Ba lần có lỗi (Kỳ 2)

Trịnh Xuân Tiến

11/02/2022 10:48

Theo dõi trên

Chả hiểu sao, tôi hay mắc lỗi với anh. Chuyện sơ xuất cuối cùng gắn với đám cưới đứa trai đầu. Khách đông, họ hàng hai bên. Bạn bè. Tôi chuyển nhiều nơi, nên nhiều loại bạn. Người cùng học, đại học và phổ thông. Người cùng bộ đội, từ thủa binh nhì tới lớp cùng làm khi ấy. Chào hỏi mỏi mồm.

Thấy anh, mắt sáng long lanh, vừa chăm chú nhìn tôi vừa tủm tỉm cười. Con mắt biết nói, đây đến rồi đấy nhé. Thế mà chỉ kịp chào vội, rồi không gặp lại nữa. Vợ trách, với bạn sao nhạt thế, không nói cho vợ thì ít ra phải giúp các bạn anh làm quen nhau. Nhỡ đâu giúp được gì. Hồi mình cưới, nàng chẳng đã rành rẽ giới thiệu từng người, cả họ hàng lẫn mấy cô bạn thân đến dự. Nào có dịp gặp lại Thắng để thanh minh. Lúc đó anh nào còn ở đơn vị. Đến đám cưới chắc chỉ mong gặp lại anh chị em cũ.

ba-lan-co-loi-1644551290.jpg
Ảnh gia đình cung cấp, anh Quốc Thắng và gia đình (anh mặc áo xanh nhạt,giữa, hàng cuối)

Chuyện thứ hai gắn với một chuyến công tác xa. Giữa Sài Gòn, đang cùng em Sếp đi lấy tài liệu hội nghị giao ban, bất chợt gặp. Thấy tôi, anh tươi hẳn, mắt sáng rỡ, cùng ông em cố kéo tôi ở lại, làm li bia. Dịp ấy, anh cũng vào Sài thành, đâu biết có việc gì. Vẻ như đang đợi ai, chắc chỉ mong có bạn. Song ngại quá, một phần vì việc chưa xong. Phần khác vì người cùng đi, em Sếp, cũng là em ruột anh, gặp ông anh mà mặt lạnh như kem. Không biết có giữ kẽ hay không, dù sao với họ tôi chỉ là người ngoài. Đành kiếu. Chuyến ấy, không gặp lại anh nữa. Nhiều việc nên quên hẳn, chẳng thanh minh.

Nhưng có nhẽ làm tôi áy náy nhất là chuyện xảy ra khi Thắng mới về cùng phòng. Một bận, chợt nghe anh hỏi, đưa lương mình đây. Ơ, lĩnh hộ anh hồi nào. Sang xem sổ lương, thấy có chữ kí, hơi giống chữ tôi, nhưng lạ, lại bằng bút bi màu đỏ. Thế là cãi phăng, tôi có dùng bút bi đỏ bao giờ đâu. Với lại tiền bao nhiêu tôi nào biết. Rồi quên bẵng, cũng chẳng thấy Thắng nói gì. Bây giờ, nghĩ lại mới thấy, những cái lí của tôi khó có thể nào nghe lọt. Bút bi ai chả dùng, nói không có bút bi đỏ càng khó xuôi. Ít dùng đâu nghĩa là không. Chuyện bao nhiêu tiền cũng vậy, tôi biết hay không nào ai hay.

ba-lan-co-loi1-1644551290.jpg
Ảnh sưu tầm mạng, cá chép vượt vũ môn

Rồi thấy trong chuyện này, đáng nhẽ lúc ấy phải hỏi kĩ. Chẳng hạn, tại sao tôi lĩnh lương hộ anh Thắng. Anh mới về phòng, nào đã quen thân. Lại không có lời nhờ. Phòng tôi ngay cạnh phòng tài vụ, việc gì phải lĩnh hộ. Với lại, nếu như lĩnh lương cho cả phòng thì phải có người nhớ chứ. Và vân vân. Song lúc đó, tôi chẳng buồn nghĩ ngợi. Cũng không hỏi, không có lương tháng ấy anh sẽ ra sao. Thấy như anh đã bỏ qua, không quan tâm nữa. Vẫn chi tiêu, vẫn bao bạn như mọi ngày. Chuyện rơi vào quên lãng.

Anh Thắng ở cùng tôi không lâu. Không hòa nhập được, anh sang đơn vị khác, rồi chuyển ra ngoài. Không ít người lấy làm tiếc, em anh bảo, nếu phấn đấu chắc gì anh đã kém anh Doanh, người lính hải quân, cùng học cùng chơi ngày ấy. Bạn bè bảo, sao không kiên nhẫn, nhẫn nại thêm đôi chút. Riêng tôi, vẫn ấn tượng với tính khoáng đạt của anh. Mắc lỗi nhiều sao không nhắc.

Không hẳn thế, đáng nhẽ tôi phải nhắc nhở, thậm chí dám mạnh dạn làm cái việc gọi là rèn cặp anh. Để ít nhất, anh làm quen với công việc của phòng. Đâu chỉ riêng anh phải nhẫn nại phấn đấu. Cái lỗi lớn nhất của tôi, và nào chỉ riêng tôi, là đã không giúp được anh hòa nhập với môi trường này.

Từng nghe chuyện cá chép vượt vũ môn. Bụt bảo, nó không cất mình lên nổi vì vướng viên ngọc trong mình. Quá nặng. Người ta đâu khác, không quên đi thành tích đã qua, hay cái vầng hào quang đã có, nào dễ vượt được chính mình, lên tầm cao mới. Trong chúng tôi chẳng ai được như anh, thân trải trăm trận. Song cũng chẳng có ai chỉ ra cho anh việc gì phải quên đi, và phải làm. Chẳng ai muốn đóng vai ông Bụt. Chúng tôi cũng e ngại vầng hào quang ấy. Chợt ngộ ra, nói anh ham vui nào đúng. Thực ra, anh muốn thoát khỏi cái bầu không khí đầy những định kiến, kèn cựa và đố kị thường ngày.

Một hôm nghe anh đi. Ngỡ ngàng, khỏe thế mà dính k. Ung thư thực quản. Rồi di căn tứ tung, sang cả dạ dầy, phổi, và vòm họng. Dịp ấy, tôi không ở Hà Nội, không thể đến viếng thăm. Tôi từng có người bạn, chết vì có bệnh không thèm chữa. Dù đâu phải bệnh nan y. Với Quốc Thắng, dường như ung thư chỉ là một thể hiện bên ngoài. Nào hay anh gục ngã bởi căn bệnh quái ác, sau bao hiểm nguy khổ ải nơi chiến trường, hay bởi không qua nổi vũ môn cuối cùng ấy.

Giờ nghĩ lại, có lỗi với anh nhiều. Quá nhiều. Nhất là sao chưa dám ghé vai gánh đỡ cùng anh. Giúp anh thực sự thoát ra khỏi cái cảnh chạch bỏ giỏ cua. Một đêm nằm, chợt thao thức, nhớ người bạn chân thành, tốt tính. Không ít chiến công, nhưng thật đắng cay, không qua được thử thách tưởng chừng nhỏ nhặt mà nào ít cam go của thời bình. Trong mắt bạn bè, anh mãi chỉ là người lính chiến hào hoa.

Hết.

Trái tim người lính

 

---

Đọc thêm những thông tin mới nhất về văn hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển - https://nongthonvaphattrien.vn/

Bạn đang đọc bài viết "Ba lần có lỗi (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn