Trong môi trường xã hội, mọi hoạt động của con người đều có mục đích. Các phương thức quản lý là cách thức để các hoạt động văn hóa đạt được mục tiêu đặt ra. Đối với hoạt động văn hóa, ngoài phương thức quản lý nhà nước về văn hóa là các phương thức quản lý khoa học, còn gọi là phương thức quản trị doanh nghiệp, phương thức quản lý hành chính của nhà nghiên cứu khoa học Taylor, Hen Ry Fayel; là phương thức tự quản của các cộng đồng tập thể, cá nhân khi tham gia vào hoạt động văn hóa.
Hoạt động văn hóa là một thực hành xã hội của con người nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Nội dung quan lý hoạt động văn hóa có tính lịch sử, gồm nhiều phương thức quản lý. Phương thức quản lý thế nào cần được hiểu đầy đủ, sâu sắc để nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia hoạt động văn hóa, nhất là về các phương thức quản lý để vận dụng vào thực tiễn quản lý hoạt động văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu quản lý đặt ra.
1. Hoạt động văn hóa
Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Cuộc sống của con người kế tiếp các hoạt động, chính là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Đó là quá trình chuyển hóa năng lực lao động và các phẩm chất tâm lý của bản thân thành sự vật biểu hiện trong thực tế và là quá trình tách những thuộc tính của sự vật trong thực tiễn quay trở lại với chủ thể, biến thành nguồn vốn tinh thần của chủ thể.
Hoạt động văn hóa diễn ra hai quá trình:
- Một là quá trình đối tượng hóa (xuất tâm): nghĩa là chuyển năng lực cá nhân thành sản phẩm của hoạt động văn hóa. Tâm lý được bộc lộ, được khách thể hóa trong quá trình làm ra sản phẩm văn hóa.
- Hai là quá trình chủ thể hóa (nhập tâm): nghĩa là chủ thể chuyển nội dung khách thể (quy luật, bản chất của sự vật) vào bản thân mình hoàn thiện tâm lý, ý thức, nhân cách, chính là quá trình con người lĩnh hội các giá trị từ thế giới tự nhiên và xã hội để nâng cao phẩm chất, năng lực của bản thân.
Bản chất của văn hóa là hoạt động sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp được xã hội thừa nhận, coi đó là chuẩn mực mà con người hằng mong muốn đạt được.
2. Các phương thức quản lý hoạt động văn hóa
2.1. Phương thức quản lý nhà nước về văn hóa
Quản lý hoạt động văn hóa là xem xét các chủ thể quản lý (cá nhân, tổ chức) đưa ra các nguyên tắc, cách thức, biện pháp gì tác động vào hoạt động văn hóa hướng tới mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bất luận xã hội nào hoạt động văn hóa cũng biểu hiện ở hai dạng:
- Sự thể hiện của các hành vi cá nhân trong xã hội.
- Sự biểu hiện của các cá nhân tham gia vào quá trình hoạt động của một tổ chức hoạt động văn hóa.
Nhà nước thông qua hệ thống chính quyền các cấp ở trung ương và địa phương thực hiện sứ mệnh quản lý hành vi và quá trình hoạt động văn hóa của con người trong xã hội.
Trước thời điểm đổi mới (năm 1986), mô hình quản lý xã hội ở nước ta là quản lý theo phương thức hành chính, mệnh lệnh. Mọi hoạt động văn hóa diễn ra trên địa bàn đều phải tuân thủ theo quy định của các văn bản hành chính và mệnh lệnh trực tiếp của người có thẩm quyền ở các cấp hành chính.
Năm 1991, Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đánh dấu thời kỳ Nhà nước chuyển nhanh sang quản lý xã hội thông qua chính sách, pháp luật. Các hoạt động văn hóa được điều chỉnh thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật mà mọi công dân đều phải tuân thủ. Nguyên tắc quản lý là “thượng tôn pháp luật”; “mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật”. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm pháp luật, Nhà nước có chế tài xử lý.
Như vậy, sau thập kỷ 90 thế kỷ 20, quản lý hoạt động văn hóa ở nước ta chịu sự chi phối, điều chỉnh trực tiếp của hệ thống các văn bản pháp luật về văn hóa. Cơ quan thực thi quản lý là các cơ quan quản lý hành chính các cấp về văn hóa. Cơ chế này dẫn đến phương thức quản lý nhà nước về văn hóa đóng vai trò quyết định chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý các hoạt động văn hóa trên địa bàn theo phân cấp, phân quyền của chính quyền trung ương và địa phương.
Năm 2014, hai nhà nghiên cứu Phan hồng Giang, Bùi Hoài Sơn xuất bản công trình: Quản lý văn hóa trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã đúc rút đưa ra định nghĩa:
“Nhìn chung chúng ta thường hiểu rằng, quản lý văn hóa là công việc Nhà nước được thực hiện thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa đồng thời nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Ngoài ra, quản lý văn hóa còn được hiểu là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được trao quyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách thể (là mọi thành viên tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn (bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng của người dân)...”. [1].
Quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực, được sử dụng quyền lực Nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người. Quản lý nhà nước là quá trình nắm và điều hành bằng pháp luật, chính sách, kế hoạch và các công cụ khác của Nhà nước trong mọi lĩnh vực mà hoạt động xã hội có liên quan… do hệ thống các cơ quan Nhà nước (lập pháp, tư pháp, hành pháp) từ trung ương đến cơ sở tiến hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, quyền hạn của mỗi cơ quan. Quản lý nhà nước còn gọi là quản lý vĩ mô, điều chỉnh mọi tổ chức, hoạt động và hành vi của con người trong xã hội.
Nội dung chủ yếu của quản lý nhà nước về văn hóa gồm những công việc cụ thể sau:
- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện các văn bản đó;
- Lập kế hoạch, quy hoạch, chiến lược và chỉ đạo triển khai thực hiện các việc trên;
- Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của hiến pháp, pháp luật;
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ;
- Sắp xếp tổ chức bộ máy điều hành;
- Qui định và hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm công tác triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đề ra;
- Theo dõi, đôn đốc, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật;
- Quan hệ quốc tế về văn hóa
- Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác thực hiện các nhiệm vụ đề ra để điều chỉnh chính sách, pháp luật.
2.2. Phương thức quản trị hoạt động văn hóa
Năm 1996, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra chủ trương: “Giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt”.
Xã hội hóa văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và hợp tác xã, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia vào phát triển sự nghiệp văn hóa, đồng thời động viên các tổ chức sự nghiệp văn hóa của Nhà nước từng bước thích ứng với cơ chế thị trường theo tinh thần tuân thủ luật pháp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày một cao và đa dạng của nhân dân.
Nước ta đi vào kinh tế thị trường. Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước phát triển từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần trong cơ chế thị trường đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chủ động tham gia vào các hoạt động văn hóa. Hàng nghìn đơn vị tập thể, cá nhân ra đời tham gia hoạt động kinh tế và phát triển sự nghiệp văn hóa. Các đơn vị này ngoài việc chịu sự quản lý nhà nước về văn hóa, họ đã vận dụng lý thuyết quản lý văn hóa hiện đại, còn gọi là quản trị đối với các đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp
Lý thuyết quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường đã được nhiều học giả trên thế nghiên cứu đề xuất.
Frederiek Winslow Taylor (1856-1915) đưa ra định nghĩa: “Quản lý là biết được chính xác điều bạn muốn người khác làm và sau đó hiểu được rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất”. Ông là người xây dựng lý thuyết quản lý theo khoa học có ảnh hưởng lớn trên thế giới vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Quản lý là sự tác động có chủ đích, có tổ chức của chủ thể quản lý lên đối tượng bị quản lý và khách thể của quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống để đạt được mục đích đề ra trong điều kiện biến động của môi trường.
Các nội dung cơ bản của quản lý:
(1) - Đối tượng tác động quản lý: Quản lý ai?
(2) - Hệ thống quản lý: Sự liên kết chủ thể quản lý với đối tượng quản lý.
Ai quản lý? Quản lý ai? Quản lý cái gì?
(3) - Tác động quản lý: gồm nhiều biện pháp khác nhau, tạo thành cơ chế quản lý.
(4) - Cơ sở của quản lý: các quy luật khách quan, tính khách quan. Quản lý phải phù hợp quy luật.
(5) - Phải có mục tiêu: mục tiêu đặt ra cho chủ thể và đối tượng quản lý. Mục tiêu không rõ ràng tác động quản lý khó xác định.
