Từ trong nhà, một thằng nhóc 7 tuổi mặc xà lỏn, tóc khét nắng đang khệ nệ bưng thau nước vừa chí chóe bước ra.
Hôm nay rằm tháng Giêng nên ông trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng xuyên qua từng tàu lá dừa rọi xuống mặt đất giống như những chiếc lược khổng lồ. Gió đầu năm thổi lồng lộng mát rượi, thằng nhóc reo lên thích thú.
- Út à! Vô nhà mặc áo lẹ đi con gió mái hầy hậy vậy lát đau bụng rồi la làng nhe.
- Dạ! Con biết rồi nội...
Thằng nhóc lon ton chạy vô nhà theo tiếng kêu của bà nội, lát sau nó trở ra trên tay cầm theo cái gì đó.
- Đố anh ba em cầm cái gì nói đúng được hai cục đạn chai!
-Ủa đạn của anh cho mày hồi chiều mà mày làm gì có.
- Đạn của em mừ! Hồi chiều anh hai mới cho em 5 cục nè.
- Để anh đoán thun phải không?
- Sai.
- Bánh bột gạo mẹ mới gói hồi nãy chứ gì dám lấy trộm hả, tao méc.
- Không phải mà...
- Vậy chứ cái gì ?
- Thua đi!
- Ừ, thua cái gì vậy đưa coi!
- Đây nè..
- Tưởng gì cái tấm kiếng này đó hả?
- Hồi tối em nghe nội kể chuyện chú cuội ngồi gốc cây đa nè. Nội nói vào đêm trăng rằm mà bỏ tấm kiếng vô thau nước rồi nhìn vô đó sẽ thấy chú Cuội với chị Hằng nữa đó.
- Đâu hai anh em mình thử coi!
Hai anh em lúi húi bỏ cái kiếng vô thau nước và ngồi chờ nhưng chờ hoài mà chẳng thấy chú Cuội với chị Hằng đâu.
- Ê, hai mình đọc bài này đi biết đâu chú Cuội nghe chú Cuội hiện ra đó.
"Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời..."
- Ủa, sao cũng hổng thấy luôn em buồn ngủ òi!
- Chắc chú Cuội dẫn trâu qua làng bên ăn cỏ rồi!
- Còn chị Hằng?
- Chắc đi cắt lúa mướn chưa về chắc mơi chỉ về thôi vô ngủ đi!
- Út ơi! Vô đây ba ca vọng cổ cho ngủ nè!
- Dạ, con vô liền..
Nó lót tót nhảy lên võng nằm cạnh ba nó. Nó thấy thích cái mùi khét nắng trên người ba nó.
Nó thỏ thẹt:
- Ba, ca bài bầy cò trắng bay qua cho con nghe đi ba.
Trong trí nhớ của một đứa trẻ nó chỉ biết có vậy .
Vậy mà không biết từ lúc nào nó bắt đầu yêu thích vọng cổ từ lời ca chân chất, mộc mạc của ba...
"Bầy cò trắng bay qua không xà xuống lòng ruộng mới bầy gà còn nương giấc trưa không thèm lên tiếng gáy, bọn sáo đậu sừng trâu hót mãi cũng nghe buồn...
Đám mạ đầu thôn phơ phất tỏa duyên ngầm..."
Nó bắt đầu thiu thỉu ngủ ,ngoài kia trăng vẫn sáng gió từ ngoài sông vẫn thổi vào lồng lộng hòa với tiếng hát của ba đưa nó vào giấc ngủ tuổi thơ...
Rồi khi lớn lên nó cũng bắt đầu xa quê, nó đã thấy trăng, gió ở rất nhiều nơi khi đêm xuống... Từ nơi đô thị ồn ào, ngày đêm tấp nập dưới ánh đèn rực rỡ sắc màu, đến những vùng nông thôn hẻo lánh, xa xôi. Từ vùng cao nguyên quanh năm mây phủ bạc màu non núi, đến nhiều bờ biển ngàn năm sóng vỗ. Từ nơi được người ta gọi là xứ sở của sương mù, đến nơi quanh năm chỉ là miền nắng cháy của những đồi cát, những dãy núi toàn đá, không một mầm sống nào... Đó là những chuyến đi, những chặng đường nó đã qua. Vậy nhưng, khi nhìn thấy, nó chỉ nhớ về trăng quê mình, trong nỗi cô đơn mơ hồ, nỗi buồn man mác khó gọi thành tên…
Nó nhận ra trăng từ khi còn rất nhỏ, có lẽ lúc ấy nó mới 4, 5 tuổi. Đó là những buổi tối ngày mùa ngồi trên hiên nhà, hoặc mỗi lần ba mẹ vê lúa. Khi mọi người nghỉ giải lao, nó lại chạy ra đứng giữa hai manh chiếu thử quạt lúa. Quạt không được thì lại chạy đến nằm kềnh trên chiếc chiếu trải trên rơm, thóc dải trên sân, giữa mọi người trong gia đình đang ngồi. Và nó thấy mùi hăng của rơm tươi, mùi thơm của lúa, vị mát của hơi nước…Tất cả đều êm, mềm như đang nằm trên thảm cỏ dày đặc dưới lưng. Nằm giữa sân, nó nhìn trăng sáng vằng vặc, lơ lửng trôi đi. Quê nó khi ấy, mọi người đang làm việc ngày mùa dưới trăng bởi hồi ấy chưa có điện...
Trăng theo nó trên con đường đất mỗi lần cùng ba mẹ dắt nó đến nhà hàng xóm. Bóng nó tròn, chắc nịch và thấp bé. Bóng mẹ dài lênh khênh xiêu vẹo, ngoằn nghèo cùng cây lá ven đường. Trăng đi cùng nó vào mỗi tối mùa hè, ba mẹ dắt nó đi chơi nhà hàng xóm, có đứa bạn bằng tuổi. Gặp nhau, hai đứa chạy nhảy, đuổi nhau xung quanh chiếc sân rộng. Còn các anh chị lớn hơn trong xóm chơi trốn tìm trong đêm trăng sáng. Quê trong ký ức, bình yên và đẹp đến nỗi, mỗi lần nghĩ về, nó lại thấy khóe mắt cay một nỗi niềm…
Lớn thêm một chút nữa, nó lại tham gia chơi đủ trò dưới trăng như các anh chị lớn. Trốn tìm, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, u ranh...chơi, cãi nhau, và lại cười đến khi mẹ gọi mới nhớ về nhà.
Cứ thế theo ngày tháng, nó lớn lên vô tư lự. Và đêm xuống, vào mỗi lần trăng sáng, nó cũng thấy mình thay đổi dần. Đó là, khi đi chơi với bạn bè buổi tối về, nó hay đứng một mình dưới mái hiên nhà nhìn trời đất chứ không đi ngủ ngay. Nó chỉ đứng nhìn chứ hoàn toàn không hề nghĩ ngợi gì. Nhìn những mái lá đen kịt trong đêm, âm thầm hiện ra dưới ánh điện le lói, hắt lên từ những kẽ hở. Ngay tại nơi nó đứng, ánh trăng rất sáng, soi rõ mọi vật. Nhưng trông rộng ra vô tận thì tất cả đều mờ mờ, ảo ảo bởi đêm. Nhìn cây lá im lìm, lạnh lẽo, mơ hồ, nó nhận thấy sự đơn côi, trầm mặc của đêm. Lúc trời chuyển sang mùa, càng về khuya, càng nhiều những giọt sương rơi tí tách trong cành lá, tiếng gió thổi càng hiu hắt, mỏng manh…
Đó là những ngày thức khuya học bài. Nó ngỡ ngàng lúc nhìn ra chấn song cửa sổ, từ bàn học. Trăng chiếu thẳng vào nhà qua ô cửa. Trăng lặng lẽ sáng cả một vùng mênh mông trời đất khi nhìn lên. Trăng tròn vành vạch giữa bốn bề cây lá trong vườn. Dựa cửa sổ nhìn ra một khoảng tranh tối, tranh sáng nó thấy lòng mình êm đềm trôi đến vô định, chẳng có bến bờ nào… Không bao giờ để ý nhưng dường như tất cả đều âm thầm, tự nhiên đi vào trong nó, để một ngày kia nó da diết nhớ mỗi lần chạm phải.
Nó biết đến trăng sớm, trăng muộn, trăng non, trăng già từ những kỷ niệm nho nhỏ còn sót lại thuở ngày xưa ấy. Quê hương cho nó tuổi thơ, khơi lên trong nó những cảm xúc, rung động tinh tế nhất về cuộc sống. Để khi đi xa, trưởng thành, nó nhìn thấy được vẻ đẹp của mỗi miền đất mình bước qua. Vậy nên nếu nói, trăng ở đâu đẹp, thanh bình thì nó sẽ nói ngay, chẳng nơi nào nó thấy đẹp bằng quê mình. Và thỉnh thoảng trong giấc ngủ, nó vẫn mơ thấy mình được bước trên con đường dẫn ra cánh đồng, tràn ngập trăng gió giữa mùa gặt lúa..
Xa xôi đâu đó, thấy lòng xao xuyến trên mỗi bước chân quen, khi mỗi mùa trăng đến. Để mỗi lần chạm phải, ký ức, kỷ niệm trở về thì lòng nó nhớ những bình yên...
Theo Chuyện quê