Ban Tuyên Huấn Khu V Anh hùng: Nhà in Khu V vượt qua gian khó

Lê Thức Cảnh

29/01/2022 22:48

Theo dõi trên

Đầu năm 1962, tại một khu rừng thuộc K40 (mật danh của Khu ủy Khu V lúc bấy giờ - thuộc huyện Trà My, Quảng Nam), cách Nước Là chừng 30 phút đi bộ, Nhà in Giải phóng Trung Trung bộ được thành lập. Mật danh liên lạc của Nhà in lúc đầu là X22, sau đó không lâu được đổi thành C9.

tuyen-huan-khu-v-1643471262.jpg

Quang cảnh hội trường đón nhận danh hiệu Anh hùng của cán bộ Ban Tuyên huấn Khu V thời kỳ chống Mỹ

 

“Hạt muối cắn đôi, C9 không biết đầu hàng” là lời tuyên thệ của tất cả cán bộ, nhân viên Nhà in ở thời khắc mới thành lập.

Nhiệm vụ chính của Nhà in được Ban Tuyên huấn Khu V giao cho là: Tổ chức in tờ báo Cờ Giải phóng (cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung bộ), tập san Tiền phong (cơ quan lý luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Khu V), sau năm 1967 thêm tạp chí Văn nghệ Giải phóng (của Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V) và một số tài liệu tuyên truyền khác của cách mạng... phát hành đến 6 tỉnh đồng bằng (Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) và 3 tỉnh miền núi (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk).

Khi mới thành lập, Nhà in có 4 máy in đẩy tay - loại máy này là sáng kiến của anh em công nhân Nhà in chiến khu Việt Bắc được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ - hơn 1.500kg chữ chì, vài tấn giấy in báo, một số vật liệu, dụng cụ khác... Tất cả đều là hàng chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc chuyển vào.

Bộ máy lãnh đạo gồm 3 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, nay trở về phục vụ cho chiến trường, do đồng chí Nguyễn Ngọc Mai vừa là thủ trưởng, vừa là Bí thư Chi bộ (có 3 đảng viên), cùng với 15 anh chị em thanh thiếu niên (có em 14, 15 tuổi) từ đồng bằng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định thoát ly lên căn cứ.

Thời kỳ này, vùng giải phóng Khu V chưa mở rộng. Nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm còn rất nhiều khó khăn. Khoai, sắn (củ mì), gạo - gạo “bọc thép” (gạo rẫy của đồng bào dân tộc sản xuất đóng góp cho cách mạng, loại gạo này có màu đỏ đục, do lúa thu hoạch vào mùa mưa, phải sấy, hong trên giàn bếp nên gạo rất cứng, phải nấu thật lâu cơm mới chín, cơm cứng nhưng ăn nhai kỹ rất bùi ngọt; anh em trên căn cứ hồi đó gọi đây là “gạo bọc thép”). Thực phẩm là các loại rau rừng, như măng nứa, rau ranh, rau dớn, môn dóc, tầm phục, rau tàu bay, lá sắn... nấu với nước cơm, không có muối. Nhiều tháng thiếu muối nghiêm trọng, ăn lạt nhiều ngày, nhiều người mắt bị mờ, bị phù nề, sức khỏe giảm sút, có lúc phải ăn cả tro cỏ tranh thay muối. Muối là thực phẩm duy nhất... được chia phần bằng nắp hộp dầu cù là cho các cán bộ đi công tác.

Đói cơm, lạt muối, bệnh tật... không làm nhụt ý chí mọi người. Và chính trong hoàn cảnh đó, lời thề thiêng liêng: “Hạt muối cắn đôi, C9 không biết đầu hàng”, được tất cả 18 anh chị em có mặt đầu tiên của Nhà in đồng tuyên thệ. Lời thề đó, theo thời gian biến thành sức mạnh tinh thần, trở thành truyền thống quý báu, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của anh chị em C9 (nhà in Khu V).

