Đến với Lễ hội, du khách được trải nghiệm, tham gia các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống làm cốm tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà và Nhà văn hóa xã Tà Chải. Theo kế hoạch, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà sẽ diễn ra tại 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai.
Đến với Festival, du khách sẽ được trải nghiệm, tham gia các hoạt động nổi bật như: “Hương cốm Cao nguyên trắng”, các hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống làm cốm tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà và Nhà Văn hóa xã Tà Chải, thăm quan dinh thự Hoàng A Tưởng…
Festival “Hương cốm mùa Thu vàng” là hoạt động quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Tạo ra sản phẩm du lịch nổi bật, nhằm thu hút khách du lịch đến với Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Sản phẩm cốm từ xưa đến nay được coi là một trong những sản vật đặc sắc của Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung. Những hạt cốm của Bắc Hà được làm từ giống lúa nếp địa phương trồng ở nương đồi, núi cao khí hậu lạnh, thời vụ kéo dài, vì thế cũng mềm và có vị ngọt tinh khiết của núi rừng.
Cốm được làm theo phương pháp truyền thống nên hạt cốm dẻo, màu xanh tự nhiên và đặc biệt là có hương thơm độc đáo. Nhờ đó, sản phẩm cốm Bắc Hà, nhất là sản phẩm làng nghề cốm thôn Na Lo, xã Tả Chải, Na Hối và Bản Liền đã trở nên gần gũi, được nhiều người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh Lào Cai ưa chuộng.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư huyện Bắc Hà (Lào Cai) ông Nguyễn Duy Hòa cho biết với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, nên thơ, thanh bình của mùa Thu vàng, mùa lúa chín vùng cao, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc đặc sắc, hấp dẫn, thông qua Lễ hội mùa Thu năm 2022, huyện Bắc Hà dự kiến đón 30.000 lượt khách du lịch, tạo tiền đề để huyện tiếp tục tổ chức Lễ hội mùa Đông vào tháng 12.
Một số hình ảnh Hương cốm mùa thu vàng tại Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà: