Kỳ 13
SỰ KIỆN THỨ 14: THĂNG LONG – ĐÔNG QUAN THỜI THUỘC MINH (1407 – 1427)
Năm 1368, Trung Quốc cũng đã thay đổi triều đại, nhà Nguyên-Mông bị cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương lãnh đạo lật đổ. Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế lập ra vương triều Minh. Ngày 19-11 năm 1406 nhà Minh cử 20 vạn quân do Trương Phụ chỉ huy tràn vào xâm lược nước ta. Nhà Hồ không thực hiện rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng, lại đem toàn bộ quân đội lên quyết chiến với giặc ở thành Đa Bang (trên sông Cầu). Ngày 19-1-1407, thành Đa Bang dài 700 dặm bị vỡ, 22-1-1407 quân Minh chiếm Đông Đô, Thăng Long ghi thêm vào lịch sử của mình một thảm họa to lớn.
Quân nhà Hồ lui về Thanh Hoá. Quân Minh truy kích. Trong một trận đánh trên bờ sông Liễu Giang (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) để bảo vệ kinh đô An Tôn, quân ta hoàn toàn tan vỡ. Vua tôi nhà Hồ chạy đến Hà Tĩnh thì bị quân Minh bắt, trong đó có Thái Thượng Hoàng Hồ Quí Ly, vua Hồ Hán Thương, Tả Tướng Quốc Hồ Nguyên Trừng và các Đại thần, trong đó có ba cha con nhà Nguyễn Trãi: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Hùng. Trừ Nguyễn Trãi nghe lời cha quay về tìm đường cứu nước, còn tất cả bị đưa sang Trung Quốc và không bao giờ về nữa. Nhà Hồ do Hồ Quí Ly sáng lập 1400, tồn tai 7 năm, trải qua 2 đời vua, trong đó 1 vua là Hồ Hán Thương (1401-1407) sinh ở Thăng Long.
Thất bại của nhà Hồ là do cải cách vương triều này không mang lại quyền lợi gì cho nông dân, nông dân không được lợi gì trong cải cách, lại còn bị quí tộc nhà Hồ cướp đoạt ruộng đất. Nhưng nông dân Việt Nam vốn yêu nước và đầy tinh thần đại nghĩa, khi đất nước lâm nguy họ sẵn sàng bỏ qua mâu thuẫn giai cấp để đi theo giai cấp cầm quyền cứu nước. Nhưng khi chiến tranh nổ ra nhà Hồ không phát động chiến tranh nhân dân, không rút lui chiến lược và phản công chiến lược mà đem quân lên đánh ngay với địch, tạo cho địch phát huy được sức mạnh ban đầu của chúng, tiêu diệt quân ta.
Cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại mang lại hậu quả bi thảm cho dân tộc, sau gần 500 năm độc lập, nước ta lại bị biến thành quận huyện của nhà Minh. Đông Đô bị chúng đổi thành Đông Quan, đất nước bị đổi thành quận Giao Chỉ. Nhân dân Đại Việt và nhân dân Thăng Long rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, sưu cao thuế nặng, binh dịch, lao dịch triền miên. Sự cướp bóc về kinh tế kết hợp với sự đồng hoá cưỡng bức về văn hoá. Chúng cướp đi hoặc thiêu huỷ nhiều sách vở quí giá của ta như Binh thư yếu lược, Đại Việt sử ký…phá huỷ những bia đá. Chúng buộc nhân dân ta phải thay đổi phong tục tập quán, cả cách ăn mặc cùng phải theo phong tục nhà Minh. Văn hoá cả nước và văn hoá Thăng Long bị tàn phá nặng nề. Chuông Qui Điền của Thăng Long bị chúng phá huỷ. Tàn phá, mất mát về văn hoá là không gì có thể bù đắp được. Văn hoá còn là ý thức dân tộc, còn ý thức dân tộc thì còn có cơ may quật khởi giành độc lập dân tộc. Bị đồng hoá, mất văn hoá có nguy cơ bị khuất phục vĩnh viễn. Một nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta vẫn vùng dậy giành được độc lập dân tộc là do ta vẫn giữ dìn được nền văn hoá. Thế kỷ XV sự đồng hoá văn hoá ráo riết của quân Minh đặt dân tộc ta trước họa hiểm nghèo. Tội ác của quân Minh được Nguyễn Trãi viết trong “ Bình Ngô đại cáo”:
Thui dân đen trên lò bạo ngược
Hãm con đỏ dưới hố tai ương
Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khoé
Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm
Đủ điều bại hoại nghĩa nhân, chẳng còn trời đất.
….
Tát cạn nước Đông Hải, không rửa sạch tanh hôi
Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi đầy tội ác.
Thần người đều căm giận
Trời đất chẳng dung tha[1] .
Nhưng với truyền thống anh hùng bất khuất, ý chí độc lập mạnh mẽ, nhân dân ta kiên quyết không khuất phục, kiên quyết không chịu mất nước đã liên tục vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo bùng nổ năm 1418 ở Vùng Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Từ Lam Sơn, năm 1424 nghĩa quân tiến vào giải phóng Nghệ An. Từ Nghệ An phía nam nghĩa quân giải phóng đến Thuận Hoá, phía bắc giải phóng hết Thanh Hoá. Như vậy chỉ một năm nghĩa quân đã làm chủ từ đèo Hải Vân ra Thanh Hoá. Tháng 9 năm 1426, nghĩa quân tiến ra miền Bắc, đưa cuộc chiến tranh giải phóng ra qui mô cả nước. Thế trận của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ khi quân ta tiến vào Nghệ An đã kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh giải phóng. Nghĩa quân đi đến đâu nhân dân nổi dậy khởi nghĩa phá tan chính quyền địch, giành quyền làm chủ, giành ruộng đất. Quân Minh lui vào cố thủ ở các thành Nghệ An, Thanh Hoá, Đông Quan. Ngày 7 tháng 11 năm 1426, Tổng Binh nhà Minh ở Đông Quan đem quân ra khỏi thành phản kích quân ta nhằm xoay chuyển lại chiến cuộc. Quân ta mai phục ở Tốt Động-Chúc Động (nay thuộc Chương Mỹ, Hà Nội) tiêu diệt 6 vạn quân địch, giết chết những tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh như Thượng Thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng, ngay cả Tổng binh Vương Thông cũng bị trọng thương, chạy về thành Đông Quan cố thủ, xin viện binh để tiếp tục chiến tranh.
Lê Lợi thân chinh chỉ huy chiến dịch giải phóng Đông Đô. Đại bản doanh của Lê Lợi lúc đầu ở Đông Phù Liệt, sau dời sang Tây Phù Liệt, đầu năm 1427 lại dời sang Bồ Đề (Gia Lâm), đối diện với thành Đông Quan qua sông Hồng để chỉ huy chiến đấu. Quân ta vây hãm vòng ngoài thành sau đó áp sát công phá. Đại Việt sử ký toàn thư chép “ Vua thân đốc thúc các tướng sĩ ngày đêm đánh thành Đông Đô. Bọn tướng Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận ấy, khí nhụt, kế cùng, viện tuyệt”[2]. Quân Lam Sơn vây chặt 4 cửa thành, vòng ngoài lại có các trại quân ở Cảo Đông (Xuân Đỉnh, Tây Hồ ngày nay), Sa Đôi (Mễ Trì, Từ Liêm.), Tây Phù Liệt (Thanh Trì), bên kia sông Hồng là đại quân ở Bồ Đề sẵn sàng tiếp ứng. Vương Thông vừa ra sức cố thủ chờ viện binh, vừa giảng hoà làm kế hoãn binh. Trong một cuộc phản công bất ngờ của Vương Thông ra ngoài, tướng Đinh Lễ, Lý Triện của ta hi sinh, Tướng Nguyễn Xí, Đỗ Bí bị bắt.
Đầu tháng 10 năm 1427, vua Minh Tuyên Tông (1426-1436) cử 15 vạn quân tiến vào nước ta để cứu viện. Đạo 5 vạn quân do tướng Mộc Thạnh chỉ huy vào Lào Cai tiến xuống, đạo chủ lực 10 vạn quân do Liễu Thăng chỉ huy tiến vào Lạng Sơn. Bộ chỉ huy Lam Sơn chủ trương vây thành diệt viện, trước hết tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng thì đạo quân Mộc Thạnh không đánh cũng tan, các thành tự phải ra hàng. Chi Lăng-Xương Giang trở thành trận quyết chiến chiến lược để giải phóng đất nước, giải phóng Đông Đô. Tại chiến dịch này quân ta chỉ có 5 vạn nên phải đánh địch bằng mai phục, tập kích, truy kích, tổng công kích trên một mặt trận kéo dài từ Lạng Sơn đến Xương Giang (Bắc Giang). Ngày 19-10-1427, Liễu Thăng lọt vào trận địa mai phục của quân ta và bị lao đâm chết tại gò Mã Yên, ải Chi Lăng, Lạng Sơn. Sau đó 1 vạn quân Minh cũng bị tiêu diệt tại đây. Tiếp đó 2 vạn quân Minh bị ta tiêu diệt ở Cần Trạm-Kép (Bắc Giang), Tổng binh Lương Minh thay Liễu Thăng cũng bị đâm chết. Ngày 18-10 tại Phố Cát (Bắc Giang) quân Minh bị thiệt hại nặng nề, Thượng thư Lý Khánh quá hoảng sợ thắt cổ chết. Thượng thư Hoàng Phúc cố đem binh về Xương Giang. Ngày 30-11- 1427, ta tổng công kích, 5 vạn quân Minh còn lại bị tiêu diệt, 10 vạn quân chỉ còn một tên sống sót chạy về nước.
Đạo quân Mộc Thạnh nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt khiếp sợ tháo chạy về nước, bị ta tiêu diệt 2 vạn ở Lãnh Cầu, Đan Xá, bắt sông 1.000 tên.
Trận quyết chiến lược Chi Lăng -Xương Giang là một trong những trận tiêu diệt lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã đè bẹp được ý chí xâm lược của nhà Minh, đè bẹp ý muốn tiếp tục chiến tranh của Vương Thông. Ngày 10 tháng 12 năm 1427, Vương Thông uống máu ăn thề từ bỏ ý định xâm lược, cam kết rút quân về nước. Từ 29-12 -1427 đến 3-1-1428, 10 vạn quân Minh ở các thành, trong đó Đông Quan 4 vạn được ta cấp cho hàng trăm chiến thuyền, hàng nghìn con ngựa cùng lương thực rút về nước. Quân Minh hết sức cảm kích, hướng về phía Bồ Đề-nơi có vua ta lạy tạ. Ngày 3-1-1428, toán quân Minh cuối cùng do Vương Thông cầm đầu rời khỏi Đông Quan. Việc chu cấp đầy đủ phương tiện và lương thực cho 10 vạn quân Minh rút về thể hiện ý chí hoà bình và lòng nhân đạo của dân tộc ta, như Nguyễn Trãi viết:
Đến như thần võ không giết
Đức lớn hiếu sinh
Nghĩ về kế lâu dài cho nhà nước
Tha kẻ hàng 10 vạn sĩ binh
Sửa hoà hiếu cho hai nước
Tắt muôn đời chiến tranh
Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh[3].
(Còn nữa)
CVL
---------------------
[1] .Dẫn theo Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam. T1. NXB Khoa học xã hội. H. 1971. Tr. 258, 259.
[2] . Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Khoa học xã hội.H. 1982.
[3] .Nguyễn Trãi. Phú núi Chí Linh. dẫn theo UBKHXHVN. Lịch sử Việt Nam. T1.H. 1971. Tr.254.