Sau trận càn Đỗ Xá 2 (giữa năm 1963), trận càn lớn nhất của địch vào căn cứ Trà My, nhằm truy lùng các cơ quan của Khu ủy V; tiếp đến là trận lụt có một không hai trong lịch sử ở miền núi Khu V năm 1964... Nhà in phải di chuyển từ suối K40, đến suối Ồ, thuộc nóc ông Thiên gần làng Táklũ (xã Mai), kịp thời phục vụ báo Cờ Giải phóng và tập san Tiền phong được phát hành đều đặn mỗi tháng một kỳ. Nhưng đời sống lại khó khăn hơn trước. Có người bị sốt rét nặng, trong cơn mê sảng đã lảm nhảm, nói: “Cho em... chút... muối”... Biết chuyện đó, các anh lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu V càng quan tâm đến mọi hoạt động, nhất là đời sống vật chất của Nhà in. Đồng chí Hồ Quốc Phương (Hồ Dưỡng) - Phó ban Thường trực Ban Tuyên huấn Khu V, sau khi nghe báo cáo tình hình Nhà in, đã quyết định “nhín” phần “kho” của Ban, cho anh chị em Nhà in được “liên hoan” một bữa cơm... không độn. Đồng chí lấy trong ba lô của mình một lọ muối hầm và nói: “...Liên hoan, được ăn cơm thật no, nhưng đừng thừa... còn muối thì cho tự do!”. Anh chị em reo mừng, vì cảm động và vui sướng đến chảy nước mắt. Nhiều lần các anh Lê Nam Bằng, Hoài Nam, Châu Hoàn, Minh Hoài (Ngô Duy Đàm)... là cán bộ, là lãnh đạo của báo và tập san, mỗi lần sang đưa bài cho Nhà in đều có cử chỉ quan tâm như lúc thì ống lương khô, lúc gói kẹo, ống mì...

Để khắc phục từng bước khó khăn về lương thực, thực phẩm, Nhà in bắt đầu triển khai ngay sản xuất tự túc. Dựa vào đồng bào dân tộc, nhờ họ chỉ những vùng đất rừng để phát rẫy, hướng dẫn về thời vụ, cách chọc lỗ, tỉa lúa, cách chọn giống hom sắn và các loại rau, đậu khác... Hầu hết anh chị em không phân biệt cán bộ hay nhân viên phải thay phiên nhau vừa bảo đảm công tác chuyên môn, vừa tham gia sản xuất, gùi cõng hàng hóa... Những người thợ in C9, 100% quân số, 24/24 giờ mỗi ngày... lúc nào cũng có người bên máy in, mâm chữ (chuyên môn), trên đường (gùi cõng), ngoài rẫy (sản xuất)...

Mùa rẫy đầu tiên, đơn vị thu được gần 400 ang lúa và các loại rau màu khác. Có lương thực, vừa cải thiện một phần việc bồi bổ sức lực, vừa để tạo điều kiện cho chăn nuôi. Nhiệm vụ dự trữ lương thực, thực phẩm cũng được đặt ra từ đây và được coi ngang hàng như việc dự trữ nguyên vật liệu chuyên môn.

Đầu năm 1965, vùng giải phóng Khu V được mở rộng. Tinh thần hướng xuống đồng bằng được gấp rút triển khai. Nhà in được chi viện máy in đạp miner của Pháp, dao xén giấy khổ 0,9cm do nhà máy Cơ khí Trung quy mô Hà Nội sản xuất. Giao lưu giữa căn cứ và đồng bằng thuận lợi hơn trong việc mua sắm nguyên vật liệu, dụng cụ, nhất là nguồn giấy ram để in các tài liệu ngoài báo Cờ Giải phóng, tiết kiệm được tối đa giấy in báo (do phải vận chuyển từ miền Bắc vào). Song song với việc tăng cường thiết bị... Nhà in còn được Ban Tuyên huấn bổ sung đồng chí Trương Thanh Hà, cán bộ của Ban sau hai năm tham gia công tác vận động phá ấp chiến lược, giành dân ở đồng bằng huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), huyện Tam Kỳ (Quảng Nam), về làm thủ trưởng đơn vị (lúc này đồng chí Nguyễn Ngọc Mai chuyên trách công tác đảng). Cùng thời điểm, Trung ương điều động thêm 3 cán bộ chuyên môn ở các nhà in miền Bắc vào tăng cường. Đồng thời, Nhà in cũng tiếp nhận thêm thanh niên từ một số tỉnh đồng bằng thoát ly lên căn cứ, nhằm bổ sung nhân lực, đưa tổng số cán bộ, công nhân lên gấp đôi, đáp ứng nhiệm vụ “mở ra” sắp tới.

