Xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 294 hộ dân với 1.400 nhân khẩu, trong đó người Dao đỏ chiếm trên 61%. Sinh sống trên bình nguyên và có sự xen kẽ với các dân tộc khác, nhưng những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao đỏ nơi đây vẫn được giữ gìn, bảo tồn.
Dân tộc Dao đỏ ở Lục Yên
Tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, dân tộc Dao có khoảng 16.216 người, dân số đông thứ ba trong 18 dân tộc trong huyện (đứng sau dân tộc Kinh và Tày). Người Dao Lục Yên được chia làm hai nhóm: Dao Quần trắng và Dao đỏ chiếm đa số; cư trú sinh sống tập trung ở hai khu vực khác nhau.
Nếu người Dao đỏ sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc thì người Dao Quần trắng lại chủ yếu hai bên bờ sông Chảy thuộc phía Nam của huyện Lục Yên. Họ sống tập trung đông nhất ở các xã như: Tân Phượng, Khai Trung, Phúc Lợi, Tân Lĩnh và Tô Mậu.
Do có nền văn hóa lâu đời và phong phú, người Dao ở Lục Yên nói riêng có các hình thức sinh hoạt ca hát, các loại truyện cổ, những điệu múa dân gian trong dịp tết Nguyên đán và lễ cấp sắc, các loại hoa văn trang trí thêu thùa, kho tàng tri thức dân gian về thời tiết, chữa bệnh,...
Dù sống phân tán, nhưng người Dao rất trân trọng đám cưới nhằm lưu giữ giá trị văn hóa cổ truyền, luôn quan tâm truyền dạy và tạo điều kiện kế thừa, phát huy những đặc trưng văn hóa của mình.
Nét đẹp Văn hoá truyền thống và Độc đáo đám cưới người Dao đỏ
Bởi chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục nên việc bảo tồn những giá trị văn hóa trong đám cưới truyền thống là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú những sinh hoạt văn hóa không chỉ riêng ở vùng cao Lục Yên.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Đám cưới người Dao đỏ trước đây, tức là từ thời xa xưa thì vui nhất là đêm trước lễ cưới khi ở nhà trai các chàng trai và cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, tay nắm tay nhau bước lên sàn diễn hát Páo Dung. Các cô gái e thẹn, ánh mắt lúng liếng ngồi cạnh nhau, đằng sau là các chàng trai với những nụ cười rạng rỡ, sẵn sàng nhập cuộc. Bên gái cử một đại diện hát khúc dạo đầu”.
“Càng về khuya lời Páo Dung càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn lên để được hát Páo Dung, người già như thấy mình trẻ lại, thần rừng, thần cây nghe nuốt lấy từng câu, cất vào lòng để rồi mai này nếu người Dao có quên hát Páo Dung thần sẽ nhắc lại. Bây giờ cuộc sống hiện đại hơn nên hát Páo Dung trong đám cưới của người Dao đỏ cũng bị mai một dần.” Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy cho biết thêm.
Kết thúc đêm giao duyên của lứa đôi, sáng hôm sau, nhà trai cùng đoàn nhạc lễ với nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm chọe sang tới nhà gái xin đón dâu.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Đám cưới người Dao đỏ ở các xã của huyện Lục Yên đều giống nhau. Trang phục của cô dâu thì gồm có: một quần thêu, áo thêu, cái váy và phải có bộ quần áo của cô dâu, đặc biệt người Dao đỏ phải có cái sừng, lấy một miếng vải thêu hoa đẹp, xong uốn một cái khung để làm cái sừng, ngày xưa gọi là mán sừng. Lễ vật cưới của người Dao đỏ bao gồm lợn, gà, gạo, các loại thức ăn như thịt trâu, thịt bò, thời buổi bây giờ thì có thêm tôm, rượu”.
