Con người là yếu tố chính quyết định thành công chung của bất kỳ một đất nước, dân tộc nào. Đặc biệt, trong công nghiệp dịch vụ nói chung, ngành du lịch nói riêng, vai trò của chất lượng lao động, giá trị cảm xúc lại càng quan trọng hơn. Người Bà Rịa - Vũng Tàu, từ người lãnh đạo đến những người dân bình thường, bao năm qua đã chung sức đồng lòng tạo dựng nên một thành phố biển thân thiện và yên bình, gián tiếp giúp cho du lịch địa phương phát triển khởi sắc.
Theo bảng xếp hạng Most Loved Ranking quý 2/2023 do The Outbox công bố, Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến trong nước được du khách Việt Nam yêu thích nhất trong với gần 17% số du khách lựa chọn, vượt qua nhiều cái tên nổi tiếng là Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đáng nói, trong quý 1/2023, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dẫn đầu danh sách này. Mức độ tín nhiệm và yêu thích của du khách với Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng tăng trong quý 2, chứng minh sức hút của vùng đất thiên nhiên giao hòa, hạ tầng phát triển và đặc biệt là con người thân thiện, mến khách.
Điểm đến văn minh, thân thiện với du khách
Ngư dân kéo lưới sáng sớm trên biển
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”.
Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh, phát động các phong trào kêu gọi người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch.
Ngay từ đầu năm 2017, các cơ quan chức năng của thành phố Vũng Tàu đã triển khai nhiều hoạt động như các hội nghị để tuyên truyền cho đội ngũ lái xe taxi, xe khách, xe ôm, xích lô; các đơn vị kinh doanh bãi tắm, các cơ sở lưu trú… về việc thực hiện thái độ ứng xử văn minh, thân thiện với du khách; không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính như chạy xe lòng vòng, đưa khách đến các quán ăn để nhận “hoa hồng”; luôn nói “xin chào, xin lỗi, cảm ơn…”.
Bên cạnh đó, Vũng Tàu xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, không niêm yết giá, không bán giá đúng niêm yết, lừa gạt du khách. Đồng thời, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch để có các chế tài xử phạt các hành vi ứng xử thiếu văn hóa, văn minh.
Khi mọi người cùng nhau chung sức, chung lòng tạo chuyển biến trong văn hóa ứng xử với du khách, mỗi người dân sẽ chính là một hướng dẫn viên du lịch tại địa phương. Nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, hướng dẫn du khách tham quan hết mình, chu đáo sẽ tạo ấn tượng tốt với du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn, tăng lượng khách mới và giữ chân du khách lâu hơn, quay trở lại Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần hơn.
Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân địa phương nhiệt tình giới thiệu các sản phẩm địa phương cho du khách, đưa du khách đi thăm thú các thắng cảnh đẹp hay trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện thú vị về mảnh đất bình yên này.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, để phát triển du lịch bền vững, xứng đáng là một trong những địa phương trọng điểm trên bản đồ du lịch của cả nước, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu luôn coi trọng xây dựng, gìn giữ môi trường du lịch văn minh, an toàn và hấp dẫn cho du khách.
Mỗi ngày một chuyện - Tấm gương người tốt việc tốt quanh ta
Không chỉ thân thiện, hiếu khách trong môi trường du lịch, những tấm gương người tốt, việc tốt ở Bà Rịa - Vũng Tàu luôn có mặt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, truyền cảm hứng cho nhiều người sống văn minh, có ích cho xã hội.
Có thể kể đến như hai anh em ruột Trần Trí Lượng và Trần Quốc Tàu ngụ tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cùng tình nguyện nhập ngũ năm 2024. Với sức trẻ của thanh niên, bằng tinh thần xung kích, không ngại khó, ngại khổ, hai anh em thể hiện tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, trách nhiệm cao với quê hương, đất nước.
Cô Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch Công Đoàn Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Long Điền tổ chức nhiều hoạt động phong trào như: nuôi heo đất giúp học sinh khó khăn, phong trào hiến máu tình nguyện, quyên góp kinh phí tặng điện thoại thông minh, chung tay góp sức phòng chống dịch Covid-19, xây dựng mô hình dân vận khéo giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường… Với tinh thần luôn tận tụy vì công việc, cô đã chủ động xây dựng nhiều mô hình và vận động cán bộ, giáo viên, học sinh cùng tham gia, mạng lại hiệu quả thiết thực, giúp xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực tại địa phương.
Chị Hoàng Thị Hiệu, sinh năm 1972, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phước Lăng là tấm gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp thành công. Chị đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sản xuất rau an toàn từ mong muốn cung cấp nguồn rau sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe, giúp người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.
Hơn 1.600 m2 trồng rau trong nhà màng đã ra đời từ đó, với tiêu chuẩn “không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng”. Ý tưởng khởi nghiệp này không chỉ giúp chị Hiệu có thêm nguồn thu nhập tốt mà còn đạt giải III trong cuộc thi viết Dự án/ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Hay đồng chí Nguyễn Thanh Khánh - một trong những Đảng viên kỳ cựu của chi bộ ấp Hải Lâm, dù đã 75 tuổi tuổi nhưng vẫn lạc quan, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng. Ông Thanh Khánh thường xuyên vận động đảng viên và nhân dân tham gia nhiều chương trình xã hội như gắn camera an ninh để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tạo tài khoản ngân hàng để chuyển đổi số…
Có thể nói, ông Nguyễn Thanh Khánh, chị Hoàng Thị Hiệu hay hai bạn trẻ Trí Lượng – Quốc Tàu chính là những cá nhân tiêu biểu cho những người Bà Rịa - Vũng Tàu yêu nước, sống tích cực, không ngừng phấn đấu để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đất lành, người ở
Những con người hồn hậu, truyền cảm hứng tạo đã tạo nên một cộng đồng văn minh, hiện đại, một vùng đất đáng sống cho tất cả mọi người. Nếu như vào thời điểm mới thành lập, thu nhập bình quân đầu người của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạt khoảng 500 USD/người/năm thì đến năm 2023 đã đạt 8.078 USD/người/năm (tăng hơn 16 lần). Đến đầu tháng 12/2023, Bà Rịa - Vũng Tàu đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thường xuyên đứng trong nhóm 5 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước, có nhiều đóng góp vào ngân sách quốc gia và là một trong số ít tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách địa phương từ năm 1996 đến nay. Tỉnh chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa cùng các chính sách an sinh xã hội khác.
Trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, hàng chục ngàn phần quà nhu yếu phẩm đã được tỉnh và các địa phương trao tận tay người khó khăn; chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được chi trả đầy đủ, kịp thời.
Đặc biệt, những năm qua, chất lượng giáo dục của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được nâng lên rõ rệt. Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có chất lượng tăng trưởng giáo dục nhanh và bền vững. Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân.
Tỉnh chủ trương tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp các trường công lập hiện có trên địa bàn, huy động nguồn xã hội hóa để phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập, phát triển hệ thống trường ngoài công lập đảm bảo mục tiêu, kế hoạch theo Phương án phát triển giáo dục đào tạo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Năm 2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được những kết quả vượt bậc về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá – thể thao, chứng minh nơi đây thực sự là vùng đất đáng sống hàng đầu Nam Bộ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Bà Rịa - Vũng Tàu, lũy kế 11 tháng năm 2023, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 14.000 lao động với số tiền 783,7 tỷ đồng; thực hiện trợ cấp thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng cho hơn 28.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí 222,72 tỷ đồng; các cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh đang nuôi dưỡng bình quân khoảng trên 700 người.
Nhìn chung, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội được đẩy mạnh, góp phần chăm lo, cải thiện đời sống người có công với cách mạng và thân nhân tốt hơn. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.
Để chăm sóc đời sống tinh thần và nâng cao văn hóa đọc cho người dân, công tác thư viện của tỉnh được đặc biệt chú trọng. Chỉ tính riêng tháng 11, thư viện tỉnh đã mở cửa phục vụ 103.250 lượt bạn đọc/350.624 lượt tài liệu; tổ chức 5 hội sách tại các trường học trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ và thành phố Vũng Tàu nhằm khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ đọc sách, vận dụng vào cuộc sống. Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến” năm 2023 của tỉnh đã có 135 tập thể và gần 7.000 thí sinh tham dự.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số, đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, công tác chăm lo sức khoẻ cho người dân, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cùng các hoạt động văn học - nghệ thuật luôn được chú trọng, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, đồng thời thu hút du khách, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tới đây làm việc, hợp tác, sinh sống, tính sinh kế lâu dài, cùng chung tay tạo nên sự thịnh vượng của Bà Rịa – Vũng Tàu.