Nhà in đã chuyển xuống Xuân Bình - một làng giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng thuộc huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - cách xã Kỳ Yên một buổi đường đi bộ (cách các cứ điểm địch đóng cũng tương đương như vậy). Tài liệu in, số lượng tăng gấp đôi. Báo Cờ Giải phóng một tháng ra hai kỳ, 2 màu, 5.000 số/kỳ. Khẩu hiệu của C9 thời điểm này là: “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”. Nhiều phương tiện ánh sáng được trang bị: đèn dầu, đèn bão, đèn măng xông... thắp sáng suốt đêm in tài liệu. Nhiều anh chị em ban ngày đi sản xuất hoặc gùi cõng, ban đêm xếp chữ, in báo, đóng sách, bao gói sản phẩm để sáng hôm sau kịp phát hành đến các trạm giao bưu. Có đồng chí ban ngày làm chuyên môn, ban đêm lặn lội trong rừng săn bắn thú để cải thiện đời sống. Ở địa điểm này, Nhà in tổ chức vỡ hóa cánh đồng Xuân Bình (đã bị bỏ hoang gần 10 năm). Máy bay địch bắt đầu rà soát, quần đảo suốt ngày, tìm kiếm hoạt động của quân giải phóng. Một lần bị lộ, chúng cho trực thăng, B-57... ném bom, bắn phá suốt hai giờ đồng hồ liền. Đây là lần đầu tiên anh chị em Nhà in bị máy bay địch oanh tạc. Chúng còn kêu pháo 105 từ Tam Kỳ bắn lên và còn rải chất độc hóa học nhằm tạo ra một vùng trắng rộng lớn. Tuy không bị thiệt hại về người, nhưng cơ sở sản xuất phải dời đến nơi khác và còn gánh chịu những mất mát về vật chất đáng kể. Đó là thời kỳ Mỹ đổ quân ồ ạt lên Đà Nẵng, cuộc “chiến tranh cục bộ” bắt đầu.

Toàn bộ các cơ quan xung quanh Khu ủy lần lượt chuyển dần lên vùng cao. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Nhà in phải di chuyển đến 5 địa điểm khác nhau, mỗi địa điểm cách nhau hơn một ngày đường. Đầu tiên là Phước Lãnh 1, đến Phước Lãnh 2 (huyện Tiên Phước)... Khi đến đây, công việc xây dựng lán trại, nhà cửa chưa xong, đã có lệnh đi nơi khác: Trà My! Đến nóc ông Bình, ông Ngươn, ông Xoa. Trong các chuyến di chuyển này, anh chị em đã vận chuyển hàng bằng đôi vai, với lòng quyết tâm của mình... khoảng 35 tấn/lần chuyển theo tuyến đường dài với những máy móc, nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm... Nhiều đoạn đường leo núi, dốc cao, vực thẳm, trèo đèo, vượt lũ... Có ngày, con vắt hút máu bám đầy mình, máu lẫn mồ hôi nhễ nhại, nhưng tiếng hát vẫn luôn vang lên: “Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần chống Mỹ vẫn cao hơn đèo”... hay “Hò dô ta nào! Kéo pháo... ta vượt qua... núi!”. Có đồng chí bị sốt rét, lúc lên cơn dữ dội, anh chị em phải chia hàng ra cõng thêm, mặc dầu phần mình đã rất nặng hoặc gùi của mình đi một đoạn để đó, quay lại cõng giúp đồng đội và cứ vậy mà... cùng di chuyển. Hơn 9 ngày di chuyển vô cùng gian nan, khổ cực, anh chị em C9 đã về đến địa điểm quy định an toàn.

Thu - Đông 1967, cả miền Nam chuẩn bị vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhà in chuẩn bị đón nhận những nhiệm vụ nặng nề nhất, gian khổ nhất và cũng là vinh quang nhất đang đặt ra trước mắt mọi người. Chúng tôi có được may mắn là được lãnh đạo cho biết trước những chủ trương của trên... do đặc tính công việc nặng nề, cồng kềnh mỗi lần di chuyển và do tinh thần kỷ luật và ý thức bảo mật của tập thể Nhà in C9, nên luôn được cấp trên tin cẩn. Nhà in được chia làm hai bộ phận:

Bộ phận 1 - Tiền phương luôn luôn bám sát theo Ban Tuyên huấn, phục vụ chiến trường trọng điểm. Trang bị của bộ phận này rất gọn nhẹ, khả năng cơ động cao khi gặp tình huống nào cũng xử lý được. Toàn bộ máy móc, người đều phải sinh hoạt, làm việc dưới hầm kiên cố (trên ngọn đồi nằm phía Tây xã Lộc Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà) là khu A.

