Lớp lớp thế hệ những người con đất Việt luôn mang trong mình tình yêu lớn lao dành cho Bác bất kể họ là ai, sinh sống ở đâu và làm ngành nghề gì. Với những nghệ sĩ, tình yêu dành cho Bác Hồ không thể chỉ kể bằng lời, họ dồn toàn bộ tâm sức vào những tác phẩm nghệ thuật bằng tất cả sự kính yêu với vị cha già của dân tộc.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh: “Vinh dự và hạnh phúc lớn nhất là được chụp ảnh Bác Hồ”
“Niềm vinh dự và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được chụp ảnh Bác Hồ” - đó là những tâm sự của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, năm tháng đi qua, những bức ảnh chụp Bác Hồ là tài sản vô giá của nghệ sĩ Phan Đinh, là những khoảnh khắc chỉ đến một lần, là những kỷ niệm không thể nào quên; là niềm tự hào, nỗi xúc động lớn lao.Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Văn Đinh sinh năm 1933 tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời hậu địch, ông làm công tác thông tin liên lạc tại Văn phòng Huyện ủy Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1956, Ty Văn hóa Vĩnh Phúc được thành lập, ông Phan Đinh được phân công làm ảnh. Ông nhớ lại: Lần đầu tiên học về ảnh, tôi được cầm trên tay chiếc máy ảnh Rolleifelx của Đức, có người hướng dẫn, chỉ bảo, tôi nhớ còn được nhạc sĩ Hoàng Hà dạy cho cách chụp ảnh; ngoài ra, tôi tự mình đi tìm hiểu học hỏi thêm tại các hiệu ảnh, học viết chữ ngược để in li tô trong tối, để in bản tin “Vĩnh Phú hậu địch” tiền thân của Báo Vĩnh Phú…
Năm 1959, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1980, ôngtrở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là người đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phú được kết nạp khi đó. Trước khi nghỉ hưu vào năm 1988, ông là Giám đốc Công ty Nhiếp ảnh Vĩnh Phú. Đến nay, khi đã bước sang tuổi 90 với 64 năm tuổi Đảng, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất… nhưng trên tất cả điều khiến nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh nhớ tới nhiều và không ngừng tự hào, đó là những lần được gặp Bác Hồ, chụp ảnh Bác. Nghệ sĩ Phan Đinh kể lại: Vào tháng 12 năm 1958, khoảng 8 giờ sáng, tôi đang ngồi làm việc thì anh Trần Gia Bằng - Trưởng Ty Văn hóa Vĩnh Phú yêu cầu tôi sang ngay Văn phòng Tỉnh ủy để chụp ảnh. Tôi xách chiếc máy ảnh Rolleifelx cũ cỡ 6x6, chỉnh lại quần áo, đi guốc và chạy thật nhanh sang Văn phòng. Đến nơi, nhìn thấy tôi, anh Nguyễn Thạch Nghiên làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy chạy ra báo tin: “Bác về! Bác Hồ về! Chú vào chụp ảnh đi!”. Nghe được tin đó, tôi vội vàng bỏ cả guốc, đi chân không, chạy nhanh vào Văn phòng. Lúc này, Bác Hồ đang ngồi làm việc với anh Trương Quốc Thái - Thường trực Tỉnh ủy. Tôi không dám vào ngay, anh Nghiên lại giục: “Nhanh lên và khi chụp ảnh nhớ xin phép Bác”. Khi ấy, tôi rất run, lúng túng chuẩn bị máy ảnh. Vào trong phòng, tôi trấn tĩnh lại và nói: “Thưa Bác! Cháu xin được chụp ảnh Bác”. Bác Hồ từ từ quay sang nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, hơi mỉm cười và gật đầu. Tôi loay hoay tìm góc độ chụp và nguồn chiếu sáng vì trong phòng rất hẹp, chỉ có một nguồn sáng ở cửa chiếu vào mà máy của tôi hồi ấy chưa có đèn chụp, phải dựa vào ánh sáng tự nhiên. Thấy vậy, Bác chủ động xoay tư thế ngồi ra phía cửa cho thuận sáng, tôi lên phim và bấm liền ba kiểu rồi ra ngoài. Chỉ một chi tiết nhỏ mà tôi cảm nhận được sự ân cần, dung dị, hiểu biết của vị lãnh tụ kính yêu. Bởi vì chưa yên tâm, thỉnh thoảng tôi lại vào chụp một kiểu với góc độ và khẩu độ khác nhau. Bác nhìn tôi độ lượng và thông cảm. Đây là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh Bác, là kỷ niệm tôi mãi mãi không bao giờ quên được.
