Có thể bạn chưa biết? Anh hùng đặc công Bùi Văn Hóa: 9 lần đánh tổng kho Long Bình

Được sự chỉ đạo của U ủy (mật danh của Tỉnh ủy Biên Hòa), ngày 16-6-1966, nghiệp đoàn Nhà máy giấy Cogido đã lãnh đạo toàn thể 700 công nhân đình công chiếm xưởng. Chủ Nhà máy Cogido cùng Tỉnh trưởng Biên Hòa Trần Văn Hai đến tận nơi điều đình, nhưng thất bại. Ngay sau đó, Ty cảnh sát Biên Hòa đưa 2 đại đội cảnh sát dã chiến có xe vòi rồng đi theo để đàn áp cuộc đấu tranh. Cuộc đình công kéo dài nhiều ngày. Báo chí tiến bộ ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin, gây tiếng vang lớn.
bui-van-hoa-1641349755.jpg
Ảnh đường Bùi Văn Hóa

Để hỗ trợ phong trào đấu tranh của công nhân Biên Hòa, Tỉnh đội U1 quyết định tấn công vào Tổng kho Long Bình. Đêm 22-6-1966, một tổ đặc công của đại đội 2 thị xã Biên Hòa gồm: Trịnh Văn Thoàn, Phạm Văn Hoá, Nguyễn Văn Rô do Nguyễn Tấn Vàng làm mũi trưởng, Nguyễn Văn Thái làm mũi phó chia làm 3 nhóm được Bùi Văn Hòa dẫn đường đã vượt qua 3 lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn đột nhập vào cao điểm 50, đặt 8 quả mìn hẹn giờ ở 8 kho đạn pháo 105ly. Chỉ nửa giờ sau, liên tiếp những tiếng nổ làm rung chuyển cả thị xã Biên Hòa và đô thành Sài Gòn.

Trận đánh vào kho Long Bình đã phá hủy 125.000 quả đạn, làm chết 250 lính Mỹ và ngụy. Ngay sáng sớm hôm sau (23-6-1966), đích thân Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia ngụy cùng với Tỉnh trưởng Biên Hòa phải đến ngay Nhà máy Cogido để "dàn xếp" cuộc đấu tranh. Hầu hết yêu sách của công nhân được giải quyết, Bộ Tư lệnh Miền ra quyết định tặng thưởng Huân chương quân công hạng III cho đại đội 2 đặc công U1. Bốn chiến sĩ được thưởng Huân chương chiến công. Trong đó có trinh sát đặc công Bùi Văn Hòa mới 26 tuổi. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Nhị Bình, quận Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) lại sớm mồ côi mẹ nên Đực (tên ở nhà của Bùi Văn Hòa) phải đi giữ trâu mướn từ thuở 15 tuổi.

Năm 1961 (21 tuổi) Bùi Văn Đực đầu quân vào bộ đội miền Đông (Quân khu 2) và được đổi tên thành Bùi Văn Hòa. Với một thân hình rắn chắc, sức lực dẻo dai và gan dạ phi thường, Bùi Văn Hòa nhanh chóng được chọn vào Đội trinh sát đặc công Biên Hòa. Và ngay từ đầu năm 1966, sau khi Mỹ vừa xây dựng xong Tổng kho liên hợp quân sự Long Bình với một thế trận "bất khả xâm phạm" thì Bùi Văn Hòa là một trong những chiến sĩ đặc công đầu tiên nhận được lệnh của Tỉnh đội trưởng Trần Công An đột nhập vào để thực hiện công tác trinh sát. Hòa đã khôn khéo gan dạ vượt qua nhiều lớp hàng rào, bãi mìn và cả một hệ thống tuần tra rất hiện đại của quân đội Mỹ để tự tay gỡ từng loại nhãn hiệu, mã số của các loại vũ khí chứa ở từng kho đạn mang về báo cáo cho Tỉnh đội trưởng Hai Cà.

Liên tiếp trong nhiều trận đánh vào căn cứ Long Bình, Bùi Văn Hòa đều là một trong những mũi nhọn chủ công. Đặc biệt là luôn sáng tạo, ứng biến kịp thời trong những tình huống phức tạp khác nhau. Trong đó có việc kịp thời đề xuất phương án luồn ra phía sau lưng địch, đặt mìn xe kẽ giữa các kho để tạo thành thế nổ dây chuyền tạo hiệu quả lớn... Tính ra trong 9 lần cùng đồng đội đánh vào căn cứ Tổng kho Long Bình, Bùi Văn Hòa và lực lượng đặc công Biên Hòa đã phá hủy hơn 1,2 triệu quả bom, đạn các loại; 3.500 thùng thuốc nổ, 47 xe cơ giới, tiêu diệt 705 tên Mỹ và ngụy.

Và đêm 28-2-1968, trong khi thâm nhập vào vành đai khu vực Tổng kho Long Bình để điều nghiên mục tiêu mở ra trận đánh mới, trung đội phó Đội biệt động 238 thị xã Biên Hòa Bùi Văn Hòa đã chạm địch và anh dũng hy sinh. Đảng viên Bùi Văn Hòa đã ngã xuống chính nơi anh đã từng lập nên những chiến công vang dội nhất ở tuổi đời 28 xuân xanh.

Ngày 10-2-1970, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng đối với liệt sĩ Bùi Văn Hòa. Nhân dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng đã chọn một con đường đẹp ở Biên Hòa nối từ bờ sông Đồng Nai đến đường Cách mạng tháng Tám để đặt tên Bùi Văn Hòa.

Theo Trái Tim Người Lính