Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực phát triển đa dạng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, quảng bá du lịch theo hướng chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những đô thị du lịch lâu đời nhất Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1895-1900, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều bến cảng, nhà máy nhiệt điện, đường dây điện tín và khách sạn cao cấp tại mảnh đất này, biến Vũng Tàu thành thành phố cảng - du lịch - nghỉ mát và trung tâm đánh bắt hải sản lớn nhất Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
Vậy nên, không phải ngẫu nhiên Bà Rịa - Vũng Tàu đón trung bình 14-16 triệu lượt du khách du lịch mỗi năm, thời điểm trước dịch Covid-19. Với những bãi cát trắng mịn, bờ biển mênh mông và những rừng dương cổ nên thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu được các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới ưu ái đặt cho biệt danh “thiên đường du lịch”, từng vinh dự nhận 3 giải thưởng du lịch ASEAN năm 2022.
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiệm vụ từng bước xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước và trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.
Đây là kim chỉ nam để Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh các nguồn lực để phát triển “kinh tế xanh" của địa phương.
Vươn lên dẫn đầu bằng những điểm đến mới
Khí hậu ôn hòa, ấm áp quanh năm cùng sự ưu đãi hậu hĩnh từ mẹ thiên nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm nghỉ mát ăn khách từ hơn 100 năm nay. Tuy nhiên, không lệ thuộc vào Vũng Tàu và Côn Đảo - những địa danh đã làm nên thương hiệu hàng đầu, Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực làm mới ngành du lịch tỉnh nhà bằng việc thu hút đầu tư mạnh vào các điểm đến mới mẻ, phát triển hàng loạt các dự án du lịch chất lượng cao. Điển hình là khu vực từ Hồ Tràm tới Bình Châu.
Hồ Tràm là khu vực bãi biển nối giữa xã Bình Châu và thị trấn Long Hải, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 125km về hướng Đông Nam. Với lợi thế là một vùng biển hoang sơ, màu nước xanh ngọc, cát thủy tinh trắng xóa, rừng dương nhiều năm tuổi nên thơ, Hồ Tràm nhanh chóng trở thành điểm đến được yêu thích của giới trẻ.
Tuy nhiên, Hồ Tràm không chỉ là một bãi biển. Đó là một quần thể gồm biển, rừng, các bãi tắm tự nhiên, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và các khu dịch vụ vui chơi giải trí tỷ đô. Sự gắn kết của Hồ Tràm với các khu vực lân cận, đặc biệt là Bình Châu, về mặt sản phẩm du lịch đã tạo ra sức hút mạnh mẽ của Hồ Tràm trong 5 năm trở lại đây.
Cách biển Hồ Tràm chỉ hơn 5km là biển Hồ Cốc, thuộc xã Bưng Riềng - một địa điểm lý tưởng để check in, chụp hình, tắm biển, cắm trại và mở tiệc. Cũng từ Hồ Tràm, du khách chỉ mất 6km để đến được rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu. Khu rừng này có diện tích hơn 11.000 ha với nhiều loài gỗ quý hiếm như giáng hương, gõ mật, sơn đào, bình linh nghệ… cùng một số loài bò sát, lưỡng cư được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam.
Cũng tại Bình Châu, du khách di chuyển hơn 10km về phía Vũng Tàu trên quốc lộ 55 để đến được suối nước nóng nổi tiếng, thưởng thức cảm giác thư giãn tuyệt vời khi ngâm mình trong làn nước khoáng nóng hay tắm bùn khoáng, chăm sóc da, phục hồi cơ thể. Cách suối khoáng Bình Châu không xa là cảng cá, nơi du khách được chứng kiến cuộc sống gần gũi và sinh động của ngư dân, trải nghiệm cuộc sống của làng chài cổ hay tìm mua hải sản tươi ngon.
Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - trải nghiệm gắn với các vùng lân cận như Bình Châu, Long Hải, Hồ Tràm mới đây còn đưa vào khai thác công viên nước Tropicana Park do Tập đoàn Novaland đầu tư với những hoạt động hấp dẫn du khách trẻ như trò chơi cảm giác mạnh, tọa độ sống ảo, trình diễn nghệ thuật.
Cùng với đó, khách sạn Holiday Inn Resort Hồ Tràm Beach (thương hiệu nhượng quyền giữa The Grand Hồ Tràm Strip và Tập đoàn quản lý khách sạn IHG) triển khai dịch vụ bãi tắm công cộng, mở phố đi bộ Hồ Tràm, cầu ngắm biển… góp phần đa dạng sản phẩm du lịch Hồ Tràm, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến trẻ trung này, đẩy mạnh doanh thu cho ngành du lịch địa phương.
Nhiều năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức “Ngày hội du lịch trực tuyến” với mục tiêu quảng bá và tìm cơ hội kết nối vực dậy ngành du lịch sau một thời gian dài “đóng băng” do dịch Covid-19. Với hình thức tổ chức trực tuyến, du khách chỉ cần ngồi ở nhà vẫn mãn nhãn tham quan, khám phá thắng cảnh đẹp của tỉnh, thành phố và mua sắm trực tuyến tour, phòng, gói dịch vụ ưu đãi…
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, hội chợ trở thành là một trong những giải pháp hỗ trợ miễn phí và hiệu quả doanh nghiệp du lịch tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua các kênh thương mại điện tử.
Tiềm năng từ siêu tàu du lịch, thúc đẩy dịch vụ đẳng cấp quốc tế
Từ đầu năm 2023 đến nay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải liên tục đón các siêu tàu du lịch mang theo hàng nghìn lượt khách cao cấp từ nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, châu Á...
Cụ thể, từ tháng 9 đến tháng 11, có 3 chuyến tàu biển quốc tế thuộc hãng Celebrity Cruises danh tiếng mang theo những vị khách chi tiêu cao tới Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, vào tháng 8, siêu tàu Spectrum of the Seas - tốp 10 siêu tàu du lịch đắt đỏ, sang trọng nhất thế giới - đã cập cảng Cái Mép - Thị Vải mang theo gần 4.000 du khách và thuyền viên.
Cũng chính chiếc siêu tàu này đã cập cảng Tân Cảng - Cái Mép vào hồi tháng 2, đưa 3.800 khách hạng sang lên bờ thưởng thức cảnh đẹp của thành phố biển cùng những dịch vụ cao cấp, đặc sắc.
Thông tin từ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đơn vị này sẽ tổ chức đón và phục vụ 14 chuyến tàu biển quốc tế khác đến Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 30.000 khách từ nay đến tháng 4/2024.
Tính đa dạng là điểm hấp dẫn và khác biệt của Bà Rịa - Vũng Tàu so với những thành phố mạnh về du lịch tàu biển tại Việt Nam như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ trải nghiệm city tour (tham quan thành phố) để chiêm ngưỡng các di tích đô thị nhuốm màu lịch sử - văn hóa mà còn được hòa vào cuộc sống của người dân bản địa thông qua các tour đồng quê kết nối các điểm đến dọc quốc lộ 51 và vùng ven thành phố Bà Rịa, tìm hiểu tập quán sinh hoạt của người Nam Bộ xưa từ làm đồ thủ công, nấu rượu, làm bánh tráng, chuyện trò dưới mái nhà cổ hay đi chợ quê…
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế không địa phương nào có là cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, cho phép các tàu lớn cập sát chân cảng. Cùng với đó, hệ thống đường bộ kết nối từ cảng đến quốc lộ và các điểm tham quan nội tỉnh được đồng bộ, dễ dàng di chuyển tới sân bay quốc tế Long Thành hay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tiết kiệm tối đa thời gian đi lại cho các đoàn khách cao cấp khi lên bờ.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và dịch vụ vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cao của khách tàu biển.
Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, tỉnh đã quy hoạch một cảng chuyên dùng để đón tàu khách du lịch quốc tế tại thành phố Vũng Tàu để tạo điều kiện tốt nhất cho khách khi cập cảng, gây ấn tượng với khách ngay từ khâu tiếp đón. Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn đầu tư vào dự án này.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến hết tháng 11/2023, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt gần 14 triệu lượt khách, tăng gần 22% so cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt 14.600 tỷ đồng.
Với chủ trương phát triển kinh tế biển dựa theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực chuyển mình lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị du lịch, trở thành trung tâm du lịch lớn nhất cả nước và trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.