Yêu thương của bố

Viết tặng con gái yêu Nguyễn Giang Ngân (giáo viên tiểu học ) đi lấy chồng 20/9 Âm lịch tức 18/10/2019.
yeu-thuong-1648523109.png
Ảnh tác giả lựa chọn

 

Yêu thương của bố !

Thế là ngày mai con về nhà chồng, vui vì con trưởng thành bắt đầu trang mới trong đời, nhưng sao bố thấy có gì như bâng khuâng, thiếu vắng, mi mắt bố cứ cay cay...

Ngày con còn nhỏ, con hay hỏi bố câu: "Bố yêu con nhiều không?". Và bố trả lời con: "Bố yêu con nhiều lắm, nhiều gấp đôi con trai vì theo phong tục con trai sau này được ở với bố cho đến chết, còn con gái chỉ được ở với bố đến khi con theo chồng thôi"...

Bố biết con yêu bố nhiều lắm và chẳng bao giờ con nghĩ sẽ xa bố cả, nhưng đời người luôn có đủ các trang, lần lượt lật đi, dù vui buồn, hạnh phúc hay đau khổ, các trang đời vẫn lật cho tới kết.

Yêu thương của bố !

Bố biết con hạnh phúc vì con được lựa chọn và tin tưởng, bố biết con có một bờ vai vững vàng tin cậy để con bình an, nhưng bố muốn nhắc con, dù con tìm hiểu kỹ bao nhiêu, yêu thương bao nhiêu, thời gian bên người yêu có dài bao nhiêu con cũng không hiểu hết người con cưới.

Ngày mai, con sẽ rời nơi con sống từ lúc ấu thơ để đến với một nơi ở mới. Ở đó có một gia đình yêu thương chờ đón con nhưng cũng có những khác biệt con chưa nghĩ tới, bố mong con biết bỏ đi cái tôi của mình để vun đắp cho nơi con sẽ gắn bó suốt phần đời, con hãy nghĩ câu: "Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục" con nhé, nơi con đến không sinh ra con nhưng là nơi con gái bố gắn bó vĩnh viễn, nó ấm áp hay giá lạnh là do con đó.

Yêu thương của bố !

Cuộc đời chẳng bao giờ dễ dàng bằng phẳng, lúc thuận buồm xuôi gió, khi sóng cả, bão dông làm nản tay chèo, những người con gái thường nghĩ đàn ông là phái mạnh, là trụ cột, không phải thế đâu con, là một người đàn ông, bố nói thật lòng để con biết, đàn ông luôn yếu đuối và mong manh, vì thế họ cần một người phụ nữ đứng sau để họ tựa, họ cần một bếp lửa, một góc ở gọn gàng ấm cúng, họ cần một người biết nấu nướng những bữa cơm từ những đồng tiền lẻ, hạt gạo sót và biết vá thật khéo những tấm áo sờn, cần một người chong đèn đợi họ khi họ mất phương hướng, người ta hay ngộ nhận sự nghiệp của đàn ông và đàn ông thường im lặng không cải chính, tuy vậy trong thâm tâm họ luôn biết họ chẳng làm nên trò trống gì khi họ không có một phụ nữ yêu thương ở đằng sau.

"Giàu vì bạn, sang vì vợ"

Câu ca ấy bố hay nhắc con đừng quên, bố mong con hiểu bất cứ trong hoàn cảnh nào sự yêu thương chia sẻ của người vợ sẽ tốt hơn nhiều sự im lặng hay trách cứ người chồng của mình, muốn xanh tươi thì phải vun đắp, không ai thay được chức năng sẻ chia, tần tảo, vun vén của người phụ nữ.

Yêu thương của bố !

Rồi một ngày nào... con sẽ làm mẹ, mang nặng đẻ đau chưa phải là tất cả, nuôi và dạy một đứa con cần nhiều thứ hơn ăn, uống, mặc...

Có câu "cha sinh không bằng mẹ dưỡng", sự dạy dỗ của mẹ quyết định con cái thành nhân, mẹ hay con mới nên người, con hư tại mẹ, chuyện đời còn ghi, muốn làm một bà mẹ tốt, con hãy luôn soi mình con nhé.

Chẳng mong bước không may, nhưng giả sử có một ngày chồng con lạc bước, con hãy biết gìm lại những ghen tuông để xét mình, hãy tự biết mình kém đẹp, kém yêu ở điều gì mà sửa, hãy giữ bếp nhà con luôn có lửa, đừng vì buồn bực mà chểnh mảng, con sẽ mất tất cả.

Đàn ông đôi khi tỏ ra khó hiểu, cái họ quan tâm có lúc không giống cái con mong, tuy nhiên con cần suy xét thận trọng trước khi lên tiếng, người xưa dạy: "Đàn ông nông nỗi giếng khơi...." con ạ.

Yêu thương của bố !

Một lúc nào đó mệt mỏi, con cứ về với bố, có lẽ khi ấy bố cũng đã già, có phần lẩm cẩm, nhưng bố vẫn là bố của con và con vẫn là đứa con gái bé bỏng thiệt thòi của bố.

Bố còn quá nhiều suy tư nhưng cuộc đời sẽ cho con hiểu dần,hãy nhớ lời bố:

"Bố rất yêu con, nếu có thể chết thay con, bố sẵn sàng nhưng bố không thể sống thay con được"

Hãy đón nhận cuộc sống của con và làm nó hạnh phúc con nhé !

Yêu thương của bố !

Trong lòng bố từng giây phút, những tháng năm cứ luôn cầu mong tổ tiên ông bà phù hộ độ trì cho con luôn khỏe mạnh, luôn gặp may mắn, bố mong con gái yêu của bố luôn luôn hạnh phúc, vạn sự an lành.

Với bố, bây giờ và suốt cuộc đời vẫn không ngoài hai chữ "Thương con".

Chuyện Làng Quê