Tháng 3/2010, Hữu Loan rời xa cõi tạm đến nay hơn một Giáp. Nhà thơ nghề nghiệp “đập đá” để lại cho đời “Màu tím hoa sim”. Màu tím vốn không phải là màu nguyên thuỷ. Được tạo thành từ màu đỏ hay màu hồng cộng với màu xanh. Màu vui cộng với hy vọng lại thành một màu buồn thảm.
- Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
(thơ Hữu Loan - Màu tím hoa sim)
Màu tím bây giờ đối với Hữu Loan xác định đã tím chiều hoang biền biệt. Nói thế nhưng nỗi nhớ vẫn còn đây: nàng yêu hoa sim tím, áo nàng màu tím hoa sim. Vẫn còn những đồi sim dài trong chiều không hết. Tím - tình ơi lệ ứa. Lệ không rơi, chỉ rớm và ứa. Nỗi đau viết như Hữu Loan luôn vò xé tâm can, nỗi đau âm thầm không thể sớt chia, nỗi đau dai dẳng, nỗi đau bất tử. Màu tím do đó cũng bất tử.
- Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim ..
(nhạc Phạm Duy – Áo anh sứt chỉ đường tà).
Bậc thầy “phù thuỷ” âm nhạc Phạm Duy nắm bắt mầu tím làm chủ đạo cho ca khúc phổ thơ Hữu Loan. Người yêu mầu tím, người yêu mầu tím lặp đi lặp lại. Tình yêu màu tím gói ghém trong nỗi nhớ khôn nguôi- đó là cái tình. Nhớ xưa em hiền hoà, áo anh em viền tà - nhớ đây là cái nghĩa vợ chồng. Tình nghĩa gói trọn đầy đủ trong một màu tím thuỷ chung. Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim...Ý tại ngôn ngoại, những đồi sim lặp đi lặp lại cho đến đồi tím hoa sim kết thúc. Hoà âm chứa chan nỗi buồn. Chứa chan nỗi đau ray rứt.
- Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Ôi ngày trở lại
nhìn đồi sim nay vắng người em thơ
ôi đồi sim tím
chạy xa tít tan dần theo bóng tối
Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang
đến ngồi bên mộ nàng
(nhạc Dzũng chinh - Những đồi hoa sim).
Nhạc sĩ Dzũng chinh nắm bắt màu tím ngay từ đầu ca khúc. Màu tím của đồi hoa sim, màu tím của chiều hoang. Màu tím ấy đã mất, đã xa, đã tan trong bóng tối, Dzũng chinh còn trẻ nên không thâm trầm, sâu sắc như con người Phạm Duy dày dạn từng trãi. Bóng tối, chiều hoang, bên mộ, nỗi đau vẫn thế. Nhưng nói về mức độ sử dụng màu tím trong ca khúc Dzũng Chinh chưa triệt để như Phạm Duy, chưa sâu lắng như Phạm Duy. Dĩ nhiên không thể nào đạt ý bằng Hữu Loan. Trong “Màu tím hoa sim” Hữu Loan đã sử dụng bốn chữ màu – tím – hoa - sim đến mức tuyệt bút.
- Ôi chiều buồn hành quân
Qua những đồi sim, những đồi hoa sim
Những đồi sim tím, tím cả chiều hoang biền biệt
Thầm nhớ tay gầy em gái ngày xưa
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa
Nhìn áo rách vai tôi hát trong chiều tím
(nhạc Anh Bằng – Tím cả chiều hoang).
Nhạc sĩ Anh Bằng sướt mướt than khóc ngay từ đầu ca khúc phổ thơ. Ông đem chiều buồn hành quân qua những đồi sim làm căn cớ để lè nhè than khóc. Nhạc sĩ thể hiện cái tôi của mình trong ca khúc quá lớn. Dù sau đó có cố vớt vát bằng cái màu tím chiều hoang biền biệt. Ca khúc dù có bộc lộ chiều hoang, thầm nhớ, tôi hát, chiều tím vẫn không đủ vớt vát “Màu tím hoa sim” của nguyên tác. Tím cả chiều hoang, màu tím rất nhợt nhạt, chẳng được bao nhiêu phần trăm ý thơ.
- Vĩ thanh
Có lẽ trong tất cả những loài hoa, hoa sim không ai bán và không ai mua. Đôi khi số phận còn hẩm hiu hơn cả loài hoa dại. Hữu Loan vừa thực vừa hư. Ông đem “Màu tím hoa sim” vào thơ làm chi cho nó thành bất tử. Hèn gì thơ ấy vận vào cuộc đời!.