3 giờ với Lê Hữu Tỉnh

Phạm Văn Tình

14/04/2023 18:23

Theo dõi trên

Chính xác là 2 giờ 45 phút sáng ngày hôm nay, thứ năm 6-4-2023. Tối hôm qua, qua facebook, TS Lê Hữu Tỉnh có hẹn sang chơi với tôi tại Trung tâm Việt Nam học.

tang-sach-1681471301.jpg
Ảnh tác giả lựa chọn

Dù đã có chút việc, nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Chúng tôi đã từng lỡ một cuộc gặp cách đây không lâu (sau Tết). Thú thực, tôi luôn có niềm vui mỗi khi được gặp Lê Hữu Tỉnh. Cũng bởi anh với tôi có quá nhiều duyên nợ. Cùng là người đứng lớp Đại học, cùng dân văn chương chữ nghĩa; cùng có thâm niên trong nghề xuất bản; cùng gắn bó với nhiều tờ báo với tư cách cộng tác viên (Văn học Tuổi trẻ, Văn Tuổi thơ, Nhi Đồng Chăm học, Gia Đình VN, Trạng Nguyên Tiếng Việt…). Hơn nữa (cái hơn nữa này mới quan trọng): Chúng tôi cùng lớn lên từ những vùng quê, gắn bó với làng quê và có rất nhiều kỉ niệm về làng quê. Vui buồn gian khó đều có cả.

Anh Lê Hữu Tỉnh từng là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nguyên Phó Tổng biên tập NXB Giáo Dục, Tổng biên tập tạp chí Văn học & Tuổi trẻ. Ở cương vị nào anh cũng làm việc nghiêm túc và ở cương vị nào anh cũng chịu khó đọc và viết. Viết báo, viết sách (nhất là sách giáo khoa). Hàng chục cuốn sách, có cuốn đã tái bản hàng chục lần. Hôm nay, anh đến chơi và tặng tôi 2 cuốn sách anh mới viết về quê hương mình: 1) Chuyện làng quê một thuở (NXB Văn học 2021) và 2) Tôi kể chuyện làng (NXB Văn học 2022). Những bài này tôi đã đọc rải rác trên báo và trên FB. Có khoảng gần 60 tản văn viết về làng quê tuổi thơ anh. Bài nào cũng mới mẻ thú vị bởi tư liệu chân thực, viết về nơi anh sinh ra (Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), vừa quen vừa lạ và đặc biệt rất hấp dẫn bởi lối kể chuyện nhẩn nha, giản dị. Chính cái bình dị không tô vẽ, đậm chất văn đã làm nên cái duyên cho phong cách viết Lê Hữu Tỉnh. Tôi đọc và gần như bài nào (về bụi tre, mái rạ, giếng nước, ao làng, vại cà, ao rau muống, vại tương… về chuyện cất vó tôm, úp cá, đi câu, chăn trâu, bện chổi…) cũng đều nhận ra bóng hình mình trong đó. Tất nhiên, quê hương ai cũng giống ai và ai cũng chẳng giống ai. Cái chung và cái riêng hòa quyện. Bây giờ, thật khó mà gặp lại những hình ảnh đó ở làng quê VN. Nó gần như đã mất dần cùng thời gian, cùng xu hướng đô thị hóa. Thế nên đọc lại ta mới thấy quý, thấy trân trọng và vì thế, càng thấy yêu hơn quê hương mình. “Quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những yêu thương nho nhỏ”. Quê hương – một nét văn hóa làng mà ta rất cần gìn giữ.

Chúng tôi nói đủ chuyện: chuyện sách vở, văn chương, bạn bè, công việc… nhưng nhiều nhất vẫn là chuyện đời. Chuyện các thầy, các đồng nghiệp, các sinh viên ở các trường đại học rồi chuyện những bạn bè với những cảnh đời khác nhau. Có những cảnh đời nhắc tới cả hai đều cảm động (suýt khóc). Có những con người mà cuộc đời và sự nghiệp (viết lách) của họ hai anh em cùng “cúi đầu bái phục”. Họ chính là những tấm gương sống động, rất gần gũi mà chúng tôi luôn cảm thấy mình cần phải học hỏi nhiều. “Biết thừa nhận giá trị của người khác cũng là một giá trị”.

Cả hai tranh nhau nói, tranh nhau cười và đến 12h trưa cả hai cùng nhẹ nhàng dùng hai bát phở gà đầu ngõ. Tôi trở về với công việc thường nhật còn Lê Hữu Tỉnh trở về căn hộ của anh trên đường Mễ Trì gần đó. Chúng tôi cảm thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh mới. Để làm gì ư? Bây giờ không phải là để kiếm tiền (Giàu thì đã giàu rồi, sang thì đã sang rồi, tuổi này có muốn giàu và sang cũng không được nữa – ý của Nguyễn Công Hoan) mà để tận hưởng cuộc sống thường nhật với những gì đang diễn ra bình thường và giản dị.

Ngày xưa cơm nắm muối vừng

Quê hương một thuở xin đừng có quên.

Bạn đang đọc bài viết "3 giờ với Lê Hữu Tỉnh" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn