Buổi trưa, khu vực miền núi huyện Tân Kỳ với cái “nắng tháng Tám, rám trái bưởi” oai bức, không làm nản lòng chúng tôi đến thăm quan mô hình kinh tế VCR (vườn - chuồng - rừng) của anh Lê Văn Hải (63 tuổi, trú xóm Châu Nam, xã Tân Hương, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) với nhiều loại cây ăn quả như chanh, bưởi, chuối… Đặc biệt, là những cây trám nếp xanh tốt mỡ màng đang cho quả chín đen no tròn, ú múp trông rất hấp dẫn và lạ lẫm đối với cư dân sinh sống ở khu vực duyên hải miền Trung như tôi.
Trao đổi, anh Hải cho hay cách gần 10 năm, mô hình kinh tế của anh mang đầy đủ là VACR (vườn - ao - chuồng - rừng). Song, đào ao trên triền đồi nên thiếu nước nuôi cá nên ao nuôi cá nên không mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã lấp lại để trồng cây khác kinh tế hơn. Do vậy, mô hình kinh tế của anh chỉ còn “3 chữ” cái là VCR. Tuy không có ao nuôi cá nhưng thu nhập của anh lại cao hơn khi trước.
“Gia đình anh canh tác gần cả ngọn đồi với diện tích 3,5 ha. Trong đó, có 3 ha rừng keo, số còn lại anh trồng cây ăn quả các loại như: chuối các loại, chanh, bưởi, mía, chè, tre lấy măng, trám nếp đen… Đặc biệt, trong vườn hiện có trồng 15 cây trám đen đã ra quả 3 năm. Năm nay tuy mới vào mùa chỉ được 1 tháng nhưng đã thu hoạch được gần 2 tạ với giá khoảng 70.000 đồng-80.000 đồng/kg, thu về gần 12 triệu đồng. Trám đen là loại cây dễ trồng thích hợp với vùng đồi núi. Do cây quả trám đen rất khó hái quả nên chúng tôi hái trám bằng cách dùng khâu liêm tra vào đầu sào rồi đứng dưới gốc thọc lên nhánh cây trám và rung sào cho quả trám rụng xuống lưới hay bạt để hứng lấy quả…”.
Nói về chăn nuôi, nhà anh có nuôi heo, gà, vịt… Đặc biệt là nuôi 1 con trâu đực giống và 2 con bò lai đực giống. Mỗi lần cho trâu phối giống anh thu 500.000 đồng, mỗi lần cho bò phối giống anh thu từ 250.000 đồng - 300.000 đồng. Trung bình mỗi tháng 3 con trên “hoạt động” từ 10 - 15 lần, mang lại cho anh Hải nguồn thu không nhỏ. Trung bình, mỗi năm nhà anh thu về 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đó là số tiền không nhỏ của một gia đình sinh sống ở khu vực miền núi Tân Kỳ.
Lão nông Đặng Thanh Long (90 tuổi, trú xóm Kỳ Nam, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ) cho hay, những năm qua, chính quyền huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tập trung hỗ trợ người dân cải tạo đất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế vườn nhằm nâng cao nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống của cư dân miền núi. Trong đó, cây trám đen được trồng nhiều trên địa bàn các xã như: Nghĩa Hành, Kỳ Sơn, Nghĩa Dũng, Kỳ Tân, Phú Sơn, Tân Hương… của huyện Tân Kỳ. Trước đây trám đen là loại cây mọc tự nhiên thường chỉ được trồng ở vùng đồi núi, trồng để lấy gỗ hoặc lấy quả làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hàng ngày. Tùy theo loại đất tốt xấu cây trám đen trồng từ 6-8 năm sẽ cho quả khi chín có màu đen, vị bùi, thơm xen lẫn chát nhẹ được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như om thịt, kho cá, đồ xôi…Vào mùa người dân thường thu hoạch quả trám vào các tháng 7-8 (ÂL).
Tâm sự với chúng tôi, anh Hải cho hay, nhờ xem báo, nghe đài và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật nên gia đình tôi thu nhập khá, thoát khó khăn và vươn lên làm giàu. Không chỉ chịu khó làm ăn mà gia đình tôi đứng ra giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã như cho mượn tiền không lấy lãi cũng như chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao./.