Bằng những việc làm cụ thể, thiệt thực, hiệu quả, thời gian qua những cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên, Gia Lai nói chung, ở Đăk Pơ nói riêng đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại địa phương, trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, nhà nước với nhân dân, góp phần quan trọng làm cho cuộc sống, diện mạo ở các vùng, làng DTTS có sự đổi thay rõ rệt và xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.
Giấc mơ có thật
Nói điều hay, làm được nhiều việc tốt, hiệu quả, lại gần dân, hiểu dân, tận tâm, trách nhiệm trong công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua…là những nhận xét của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai và huyện Đăk Pơ thường nói về những cán bộ, đảng viên gương mẫu, người có uy tín, đặc biệt là các đồng chí Bí thư Chi bộ tiêu biểu người DTTS địa phương.
Trở lại Yang Bắc, Thành An, Ya Hội và một số địa bàn của huyện Đăk Pơ hôm nay chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cung đường nối từ quốc lộ 19 đi vào đã thảm bê tông rộng, thoáng, hai bên là những vườn cây xanh tốt, những ngôi nhà mới xây theo nhiều kiểu dáng rất đẹp, nhiều chiếc xe tải, xe công công nông chở đầy hàng lưu thông, minh chứng cho sự phát triển trù phú ở vùng đất một thời được cho là “khô cằn, sỏi đá”.
Như để “tháo gỡ” cái ngạc nhiên ban đầu của chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Thúy – Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc (Đăk Pơ) chia sẻ: Trong 5 năm trở lại đây nhờ làm tốt công tác vận động, hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, nhất là các đồng chí Bí thư Chi bộ, nên bà con dân làng đã biết trồng, chăm bón và thu hoạch hiệu quả ớt xuất khẩu, rau sạch, cây trồng bằng phân bón hữu cơ và hệ thống tưới nước tiết kiệm. Đây cũng là sản phẩm kết tinh từ phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, dân làng theo sau”. Nếu làng Jun đang phát huy thế mạnh “Nông thôn mới” của người Ba Na đầu tiên trong xây dựng, phát triển; thì làng Bung Bang Hven dưới sự điều hành của một người rất có uy tín, nữ Bí thư Chi bộ Đinh Thị Xắc cũng đang tới đích cuối cùng.
Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông Đinh Oeng - Trưởng thôn Jun nói như khoe: Làng Jun của người Ba Na mình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 theo Bộ Tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là làng đầu tiên của xã Yang Bắc và cũng là làng đầu tiên của huyện Đăk Pơ đạt chuẩn nông thôn mới. Làng có 74 hộ, gần 400 khẩu, trong đó có 66 hộ người Ba Na. Cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” đã hội tụ đầy đủ, là tiền đề để bà con dân làng phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống. Đến nay nhiều gia đình biết trồng cây công nghiệp, cây có giá trị kinh tế cao, lại biết nuôi heo, bò, gà vịt…nên thu nhập cao, nhiều gia đình trở thành hộ khá, hộ giàu, tiêu biểu như ông Đinh Văn Dước, chị Đinh Thị Săk….mỗi năm thu nhập cũng trên 500 triệu đồng. Tiền có được bà con dân làng đã biết tái đầu tư cho sản xuất, cho con em ăn học, xây nhà để ở, mua sắm dồ dùng sinh hoạt. Trẻ em đến tuổi đi học, người già ốm đau đến bệnh xá khám chữa bệnh, 100% gia đình có tivi để xem, có xe máy để đi làm. Tiền bạc và cuộc sống có được như hôm nay nó hiện thực sờ sờ xung quanh chúng ta, mà cứ tưởng là mơ, một giấc mơ có thực đẹp nhất ở trên đời. Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, đảng viên, người có uy tín cao ở làng, ở xã tiêu biểu như chị: Đinh Thị Em, phó bí thư chi bộ, Hội trưởng Hội phụ nữ làng Jun, ông Đinh Văn Dước, chị Đinh Thị Săk, Đinh Thị Xắc cả bà Phạm Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc và còn rất nhiều cán bộ khác nữa…
Nói rồi ông Đinh Oeng đưa tay chỉ và giới thiệu với chúng tôi những con đường bê tông rộng mở, những vườn cây xanh tốt, những ngôi trường mới xây khang trang đang chờ đón những học sinh bước vào năm học mới cùng với bao ước mơ đầu đời của mình về cuộc sống, sự nghiệp. Như để minh chứng thêm về sự đổi thay của thôn làng “đẹp tựa giấc mơ”, ông Trưởng thôn Jun dẫn chúng tôi đến tham quan ngôi Nhà rông văn hóa của người Ba Na nằm ở vị trí trung tâm làng. Lại thêm một sự ngỡ ngàng khác, bởi ngôi nhà rông được cách điệu theo nét văn hóa của bà con người Ba Na, nên trông rất đẹp, khang trang lại bề thế, mà theo ông Đinh Oeng đó là thành quả của hơn 230 ngày công và hơn 600 triệu đồng của dân làng tự nguyện đóng góp. Từ khi có nhà rông văn hóa này, mọi hoạt động của dân làng nhất là của thanh thiếu niên đều được tổ chức ở đây, những niềm vui nối tiếp lan tỏa trong cộng đồng.
