hồi tàn. Tối mịt, Quế mới rời đám hội tìm đường về. Ở nhà, mọi người đang lo lắng không biết Quế đi lạc chỗ nào. Thấy cô về, cả nhà mừng rỡ và rất vui khi cô kể chuyện được rước kiệu. Ai cũng bảo cô rất có duyên nên mới được rước kiệu đấy. Nghe vậy, Quế cũng cảm thấy vui vui trong lòng. Cô thầm nhủ: khi có dịp, cô sẽ rủ chồng đưa các con về quê đi xem hội.

 

Theo Chuyện Làng quê