Lý thuyết quản lý theo khoa học của Taylor tiếp cận quản lý từ dưới lên thì học giả Hen Ry Fayel đã đề xuất lý thuyết quản lý hiện đại nhìn tổng thể từ trên xuống, còn gọi là lý thuyết hành chính, quan tâm đến vai trò của các nhà quản lý, nêu quy trình quản lý gồm 5 yếu tố cấu thành là:
- Dự báo và xây dựng kế hoạch
-Tổ chức thực hiện
- Lãnh đạo, chỉ đạo
- Điều khiển, phối hợp ra quyết định
-Kiểm tra, Kiểm soát.
Cho tới những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lý thuyết quản lý theo khoa học và quản lý hành chính đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam và các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp văn hóa trong ngoài công lập đã vận dụng lý thuyết trên vào quản lý các hoạt động văn hóa.
2.3. Phương thức tự quản văn hóa của cộng đồngcư dân và tổ chức
Trong hoạt động văn hóa, việc bao vệ, phát huy di sản văn hóa và văn hóa dân gian chiếm tỉ trọng lớn trong đời sống tinh thần của con người.
Năm 2003, Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục (UNESCO) của Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Điều đáng lưu ý là Công ước khảng định vai trò của cộng đồng đối với việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của mỗi quốc gia:
“Ghi nhận rằng các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảovệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” [2].
Coi các nghệ nhân giữ di sản văn hóa phi vật thể là “Báu vật nhân văn sống”, khuyến cáo các quốc gia thành viên lập danh sách tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc và danh sách tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp giữ gìn giá trị văn hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 15 của Công ước 2003 đã khuyến cáo các quốc gia: “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý” [2].
Sau Công ước 2003 của UNESCO, các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã nhận thức sâu sắc hơn vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể tự quản đối với các hoạt động văn hóa liên quan đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hoạt động văn hóa rất rộng lớn đa nghành (văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình và đa lĩnh vực như trong ngành văn hóa lại có các lĩnh vực: xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, đào tạo, quyền tác giả, thanh tra...
Thấm nhuần quan niệm tiểu Nhà nước, đại xã hội, Nhà nước đã ghi nhận và tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho các chủ thể cộng đồng dân cư, tổ chức, các nhóm sở thích tham gia vào các hoạt động văn hóa, vì vậy nội dung quản lý hoạt động văn hóa không thể không nhắc tới phương thức tự quản của chủ thể cộng đồng.
2.4. Phương thức tự quản lý của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động văn hóa
Hoạt động văn hóa diễn ra có tốt hay không phụ thuộc vào mỗi cá nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa. Phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt các hoạt động văn hóa. Do vậy mỗi cá nhân trong xã hội cần được bồi dưỡng về lý tưởng chính trị, pháp luật, nâng cao nhận thức về thẩm mĩ, biết cái gì là đẹp, thế nào là đẹp, từ đó mỗi cá nhân tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn để chủ động thực hiện tốt các công việc văn hóa mình tham gia, tự khép mình vào kỷ luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện theo các chuẩn mực xã hội. Đó là quá trình mỗi cá nhân tự quản lý mình để là người sống tốt, có ý thức, tích cực, nhiệt tình vì công việc chung góp phần làm cho hoạt động văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng con người và phát triển nền văn hóa dân tộc. Đó là phương thức tự quản lý của mỗi cá nhân khi tham gia vào các hoạt động văn hóa.
Phương thức tự quản lý của mỗi cá nhân đòi hỏi các chủ thể quản lý cần có chiến lược về đào tạo chuyên môn, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với các cá nhân trong xã hội chuẩn bị cho họ hành trang về phẩm chất, năng lực để tham gia vào các hoạt động văn hóa.
Tóm lại, quản lý hoạt động văn hóa là công việc cần thiết trong xã hội đảm bảo để nền văn hóa dân tộc phát triển theo đúng đường lối văn hóa của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiết thực góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Nội dung quản lý hoạt động văn hóa là sự kết hợp của nhiều phương thức quản lý, trong đó quản lý nhà nước về văn hóa được đặt lên hàng đầu, thứ nữa là vận dụng lý thuyết quản lý theo khoa học, quản lý hành chính đối với các đơn vị văn hóa tham gia vào hoạt động văn hoa trong cơ chế thị trường cùng với việc phát huy cao độ vai trò tự quản của cộng đồng xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào các hoạt động văn hóa.
-------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn đồng chủ biên ( 2014), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.25-26.
2. Luật Minh Khuê (2002), Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, https://luatminhkhue.vn/cong-uoc-ve-bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the.aspx, truy cập ngày 30/4/2023