“So với các dân tộc khác, thì đám cưới người Dao đỏ có khác hơn, theo đúng tục lệ của ngày xưa, đi ăn hỏi phải có bốn lần thì mới được đón dâu. Lần thứ nhất là bố mẹ bên nhà trai phải đến bên nhà gái, để hỏi ngày tháng năm sinh. Lần thứ nhất đến, chỉ hỏi mỗi ngày, tháng, năm sinh và hỏi gia đình có đồng ý gả con gái không?. Lần thứ hai thì nhà trai đến nhà gái, mang theo một đôi vòng tai và phải có lễ vật, chén rượu. Còn đôi vòng tai thì đưa cho mẹ người con gái, rồi người mẹ phải trực tiếp đưa cho con gái, khi nhìn thấy con gái đó nhận đôi vòng tai đấy thì tức là nó đồng ý rồi và cũng nhắc lại chuyện cũ, là gia đình có đồng ý gả con gái cho mình không?. Lần thứ ba, mang một đôi gà với một lít rượu, người ta gọi là lễ đi ăn hỏi, gọi là cái dự định, mình đến đun nước, mổ gà, thấy bên nhà gái đồng ý cho mình đun nước, mổ gà thì có nghĩa là được sự nhất trí rồi và lần nào đến, nhà trai cũng phải ăn cơm ở nhà gái. Lần thứ tư, nhà trai đến xin ý kiến và đưa lễ cho nhà gái. Trong lễ phải có một con lợn, to hay bé tuỳ gia đình nhà trai, sáu đến mười con gà trống thiến, 20 lít rượu, tương đối hoàn chỉnh rồi, thì nhà gái chuẩn bị một bộ quần áo của cô dâu để khoảng vài tháng, nếu có điều kiện thì để năm hoặc sáu tháng, không có điều kiện người ta để hai hoặc ba tháng cho con gái có thời gian chuẩn bị quần áo xong thì bên nhà trai còn một lần nữa đến xin ngày cưới. Xin ngày cưới nhà gái đồng ý rồi, thì nhà trai bắt đầu về nhà chuẩn bị đến đón dâu, khi đón dâu phải có anh em, họ hàng bên nhà gái có trách nhiệm đưa đến nhà trai. Số anh em đưa dâu, chủ yếu là anh em ruột nhà mình, anh em nội ngoại họ nhà mình và họ nhà gái có trách nhiệm đưa dâu đến và có một người chủ yếu là chị cả hoặc là anh cả, gọi là ông đưa, bà đưa, đưa dâu đến cách nhà độ 100m, bên nhà trai thổi kèn, đánh trống để rước dâu”. Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết thêm.
Tùy theo phong tục của mỗi vùng Dao đỏ mà lễ ăn hỏi cũng có sự khác biệt. Với người Dao đỏ ở Lục Yên từ ngày xa xưa kể lại thì nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái, số tiền thách cưới có thể là 20 hoặc 30 đồng bạc hoa xòe. Số bạc này được nhà gái chuẩn bị quần áo, tư trang đưa cô dâu về nhà chồng.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Ngày xưa thủ tục người Dao con gái gả thì tính công, tính theo giá trị con người, con gái nào xinh đẹp, giỏi giang thì tính đắt hơn một tí. Đứa nào vừa chậm chạp và không xinh đẹp thì tính thấp hơn. Bây giờ thủ tục thách cưới bỏ rồi”.
“Lễ bên nhà trai đến định ngày cưới, người ta lấy đồng xu khải định. Nếu mà con gái, bên nhà gái 18 người đưa thì phải có 18 cái xu. Bố mẹ là một đôi, một đôi là người làm trưởng đoàn lễ của dòng họ mình. Tổng số có 18 người đưa, ngày trước là thế, còn bây giờ là có lễ thôi. Đám cưới bây giờ thì một đám hai mươi, ba mươi, thậm chí đến năm mươi người đưa cũng có và khác xưa nhiều rồi”. Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết thêm.
Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng một năm, để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới. Đám cưới của người Dao được tổ chức bên nhà trai. Nhà gái sẽ báo nhà trai số khách đến dự cưới để nhà trai chuẩn bị tiếp đón. Sau khi ăn uống, đoàn đưa dâu đứng trước bàn thờ tổ tiên, hai ông quan lang hai bên thưa với tổ tiên việc cưới xin của gia đình và xin phép được đưa dâu sang nhà trai.
Đoàn nhà trai chọn giờ lành để đón dâu, đoàn nhà gái (gọi là Sình Cha) sẽ mang theo một chiếc hòm gỗ đựng đồ của cô dâu và chăn, gối, đệm là những tặng phẩm của người thân cô dâu để đi đến nhà trai (điều độc đáo nhất trong lễ cưới của người Dao đỏ là nhà trai không đến đón mà những người đại diện họ nhà gái sẽ đưa cô dâu đến tận nhà chú rể).
Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường để đội mũ và trùm một chiếc khăn lớn được thêu rất cầu kỳ, tỉ mỉ, sau đó người phù dâu phải che mặt cho cô dâu.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Theo tục lệ ngày xưa, đúng lễ nhà trai không phải đi đón dâu, bên nhà gái khắc có trách nhiệm, tìm người làm trưởng đoàn để đưa dâu đến nhà trai, đưa đến cách tầm 100m thì người bên nhà trai mới thổi kèn, đánh trống để đến rước”.
“Cô dâu đi đến nhà trai cách 100m thì phải đội mũ sừng vào. Ngày xưa không phải như bây giờ, con gái sợ xấu hổ, không có cách nào nên phải làm cái sừng đấy, để che hết mặt đi. Sừng thêu bằng hoa, làm tua tua để che hết mặt đi, dùng một lớp vải đỏ nữa để che đi, để người ngoài không nhìn thấy mặt cô dâu tí nào?”. Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy – chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết thêm.
Theo phong tục, không để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên.
Nhà trai đợi giờ tốt cử một đoàn kèn Phằn tỵ, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Tại khu vực cổng, gần nhà trai sẽ dựng một chiếc lán, tại đây nhà gái và nhà trai làm lễ đón nhận dâu, bố mẹ cô dâu sẽ khoác miếng vải đỏ lên vai và cài cành hoa bằng bạc lên mũ cưới của cô dâu.
Sau khi nghi lễ kết thúc cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức mới được vào nhà, sau đó thầy cúng báo với tổ tiên nhà trai, lúc này cô dâu đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình.
Không khí đám cưới cũng được chào mừng trên khắp bản làng với những bài ca chào bản, chào mừng đám cưới vui vẻ. Trước khi ra cửa đón dâu, đội nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới trong khi đi vòng ba lần trong nhà rồi ra ngoài đón đoàn Sình Cha nhà gái. Người thổi kèn đôi bên thổi bài chào đón khách và đưa cô dâu cùng đoàn Sình Cha vào nhà.
Ngoài các lễ hội, ngày Tết thì đám cưới cũng là dịp để phụ nữ Dao đỏ ở Khai Trung diện trang phục truyền thống. Trang phục của họ thường có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật với màu đỏ trên nền vải đen.
Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái.
Đám cưới truyền thống của người Dao đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, về đạo lý "uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên, với văn hóa dân tộc được đúc kết bao đời nay.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường Trưởng khoa Văn hoá - Dân tộc TS - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, “Đám cưới truyền thống của người Dao đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, về đạo lý "uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên, với văn hóa dân tộc được đúc kết bao đời nay, được thể hiện qua việc trang trí, các bước diễn ra trong đám cưới như: Những tấm vải đỏ được treo ngay phía trên cửa chính của ngôi nhà với mong muốn trừ tà ma, bảo vệ đám cưới được diễn ra may mắn, an toàn, suôn sẻ.
Từ sáng sớm, gia đình nhà trai đã làm hai mâm cơm cúng tổ tiên, thổ địa, thần làng. Những câu đối chúc phúc, được họ hàng, người thân của nhà trai chuẩn bị với nội dung cầu mong cho cô dâu, chủ rể được hạnh phúc, sum vầy. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.
Trong ngày cưới trang phục của phụ nữ Dao đỏ thường có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen. Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm khăn, mũ trùm kín đầu có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo.
Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo. Đoàn nhà gái khi đến gần nhà trai sẽ nghỉ ngơi để cô dâu chỉnh trang lại trang phục truyền thống và đợi giờ đẹp mới vào nhà trai.
Lễ bái đường là phần quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao đỏ. Theo phong tục, chú rể sẽ đứng bên trái, cô dâu đứng bên phải, mặt hướng lên bàn thờ, cạnh đó là cụ ông, cụ bà và các bậc bề trên trong nội tộc của gia đình cô dâu, chú rể.
Nghi lễ này mang ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu khôn lớn rồi kết thành phu thê. Khi lễ bái đường được thực hiện xong, cô dâu và chú rể mới được tháo khăn, mũ ra để lộ mặt trước họ hàng hai bên và khách mời.
Người Dao đỏ Yên Bái có tục ở rể rất riêng
Người Dao Đỏ Yên Bái quan niệm ở rể là điều may mắn, là phúc lớn của gia đình khi đón được chàng trai về ở rể là thành viên chính của gia đình. Vì vậy, sau khi đôi bạn trẻ đã tìm hiểu nhau kỹ và thông báo cho hai bên gia đình, thì nhà gái chuẩn bị tiến hành lễ hỏi. Trước khi tổ chức lễ hỏi chính thức gia đình nhà gái gửi lời đến nhà trai với ngụ ý đến chơi, xin ý kiến gia đình nếu được sự đồng ý của gia đình nhà trai thì phía nhà gái sẽ chuẩn bị đôi gà làm lễ hỏi chính thức. Sau khi phía nhà trai đồng ý, ông mai, bà mối có trách nhiệm thông báo cho gia đình nhà gái. Trong khoảng thời gian vài tháng hoặc có thể một năm, khi nhà gái đã chọn được ngày đẹp, cũng như chuẩn bị xong mọi thứ cần thiết thì báo phía nhà trai thời gian tổ chức lễ cưới.