Lần thứ hai, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh có cơ hội chụp ảnh Bác Hồ là vào năm 1963, sau 5 năm kể từ lần đầu được chụp ảnh Bác. Ông Phan Đinh kể: Thời điểm đó, tại miền Bắc có rất ít phóng viên tỉnh nhỏ được chụp ảnh Bác Hồ, kể cả những tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Nghệ An…Lần đó, tôi được Thủ trưởng Trần Gia Bằng báo trước sẽ chụp ảnh Bác, anh còn viết sẵn đề cương để tôi chụp ảnh và giao yêu cầu: Sau khi chụp xong phải tráng phim, in, phóng cẩn thận ngay để phục vụ nhiệm vụ chính trị là mở triển lãm cho Nhân dân xem. Rút kinh nghiệm của lần đầu chụp ảnh Bác, tối hôm trước ngày Bác về, tôi cẩn thận kiểm tra máy, xem lại tốc độ, khẩu độ, phim âm bản để mang đi dùng, chuẩn bị trong đầu nhiều trường hợp chụp sao cho hiệu quả nhất. Bác về Vĩnh Yên là ngày 02/3/1963, hôm đó tôi cẩn thận chụp bằng hai máy ảnh nên chụp được khá nhiều ảnh, nhất là ảnh Bác nói chuyện với các tầng lớp Nhân dân, những khuôn mặt, nụ cười phấn khởi của các cụ già, đại biểu, các dân tộc, thanh niên, phụ nữ, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, học sinh, thiếu nhi… Đặc biệt, tôi thích nhất, trân trọng nhất tấm ảnh Bác giơ tay vẫy chào Nhân dân.
Trong 100 tấm ảnh ông Đinh còn lưu giữ được, bức ảnh Bác vẫy chào Nhân dân gây ấn tượng sâu đậm nhất. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh vẫn nhớ mãi những lần được gặp và chụp ảnh Bác Hồ. Ông bảo: Được chụp ảnh Bác là niềm vinh dự và hạnh phúc nhất đời, đó là nguồn động viên lớn lao suốt thời gian công tác của tôi. Tôi nhớ mãi nụ cười, ánh mắt sáng của Người. Đến tận bây giờ, mỗi lần cầm máy ảnh, tôi lại nghĩ đến phút giây đó với niềm vui, nỗi tự hào sâu sắc.
Hoạ sĩ Quỳnh Thơm: “Tôi vẽ Bác bằng cả trái tim mình”
“Tôi vẽ Bác bằng cả trái tim mình” - đó là lời bộc bạch của hoạ sĩ Quỳnh Thơm, hội viên chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc. Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, chỉ hình dung về Bác qua những câu chuyện kể, những tranh ảnh tư liệu nhưng với tất cả tình cảm và niềm kính yêu vô hạn dành cho Người, hoạ sĩ Quỳnh Thơm đã phóng tác thành công nhiều bức tranh về Bác.
Hoạ sĩ Quỳnh Thơm tên thật là Nguyễn Văn Thơm, sinh năm 1971 tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường; hiện sinh sống tại xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đầu năm 2022, sau câu chuyện của một người bạn thông tin về việc tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (02/3/1963-02/3/2023), trong đó có hoạt động văn hoá, nghệ thuật, hoạ sĩ Quỳnh Thơm đã mạnh dạn lên ý tưởng chưa từng có ở Vĩnh Phúc cũng như tại nhiều tỉnh thành với cá nhân một hoạ sĩ: Vẽ 60 bức tranh tương ứng với con số kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc. Trong hơn một năm, họa sỹ Quỳnh Thơm miệt mài hoàn thành ý tưởng trên bằng 45 bức tranh vẽ Bác Hồ, 15 bức tranh vẽ về kinh tế xã hội, danh lam thắng cảnh của tỉnh Vĩnh Phúc. Các bức tranh có khổ từ 1 mét đến 2 mét, bức lớn nhất khổ 1m5 x 2m4. Đặc biệt, 45 bức tranh vẽ Bác Hồ đều dựa trên tư liệu những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc: Từ năm 1955 đến năm 1968, Vĩnh Phúc vinh dự 8 lần được đón Bác Hồ về thăm. Mỗi lần đến thăm, Bác đều dành nhiều tình cảm cho quân dân Vĩnh Phúc, người dân Vĩnh Phúc cũng dành vô vàn tình cảm sâu đậm, kính yêu với vị lãnh tụ của dân tộc. Đây đều là những tác phẩm phóng tác từ ảnh tư liệu: Bác thăm, nói chuyện với lãnh đạo và Nhân dân thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; Bác nói chuyện với cán bộ, bộ đội và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc…Tất cả các bức tranh được sáng tác bằng chất liệu sơn dầu. Hoạ sĩ Quỳnh Thơm cho biết: Chất liệu sơn dầu có ưu điểm lớn là vẽ được nhiều lớp, tạo được độ sâu, sắc nét, khả năng đặc tả rất tốt, màu sắc bền, trường tồn với thời gian, tạo cảm giác gần gũi, chân thật - đây là điều tôi muốn hướng đến trong 60 bức tranh của sáng tác lần này.
Chia sẻ về ý tưởng cũng như quá trình sáng tác 60 bức tranh, hoạ sĩ Quỳnh Thơm cho biết: Dù được đào tạo về mỹ thuật nhưng do mưu sinh cuộc sống, một thời gian dài, tôi làm công việc thiết kế quảng cáo, không sáng tác tranh nhiều. Mãi đến năm 2021, tôi mới quay trở lại với nghiệp vẽ. Do mới bắt đầu lại nên khi đưa ra ý tưởng vẽ 60 bức tranh về Vĩnh Phúc, về Bác Hồ, tôi tự nhận thấy đây là con số lớn, là một việc làm “táo bạo”, đầy thử thách. Tuy nhiên, khi đã quyết tâm làm, tôi miệt mài ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu lịch sử, tư liệu sách báo, tranh ảnh về Bác, nghe nhiều câu chuyện kể về Người, trong đó nghiên cứu sâu về cuộc đời cách mạng của Bác, đặc biệt là 8 lần Người về thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi cũng dành thời giờ suy ngẫm, lên ý tưởng cho các bức tranh, khi bắt tay vào thực hiện, tôi chăm chút từng bức hoạ, sáng tạo không ngừng nghỉ để kịp với dấu mốc “ngày 02/3/2023 tròn 60 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc”. Khi vẽ, tôi dành tất cả tình yêu nghề, niềm kính yêu vô hạn đối với Bác vào trong các bức tranh của mình.
Và rồi, 60 bức tranh dần hoàn thành. Phóng tác từ ảnh sang tranh là một việc làm khó, nhất là khi ảnh tư liệu đã cũ, mang nhiều dấu tích của thời gian. Nhưng với hoạ sĩ Quỳnh Thơm, đó không phải là điều khó nhất. Hoạ sĩ chia sẻ: Vẽ lãnh tụ là chủ đề khó, vẽ về Bác lại càng khó hơn bởi Người vô cùng gần gũi với lớp lớp thế hệ người dân, tôi luôn trăn trở phải làm sao khắc hoạ về Bác chân thật và gần gũi nhất. Tôi đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu, thể hiện “cho được” dung nhan, phong thái gần gũi của Bác, từ vầng trán mênh mông, chòm râu, cử chỉ, bộ quần áo kaki, đôi dép cao su đơn sơ… Đặc biệt, Bác có đôi mắt vô cùng tuyệt vời, ánh nhìn sâu thẳm tràn đầy tình yêu thương với trẻ thơ, ánh nhìn trìu mến, đầy bao dung, ân cần với chiến sĩ, đồng bào nhưng với vận mệnh đất nước lại là ánh nhìn quyết đoán, sâu sắc...Thêm vào đó, phong thái của Người giản dị mà thanh cao. Trong từng nét vẽ, tôi cố gắng thể hiện rõ nét vẻ đẹp dung dị của Bác. Khi vẽ Bác, tôi rất xúc động. Bằng lòng nhiệt thành, đam mê của người họa sĩ, tôi tự nhủ: Phải làm sao vẽ nên chân dung Bác đúng với cốt cách, phong thái, vẻ đẹp của Người để giới thiệu chân thật nhất hình ảnh của Người, để Bác sống mãi trong lòng công chúng. Và để mỗi khi thấy Người, ai ai cũng sẽ càng trân trọng hơn, biết ơn người cha già dân tộc đã hy sinh tất cả cho vận mệnh dân tộc.
60 bức tranh của hoạ sĩ Quỳnh Thơm được trưng bày tại Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật “Vĩnh Phúc - 60 năm hành trình khát vọng” vào dịp tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc. Đây là niềm tự hào to lớn đối với họa sĩ Quỳnh Thơm. Tại triển lãm, những bức tranh của họa sĩ Quỳnh Thơm nhận được sự đánh giá cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Ngày 02/3/1963, hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, bộ đội và Nhân dân Vĩnh Phúc đón Bác, nghe Bác căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. 60 năm sau, Vĩnh Phúc chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh ở miền Bắc đúng như lời căn dặn của Người. 60 năm trước, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc đón Bác. 60 năm sau, hoạ sĩ Quỳnh Thơm vẽ 60 bức tranh về Bác Hồ với Vĩnh Phúc. Họ hoạt động nghệ thuật miệt mài, lưu giữ lại hình ảnh đẹp về Bác Hồ với tinh thần trách nhiệm cao với nghề và trên tất cả là lòng kính yêu vô hạn đối với Bác.