Bộ phận 2 (khu B) cách khu A ba ngày đường đi bộ, leo núi. Hai nhiệm vụ chính của bộ phận này là:

- In ấn tài liệu theo kế hoạch định kỳ. Lúc này, miền Bắc chi viện cho Nhà in một số máy mới: máy in Tứ Khai chạy bằng điện, 2.000kg chữ tít cỡ lớn và chữ chì mới, mục đích để in báo Cờ Giải phóng khổ lớn; máy chụp ảnh chế bản kẽm, công tắc bằng đèn hồ quang, máy phát điện 20kWA, 10 cán bộ có trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý và tay nghề cao, hầu hết từ Nhà in Tiến Bộ, Hà Nội. Đây là những anh chị em quê hương miền Bắc đầu tiên có mặt tại Nhà in, trực tiếp tham gia phục vụ chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước.

- Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của Nhà in ở khu B là tổ chức sản xuất theo quy mô lớn hơn tất cả thời gian trước, nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho cả hai bộ phận, trên tinh thần: “Tất cả vì anh chị em ở tiền phương đang ngày đêm chịu ác liệt, gian khổ và hy sinh”.

Bộ phận tiền phương luôn luôn phải đối phó với sự đánh phá rất ác liệt bằng máy bay, đại bác tầm xa, bằng cả B-52 rải thảm khắp vùng: nhiều toán “Mỹ lết” đổ quân lùng sục, tìm kiếm quân ta, có sự yểm trợ của máy bay và đại bác suốt ngày đêm. Trong lúc đó đời sống cũng rất khó khăn: gạo không có, phải ăn củ nưa thay cơm. Không muối phải ăn ớt thật cay thay mặn; làm việc dưới hầm nhưng không bao giờ ổn định, vì nằm trong tầm pháo 105ly của cao điểm Chóp Chài, chúng bắn phá dữ dội không kể giờ giấc. Nhà in phải hoàn thành gấp một số tài liệu đặc biệt. In xong được lệnh vừa chiến đấu vừa di chuyển khỏi vòng vây của địch. Một cuộc họp khẩn cấp. Tất cả đơn vị giơ cao nắm tay thề quyết tử, quyết vượt khỏi vòng vây. Nhiều lúc phải ẩn mình cho địch đi qua, nhiều đoạn đường dấu giày đinh của địch còn mới tinh... 17 giờ chiếu ấy, đoàn chia thành 3 tổ vượt qua sông nước Mỹ (Đák Mi). Địch phát hiện, trên 20 quả pháo 105ly bắn vào tổ 2 khi đang vượt qua sông. Anh em vừa tránh đạn, vừa tranh thủ bắt trên 15 ký cá chết (do đạn pháo) còn tươi rói. Và đêm đó, đoàn tiền phương C9 được bữa liên hoan mừng thắng lợi, vui và ngon không gì bằng.

Cũng thời gian này, anh chị em ở khu B cũng phải vượt qua không ít những khó khăn, gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc hoàn thành công việc in ấn những tài liệu có số lượng lớn, nhiều tập thơ, truyện ký, ảnh Bác, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng, truyền đơn, áp phích... được in xong, phát hành trong thời điểm sôi động nhất. Công tác sản xuất tự túc lúa rẫy tăng gấp đôi so với năm trước; rẫy sắn, ngô, đậu trồng xen canh đại trà trên những rẫy cũ; tổ đánh cá, tổ chăn nuôi heo, gà và tổ săn bắn thú rừng... đều thu hoạch lớn. Mùa rẫy năm 1968, thu hoạch 1.080 ang lúa, trên 15.000 gốc sắn, gần 5 tấn ngô hạt, đậu, bí, bầu và chăn nuôi được hàng trăm con gà thịt, 40 con heo từ 50kg/con trở lên.

Đây là chặng đường thử thách lớn lao nhất của C9 và cũng là thời kỳ C9 gánh chịu những đau thương, mất mát lớn lao nhất, những tổn thất về người trong hai năm 1968 -1969 chưa kịp nguôi đi trong lòng mỗi người... thì Nhà in nhận được chỉ thị của Ban Tuyên huấn: “Tổ chức nhanh nhất, in đẹp nhất 10.000 bức ảnh Bác Hồ và chuyển ngay xuống đồng bằng, để kịp...”. Cả Nhà in đã nghĩ đến một điều mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến: “Bác Hồ mất!”. Nước mắt mọi người tuôn trào, không ai nói điều gì và cũng chẳng ai nghĩ đến cơm nước nữa! Cuộc hành quân cấp tốc trong đêm từ khu A vào khu B. Đoạn đường đó thường đi mất 3 ngày. Nhưng chuyến đi cấp tốc này, chỉ mất 1 ngày và 10 giờ đồng hồ. Sau đó, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thật đặc biệt ấy một cách xuất sắc trong đau thương và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Nhà in cũng in và phát hành cấp tốc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong lễ tang Bác... Đó là những tài liệu, những bức ảnh Bác Hồ mà người công nhân Nhà in Giải phóng Trung Trung bộ hoàn thành nhanh nhất, đẹp nhất, hoàn thành trong nước mắt và nỗi đau thương. Những ấn phẩm đặc biệt ấy, mà cho đến bây giờ và mãi mãi về sau không một ai ở C9 có thể quên được.

Năm 1971, hai bộ phận A và B được tập trung lại, đóng tại Trà My của tỉnh Quảng Nam. Bắt đầu có thay đổi lớn về tổ chức. Thủ trưởng Trương Thanh Hà được trên đề bạt làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu V. Một số cán bộ cũng được điều về Ban nhận công tác mới. Một số đồng chí khác ra Bắc nhận viện trợ, một số được đi học, chuẩn bị cho tương lai... Mặt khác, Nhà in nhận kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân cho các tỉnh đồng bằng từ Quảng Đà tới Phú Yên. Họ là những người sẽ tiếp quản cho các nhà in địa phương khi giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bấy giờ, Nhà in đã hình thành các bộ phận: sắp chữ, máy in, đóng sách, phát hành. Báo Cờ Giải phóng mở rộng khổ lớn. Nhiều tài liệu được in màu, chất lượng cao. Ảnh Bác lần đầu tiên được in màu tại đây. Hàng hóa do miền Bắc chi viện nhận trực tiếp tại các binh trạm do Trung ương quản lý, bắt đầu có ôtô vận chuyển thiết bị nặng. Tuy điều kiện kinh tế có cải thiện hơn trước, Nhà in vẫn duy trì truyền thống sản xuất lương thực, thực phẩm với quy mô phù hợp tình hình mới. Những ao cá Bác Hồ xuất hiện trên vùng cao, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ được phát triển. Tin chiến thắng từ khắp các chiến trường và cả nước đưa về qua các trang tin tham khảo làm nức lòng mọi người. Họ thầm hiểu, những chiến thắng đó có công sức đóng góp của họ. Chúng tôi cảm nhận có một điều gì rất lớn lao như cơn bão đang đến gần.

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, chúng tôi được lệnh xuống đồng bằng. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, báo Cờ Giải phóng in số đầu tiên bằng khổ lớn 4 màu phát hành đúng dịp Đà Nẵng mừng Khu V, mừng miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ít ai biết tại khách sạn Modex, số 172 đường Bạch Đằng, Đà Nẵng ngày đêm phát ra những âm thanh quen thuộc từ những cỗ máy in đã vượt qua lửa đạn của bao năm dài ở Trường Sơn hùng vĩ, theo chân những con người C9 trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975!

Cũng từ ngôi nhà C9 này, từ khách sạn Modex này, chúng tôi đã có cuộc chia tay sau một chặng đường lịch sử, đầy những kỷ niệm đã qua. Một cuộc chia tay mà mọi người cùng cười ra nước mắt, để cho bao ước mơ trong đau khổ và hy sinh sẽ được thành tựu trong tương lai...

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ban Tuyên Huấn Khu V Anh hùng: Nhà in Khu V vượt qua gian khó" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn