An toàn trực tuyến cho trẻ em

“Các bậc cha mẹ hãy cùng con mình học cách sử dụng Internet hữu ích”, đó là quan điểm của nhà báo Hoàng Anh Tú với bút danh Chánh Văn quen thuộc của bạn đọc báo Hoa Học Trò tại buổi toạ đàm “An toàn Trực tuyến cho Trẻ em” được tổ chức tại Nhà xuất bản Kim Đồng sáng 28/10/2023.
vt-antoan-cho-tre-em-1698487093.jpg
 

Buổi toạ đàm này được Nhà xuất bản Kim Đồng và Trung tâm Sức khoẻ Gia đình & Phát triển Cộng đồng (CFC), Hiệp hội Giáo dục Mầm non ngoài công lập Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu cuốn “Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả dành cho trẻ em” của các tác giả Hoàng Anh, Hồng Ánh và Thu Thuỷ.

Được biết, cuốn cẩm nang này do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên vào năm 2022 và đã in tới 10.000 bản. Cuốn cẩm nang do CFC biên soạn và bà Nguyễn Thị Hoàng Anh – Giám đốc CFC với tư cách là một trong 3 tác giả cho biết, Internet đã và đang không thể thiếu ở Việt Nam mà trong đó đương nhiên có cả trẻ em. Vì thế, để khuyến khích những mặt tích cực và giảm thiểu rủi ro, việc chính thức phải có một cuốn cẩm nang về Internet là hết sức cần cho cả các bậc cha mẹ cùng con em họ.

Còn theo bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng Kiểm định của Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT CC), môi trường Internet là con dao hai lưỡi và bên cạnh những lợi ích của nó thì cũng mang tới những rủi ro và nguy hiểm cho trẻ em. Trước những mối lo ngại đó, không ít bậc cha mẹ đã cực đoan là cấm con em mình tiếp xúc với Internet. Vì thế, giải pháp tốt nhất hiện nay để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội và với chính trẻ em, đặc biệt trong việc nhận thức về các thông tin tiếp cận.

Khẳng định lại quan điểm của mình là các bậc cha mẹ hãy cùng con mình để học cách sử dụng Internet hữu ích, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết, với sự phát triển hết sức nhanh chóng của các công nghệ trên nền tảng Internet, người lớn không phải lúc nào cũng nắm bắt nhanh hơn về thực tiễn đó. Trong khi đó, rất nhiều trẻ em lại nhanh chóng tự khám phá và học hỏi. Để giảm thiểu những tiêu cực và nguy cơ của kẻ xấu qua mạng, các bậc cha mẹ càng không nên dùng quyền lực để cấm đoán con em mình. Nỗi sợ mất con vì Internet sẽ còn nhỏ hơn nhiều so với việc đánh mất tương lai của chúng nếu như không được tiếp cận với Internet.

Có thể nói, Internet đã và đang là một thực tế không thể thiếu của xã hội Việt Nam ngày nay với trên 70 triệu người sử dụng mà trong đó lớp trẻ chiếm phần đông. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao phát huy được mặt tích cực của nó và cũng rất cần có một văn hoá sử dụng Internet cho cộng đồng mà đặc biệt là phải lưu tâm đến thiếu nhi một cách hợp lý nhất. Đó chính là kết luận của Ban tổ chức buổi toạ đàm này.