Đồng chí Bí thu Huyện ủy huyện Đăk Pơ (người đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm xây dựng chi bộ với đảng viên xã Yang Bắc
Nụ cười của người dân là hạnh phúc của cán bộ
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, đội ngũ cán bộ đảng viên của tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Đăk Pơ nói riêng đã phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, chung sức hướng về thôn làng, bám dân, tuyên truyền giúp đỡ bà con hiểu biết thêm về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phương hướng phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của địa phương, để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, nhằm thoát cái nghèo, giảm cái đói, ổn định cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi về vẫn đề này, bà Đinh Thị Em, Phó Bí thư chi bộ, kiêm Chi Hội trưởng phụ nữ làng Jun cho biết: Trên cơ sở nội dung nghị quyết và hướng dẫn của Đảng ủy xã Yang Bắc, Huyện ủy Đăk Pơ, chúng tôi đã quán triệt, triển khai và phân công cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", “Ngày vì người nghèo", “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững"...nên hiệu quả đem lại khả thi. Nhiều hộ dân đăng ký thực hiện nếp sống mới, loại bỏ tập tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan. Nhiều gia đình tự lực vươn lên, mạnh dạn thay đổi cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và năng lực. Đến nay, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên có tích lũy, trở thành hộ khá, hộ giàu. Không có sự đầu tư của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và những cán bộ, đảng viên, người có uy tín gương mẫu “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”, lấy nụ cười của bà con làm hạnh phúc của mình như chị Đinh Thị Săk, Đinh Thị Em, Đinh Thị Xắc và ông Đinh Văn Dước, Đinh Chấp, Đinh Khai, Đinh Vút…thì đời sống của người dân Ba Na ở đây vẫn còn “như thủa tháng 10” biết bao giờ có “điện, đường, trường, trạm” như ngày hôm nay.
Ông Đinh Chấp (dân tộc Ba Na), Trưởng ban công tác Mặt trận và là “người uy tín” của làng Jrodong (Yang Bắc) cảm thấy ưng cái bụng như hôm nay, bởi cuộc sống của người Ba Na nơi đây đã đổi thay từng ngày. Theo ông Chấp, bước ngoặt cho sự đổi thay ấy là khi cán bộ địa phương bắt tay vào thực hiện các phong trào và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Để cuộc vận động có hiệu quả và làm cơ sở nhân ra diện rộng, cán bộ huyện, xã đã về tận làng, cùng với cán bộ, đảng viên người có uy tín của thôn cầm tay chỉ việc cho bà con từ những cái đơn giản nhất như cải tạo vườn tạp trồng rau, trồng cây ngô lai, mỳ cao sản; cách làm chuồng nuôi bò và di dời chuồng bò, chuồng heo ra khỏi nhà cho hợp vệ sinh... Nhờ đó, bà con dân làng đã có những chuyển biến rõ nét từ trong suy nghĩ đến việc làm. Nhiều thói quen lạc hậu dần được xóa bỏ thay vào đó là cách làm mới tiến bộ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây người dân trong làng ai muốn đi làm thì đi, ai muốn uống rượu thì uống. Bây giờ thì người dân, nhất là thanh niên trong làng đã thay đổi nhận thức, không còn tụ tập uống rượu, họ bảo ban nhau đoàn kết, chăm lo làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.