Người Dao đỏ không có phong tục đi đón rể, mà phía nhà trai tự bố trí số lượng người đưa chàng trai về nhà gái cho hợp lý. Sau khi chàng trai và đoàn người đưa chú rể đến cổng làng, thì phía nhà gái mới cử một đoàn khoảng 10 người đón đoàn chú rể về gia đình. Khi bước vào nhà gái, gia đình cử một chàng trai chưa vợ, cầm tay chú rể bước vào nhà cùng cô dâu tiến về phía bàn thờ để báo cáo tổ tiên cho nhập thành viên mới. Thầy cúng sau khi báo cáo tổ tiên, tay cầm hai chén rượu vắt chéo ngang trước mặt, bước chéo ba bước hình chữ x tiến gần phía cô dâu, chú rể. Cô dâu uống chén rượu phía tay trái, chú rể uống chén rượu phía tay phải. Hai chén rượu sau khi uống hết được thầy cúng đặt trên bàn thờ tổ tiên 3 ngày. Sau khi báo cáo tổ tiên nhập thành viên mới, cô dâu cùng chú rể chính thức trở thành vợ chồng.
Theo phong tục của đồng bào Dao đỏ, ở rể thường diễn ra khi gia đình nhà vợ neo người, hoặc nhà gái thách cưới mà nhà trai không đáp ứng được các lễ vật thì thường đi ở rể. Chàng rể cũng được gia đình bên vợ tôn trọng như chính con đẻ, chứ không có sự phân biệt. Có 3 hình thức ở rể: Thứ nhất, tùy theo giao ước của đôi bên gia đình và được sự đồng ý của chàng trai thì ở rể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn (gọi là tzấu làng duốn); Thứ 2, ở rể sau khi hai vợ chồng có con thì hai gia đình nội ngoại mỗi bên gia đình một cháu (gọi là tzấu làng y mành guyang); Thứ 3 là ở rể đời tức là chàng trai sẽ ở rể trọn đời và làm lễ cấp sắc lấy theo họ bên vợ (gọi là tzấu làng táng).
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy - chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới chia sẻ, “Phong tục người Dao đỏ có ở rể, thứ nhất là bên nhà gái không có con trai thì nhiều nhà có hai, ba đứa con trai, ngày xưa nghèo chỉ đón một hai cô con dâu thôi, những đứa còn lại không có điều kiện đón dâu đi cưới vợ nữa, nhà gái không có con trai thì cho con trai đi ở rể, ở rể nhà không có con trai. Một là ở rể, sau này sẽ ra. Còn có người thì người ta cũng rộng lượng, thấy bên nhà gái không có con trai thì người ta cũng cho nó ở rể đời luôn. Ngày xưa tục lệ người dao là con gái sinh tháng sáu không được gả đi lấy chồng, phải lấy rể ở nhà thôi”.
Ngày nay tục ở rể của người Dao đỏ Yên Bái tuy không còn phổ biến, nhưng vẫn được bà con gìn giữ để giáo dục con cái phải biết tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, không phân biệt bên chồng hay bên vợ.
Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Nhậy - chứng nhận văn hoá phi vật thể là Nghệ nhân người dao đỏ, chuyên làm về trang phục cưới cho biết, “Tôi có trách nhiệm với người Dao, gìn giữ, bảo tồn văn hoá của mình. Trước đây, có thời kỳ đám cưới rất đơn giản, cũng bỏ đi một số thủ tục. Bây giờ tôi mong muốn như dân tộc khác thôi, cũng vẫn theo nghị quyết bảo tồn lại bản sắc văn hoá của dân tộc mình, không nên bỏ đi, bỏ đi lại mất đi văn hoá, bản sắc của dân tộc mình. Đám cưới một phần người ta cũng đang tái tạo lại”.
Việc gìn giữ đám cưới truyền thống cũng chính là cách người Dao đỏ dạy con cháu về lịch sử, dạy thế hệ sau về tình đoàn kết dân tộc, cùng nhau xây dựng một Phúc Lợi giàu mạnh, cuộc sống gia đình ấm no, bản làng ngày càng hạnh phúc.