Nếu bà con làng Jun đang phát huy thế mạnh của làng “nông thôn mới” đầu tiên của người Ba Na trên địa bàn huyện Đăk Pơ, thì dân làng Bung Bang Hven cũng đang phấn đấu để tới đích cuối cùng. Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, bà Đinh Thị Xắc (người Ba Na), Bí thư Chi bộ làng Bung Bang Hven chia sẻ, trong cuộc sống muốn được an bình, no ấm, người Ba Na mình “Hướng về Đảng, Bác Hồ như rừng cây hướng về mặt trời”, “Hướng về cuộc sống, niềm vui của người dân là trách nhiệm và hạnh phúc của cán bộ, đảng viên”, bởi cán bộ là của dân, con em của bà con dân làng mà. Từ đó tôi đã nêu cao tinh thần gương mẫu, nói được, làm được, trước lúc vận động bà con làm một việc gì đó, tôi đã vận động gia đình, người thân thực hiện trước rồi sau đó mới trực tiếp đi tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình cùng thực hiện. Nhờ đó, trong những năm qua làng Bung Bang Hven luôn tạo được sức mạnh đoàn kết, giúp nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên rõ rệt, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 35,5 triệu đồng/năm, thì đến nay con số đó đã nâng lên 43 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa năm đạt trên 97%; 99% số nhà có ti vi, xe máy, công trình vệ sinh; tất cả con em đến tuổi đều đi học; đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Bung Bang Hven là một trong những làng luôn đi đầu trong toàn xã. Đến nay làng đã đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng NTM, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ phấn đấu để đạt 3 tiêu chí còn lại.
Trong quá trình thực hiện, tôi và cán bộ đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu đi đầu trong đóng góp cũng như quán xuyến công việc. Khi kết thúc từng phần việc đều đánh giá, rút kinh nghiệm việc làm được, chưa làm được và nhất là phải công khai việc thu, chi tài chính trước người dân trong xóm một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời kịp thời tuyên dương các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tích cực trong từng công việc của chi bộ, của xóm làng”.
Đứng trước ngôi nhà mới xây rất đẹp, ông Đinh Bếch (76 tuổi- Người Ba Na) ở làng Bung Bang Hven bộc bạch: Nhờ có cán bộ thôn làm mẫu, làm trước và đạt hiệu quả cao, rồi tận tình hướng dẫn cụ thể nên bà con mình không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước, bắp lai, sắn (mì) cao sản và ớt, mía mà còn biết chăm sóc, nuôi thêm bò, heo, gà…Nhà mình vụ ớt, mía và sắn cao sản vừa rồi, thu được gần 200 triệu đồng cộng với các khoản tiền tích lũy từ trước nên quyết định xây căn nhà này hơn 600 triệu. Có nhà đẹp, to, rộng, thoáng mát để ở, có xe máy để đi làm, đến mùa giáp hạt không còn cảnh đói khổ là sướng cái bụng quá rồi. Tuy nhiên vẫn buồn là trong làng, trong xã vẫn còn những hộ nghèo đói là bởi nhà đông con, bệnh tật, tệ hại hơn là có cả số người “siêng ăn, nhác làm”, lại nghiện rượu chè, nhưng chắc chắn thời gian tới họ sẽ vươn lên, vì bên họ còn có cấp ủy, chính quyền, có những cán bộ đảng viên tận tình chỉ ra cái sai để họ sửa, làm theo cái đúng như bà con…
Đánh giá về vai trò của cán bộ, đảng viên trong cộng đồng dân cư vùng DTTS, đồng chí Lê Thị Thanh Mai, Bí thư Huyện ủy Đăk Pơ khẳng định: “Cán bộ, đảng viên thôn làng vùng DTTS thường nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của mình lại biết phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung dân chủ, đã mạnh dạn xây dựng và phát huy bản lĩnh và phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, khách quan, từng bước vượt qua những rào cản tâm lý “mình là người DTTS”, những khó khăn, thách thức để hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa xã hội. Trước những công việc quan trọng của làng như: Tập trung xây dựng NTM, củng cố bảo tồn Văn hóa của người Ba Na, bài trừ hủ tục tảo hôn lạc hậu, di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi nhà, xây dựng nhà vệ sinh, đường làng xanh, sạch, đẹp…các đồng chí Bí thư Chi bộ đã cùng với tập thể cấp ủy xin ý kiến góp ý của các đảng viên và những người có uy tín trong làng và luôn đi đầu trong công việc. Cán bộ là người của làng, nên nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng của bà con, lại luôn cần mẫn, nhiệt tình, trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng NTM, biết nhân rộng lan tỏa, phát huy những cái mới, cái tốt và tháo gỡ những cái khó khăn nên được bà con địa phương hưởng ứng, ủng hộ.
Thực hiện phương châm “cán bộ của dân, vì dân”, những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ ở Gia Lai nói chung, cán bộ những thôn làng DTTS ở Đăk Pơ nói riêng thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng chung tay xây dựng vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.
(Còn nữa)